Dòng suối Đa Mê và chim Humming Bird

Ghi dấu 56 năm ra đi của nhà văn Nhất Linh

Buổi chiều tháng 6. Tôi đứng trong nhà nhìn qua khung cửa sổ, cái vườn bậc thang dựng trên một con dốc thoai thoải. Mỗi bậc trồng một loại hoa khác nhau. Tháng này hoa Mẫu Đơn (Peony) đang thi nhau nở, cái lộng lẫy của Mẫu Đơn làm những loại hoa khác như chìm đi. Có một con chim Humming Bird từ đâu bay tới, nó đập cánh xoay tròn chung quanh bông Mẫu Đơn, cứ xoay hoài mà không đậu lại. Tôi chưa nhìn thấy con chim này đậu bao giờ. Hình như loại chim này không biết đậu và không biết mỏi cánh.

Con chim này làm tôi nghĩ đến những con người dành cả cuộc đời mình cho một lý tưởng, một đam mê nào đó, không bao giờ ngưng nghỉ. Họ ngưng lại để chết, thế thôi.

Tôi hình dung ra sự liên hệ giữa loài chim Humming Bird và nhà văn Nhất Linh.

Anh Thiết, người bạn rất thân thiết của chúng tôi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của hai đấng thân sinh ra anh. Nhà văn, nhà cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và Mẹ anh, Chị Tam (những bạn thân của Nhất Linh thường gọi bà như vậy.)

Thế hệ của chúng tôi khi nói về Nhất Linh, thường ai cũng chú trọng về sự nghiệp đồ sộ văn học của Nhất Linh, của Tự Lực Văn Đoàn, mặc dù Nhất Linh có làm cách mạng và dưới một cái nhìn nào đó cái chết của Nhất Linh có dính dáng đến chính trị.

Hôm nay nhân ngày Giỗ thứ 56 của Văn Hào Nhất Linh, một nén hương thắp lên bàn thờ như một lời mời anh linh của người đã khuất về chia xẻ cùng con cháu, hậu duệ, niềm cảm xúc giữa vạch ngang sinh tử.

Khi nghĩ về Nhất Linh, ngoài sự ngưỡng mộ văn tài ông tôi thường hay suy nghĩ về con người cách mạng và cuộc đời tình cảm của ông.

Suốt thời tuổi trẻ, ông giống như con chim Humming Bird, đôi cánh đập liên hồi chung quanh đóa hoa. Ông xoay tròn chung quanh đời sống từ năm 19 tuổi. Ông cũng bắt đầu đời mình bằng một xây dựng mái ấm gia đình. Ông lấy vợ năm 19 tuổi, một cô gái 18 tuổi đảm đang buôn bán và giỏi chịu đựng.

Trong bài viết này, tôi không nhắc lại từng giai đoạn làm chính trị của ông mà nhiều người trong chúng ta ai cũng biết là từ năm 21 tuổi ông đã sang Tây, rồi từ Tây ông trở về nước, sang Tàu. Ông qua bao nhiêu chặng đường: Nam Vang, Quảng Châu, Hà Giang, Côn Ninh, Trùng Khánh. Ông làm cách mạng, ông chống cả Việt Minh và Pháp.

Song song với cách mạng những tác phẩm của ông theo nhau ra đời trong từng con sông, từng ngả đường của Chính trị và Văn chương.

Người vợ đảm đang đó lui vào sau cánh cửa ngay sau một năm lấy nhau: “Mỗi người có một bổn phận, anh có bổn phận với xã hội, em có bổn phận với gia đình”.

Trên cái nhìn phiến diện chúng ta thấy “Bà Tam” rất thiệt thòi. Đôi khi chúng ta tự hỏi bà có khóc thầm bao giờ không? Tôi chắc là có, bà khóc khi lo lắng không biết rõ cái nguy hiểm trong những công việc ông đang làm ở mức độ nào. Bà buôn bán giỏi, kiếm tiền nuôi con và chắc chắn là cái quỹ hậu phương cho chồng mỗi khi cần đến. Đặc biệt là khi nào cần sự hiện diện bà không hề từ nan. Bà sẵn sàng xếp việc buôn bán lại, mở cửa đi tìm tới ông, xa thế nào bà cũng tới được để hỗ trợ tinh thần khi ông cần tới.

Chúng ta cũng hỏi: Ông có bao giờ trong thế giới chính trị và văn chương của mình, ông quên mất là mình có một người vợ và những đứa con không? Tôi chắc ông không quên vợ con, nhất là bà. Người con út của ông bà đã viết: “Tôi được nghe mẹ tôi kể lại rằng, vào thập niên 30 của thế kỷ trước, cứ mỗi lần cha tôi viết xong và xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới thì dù mẹ tôi có bận rộn buôn bán đến đâu, cha tôi cũng buộc mẹ tôi bỏ hết để cùng sống với ông riêng biệt một thời gian bên bãi biển Sầm Sơn”.

Đó là tình yêu, đó là lòng biết ơn.

Là một độc giả của ông ngay từ thủa mới trưởng thành cho tới bây giờ, tôi hầu như thuộc lòng cách biểu lộ tình cảm, tài năng của ông trong những tác phẩm. Tôi thấy trong văn chương của ông có đủ cả: thông minh, đa tình, lãng mạn, khôi hài, trong sáng, chừng mực, đạo đức. Bao giờ ông cũng cho những nhân vật của ông biết dừng lại đúng lúc: Một cậu ấm đa tình, xém ngã vào quyến rũ thể xác, bỗng tỉnh ngay được, như trong tác phẩm Cậu Ấm Đi Bắn Vịt Trời. Mối tình rất bạo nhưng rất đời thường và cảm động của Bác Hòa hàng cơm trong Xóm Cầu Mới, Loan và Dũng trong Đôi Bạn với tình yêu lý tưởng, mà những người tuổi trẻ thời đó hằng mơ ước. Rồi tình yêu ngây thơ và bồng bột của Mùi cho Siêu của Bé và Nhỡ rất chân quê nhưng cũng rất lãng mạn cũng trong Xóm Cầu Mới. Mối tình cao cả đồng chí hướng của Thanh và Ngọc trong Giòng Sông Thanh Thủy…

Văn là người. Những nhân vật trong tác phẩm của ông đã phần nào phản ảnh con người chính ông trong đó. Đôi khi chúng ta tự hỏi: Ông đã có từng rung động, lãng mạn, tiểu thuyết hóa chính mình trong va chạm đời sống như những nhân vật trong các tác phẩm của ông?

Chắc là có chứ. Một người đã luôn luôn xa gia đình, viết, sống và suy nghĩ như thế. Đi nhiều như thế, khác gì con chim Humming Bird luôn đập cánh, tìm tòi những giọt sương trên những đóa hoa không hề mỏi mệt. Thi thoảng chắc ông cũng có những giây phút ngã lòng, cái ngã lòng của một người yêu cái đẹp, và bằng cách nào đó ông lại đứng thẳng dậy trong những cái ngã ngoạn mục đó.

Tôi nghĩ ông là một người sống lý tưởng, lãng mạn nhưng đạo đức. Ông may mắn có một người vợ biết chấp nhận hoàn cảnh của mình và hỗ trợ chồng một cách hiểu biết. Bà không thường xuyên bên ông nhưng luôn có mặt những lúc ông cần bà. Một người đàn bà ít học chỉ giỏi buôn bán tính toán chung quanh những thúng cau khô mà sang tận Hồng Kông để chăm sóc chồng ở thời điểm cách đây cả hơn 70 năm, thật là đáng khâm phục. Nhờ sự có mặt của bà mà ông lên tinh thần tiếp tục sáng tác.

Hai bức hình chụp ông bà ngồi trong võng bên dòng suối Đa Mê ở Đà Lạt rất đằm thắm, thơ mộng. Được biết đó là hình kỷ niệm 32 năm ông bà lấy nhau. Ông mời bà lên Đà Lạt kỷ niệm ngày thành hôn của hai người như một hành động biết ơn vợ, rất văn minh Tây học thời đó. Ông có ghi chú trên bức hình là “Kỷ Niệm Lễ Vàng” (hình chụp 1957, năm cưới 1925), cho ta thấy tình vợ chồng của ông bà rất thắm thiết. Một chuyện tình đẹp ở ngay đời thường, không phải trong tiểu thuyết.

Dù làm chính trị thất bại hay thành công trong văn chương, trong một cách nhìn nào đó, ta thấy bà luôn luôn là “vai chính” trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Một vai chính sau cánh cửa gia đình. Qua câu nói của cụ Nguyễn Hải Thần: “Anh Tam, nếu không có chị ấy thì không thể làm nên sự nghiệp này”.

Con người thông thái hào hoa Nhất Linh biết chân giá trị của người vợ chân chất đó cho đến lúc muốn từ bỏ cuộc sống. Di bút để lại ông không quên cám ơn tình yêu của vợ: “Mình, mối tình của đôi ta trong bao năm đẹp đẽ lắm rồi không mong mong ước gì hơn nữa. Anh. Nhất Linh. 7-7-63″.

Sự ra đi của ông ở tuổi 57 là một thiệt thòi cho nền văn học Việt Nam. Nếu ông còn sống chắc chắn chúng ta sẽ được phong phú thêm về mặt văn hóa và xã hội trong đời sống này.

Con chim Humming Bird vẫn đang đập cánh xoay chung quanh bông hoa Mẫu Đơn ngoài vườn, nó bay hoài không ngưng nghỉ, nó chỉ bỏ cuộc khi chết.

Viết cho ngày 7/7/2019

Trần Mộng Tú

Related posts