“Này em yêu hỡi, hết chuyện rồi em nhé. / Sự câm lặng chết người của em làm rã rượi lòng ta.”
Như những ông hoàng Ả rập khác, Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, cũng sính làm thơ.
Thơ Bin Rashid, năm nay 69 tuổi, khá nổi tiếng ở quê hương ông, vào mỗi dịp trọng đại của nhà nước và các sự kiện gia đình như đám cưới, ông vẫn có thơ, đăng trên trang web chính thức của mình, hoặc đưa lên Instagram. Có người chế diễu ông làm thơ con cóc, nhưng những lời diễu cợt này chỉ giới hạn trong vòng kín đáo, rất ít người trong thế giới khép kín của UAE đã từng dám chỉ trích thi tài của ông ta. Vì ông là Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), và Quốc vương Dubai.
Ông vừa đăng lên Instagram những câu thơ mới nhất, viết bằng tiếng Ả rập. Bài thơ nhanh chóng được loan truyền rộng rãi trên mạng xã hội tiếng Ả rập.
Được chuyển ngữ sang tiếng Anh, rồi tiếng Việt, trong bài thơ của ông có các câu thơ như thế này: “thôi hết rồi những ngày dối trá” và “(tình nghĩa) đôi ta và em chẳng còn gì.”
Ông nhắn thêm rằng “Hãy đến với người em đã quanh quẩn! Và hãy nhớ kỹ rằng; chuyện sống chết của em ta chẳng quan tâm.”
Bài thơ có tên là “Em đã sống và em đã chết”, đầy những câu thơ căm hận về một sự phản bội,
“Em, kẻ bội phản, em phản bội sự tin tưởng quý nhất, và trò dối gian của em đã bị phơi bày.”
“Những ngày gian dối của em đã kết thúc, những gì đã từng là đôi ta và đã từng là em nay chẳng còn gì.”
Trong bài thơ có những câu mang những hình ảnh của thú kỵ mã, một trong các thú vui của ông hoàng, như “em thả tay cương ngựa cho rơi.”
Ở đoạn cuối, bài thơ kết thúc “Em chẳng còn chỗ ở bên ta / Hãy đến với người em đã quanh quẩn! Và hãy nhớ kỹ rằng; chuyện sống chết của em ta chẳng quan tâm.”
Nhiều nhà thơ làm thơ dựa trên những cảm hứng và tưởng tượng, nhưng Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum viết lời mở đầu phần Thi ca của trang mạng chính thức của ông rằng thơ của ông bắt nguồn từ “kinh nghiệm, sự kiện hoặc hoàn cảnh cá nhân” của ông. “Tôi chưa hề viết bất cứ bài thơ nào không phải là một thực tế đời tôi.”
Phải chăng ông hoàng thi sĩ nổi cơn ghen?
Người ta tin rằng “em” trong những câu thơ đó là bà vợ thứ sáu của ông, người vừa có tin là đã bỏ trốn khỏi Dubai cùng với hai người con của họ, và bài thơ là tuyên ngôn dứt tình dứt nghĩa của ông hoàng.
Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum (xin được dùng chữ tắt SMBR), như những ông hoàng Ả rập khác (và không ít đàn ông ở UAE) có nhiều vợ. Ông có ít nhất 6 bà vợ và 30 người con. Bà thứ nhất, hiện là Đệ nhất phu nhân của Dubai, có với ông 12 người con, được ông cưới năm 1979.
Bà vợ bạc tình trong thơ của ông, Công nương Haya Bint Al Hussein là người vợ mới nhất, được ông cưới năm 2004. Bà được cho là đã trốn khỏi UAE mang theo cả hai đứa con, một lên 13 và một lên 7. Chẳng những dẫn con theo, bà còn, cũng được cho là, đã ôm theo hàng chục triệu Mỹ kim.
Mạng The Daily Beast khi đăng tải bài thơ này cho hay khi tòa soạn hỏi rằng những lời thơ trong nguyên bản tiếng Ả rập có nặng nề như trong bản dịch tiếng Anh không, nguồn của họ đã trả lời: “Tệ hơn nhiều.”
Với ai cũng thế, chẳng phải riêng với ông hoàng, việc bà vợ mới nhất, và trẻ nhất, bỏ đi không phải là chuyện vui vẻ gì.
Nhất là khi, cũng vẫn theo thơ của ông, tình cảm mà SMBR dành cho bà Haya Bint Al Hussein rất sâu đậm. Ông đã năn nỉ, khóc lóc (trong thơ) trước sự lạnh lùng của bà.
Trong bài thơ trước đó, bài “Em yêu ơi”, ông viết:
“Ta gắng và lại gắng để gặp em; nhưng mọi cố gắng đến gần em đều vô hiệu
Em đáp lại tình nồng bất diệt của ta bằng sự lặng câm. Tại sao em lại trả lời, khi em từ chối sự hiện hữu của ta?”
“Này em yêu hỡi, hết chuyện rồi em nhé. Sự câm lặng chết người của em làm rã rượi lòng ta.”
Với loại tình yêu này, em làm đau đớn lòng ta. Suốt đêm ngày ta đam mê khao khát.”
Thế nhưng, vẫn theo các nguồn tin, SMBR được các anh con trai lớn của ông khuyến khích viết bài thơ… từ vợ đã được trích dẫn ở đầu bài (“Và hãy nhớ kỹ rằng; chuyện sống chết của em ta chẳng quan tâm.”)
Những người con trai này là sản phẩm của cuộc hôn nhân với người vợ đầu tiên, bà vợ cả của ông. Mấy ông con đó được báo cáo là đã oán hận bà Haya, vì bin Rashid ít nhiều đã lơ là, bỏ rơi những người vợ lớn hơn từ khi ông có bà Haya.
Cũng có tin là ông hoàng SMBR nổi cơn ghen.
Báo chí Anh viết rằng SMBR đã ngày càng khó chịu, bực bội khi thấy bà vợ cưng của mình ngày thêm gần gũi, thân mật với người phụ trách an ninh cho gia đình, vệ sĩ thân cận của bà. Ông này là một cựu sĩ quan quân đội Anh, và đã có vợ con. Bà Haya Bint Al Hussein được báo cáo là đã tặng những món quà xa xỉ cho nhân vật này. Ông vệ sĩ là nhân viên của UK Mission Enterprise Limited, một công ty an ninh và bảo vệ trụ sở tại London lo công tác an ninh cho hoàng gia thuộc sở hữu của chính phủ Dubai. Một số tờ báo lá cải còn có những bài cho rằng bà hoàng muốn ly dị để sống chung với người tình đó.
Công nương Haya Bint Al Hussein
Báo chí thế giới quanh thông tin này cho hay chẳng phải khi không mà bà Haya Bint Al Hussein ẵm con ôm của bỏ đi.
Công nương Haya Bint Al Hussein năm nay 45 tuổi, nhỏ hơn ông Sheikh đến hai con giáp, không phải là một phụ nữ Ả rập “thường thường bậc trung.”
Bà là con gái của Quốc vương Hussein xứ Jordan, em cùng cha khác mẹ của Abdullah II, người đang trị vì Jordan.
Nàng công chúa này vừa có nhan sắc, học vấn, lại vừa là dân thể thao có hạng. Bà tốt nghiệp trường đại học nổi tiếng Oxford của Anh quốc về môn chính trị, triết học và kinh tế, một thể tháo gia có tiếng trong môn kỵ mã (equestrian), từng đại diện Jordan tranh tài môn này ở Thế vận hội Sydney năm 2000. Bà cũng là một là cựu chủ tịch của Liên đoàn Kỵ mã Quốc tế (IEF).
Vì cùng chia sẻ thú chơi ngựa, và cùng thuộc thế giới vương giả bà cũng nằm trong vòng thân hữu của Nữ hoàng và hoàng gia Anh quốc.
Bà trở thành vợ thứ 6 của SMBR năm 2004 và có với ông hai người con, một gái lên 11 và một trai lên 7.
So với các bà vợ khác của SMBR, Haya từ lâu đã nổi bật không chỉ vì xuất thân từ hoàng gia Jordan và danh tiếng trong giới thể thao, đặc biệt ở Thế vận hội, mà còn vì bà xuất hiện nhiều trước công chúng.
Hầu hết những người vợ của những các ông hoàng trị vì vùng Vịnh không bao giờ được chụp ảnh và chân dung lẫn tên tuổi của họ không được công chúng biết đến. Nhưng riêng với Công nương Haya, người ta không chỉ nhìn thấy bà trong các sự kiện quốc nội và ở hàng ghế đầu ở Dubai bên cạnh chồng. Bà còn thường xuyên có ảnh trên các tạp chí quốc tế, ảnh chụp ở các các sự kiện đua ngựa uy tín ở Anh quốc như Royal Ascot và Epsom Derby, và cả ở các hoạt động nhân đạo tại nhiều quốc gia.
“Người ta phải chấp nhận rằng mình chỉ làm chủ được bản thân nhưng không làm chủ được định mệnh của mình.”
Tin tức về việc Công nương Haya trốn khỏi Dubai chỉ rộ lên vào cuối tháng 6, sau khi bà vắng mặt trong cuộc đua nổi tiếng nhất Anh Quốc Toyal Ascot trong tháng 6, một chuyện hết sức bất thường. Tin tức sau đó cho hay bà đã “chạy” sang Đức cách đây vài tháng. Bà được cho là đã xin tị nạn ở Đức, và tờ The Times của Anh đưa tin rằng bà đã được một nhà ngoại giao Đức hộ tống tới Đức
Hôm Chủ nhật 2 tháng 7, tờ The Sunday Times ở London đưa tin bà hoàng hiện đang “ẩn trú” trong một biệt thự có giá chừng hơn 100 triệu đô la ở London, cách Điện Kensington không bao xa với con trai – Sheikh Zayed, và con gái Sheikha Al Jalila.
Rồi sau đó, có tin rằng bà đã xin tỵ nạn chính trị ở Anh Quốc.
Trong khi đó, SMBR đã làm đơn xin ly dị vợ và đòi quyền nuôi dưỡng hai đứa con của họ gửi lên Tòa án Gia đình thuộc Tối cao Pháp viện. Vụ án đã được đưa ra trước tòa hồi cuối tháng 5, và được xếp lịch phiên tiếp theo vào ngày 30 tháng 7 tới đây.
Theo các phương tiện truyền thông Anh Quốc, SMBR đã thuê luật sư ly hôn nổi tiếng Helen Ward đại diện cho ông. Khi được yêu cầu xác nhận điều này, văn phòng Ward từ chối bình luận. Công nương Haya được cho là đã thuê Luật sư Fiona Shackleton.
Và, vẫn theo báo chí, nguyên nhân khiến Công nương Haya phải ra đi là vì lo ngại cho sự an toàn của mình trong cung điện ở Dubai.
Đây không phải là lần đầu tiên một phụ nữ trong gia đình vương giả của ông hoàng SMBR bỏ trốn khỏi lồng son gác tía.
Năm 2000, Công chúa Sheikha Shamsa Al-Maktoum, một cô con gái của SMBR đã đào tẩu. Cô bị cha cho mật vụ truy tìm bắt lại, nay đang ở trong tình trạng dở sống dở chết.
Hồi năm ngoái, đến lượt Công chúa Latifa, con gái của SMBR và một bà vợ nhỏ khác, bỏ trốn, và bị bắt lại.
Người ta đồn rằng khi ông bố trừng phạt Latifa, bà Haya đã bênh cô và vợ chồng cãi nhau. Trước khi ôm hai con trai bỏ trốn, Haya đã gom được khoảng 35 triệu đô la và liên lạc với hoàng gia Anh.
(Gần đây hơn nữa, hồi đầu năm 2019 một cô gái Ả rập khác, cô Rahaf Mohammed Al-Qunum, tuy không phải là cành vàng lá ngọc nhưng cũng là con nhà quyền quý, đã trốn cha mẹ và được cho tỵ nạn ở Canada.)
Một số nguồn tin tại Dubai cho biết thêm rằng Haya phát giác chồng đã nói dối về tình trạng của Công chúa Latifa sau khi bị bắt về Dubai, và rất kinh hoàng trước những gì bà khám phá nên đã bắt đầu sắp xếp việc trốn chạy.
Hai cuộc đào thoát bất thành của hai nàng công chúa bất hạnh
2000: Sheikha Shamsa Al-Maktoum
Ông hoàng SMBR là một trong số ít những chủ ngựa đua lớn nhất thế giới. Ông là sở hữu chủ khu bất động sản Longcross Estate chiếm phần lớn khu vực làng Longcross ở Surrey, Anh quốc. Mùa hè hàng năm, dịp các giải đua ngựa lớn ở Anh quốc, ông và gia đình cùng đoàn tùy tùng lớn đến trú ngụ ở đó. Gia đình của ông hoàng SMBR được bảo vệ cẩn mật. An ninh xung quanh các người con dầy đặc. Mỗi đứa con có một mã danh và mỗi khi chúng ra ngoài chúng đều có các vệ sĩ đi kèm. Hành trình của chúng, nơi đến và ở lại được báo cáo qua máy vô tuyến. Thường xuyên các nhân viên an ninh tiến hành các cuộc tập dượt báo động. Ra vào khu nhà phải qua một trạm gác và cổng điện tử và có camera an ninh.
Sheikha Shamsa Al-Maktoum, là con của một trong những bà vợ nhỏ của SMBR. Khi cô ra ngoài cưỡi ngựa, một vệ sĩ sẽ phải dùng xe đạp chạy theo.
Tháng 7 năm 2000, người ta tìm thấy một chiếc Range Rover màu đen bị bỏ ở cổng dinh thự, nàng công chúa 19 tuổi mất tích. Mọi chuyện rối lên, SMBR lúc đó đang có mặt ở một dinh thự khác ở Anh vội vã dùng trực thăng bay đến để chỉ huy cuộc tìm kiếm. Thứ duy nhất được tìm thấy là điện thoại di động của Sheikha Shamsa mà người ta tin rằng cô đã cố tình bỏ lại.
Những gì diễn ra sau đó chỉ được thế giới bên ngoài biết đến sau khi có hai phụ nữ tự xưng là Sheikha Shamsa và em gái Sheikha Latifa tiết lộ năm 2018. Họ cáo buộc rằng một tháng sau khi trốn thoát, nhân viên an ninh của cha cô đã lần ra nơi Shamsa trốn vào tháng 8 năm 2000. Cô bị “bắt cóc” trên đường phố ở Cambridge. Trong đoạn video Sheikha Latifa đưa lên mạng, cô kể lại lúc Shamsa bị bắt: “một nhóm người đi trên một chiếc xe đã túm lấy Shamsa tống vào xe, mặc cho cô vùng vẫy, la hét.”
Sheika Shamsa được đưa về nước bằng máy bay riêng và đến 8 năm sau, Latifa mới gặp lại chị mình.
Sheikha Latifa kể cùng trong video: “Tình trạng của chị tôi rất tồi tệ, Bước đi phải có người dắt tay. Tôi không hiểu sao chị không mở mắt. Họ bắt chị ăn và buộc chị uống hàng đống thuốc… Thuốc đã làm cho chị trở thành một zombie. Lúc này, chung quanh chị là các y tá. Họ thường trực ở bên chị, ghi chép vào sổ từng thời điểm, giờ thức, giờ ngủ, giờ ăn, lời nói, những chuyện chị thốt ra. Những loại thuốc này kiểm soát tâm thần chị, tôi không biết chúng là thuốc gì. Cuộc sống của chị hoàn toàn bị kiểm soát.”
2018: Sheikha Latifa Al-Maktoum
Chuyến mạo hiểm của Sheikha Latifa Al-Maktoum ly kỳ hơn. Latifa đã một lần cố gắng trốn khỏi sự kềm kẹp của gia đình vào năm 2002, khi mới lên 16 tuổi bằng cách lái xe sang Oman nhưng bị bắt ngay ở biên giới.
Theo lời Jauhiainen, một cô gái tự xưng là bạn cùng học môn vũ capoeira với Latifa ở Dubai, và sau này đã giúp cô trong lần đào thoát năm 2018, thì sau khi bị bắt năm 2002, cô công chúa đã giam ba năm rưỡi và bị tra tấn trong suốt thời gian đó. Những người đánh đập cô nói: “Cha mày bảo chúng tao đánh mày cho chết.”
Cho cuộc đào thoát năm 2018, họ đã phải mất đến 9 tháng để bàn tính và chuẩn bị. Hai người rời Dubai vào ngày 24 tháng 2 năm 2018. Trước tiên, họ đến một quán cà phê nơi hai người thường gặp nhau để ăn sáng mỗi tuần một lần. Latifa bỏ điện thoại ở đó để tránh bị dò theo và cởi chiếc áo dài. Họ lái xe đi Oman và từ đó dùng xuống hơi – dinghy, để đi dọc theo bờ biển thủ đô Muscat của Oman. Sau đó, họ gặp một cựu sĩ quan hải quân Pháp, người đã nhận giúp họ đi trốn. Ông này dùng jetski đưa họ đến du thuyền, nơi thủy thủ đoàn người Philippines chờ sẵn để ra khơi hướng về Ấn độ.
Tám ngày sau, chiếc du thuyền bị tuần duyên Ấn độ chặn lại. Trong lúc Jauhiainen bị trói, bị đưa sang một bên boong tàu, đẩy xuống nước và dọa bắn nát đầu. Mặc dù Latifa luôn miệng rằng cô đang xin tị nạn chính trị, nhưng cô đã bị trói, bị đá và bị mắng chửi. Câu nói cuối cùng của cô công chúa là: ‘Đừng đưa tôi trở lại – hãy bắn tôi ở đây!”
Trước khi đi trốn, Latifa và Jauhiainen đã công bố một đoạn video mô tả chi tiết những cáo buộc về cuộc sống của cô công chúa ở Dubai, từ cách phụ nữ được coi là “đồ bỏ” cho đến những hành động của người cha “ác độc” của cô. Họ dùng video đó để làm bùa hộ mạng. Đoạn video được phát hành trên YouTube ngay khi cô bị bắt. Đến nay, nó đã được hơn 2,8 triệu lượt người xem và Jauhiainen tin rằng sự chú ý của truyền thông là lý do cô được thả sau hai tuần bị giam giữ trong nhà tù UAE.
Trong nhiều tháng sau khi được trả tự do, Jauhiainen không biết Latifa còn sống hay đã chết. Sau đó, vào tháng 12, một bức ảnh chụp Latifa ngồi bên cạnh bà Mary Robinson, cựu Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền được Dubai công bố. Bà Robinson nói với BBC rằng bà đã gặp Latifa, công chúa đang “có vấn đề về tâm lý” và đang “được chăm sóc trong vòng tay thương yêu của gia đình”. Phát biểu của bà Robinson đã bị dư luận phê phán nặng nề, một nhà hoạt động nhân quyền đã buộc tội bà là “con cờ” trong chiến dịch giải độc dư luận tại Dubai.
Gia đình Latifa chỉ có một lần đưa ra thông tin về cô, cho biết vào đầu tháng 12 năm 2018: “Công chúa Sheikha Latifa hiện đã an toàn ở Dubai. Latifa và gia đình hôm nay đang chuẩn bị mừng sinh nhật của cô trong vòng riêng tư và an bình, và họ trông mong xây dựng cho cô một tương lai hạnh phúc và ổn định.”
Con chim đã xổ lồng
Với thông tin về việc SMBR thuê luật sư chuyên môn về ly dị, và cả những câu thơ của ông, chuyện bà hoàng Haya trở về Dubai coi như không còn nhiều khả năng có thể xảy ra nữa. Trong lúc đó, người ta tin rằng SMBR sẽ nhất quyết đòi lại hai đứa con.
Tuy nhiên, sự việc giữa hai vợ chồng cũng có thể đưa đến căng thẳng giữa hai quốc gia UAE và Jordan vì tư thế quan trọng của bà Haya, vừa là em vua Abdullah, vừa là một nhà hoạt động nhân đạo và thể thao có tầm vóc.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Jordan đã không trả lời yêu cầu bình luận. Bộ Ngoại giao Anh từ chối bình luận, và người phát ngôn của Bộ Nội vụ Anh, nơi giải quyết các yêu cầu tị nạn, cho biết văn phòng không thể đưa ra bình luận về các trường hợp cá nhân. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao và Nội vụ Đức cho biết trong một cuộc họp báo rằng họ không có chi tiết gì để thông báo.
Trong khi đó, tại quốc nội, ông hoàng SMBR vừa mất vợ, mất của, lại có thể mất cả ngai. Một số người tin rằng sự việc, và bài thơ của SMBR, có thể báo hiệu sự khởi đầu của sự kết thúc triều đại của ông ở Dubai, và tạo thêm điều kiện cho những người Dubai muốn nhà vua nhường ngôi cho Hoàng thái tử Hamdan bin Mohammed Al Maktoum. Họ hy vọng ông hoàng thái tử trẻ tuổi có thể làm sống lại vận may của tiểu vương quốc. Mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Dubai đã tụt xuống chỉ còn 1.9% vào năm ngoái, tốc độ chậm nhất kể từ năm 2010.
Đỗ Quân (tổng hợp)