Tôi quay về Huế sau tết Mậu Thân. Thành phố vốn đã trầm buồn nay càng trầm buồn hơn bởi vừa trải qua cuộc chiến thảm khốc. Chiến tranh đã không từ nan ai. Và cái kết để lại là có nhiều vành khăn sô quấn trên đầu thường dân vô tội.
Hòa trong nỗi buồn chung ấy, tôi còn có nỗi buồn riêng. Bấy lâu nay theo cha đi học các trường tỉnh lẻ dọc miền Trung, tôi luôn là cô học trò giỏi. Nhưng tôi biết chính mình. Đó là vị trí đầu chuột. Nay về đây, vào học một trường trung học lừng danh của đất nước, tôi e mình sẽ là đuôi voi mà thôi. Nếu tôi học đội sổ thì cha mẹ buồn biết mấy. Tôi đem nỗi niềm ấy tâm sự cùng cha thì cha tôi dịu dàng bảo: “Con cứ tự tin. Học bài nào xào ngay bài đó. Điều gì không hiểu phải hỏi chứ đừng giấu dốt. Khi con học xong những kiến thức cơ bản, tự con sẽ bay tiếp chứ không thầy cô nào dạy con mãi suốt đời con. “
Nghe thế tôi yên tâm và cố gắng trong việc học. Vào lớp Mười, tôi ngồi cạnh Kiều Kim Ân. Bạn ấy cao lớn, học giỏi tiếng Anh và hát rất hay. Có một nỗi bạn ấy hay ngất xỉu do bị hen suyển. Ngồi cạnh bạn, tôi đã mấy lần khiếp vía. Nhưng bù lại bạn luôn bày cho tôi tiếng Anh và thỉnh thoảng hát cho tôi nghe mấy bài hát cả hai cùng yêu thích. Sau này khi học truyện Eugenie Grandet, cả lớp gọi Kim Ân là Cô Nanon to béo. Ngày đất nước thống nhất, bạn nghỉ học đi tu, thành bà Mục sư truyền đạo. Tiếng hát cao vút của bạn lại cất lên bay bay thánh thót trong các buổi ở Thánh đường Tin Lành. Nay bạn đã ở trên trời cao. Tôi tin bạn đã rất nhớ thương tôi. Còn nàng Eugenie xinh đẹp lại gán cho Diệu Vân, người mà mỗi sáng tôi vâng lệnh một chàng trai đem tặng nàng một đoá Hồng vừa hé nụ.
Năm này chúng tôi học văn với thầy Phạm Liễu. Hú ba hồn bảy vía may sao kỳ thi đệ nhất cá nguyệt tôi lại được sơ mi ( Chemise) môn này. Có bạn cành nanh tôi, nói nhỏ nói to, rồi nói xa nói gần để lọt vào tai tôi rằng:
“Học với Thầy Phạm Liễu thì đọc văn Tùng Long cho nhiều là được nhất”. Quả thật thời điểm ấy tôi chưa đọc một tác phẩm nào của bà Tùng Long cả. Nhà tôi có phòng đọc sách cho các con. Ở đó cha mẹ tôi đã chọn mua sách rất cẩn trọng. Khi tôi bé, được đọc các cuốn: Cổ học tinh hoa, Tâm hồn cao thượng, Vô gia đình, Nhị thập tứ hiếu, Truyện Cổ tích Việt Nam… Lúc lớn hơn tôi lại đọc các tác phẩm của Lâm Ngữ Đường, Lỗ Tấn ( Trung hoa), các nhà văn Âu Mỹ như J.-J. Rousseau, Victor Hugo, Balzac, Chateaubriand, Lamartine hay các nhà văn Lãng mạn hoặc Hiện thực phê phán Việt Nam như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nhất Linh, Thạch Lam… Tôi hỏi mẹ về bà Tùng Long. Mẹ tôi nói rằng: “Đó là một nhà văn đã viết được những áng văn thỏa mãn những khát khao của đại đa số giới bình dân trong xã hội Việt Nam như những người lính không lon, mấy chị tiểu thương ở chợ, kể cả mấy O sen, O đi gánh nước thuê cho các gia đình. Giới độc giả này có học vấn thấp hoặc kể cả không được đi học, nhưng họ vẫn có trái tim biết yêu giận ghét… Văn bà Tùng Long đã đi vào trái tim họ nên sách bán rất chạy trên thị trường thời ấy. Giới trí thức cho văn bà là sến. Nhưng hãy cầm bút để thử xem ta có làm được điều kỳ diệu ấy không?|”.
Tôi nghe mẹ, không buồn nữa. Học kỳ hai tôi lại tiếp tục sơ mi môn văn. Đến lúc này tôi mới tự tin. Tôi hiểu, ngoài công dạy dỗ của thầy cô, công cha mẹ tôi rất lớn. Cha tôi là thầy giáo dạy hai môn Việt văn và Pháp văn. Ông lại là thi sĩ Trưởng Tràng thơ ở Huế. Với phương pháp dạy tốt, cha tôi đã dạy tôi rằng: “Muốn viết văn hay trước hết phải viết đúng ngữ pháp và chính tả. Phải biết lúc nào viết dấu phẩy, dấu chấm than, dấu hỏi hay dấu chấm câu. Khi nào xuống hàng. Khi nào xuống đoạn… Từ ngữ cho dù có nói sai theo thổ âm địa phương ví như “cái dà” thì vẫn viết “cái nhà”, “đoái bụng” thì viết “đói bụng”… vì văn chương là ngôn ngữ chung của cả dân tộc, ta viết cho mọi người cùng đọc để hiểu chứ không viết cho mình ta. Bên cạnh cái đúng, phải nâng lên cái hay bằng các biện pháp tu từ để thăng hoa các hình ảnh, âm thanh, ý tưởng… mà ta muốn diễn đạt. Nếu Nguyễn Du chỉ bảo rằng chị em Thúy Vân, Thúy Kiều đẹp rồi chấm hết thì quả thật ta chưa hình dung được hai nàng đẹp ra làm sao cả. Vì thế, ngòi bút tài hoa ấy đã miêu tả:
Với nét đẹp của Thúy Vân:
Khuôn
trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
Hay với Kiều:
Làn
thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hơn kém xanh.
Nhiều nhiều lắm, trong ca dao, trong ngôn từ âm nhạc… con sẽ thấy điều ấy. Nghĩa là trong văn phải có hình ảnh, trong văn phải có âm thanh, nhạc điệu… thậm chí biết dùng từ nói nhẹ đi, nói mạnh hơn, nói xa nói gần nói bóng nói gió… ( ẩn dụ, thậm xưng, ngoa ngữ…) thì người đọc mới cảm được điều mình muốn diễn đạt. Chẳng hạn con muốn nói về một phụ nữ đã già và xấu xí. Con nên nói như thế này: Cô ấy không còn trẻ và cũng không được xinh đẹp cho lắm. Người nghe sẽ thấy nhẹ lòng hơn là con nói thẳng thừng: Mụ ấy vừa già vừa xấu xí…”
Và trên tất cả là viết chân thật mới đi vào lòng người. Những lời hoa mỹ sáo rổng sẽ làm cho độc giả không hiểu ta nói gì cả. Bài viết của ta sẽ không có giá trị.”
Cũng trong lớp 10 này, tôi đã biết các bạn đang luôn trêu ghẹo một thầy giáo với biệt danh là Mẹc cờ tọt. Vì chân ướt chân ráo mới vào trường tôi không biết ý nghĩa của Mẹc cà Tọt là gì cả nhưng cũng a dua theo các bạn chọc thầy. Thầy dạy chúng tôi môn Sử Địa, là môn phụ trong chương trình, nhưng đã gieo vào trái tim tôi tình yêu đất nước tổ quốc, niềm tự hào của từng giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Thầy tôi là một người đàn ông trời không cho là HotBoy. Dáng cao gầy đét, nước da đen sạm, miệng hô hô. Tôi vẫn tự nghĩ giá thầy tôi có nhan sắc bình thường hơn một chút, e có khối cô học trò Đồng Khánh này muốn làm: “Bà giáo” của tụi tôi.
Những buổi trưa ở lại trường, trong lúc bầy yêu tinh bánh nậm chúng tôi chen nhau ăn hàng tại nhà bà cai Châu, anh cai Du… với những cái miệng vừa nhai vừa trò chuyện tíu ta tíu tít… thì thầy tôi lại lặng lẽ vào phòng Khánh tiết, ngồi vào cây đàn Piano, lướt mười ngón tay lên bàn phím, dạo các khúc tình ca bất hủ như: Serenade, Serenata, Lime light..
Tôi tình cờ bắt gặp, đứng lặng lắng nghe. Từ đó tôi hiểu, tôi không còn chọc thầy nữa. Bởi trời không cho thầy tôi cái mặt đẹp nhưng lại cho một tâm hồn đẹp của người nghệ sĩ.
Chúng tôi lại thích giờ ra chơi chạy qua phòng thầy Cảnh, ở dẫy lầu tay trái, vừa được thầy dạy những điều hay lại luôn được thầy cho ăn yaourt mua từ gia đình bạn Hoàng Minh Đức tự làm bán cho học trò.
Lên lớp Mười một, do được bạn bè tín nhiệm, bầu tôi lên làm lớp trưởng. Năm này cũng khá bộn chuyện để mà nhớ thương. Trước hết là thầy chủ nhiệm Quang Phú của chúng tôi cưới vợ. Cả lớp nộp tiền mua quà rồi cử tôi đại điện lớp đi ăn cưới. Ái chà! Cô dâu lại là một cô nàng học thua chúng tôi hai lớp nên chúng tôi cũng vừa giận giận vừa tức tức vừa…tiếc tiếc (!!!). Có đứa mắt đỏ hoe, nhờ tôi nhắn cho thầy rằng: “Từ nay em ghét thầy lắm đọ!.”
Năm ấy, lớp chúng tôi học văn với thầy Ngô Văn Chương. Thầy đang làm luận văn Cao học, nên thỉnh thoảng có nhờ tôi đọc các bài văn mẫu cho cả lớp nghe để thầy rảnh tay nghiên cứu tài liệu. Sau mỗi buổi như thế, thấy tôi khào cả giọng nên thầy cho tôi tiền chạy ra mệ cai ăn chè. Có đứa không lập nên công trạng chi với thầy mà cứ xông vô đòi tiền thầy như đã cho tôi. Có hôm thầy bực mình nói: “Đồ điên”. Thế là nàng ta “trả thù” thầy bằng cách ra sau vườn anh Du, đốn nguyên một cây chuối dài thòng, vác để nằm dài từ ghi đông đến yên chiếc xe Yamaha của thầy. Lúc tan trường, thầy ra nhìn cây chuối, lắc đầu thốt lên: “Đúng là con tinh ma. Nhất quỷ nhì ma thứ ba mấy con tinh ma Đồng Khánh”.
Cuối năm, thi Tú tài I, trường chúng tôi có 4 nữ sinh đạt điểm cao. Đó là tôi Hoàng Thị Như Huy, Nguyễn Minh Minh, Đặng Kim Chung và Trần Thùy Mai. Nhà trường tặng mỗi cháu một áo dài lụa Hồng hoa trắng để may đi học. Do thi có mention cao ( các cấp hạng Ưu, Bình, Bình thứ, Thứ.. tùy thang điểm đạt) nên tôi ấp ủ giấc mơ đi du học. Vì thời ấy, các học sinh đỗ Bình trở lên sẽ có nhiều cơ hội đi du học do chính phủ tài trợ. Nhưng đau đớn thay khi lên lớp Mười hai giấc mơ của tôi đã tan tành vì tôi lâm bệnh thương hàn, nghỉ học gần sáu tháng.
Vào những ngày tôi chưa lâm bệnh, lớp tôi lại có chuyện nghịch của tuổi học trò. Do thầy giáo dạy Anh văn là thầy Hữu Hạnh vừa ra trường rất trẻ. Thầy hay vuốt tóc và có khi liếm môi trước lũ yêu tinh chúng tôi nên chúng tôi bày kế chọc thầy. Hôm ấy, một bạn ôm một gói Ve ve đến phân phát cho cả lớp. Khi thầy đang trên bục giảng, chúng tôi thay nhau bóp. Ve ve kêu inh ỏi. Thầy lớ quớ không biết hướng nào vì ở góc nào chú ve sầu vẫn đang ca khúc mùa hạ. Thế là thầy bỏ lớp chạy lên văn phòng kêu cứu. Hôm ấy tôi bị hai cô Bích Đào và Hạnh Phước la rầy vì không quản lý lớp. Nhưng hai cô ơi! Cô có biết không chính em cũng là thủ phạm chọc thầy!
Rồi tôi lại bị thầy Phạm Kiêm Âu đuổi ra khỏi lớp. Nội quy của thầy rất gắt.
-Đi học trễ là gì? Là đi vào sau lưng thầy giáo. Dù trống chưa đánh vào lớp.
-Không được phát âm khi thầy chưa hỏi đến. Hôm ấy, là giờ đọc truyện Eugenie Grandet. Do bạn Thanh Quý ngồi bên tôi hôm trước nghỉ học nên không biết đọc ngang đoạn nào, quay sang hỏi nhỏ tôi: “Trang mấy?”. Tôi cúi mặt xuống bàn thì thầm trả lời: “Trang 13.” Ai dè cái miệng nhóp nhép của tôi bị thầy bắt gặp. Vậy là a lê hấp ôm cặp về nhà. Tôi lang thang một lúc bên dòng sông, chưa dám về nhà vội vì sợ cha mẹ biết sẽ ăn đòn. Lúc về đến nhà mới hay xe đạp đi học còn để quên trên trường. May sao bác Cai trường cất hộ. Hôm sau thầy tìm tôi lo lắng hỏi: “Như Huy con có sao không?”. Tôi ứa nước mắt vì biết thầy tôi là người thầy mẫu mực nhất thế gian này. Thầy đang dạy chúng tôi những đức tính tốt đẹp nhất để ngày sau mới làm được điều hữu ích cho đất nước.
Tại ngôi trường này có những mối tình thật đáng yêu. Những lá thư tình được viết và gửi cho nhau dưới hộc bàn dành cho bạn ngồi cùng chỗ nhưng khác buổi. Có khi hàng chục hàng trăm lá thư mà chưa chộ mặt nhau một lần.
Những tháng năm Mười hai, tôi nằm dưỡng bệnh ở nhà. Thỉnh thoảng nhớ bạn bè quá nên cha hoặc anh tôi chở qua trường thăm lớp. Thành phố lại nhốn nháo vì chiến trận đang đến. Những di tản thảm khốc trên Đại lộ kinh hoàng, những cô bạn mới đến từ trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị, những buổi bãi khóa, những buổi thanh trừng… đã lại một lần nữa làm cho Huế ngập nỗi buồn đau.Tôi cắp lều chỏng đi thi dù không học được gì. Nhưng may thay tôi vẫn đậu Tú tài hai, chỉ thiếu nửa điểm là đạt hạng Bình Thứ. Có nghĩa là tôi chỉ đậu Thứ. Thế là mộng du học tan tành khi giã từ Đồng Khánh trong nỗi đau chung xen lẫn nỗi buồn riêng.
Giờ đây, mỗi lần đi ngang trường cũ tôi vẫn hay đứng lại thẩn thờ nhìn những lối xưa. Đây là những con đường in dấu chân chim một thuở ngây thơ áo trắng học trò; Đây là hành lang dài hun hút đang văng vẳng đâu đây tiếng cô thầy giảng bài thánh thót; Đây là lớp học cũ nhưng nay bạn xưa không còn…
Nhưng cũng phải thật lòng mà nói nữ sinh Đồng Khánh cũng có cô này cô nọ. Có cô từng làm “bom nổ” gây tiếng thị phi. Có cô cũng cành nanh nói xấu bạn bè… tuy nhiên phải ghi nhận rằng đại đa số nữ sinh Đồng Khánh đều được hấp thụ nền giáo dục tốt từ gia đình, nhà trường và xã hội Huế nên tiếng thơm đã lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc và lan ra cả hải ngoại. Vì thế tôi luôn tự hào khi ai đó hỏi rằng có phải tôi là Nữ sinh Đồng Khánh hay không?
Và
tôi muốn nói: Trong tim tôi Đồng Khánh-mái trường xưa là ngôi trường in đậm
không phai./.
Hoàng Thị Như Huy