Xôi khúc trước kia chỉ thấy bán nơi có nhiều người Bắc ở. Sau 75 nhờ các phụ nữ người Bắc ồ ạt vào Nam chở đi bán rong luồn lách khắp nơi tận hang cùng ngõ hẻm mà trở thành món ăn phổ biến với người miền Nam.
Đó là nếp nguyên hạt bao quanh một viên nhân đậu xanh xào thịt, bọc bột to bằng nửa quả banh tennis. Có khi còn chấm muối đậu nên càng dễ ăn hơn. Thường xôi được giữ trong chõ để ủ hơi nóng. Khi xới bán cho khách hàng, viên xôi vẫn còn bốc khói thơm phức mùi đậu.
Trước đây nghe các người bán xôi dạo rao:
-Xôi khúc đây! Xôi khúc nóng hổi đây.
Người Nam không biết có một loại nguyên liệu dùng để lấy màu xanh nấu xôi là rau khúc, thay vì lá dứa ở miền Nam mà người Bắc gọi là lá nếp.
Lá khúc, xôi khúc, bánh khúc… nghe thật lạ tai. Vì thế người Nam gọi trại ra thành xôi cúc, ít ra còn liên tưởng đến tên của loài hoa quen thuộc hoặc hình dạng tròn tròn nho nhỏ như con chim cút. Chiều theo tiếng phát âm của dân địa phương nên mặc dù xôi do người Bắc chứ không phải người Nam nấu nhưng bây giờ, đa số người bán vẫn rao xôi cúc cho thuận tai người mua.
Vả lại ở miền Nam không sẵn lá khúc ngoại trừ nơi tập trung nhiều người Bắc sinh sống mới trồng loại rau ấy, như một cách tưởng nhớ về quê hương cũ, duy trì thức ăn, tập quán cũ… Lá khúc hiếm quá nên màu xanh của xôi khúc được thay thế bằng rau tần ô, cải bó xôi… hay tiện lợi nhất là dùng phẩm màu thực phẩm để khỏi mất công xay lá, lọc nước lấy màu. Vì thế cuối cùng đúng tên xôi khúc hay không cũng chẳng còn ý nghĩa gì cho lắm.
Đó là không kể để khỏi rắc rối và người mua ngại màu làm từ hóa chất thì thoạt tiên người ta chỉ nhuộm xanh nhân bên trong, ngoài lăn nếp trắng. Sau này chẳng cần màu mè làm chi, viên nhân bên trong vẫn để nguyên màu vàng đậm của đậu xanh xào thịt chứ không cần nhuộm màu xanh lá nữa. Chẳng ai biết đến ý nghĩa tên của xôi thì cần gì đến hương vị đặc biệt của rau khúc.
Xôi khúc có nhân mặn nên là loại xôi bình dân ăn dễ đầy bụng hơn các loại xôi ngọt. Ăn hết gói xôi một hay hai viên có thể đầy bụng tới trưa. Xôi là thức ăn điểm tâm rẻ nhất vì bánh mì hiện nay từ mười, mười hai, mười lăm ngàn trở lên một ổ nhưng xôi thường chỉ năm, bảy ngàn một gói. Nếu gói xôi mười, mười lăm ngàn thì to và no hơn bánh mì đồng giá. Phở, hủ tíu, bánh cuốn đều mắc hơn từ hai mươi ngàn trở lên nên xôi bao giờ vẫn là món điểm tâm rẻ tiền và no lâu.
Vì thế không những bán khắp nơi vào buổi sáng như thức điểm tâm mà buổi chiều và tối cũng có xôi bán rong không kể vài cửa tiệm mở cửa từ sáng đến khuya chuyên bán cả chục loại xôi khắp các miền từ Bắc đến Nam, trong đó không thể thiếu xôi khúc.
Cứ một ngày qua khắp phố phường ngõ hẻm, chợ búa nhìn thấy bao nhiêu người và đủ thứ hàng hóa đi qua là bấy nhiêu dân tứ xứ kéo tới thành phố này tìm kế sinh nhai. Lũ lượt đẩy đi hết người này đến người khác từ buổi sớm trời còn sáng mờ đã vang lên tiếng rao nối tiếp nhau. Xe bán bánh mì, rau cải, bánh chưng bánh dầy, trái cây… thượng vàng hạ cám. Dân các miền vào Nam kiếm ăn đều thay đổi giọng nói để khách dễ nghe, chỉ khi gặp đồng hương họ mới nói đúng giọng gốc của mình, khi ấy mới phân biệt đôi chút giọng Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định… Hỏi ra kỹ mới biết người Thái Bình, người Hải Dương, người Sóc Trăng… người độc thân, người mẹ con, người cặp đôi vợ chồng… cùng lăn vào kiếm sống ở nơi đất lành chim đậu này.
Mặc dù vài ngày mới mua xôi một lần nhưng chị bán xôi đi ngang thấy tôi đều dừng lại mời. Chị ta là người miền Tây. Rau khúc là thứ xa lạ khó mà tưởng tượng ra hình dáng. Chưa bao giờ nhìn thấy nên chị lảnh lót rao ai ra mua xôi cúc.
Trên chiếc giỏ móc ở đầu xe đạp, chị ta móc ra ngay một xấp vé số chìa ra trước mặt tôi. Thật là một công đôi chuyện. Đằng nào cũng một lần rong ruổi ngoài đường nên chị ta nhân thể bán một lúc hai món hàng.
Chị cho biết:
-Trước kia tôi chỉ chuyên bán vé số nhưng từ khi vé số điện tử ra đời, vé truyền thống ế hẳn. Giá vé số điện tử và truyền thống bằng nhau đều mười ngàn đồng. Vậy mua vé điện tử trúng nhiều hơn. Người ta ao ước trúng một lần mấy chục, mấy trăm tỉ chứ không muốn vận may hiếm hoi mà khi xảy đến chỉ trúng một tỉ rưỡi, bây giờ mới lên hai tỉ mà còn trừ đóng thuế.
Quả không bán vé số thì biết làm gì bây giờ. Già trẻ đổ xô ra ngoài đường bán vé số. Đó là nghề nhàn hạ, vừa sức duy nhất mà người ta dễ nghĩ đến. Những người nông dân rời làng xóm ruộng vườn không nghề nào khác, không vốn liếng, đâu có biết làm ăn buôn bán gì cho ra lợi tức nên ai nấy chỉ trông cậy vào xấp vé số. Từ ông xe ôm đến bà bán cá đều chắt bóp mỗi ngày cố gắng nhín để mua một, hai vé cầu mong có ngày đổi đời. Người khác mua vé không mong trúng số mà chỉ là mua giúp.
Nếu thấy tôi mua của chị bán xôi thì mấy người khác cũng chạy đến chào. Ngồi quán uống hết ly nước cả chục người bán vé số ghé mời. Hễ gặp vé số Đồng Tháp thì tôi mua vì nhớ quê hương đã xa nhiều năm không về. Thế nhưng mua cả năm không bao giờ trúng một lần an ủi!
Khu vực nhà tôi đông dân cư, thế nào cũng có người mua thứ gì đó nên bao giờ chị bán xôi cũng nấn ná ở lại một chút, nói vài ba câu chuyện buôn bán và đời sống hằng ngày.
Tôi hỏi
-Sao chị không ở quê với chồng con mà vào đây buôn bán một mình?
Chị ta nhân thể nghỉ chân, kể lể:
-Trước đây có thời gian tôi lên Lâm Đồng hái trà. Tôi cũng biết xao trà nữa nhưng dần dần máy móc thay thế con người. Công nhân thất nghiệp và lương thấp nên mạnh ai nấy bỏ đi tìm nghề khác mưu sinh. Hai đứa con tôi còn nhỏ gởi bà ngoại. Còn chồng cũng vào Nam làm nghề mài hột ở Gò Vấp.
Mài hột cũng thuộc nghề kim hoàn. Thợ mài hột chuyên cắt mài, đánh bóng hột đá. Người khác gọt dũa kim loại và cẩn hột vào vật trang sức.
Thế nhưng chị ta buông thõng thêm một câu như trút vào đó mọi nỗi chán chường:
-Ly dị rồi.
Tôi ái ngại không muốn hỏi thăm làm xoáy sâu vào nỗi buồn của chị phụ nữ.
Dân nhập cư hầu hết đều chịu cảnh gia đình ly tán. Con nhỏ gửi ông bà trông nom. Một vợ hay một chồng có khi phân công ở lại trông nom nhà cửa vườn tược. Còn không cả hai vợ chồng cùng dắt díu tah phương kiếm sống. May mắn thì cùng nghề như hai vợ chồng người Thái Bình bán bắp xào. Mỗi người đẩy một xe đi khác hướng, khuya về nhà trọ, sáng chia nhau người đi chợ, người ở nhà sửa soạn làm hàng dù sao cũng được ở chung trong gian phòng trọ. Cặp vợ chồng khác vợ làm công nhân may, chồng bán quần áo rũ, tuy vẫn ở cùng nhau nhưng hiếm khi gặp mặt vì giờ giấc làm việc khác nhau. Xui nhất là hai vợ chồng làm hai nơi xa nhau không thể ở cùng. Đó là chị Bình Định bán bánh phồng ở thành phố nhưng chồng phụ hồ theo chủ thầu nay đây mai đó hàng tháng chẳng có dịp gặp nhau.
Xa xôi thì mỗi năm Tết nhất về quê một lần. Gần thì thêm ngày giỗ chạp về xum họp dăm ngày lại quày quả khăn gói ra đi. Xa mặt dần cách lòng. Vì xa cách lâu như thế, giềng mối gia đình trở nên lỏng lẻo, một số gia đình tan vỡ, vợ chồng chia tay nhau. Con cái đứa theo cha, đứa theo mẹ, đứa qua nội, đứa về ngoại, đứa nào đủ lớn lại vào Nam xin làm công nhân trong các khu chế xuất hay khu công nghiệp, làm thuê cho các cơ sở tư nhân..
Chị ta vẫn kiên nhẫn đứng xòe xấp vé số và quay sang tôi giải thích:
-Tôi không nấu xôi mà lấy từ một bà gốc Long An. Bà nấu xôi bán ở chợ gần nhà, nhân thể nấu dư cho tôi mang bán rong. Không mất thời gian chợ búa nấu nướng nên tôi có thể đi ngày hai buổi. Vì thế mới vừa bán xôi kèm vé số như thế này.
À ra thế, thành phố này cái gì cũng công nghiệp hóa, cũng bỏ mối, bán sỉ. Đây cũng là thành phố của dân tứ xứ nên các món ăn không giữ hương vị nguyên thủy mà luôn có thay đổi để phù hợp với khẩu vị của tất cả mọi người.
Xôi khúc thường là người Bắc bán vì họ mới biết cách trộn bột, đồ nhân đúng. Thế nhưng ở thành phố vốn nguồn gốc là vùng đất mới này, mọi thứ đều thay đổi hòa quyện nhau. Mì Quảng không hẳn Quảng Nam, bún cá chưa chắc Quy Nhơn…
Vì thế bà Long An nấu món xôi khúc của người Bắc không có lá khúc, đồng thời bà lại cải biên bằng cách thêm vào nhân một trứng cút, viên xôi to có hai trứng mắc hơn giá mười ba ngàn, giống như bánh bao, ăn ngon hơn, no hơn và vị lạ hơn xôi khúc nguyên thủy. Có lẽ một ngày nào đó, xôi khúc sẽ có nhân trứng muối. Tất cả những món bánh trái muốn lên đẳng cấp mới đều được chứng nhận bằng cách thêm trứng muối như bánh tét trứng muối, bánh bao trứng muối, bông lan trứng muối… Không hiểu món xôi mới lạ xuất hiện ở miền Bắc ra sao nhưng ở Saigon, nó được tiếp nhận như mọi món ăn khác, thêm thắt thay đổi liền liền mới mong tồn tại lâu dài được.
Ngừng chân một lúc bán được một gói xôi và ba tờ vé số. Nồi xôi gần hết, vé số còn nhiều. Chị bán hàng lại đạp xe đi, gương mặt kiên nhẫn và chịu đựng. Cuộc sống của chị giờ chỉ còn hướng về hai đứa con nhỏ ở quê nhà.
Ngô Đồng