Nhà văn! Một đời nặng nợ áo cơm!

Sau 75, bà con mình đói khổ quá. Để có cái bỏ vào mồm mà sống sót thì ‘chà đồ nhôm’ tức ‘chôm đồ nhà’; kể cả những kỷ vật gia đình thường trân quý như chiếc áo dài ngày Ba cưới Má cũng đem ra mà ‘mãi’.

Vậy là bất cứ thành phố thị xã nào của miền Nam, chợ Trời tự phát mọc lên. Bà con mình ra đó mua mua, bán bán. Đồ nhà cũng mua và đồ ăn cắp cũng mua. Bán gì cũng mua và mua gì cũng bán.

Khách hàng là những người dép râu nón cối, răng hô đi đâu cũng kè bè cái ‘bazooka’ để bắn thuốc lào nghe ro ro, thuộc phe thắng trận. Những người hồi đó tới giờ mới biết cái đồng hồ không người lái! Mới biết người Sài Gòn sáng nào cũng ra lề đường ngồi, nhìn đăm đăm cái nồi ngồi trên cái cốc mà suy nghĩ chuyện đời.

Giá mà những ngày cuối cùng của cuộc chiến, nhạy bén như đồng bào miền Bắc di cư vào năm 54, chạy ra bến Bạch Đắng, bỏ cả chiếc xe gắn máy Honda cho đứa nào ở lại muốn chạy thì chạy, leo đại xuống chiếc tàu nào sắp rời bến là giờ mình đã ở dảo Guam; cuộ đời đâu áo vũ cơ hàn cho đến nông nỗi nầy!

***

Bà con lao động mình mình còn giỏi chòi đạp để tìm đủ mọi cách mà sanh tồn. Giới cầm bút làm báo thì dở ẹc trong chuyện mua bán nầy; vì suốt cả một đời chỉ biết bán chữ. Mà giờ cơm không đủ ăn thì bà con mình có có ‘quởn’ đâu mà đi mua chữ chớ?

Nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam đành phải đem chữ của mình ra bán chợ Trời sáng sáng.

Sơn Nam xưa giờ đánh chữ máy xách tay hiệu Olivetti. Gỏ chữ là có tiền xu, tiền cắc hè. Cái máy chữ này như người vợ nhỏ, cưới hồi nhỏ, bỏ hổng đành, hổng nỡ phụ bạc người xưa!

Còn bây giờ ‘internet’ cũng hay! Gỏ cộp cộp, xong, bắn cái rẹt là tới tòa soạn nhanh như chớp. Chỉ có cái vụ trả tiền nhuận bút là vẫn rùa bò, ì ạch như xưa!

***

Sơn Nam ngồi trầm tư bên ly cà phê đen trong căn-tin của tuần báo Văn Nghệ, chờ thiên hạ tới đặt bài. Vậy mà có một thằng nhà thơ còn con nít ke, dám giỡn hổn, rằng: “Sơn Nam đang đứng bến như những cô gái giang hồ”

Hổng lẽ mới sáng nó đã ‘xỉn’ hay nó ‘cà nanh’, hổng ai đặt thơ nó viết? Mần văn kiếm ăn. Mà kiếm ăn là cạnh tranh, tranh danh, tranh tiếng; nhưng đừng chơi trò ‘phun độc’ nhe bạn! Mình là dân văn nghệ mà?!

Nhưng nghĩ cho kỹ, tay nhà thơ nầy không phải phun ‘nọc độc’ gì đâu mà ‘tự thán’ cho cái kiếp làm văn nghệ trong thời buổi hỗn mang bây giờ như một cô gái giang hồ bán thân; còn nhà văn bán chữ để nuôi thân. Viết phải làm vừa lòng kẻ trả tiền, dù hổng bao nhiêu, kể cả nói dóc để tuyên truyền; chớ không viết bằng trái tim của mình như ngày xưa nữa!

***

Ngồi một lát, có thằng đạo diễn (từ ngoài Bắc mới bò vô đất phương Nam một thời trù phú để kiếm ăn) lại, chở đi ăn phở Tàu Thủy trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Sơn Nam bèn tháo hàm răng giả ra, bỏ lên bàn nghe cái cộp, để húp nước lèo cho nó đã.

Tưởng nó thơm thảo mời đi ăn phở nhưng đời mà có ai cho ai không cái gì bao giờ? Nó bỏ tiền ra bao tô phở để nhờ sửa dùm vài chữ. Nó viết: “Đi hái bông súng nấu canh chua” Sơn Nam gạch chữ hái, thay vào chữ ‘nhổ’. “Người ta ăn cọng bông súng. Cọng thì nhổ, hái khỉ mốc gì. Sửa một chữ, một tô phở, hổng mắc đâu!”

Xong xuôi, thằng đạo diễn nầy lại lái xe Honda trả Sơn Nam về chỗ cũ. Xưa giờ nhà văn Sơn Nam được mệnh danh là Vua đi bộ mà. Hổng có ai chở đi xa xa chừng 5, 10 cây số là chịu thua thôi. Hồi còn trẻ khỏe, ngày lội 5, 10 cây số ăn nhằm gì. Giờ già rồi nó phải khác chớ!

Cũng có lần tụi truyền hình bí đề tài, bèn lôi đại nhà văn ra mà phỏng vấn (dĩ nhiên có trả chút tiền còm) rằng “Sao viết văn?”

Sơn Nam, một cõi rất U Minh ‘sang sáng tôi tối’, trả lời rằng: “Tôi sức yếu quá, nếu khỏe như Huỳnh Đức thì đã đi đá banh rồi. Lại xấu trai nữa, nếu không đã đi đóng phim như Chánh Tín hồi còn trẻ. Vừa ốm yếu, vừa xấu trai đành đi viết văn vậy!”.

***

Bán chữ ở chợ Trời, chợ đời cũng có bữa kha khá, bữa đủ ăn; bữa đói nhăn răng. Xui quá! “Có mấy cô ký giả trẻ đến hạch hỏi mấy tiếng đồng hồ, trả lời muốn khan cổ họng mà chẳng có đồng xu. Nhưng kể ra cũng tội nghiệp tụi nó, sinh viên từ miền Tây mới ra trường, đang thử việc, không có bài hay thì chủ báo không ký hợp đồng nên ráng giúp tụi nó”.

Dẫu vậy, so với nhà văn Lê Xuyên cùng thời, đang sống trong cùng khổ, phải bán thuốc lá lẻ ngoài đường phố thì nhà văn Sơn Nam họa hoằn đôi khi cũng có vô mánh.

Như thằng Tây Jean-Jacques Annaud, đạo diễn phim Người tình (tL’Amant) quay tại Việt Nam (Sa Đéc và Sài Gòn) vào năm 1986 cũng trả được một mớ kha khá nhưng cửu hạn phùng cam vũ, chịu nắng hạn lâu ngày được gặp mưa cũng đở đở chừng một tháng rồi lại tiếp tục hạn hán.

***

Thời buổi bây giờ viết là phải lách thế mới gọi là viết lách. Lách không khéo đụng vô điều cấm kỵ của mấy ‘quan anh’ về văn hóa là nó tước mất cây viết của mình, mất cha nó cái cần câu kiếm cơm là đói lắm!

“Ông muốn yên thân thì nghe lời tui: ngắt véo nó chút đỉnh. Bài ông viết, tui mới cho đăng, đặng ông kiếm chút cháo”…

Độc giả thân mến, có người thông cảm; có người không. Người không thì nói tui a dua: “Thiệt là oan Thị Mầu! Thôi kệ hàm oan thì chịu, biết nói làm sao bây giờ?!

***

Bán chữ cũng bán từng bài nhưng cũng có đứa thấy kiếm ăn được bèn mua mảo. Thằng nhà xuất bản Trẻ mua hết tác phẩm của Sơn Nam. “Bây giờ nhà xuất bản Trẻ làm ăn khấm khá, anh chị có cơm ăn, tui cũng có chút cháo” . Nghe vậy, nó trả hổng có bao nhiêu mà còn dặn đừng nói ai nghe; nên cứ tưởng tiền trao cháo múc như Tây. Nhưng ‘Mít’ lại trả tiền không ngọt, lắt nhắt, hổng làm gì được như gió vào nhà trống!

Kẹt cái là ngoài nó, hổng có ai mua. Toàn là đọc chùa trên ‘internet’ như hồi xưa đi coi hát cọp. Xưa nghèo, mê hát bội, hổng tiền, coi hát cọp là phải rồi. Giờ tụi nó giàu nứt vách mà cũng coi cọp nữa. Thiệt là bó tay?!

Rồi bữa phát hành sách lại mời thỉnh ‘giao lưu, giao liếc’ đánh trống thổi kèn quảng cáo xong, nó mời đi ăn. Nó ăn cơm Dương Châu, tưởng mình được ăn cháo Bào Ngư, dè đâu ăn cháo hột vịt muối. Mặn thấy bà! Mà nước mất rồi còn đâu mà uống?! Đành kiếm nước phông tên uống đỡ.

***

Thời sanh tiền, Khu du lịch Bình Quới, Thanh Đa có nặn tượng nhà văn Sơn Nam để câu khách. Ông đói nhăn răng, mà tụi nó bắt ông phải đứng đó để nhìn thiên hạ ăn nhậu ì xèo! Thiệt là oái ăm cho cuộc đời cho một người suốt cả đời cầm viết!

Nhà văn Sơn Nam mất năm 2008, năm nay đã được hơn 10 năm lẻ. Nhưng theo tui, chết đâu phải là hết, chỉ là ‘tiếu ngạo giang hồ’ từ hành tinh này sang hành tinh khác mà thôi!

Mười năm như bóng câu qua cửa sổ, trong chớp mắt. Sơn Nam được an táng ở Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương do công ty Chánh Phú Hòa (Cphaco) xây dựng năm 2006, rộng tới 200 hecta, tại phường Chánh Phú Hoà, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn 50 cây số

Nghe nó quảng cáo là tặng cái mộ phần cho nhà văn Sơn Nam tốn của tụi nó tới 1 tỉ đồng. Có người vô tâm cho rằng nhà văn Sơn Nam hên, khi chết được mồ yên mà đẹp, nằm gần toàn đại gia, có máu mặt trên chốn giang hồ gió tanh mưa máu.

Tui thì lại nghĩ khác khi nhớ tới mấy câu thơ của ông: “Phong sương mấy độ qua đường phố. Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.

Khi chết, theo tui đoán, chắc ông muốn về lại đất quê hơn, như trong ‘Tình nghĩa giáo khoa thư’, tuyển tập ‘Hương rừng Cà Mau’ để tiện thể ghé xóm Cà Bây Ngộp, thăm bạn hiền Tư Có, ăn cá lóc nướng trui, uống rượu ‘Ông Cọp’ chơi cho vui.

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne.

Related posts