MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN BIẾT VỀ DI TRÚ

Anh em họ cưới nhau được không?

Dĩ nhiên luật pháp Úc cho phép công dân Úc kết hôn giữa anh em họ, cho nên nếu có người Việt Nam định cư trên nước Úc hay tạm trú tại Úc, là anh em họ, muốn kết hôn với nhau cũng là chuyện mà luật pháp cho phép.

Tuy nhiên nếu những người có gốc gác Việt Nam này kết hôn để tìm kiếm một cơ hội định cư tại Úc thì là một điều không nên làm. Vì sao? Khi xét hồ sơ xin visa vợ chồng, bộ di trú vừa xem xét cuộc hôn nhân đó có hợp pháp theo luật hôn nhân gia đình của Úc không, cuộc hôn nhân đó có phải là cuộc hôn nhân thật sự hay không, và cuộc hôn nhân đó có phù hợp với phong tục tập quán của người xin visa đoàn tụ vợ chồng hay không.

Vì thế khi xét hồ sơ xin đoàn tụ hôn nhân của người Việt, bộ di trú luôn chú trọng tìm xem những cuộc hôn nhân như thế có phù hợp với phong tục tập quán của người Việt hay không. Do những người đi trước đã khai với bộ di trú là tập quán người Việt rất coi trọng việc thành lập gia đình. Trước đám cưới phải là đám hỏi. Và trong đám hỏi phải có hình thức đi lễ như thế nào. Hộp trầu cau phải có gì, ai là người mang hộp quả này từ ngoài vào nhà bên nhà gái…

Bộ di trú cũng biết là người Việt rất kỵ chuyện chồng nhỏ tuổi hơn vợ, hay tuổi của chồng bằng tuổi cha của cô dâu. Rồi họ cũng biết cả việc chọn vợ chọn chồng gia đình người Việt coi tuổi vợ chồng có xung khắc hay không.

Do đó việc anh em họ đời thứ nhất là lấy nhau sẽ được bộ di trú nhận xét là điều mà người Việt Nam không có gia đình nào có thể chấp nhận một cuộc hôn nhân như thế. Cho nên hợp pháp theo luật gia đình của Úc không có nghĩa là “hợp lý” theo cách nhìn nhận của bộ di trú về hôn nhân theo tập quán của người Việt.

Bảo lãnh cha mẹ theo diện đóng tiền, vài lưu ý quan trọng

Trong vấn đề bảo lãnh cha mẹ theo diện đóng tiền, thì theo hướng dẫn, tổng số con cái có mặt tại Úc (thường trú nhân và công dân) phải quá bán (tức là hơn 50%) tổng số con cái sống tại bất cứ quốc gia nào khác. Ví dụ hai vợ chồng đang ở Việt Nam có 6 đứa con, trong đó có 4 đứa là công dân Úc, hai đứa khác ở Hoa Kỳ. Cặp vợ chồng này đủ tiêu chuẩn để đoàn tụ với các con tại Úc.

Tuy nhiên cần lưu ý là đối với tất cả mọi hồ sơ di trú tại Úc đều có hai thời điểm quan trọng. Thời điểm lúc nộp hồ sơ, tức là hoàn cảnh cụ thể của người nộp đơn lúc hồ sơ xin visa được nộp và thời điểm lúc bộ di trú xét hồ sơ, tức là hoàn cảnh cụ thể của người xin visa lúc hồ sơ được mang ra xem xét.

Tùy theo loại visa mà thời điểm nạp hồ sơ quan trọng hay thời điểm xét hồ sơ quan trọng. Ví dụ trong những hồ sơ bảo lãnh cha mẹ thì thời điểm nộp hồ sơ là quan trọng, chứ không phải thời điểm xét hồ sơ là quan trọng.

Sau đây là một trường hợp điển hình. Một phụ nữ gốc Việt là con gái duy nhất của một cặp vợ chồng người Việt. Người phụ nữ gốc Việt đã trở thành công dân Úc, trong khi đó cha mẹ của người phụ nữ này đã ly dị.

Người mẹ tại Việt Nam đi lấy chồng khác và người cha cũng có vợ khác và bà này còn rất trẻ. Tiếp đó người phụ nữ gốc Việt này bảo lãnh cha ruột và người mẹ kế đi Úc theo visa 143 (đi theo diện đóng tiền). Vào thời điểm nộp hồ sơ, hồ sơ xin visa hợp lệ vì người mẹ kế không có con cái gì cả.

Nhưng sau khi hồ sơ được nộp thì người mẹ kế tại Việt Nam có thai và sinh hai đứa con gái sinh đôi. Do đó vào thời điểm khi hồ sơ được mang ra xét thì hai vợ chồng nói trên có 3 đứa con gái. Một đứa sống tại Úc và hai đứa sinh đôi sống tại Việt Nam.

Nếu thời điểm xét hồ sơ là quan trọng hơn thời điểm nộp hồ sơ, thì cặp vợ chồng nói trên đã bị từ chối visa đoàn tụ với con gái. Tuy nhiên trong loại visa này thời điểm nộp hồ sơ quan trọng hơn cho nên hai đứa con gái sinh đôi sau khi nộp đơn được phép ghép thêm vào hồ sơ, và cả gia đình đã được sang Úc đoàn tụ với người phụ nữ nói trên.

Do đó có thể thấy rằng tổng số con vào thời điểm nộp hồ sơ là quyết định. Sau này nếu có sự thay đổi, di chuyển của các người con nói trên, thì vẫn không ảnh hưởng vào việc xét duyệt hồ sơ.

Nhưng có những loại visa khác thì thời điểm xét hồ sơ quan trọng hơn thời điểm nộp hồ sơ. Ví dụ hồ sơ hôn nhân. Vào thời điểm nộp hồ sơ hai người còn là vợ chồng chung sống. Vào thời điểm xét hồ sơ hai người đã ly thân, thì coi như hồ sơ này bị loại. Ví dụ khác như hồ sơ chăm sóc thân nhân tại Úc. Vào lúc nộp hồ sơ người bệnh còn sống. Nhưng khi xét hồ sơ thì người bệnh đã qua đời và hồ sơ này cũng bị loại.

Ngoài ra cũng có một số trường hợp ngoại lệ, trong đó cha mẹ không cần phải thỏa mãn yêu cầu có quá bán tổng số con cái là thường trú nhân hay công dân Úc.

Ví dụ những trường hợp cha mẹ nộp hồ sơ xin via 143 (diện đóng tiền thường trú) thì vào thời điểm nộp đơn không cần phải thỏa mãn điều kiện về tổng số con cái, nếu vào lúc nộp đơn cha mẹ đang có visa 173 (diện đóng tiền tạm trú) hay có visa du lịch 600.

Cũng cần lưu ý rằng nếu con cái là thường trú nhân thì những người con này phải thực sự cư trú tại nước Úc lúc nộp hồ sơ, chứ không được sống tại các nước khác. Nhưng nếu con cái là công dân Úc thì lúc nộp hồ sơ xin đoàn tụ với cha mẹ, họ có quyền sống tại bất cứ nước nào trên thế giới.

Trả lời phỏng vấn với bộ di trú

Đây là vấn đề cần lưu ý đối với quý vị đồng hương đang chờ được bộ di trú phỏng vấn. Bộ di trú, tùy theo hồ sơ, có quyền tiến hành phỏng vấn những người xin visa và những người bảo lãnh, bằng cách mời đến văn phòng của bộ di trú (tòa lãnh sự), hay đến tận nhà phỏng vấn, hay phỏng vấn qua điện thoại.

Khó có thể biết trước trường hợp nào là được phỏng vấn qua điện thoại. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của văn phòng chúng tôi, thì những trường hợp được phỏng vấn qua điện thoại là những trường hợp hồ sơ có độ khả tín cao, và nhân viên bộ di trú chỉ cần hỏi thêm chút ít.

Tuy nhiên nếu trong khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại mà nhân viên bộ di trú lại phát sinh những ngờ vực, thì hồ sơ có thể bị bác.

Ví dụ có một phụ nữ bảo lãnh chồng qua Úc theo diện hôn phu hôn thê. Sau khi đến Úc hai người kết hôn đàng hoàng, nộp giấy hôn thú và đã được bộ di trú cấp visa 820 (là visa hôn nhân tạm thời chờ hai năm để vào thường trú).

Khi sắp vào thường trú nhân viên của bộ di trú gọi điện thoại phỏng vấn người chồng trước, và sau đó phỏng vấn người vợ bằng điện thoại trong một lần khác sau đó. Cả hai lần người gọi điện phỏng vấn không phải là người nói tiếng Việt, mà nói tiếng Anh. Trong khi đó trình độ tiếng Anh của hai vợ chồng nói trên không tốt lắm. Họ trả lời bằng tiếng Anh khi được hỏi bằng tiếng Anh mà không thắc mắc gì cả. Cuối cùng hồ sơ vào thường trú bị từ chối với lý do hai vợ chồng trả lời không trùng khớp.

Sự vụ được đưa ra tòa. Trong hồ sơ đệ trình trước khi ra tòa, luật sư đã nêu rõ vấn đề là nhân viên bộ di trú tiến hành phỏng vấn bằng điện thoại mà không hề báo trước, và cũng không hề hỏi là những người được phỏng vấn có cần phiên dịch tiếng Việt hay không.

Tại phiên tòa kháng cáo có sự hiện diện của một phiên dịch người Việt, sau khi nghiên cứu tất cả những hồ sơ do luật sư đệ trình, tòa chỉ hỏi cả hai vợ chồng qua phiên dịch chưa đến 45 phút và công nhận họ là một cặp vợ chồng thật sự đang sống hạnh phúc với nhau.

Vì thế khi trả lời phỏng vấn bằng điện thoại với nhân viên của bộ di trú điều quan trọng là người được phỏng vấn nên được bộ di trú thông báo trước về việc phỏng vấn qua điện thoại. Đồng thời nếu trình độ tiếng Anh không vững, thì đừng bao giờ trả lời phỏng vấn qua điện thoại bằng tiếng Anh mà phải yêu cầu sự hiện diện của một thông dịch viên người Việt.

Nhân viên di trú không có quyền

Khi nộp hồ sơ xin bảo lãnh vợ hay chồng, thông thường bộ di trú yêu cầu người xin visa lẫn người bảo lãnh, phải trình các bằng chứng về mối quan hệ vợ chồng giữa người bão lãnh và người xin visa.

Trong số các bằng chứng, thì những tờ hóa đơn điện thoại là những bằng chứng khá quan trọng cho thấy mức độ giao tiếp hàng ngày của cả hai bên. Trong các hóa đơn hàng tháng do các công ty điện thoại gửi về, thường ghi rõ các cuộc gọi từ số máy gọi đến số máy nhận và ghi cả thời lượng cuộc gọi kéo dài bao nhiêu lâu.

Nếu người bão lãnh và người xin visa tại Úc và Việt Nam ngày nào cũng gọi cho nhau, như ghi rõ trong các hóa đơn, thì đó là một bằng chứng mạnh chứng tỏ mối quan hệ gắn bó và gần gũi của hai bên.

Đúng ra, nhân viên xét duyệt hồ sơ của bộ di trú chỉ cần bằng chứng như thế là quá đủ đối với các hóa đơn điện thoại. Họ không có quyền sử dụng hóa đơn điện thoại này vào những mục đích khác.

Ví dụ, vừa qua có một số nhân viên của bộ di trú đã làm quá quyền hạn luật định của họ đối với các hóa đơn điện thoại. Khi nghiên cứu các hóa đơn điện thoại này, một số nhân viên di trú đã tự ý gọi điện thoại đến các số điện thoại khác trong hóa đơn và hỏi những người này về mối quan hệ giữa người bảo lãnh và người xin visa.

Trong nhiều trường hợp những người được bộ di trú gọi điện thoại hỏi đã rất ngạc nhiên và không hiểu vì sao bộ di trú có số điện thoại của họ, và vì sao họ lại bị bắt phải trả lời về chuyện riêng tư của người khác. Thông thường những người này chỉ là bạn bè, hay đồng nghiệp của người bảo lãnh và có nhiều người đang sống tại Úc.

Những người hiểu biết về luật pháp lập tức phản ứng và trả lời rằng họ không có quyền trả lời về chuyện riêng tư của người khác nếu chưa được người đó cho phép. Khi nghe nói vậy, các nhân viên di trú cám ơn và cúp máy.

Những người này sau đó đã trình báo sự việc lên cho bộ di trú và hiện nay bộ di trú đang điều tra những hành vi quá trớn của các nhân viên di trú quá mẫn cán một cách trái luật này.

Ls Lê Đức Minh

Related posts