Giới văn nghệ sĩ miền Bắc, (trước hay sau 75 và cho tới tận bây giờ) có thể chia ra làm hai loại:Loại thứ nhứt chuyên bắt phe đảng, nịnh bợ, ton hót, đâm bị thóc thọc bị gạo, tố cáo đứa nầy, phê bình đưa kia đi chệch đường lối của đảng, của Trường Chinh và Tố Hữu như: Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… là no cơm, ấm cật.
Nhưng vì viết văn, làm thơ không phát xuất từ trái tim như thời tiền chiến, chỉ có việc hô khẩu hiệu, gieo vần để thơ nó biến thành vè… nên nghe dở ẹc hè!
Loại thứ hai chịu chơi chơi tới cùng, nghĩ phải giữ cái tiếng; cho dù không có miếng; bởi ỷ mình cũng có công kháng chiến 9 năm và cũng có tài như: Quang Dũng (Văn chương chữ nghĩa rẻ rúng đến thế ư?). Hữu Loan (Trong chế độ dân chủ cộng hoà! Những thằng nịnh còn thênh thang đất sống!) Và viết chung chung như Hoàng Cầm (Lá Diêu Bông, tớ hổng dám xỏ xiên ai) mà cũng phải xách chiếu đi tù!
Nghĩa là làm văn nghệ phải theo đường lối chỉ đạo; còn khước từ “thổi ống đu đủ” thì sẽ bị đánh cho lên bờ xuống ruộng, mình mẩy lấm le hết trơn, hết trọi!
***
Rồi sau 75, khi chiếm được miền Nam, đám văn nghệ sĩ miền Bắc sợ bị đè xuống tét mấy roi vào mông nên đa phần viết dè chừng để an toàn trên xa lộ mà kiếm miếng cơm cho vợ cho con, cút rượu cho mình!
Tới những năm 80s, mấy cha nội bán chữ, bán luôn cả cái tâm hồn, kiếm được rất nhiều tiền, bằng cách viết theo đơn đặt hàng, quảng cáo cho tỉnh ủy nầy, tỉnh ủy nọ. Như Nguyễn văn Tý bài “Dáng đứng Bến Tre” nghe nói được một số tiền khá lớn thời đó! Còn làm báo thì đăng ảnh, đăng bài quảng cáo cho các xí nghiệp công tư hợp doanh đang ăn nên làm ra thì được “lại quả” cũng khá khẩm.
Vác cái ba lô con cóc lép xẹp vào giải phóng miền Nam hổng được bao lâu, chỉ vài tháng sau là lên đời, có Dream 2 màu mận chín, vi vu trên đường phố trong khi đa số nhân dân phải cuốc bộ hay đạp xe đạp ôm.
Nhớ lúc đó có ông đặc phái viên thường trú báo Nhân Dân ở Cần Thơ, khoe với tui bài “Vàng nổi đồng bằng” (vàng nổi, ý ổng chỉ con vịt). Ông thần nầy ‘ca’ công ty Mekong quay vịt Anh Đào, bán qua Hong Kong (chắc tiền nhuận bút trên mức hậu hỉ nên thấy thằng chả cười hí hí). Bài nầy được đàn anh Hữu Thọ, Tổng biên tập báo Nhân Dân chơi luôn lên trang nhứt. Tui bèn dội cho ông một gáo nước lạnh: “Ông, ngoài Bắc vào, mà viết như vậy bà con trong Nam nầy tưởng ông đi ‘cầu cá vồ’ đó!”
Thằng chả giận xanh râu luôn nhưng làm được gì nhau? He he!
***
Thấy xuôi Nam, coi bộ làm ăn khấm khá; các nhạc sĩ miền Bắc cũng lũ lượt từ giả cái đất Thăng Long mà dông tuốt vào; không phải để trả lời câu hỏi của nhà thơ Tô Thùy Yên trong bài “Chiều trên Phá Tam Giang”: “Vì sao ngươi tới đây? Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói! Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam”; mà để kiếm chút cháo bào ngư!
Trong số tha phương cầu thực đó, rùm beng nhứt phải kể đến ông nhạc sĩ “Lá Diêu Bông”: “Lời ru buồn nghe mênh mang. Mênh mang sau lũy tre làng; khiến lòng tôi xôn xao. Ngày lấy chồng em đi qua con đê. Con đê mòn lối cỏ về. Có chú bướm vàng bay theo em. Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi. Lấy chồng sớm làm gì? Ðể lời ru thêm buồn! Ru em thời thiếu nữ xa xôi! Còn đâu bao đêm trong xanh! Tát gàu sòng vui bên anh. Ru em thời con gái kiêu sa. Em đố ai tìm được lá diêu bông Em xin lấy làm chồng! Ru em đời thiếu nữ xa xôi. Mình tôi lang thang muôn nơi. Ði tìm lá cho em tôi Ru em thời con gái hay quên. Thương em, tôi tìm được lá diêu bông. Sao em nỡ vội lấy chồng? Diêu Bông hỡi Diêu Bông? Sao em nỡ vội lấy chồng!”
Tui từng nghe ca sĩ Phương Thảo đàn “măng-đô-lin” hát rằng: “Bướm vàng đậu ‘trái mù u” do tác giả tự mình giới thiệu. Phương Thảo hát ‘trái’ vào ngay cái lỗ tai của ổng; nên tui cho rằng ông nhạc sĩ nầy viết y vậy!
Bướm đậu là nó tìm cái “bông”, nghĩa là em còn son, chưa chồng; chớ ‘trái’ rồi, có chồng rồi, đậu vô làm chi hè? Chồng nó ghen, quánh về Má nhìn hổng ra luôn!
Theo tui biết: cây mù u thường mọc dọc bờ sông rạch, trái tròn, vỏ mỏng, ép lấy dầu. Xưa kia, bà con mình thường dùng dầu mù u sẵn có để thắp đèn, khói um trời hè; vì không có tiền mà mua dầu lửa.
Té ra câu nầy là câu sáu trong hai câu lục bát: “Bướm vàng đậu nhành mù u! Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn”. Bà con mình nghĩ đó là ca dao nhưng ông thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà nói câu nầy của ổng, nguyên ủy là: “Ong bầu vờn đọt mù u. Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”
Thay “ong bầu” bằng “bướm vàng” thì cũng tàm tạm đi nhưng “vờn đọt mù u” mà thay bằng “đậu trái mù u” thì lặt lìa lặt lọi, trật bản họng hết trơn hè. Vì từ nhỏ tới lớn, tui chưa thấy bướm vàng nào đậu ‘trái mù u’ hết. Hình ảnh nầy vừa phản thực vật học, côn trùng học, nhiều cái học nữa! Còn nếu nghĩ bậy bạ thì nó cũng không được thanh tao cho lắm?
Rồi “Còn đâu bao đêm trong xanh! Tát gàu sòng vui bên anh. Ru em thời con gái kiêu sa. Em đố ai tìm được lá diêu bông. Em xin lấy làm chồng!”
Em nghèo, làm ruộng, phải “tát gàu sòng” câu trước mà câu sau em chợt rùng mình biến thành “thời con gái kiêu sa” thì cha tui cũng chịu thua vì không hiểu được vì câu sau đá giò lái câu trước?!
Rồi khi khổng khi không nhét cái “Lá Diêu Bông” vô chi hè? “Lá Diêu Bông” là bài thơ thâm trầm của Hoàng Cầm, diển tả thời thơ ấu chạy đuổi theo một tình yêu không có thật. (Bị bỡn cợt!). Phổ thơ, nhạc sĩ có thể thay đổi vài chữ hoặc vài đoạn cho phù hợp với giai điệu, cho ca sĩ dễ xướng “note”; nhưng cốt lõi là phải ‘giữ ý chánh’ của bài thơ chớ?
***
Tuy nhiên, có người em sầu mộng, chữ nghĩa đầy một bụng, vì em đang dạy đại học ở cái đất “Cá sặc rằn”, tức đất Cần Thơ, nói: “Anh hổng hiểu cũng là phải phải; vì trong bài nhạc nầy, ông nhạc sĩ không nói một em, mà tùm lum em. Em nghèo nè, tát gầu sòng vui bên anh nè. Rồi em giàu nè, kiêu sa, đố anh tìm được Lá Diêu Bông nè.
Khi tới Cần Thơ, trong đêm nhạc giao lưu tại nhà hát Huỳnh Cẩm Văn trên đường Trần Hưng Đạo Cần Thơ, hồi năm tám mấy, ổng bày tỏ “nỗi lòng thòng” là: làm bản nhạc này theo đơn đặt hàng của Ủy ban Sanh đẻ có kế hoạch, nhằm cổ võ cho phong trào “Có hai con vợ chồng hạnh phúc!” (Xin đừng chơi đểu, thêm dấu phẩy vô nhe mấy ông anh, kẻo câu nầy thành: “Có hai con vợ; chồng hạnh phúc!”)
Té ra bài hát mà chư vị vỗ tay nhiệt liệt khen hay, ong óng ca, từ trong nước ra tới hải ngoại nầy lại là một nồi canh tập tàng, toàn cây lá trong vườn nhà như dền cơm, rau tiêu, bình bát, mồng tơi, lá mào gà, rau trai, rau diệu, bồ ngót… cho vào nước sôi, rắc thêm tí muối vào. Xong bưng xuống “húp”.
Còn nói theo kiểu bà con mình trong Nam thì bài “Sao em nỡ vội lấy chồng” là một món “Tả pín lù” những thứ hổ lốn, tùm lum, tùm le, thứ một chút.
Chôm của Kiên Giang một chút; chôm của Hoàng Cầm một chút, dựa hơi tên tuổi lừng danh trên chốn giang hồ của hai ông thi sĩ nầy nhằm “nhát ma” thiên hạ, để lăng xê bài “chắt chắt bùm bum” của mình lên rồi lủm bạc mình ên! Chơi vậy thấy cũng kỳ kỳ nhe!
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.