Nguyễn Thụy Long từ Loan Mắt Nhung đến Hồi ký Viết Trên Gác Bút

Tôi thích đọc văn Nguyễn Thụy Long từ những truyện đầu của ông. Có thể đó là truyện ông viết đăng nhiều kỳ trên Tuần San Thứ Tư ở Sài Gòn trong những năm khoảng 1966 – 1967. Truyện Bước Giang Hồ. Đó cũng là những ngày đầu tiên tôi vào Sài Gòn học đại học. Thuở đó, tôi ở trọ trên một căn gác nhỏ trong một con hẽm của đường Lê Văn Duyệt, chênh chếch rạp chiếu bóng Thanh Vân. Người bạn cùng quê với tôi vào Sài Gòn trước, đang làm thuê (bỏ báo) cho nhà Tổng phát hành NamCường, nên buổi chiều, khi bạn tôi đi làm về, đem theo bao nhiêu là báo, từ các báo hằng ngày, đến báo hằng tuần. Tôi bắt gặp truyện Nguyễn Thụy Long trong Tuần san Thư Tư, Bước Giang Hồ đăng ở đây và tôi đọc mê mẩn.

Nhưng tôi thật sự mê Nguyễn Thụy Long khi ông in tập Loan Mắt Nhung, truyện dài, mang hơi hướm du đảng, đĩ điếm, với những cảnh đời đau thương của giai cấp dưới đáy xã hội. Giai cấp bị bóc lột, bị ruồng bỏ, dù có cố muốn thoát ra kiếp người cùng cực, đọa đày, nhưng vẫn không sao thoát ra nổi.

Sau này tôi có xem phim Loan Mắt Nhung do đạo diễn Lê Dân thực hiện.

Phim này được giải thưởng: Giải Văn học nghệ thuật Sài Gòn 1970 về truyện phim hay nhất.

Cốt truyện có thể tóm lược như sau:

Loan là một thanh niên lương thiện bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành du đãng nổi tiếng (Loan có đôi mắt rất đẹp như nhung nên gọi là Loan Mắt Nhung). Vì cuộc sống khốn khổ, Loan phải đương đầu để sinh tồn rồi trở thành một đàn anh trong giới dao búa. Khi còn lương thiện, Loan đã có mối tình rất đẹp với một cô gái tên Xuân (Thanh Nga đóng). Vào với giang hồ, Loan gặp Dung (Kim Xuân). Loan đã thực hiện nhiều phi vụ lớn, ăn cướp, buôn lậu… nhưng anh vẫn mong có một ngày trở về cuộc sống lương thiện. Gặp lại Xuân trong tình cảnh éo le, khi Xuân bị bọn xấu hãm hại và giết chết. Quá đau khổ, Loan nổi loạn giết hết bọn du đãng, giang hồ rồi ra đầu thú chính quyền.

Có thể nói, hai nhà văn Việt Nam trước 75 viết về du đảng, đĩ điếm mà tôi thích nhất là Duyên Anh và Nguyễn Thụy Long, nhưng Nguyễn Thụy Long qua truyện Loan Mắt Nhung, sau khi được lên phim nhìn Loan Mắt Nhung, nhân vật chính đóng vai Loan là Huỳnh Thanh Trà, với đôi mắt to đen, thân hình thanh niên trai trẻ cường tráng đầy cá tính, tôi mê tác phẩm Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long hơn (hơn Huy Cường trong vai Hoàng Guitar trong phim Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, truyện của Duyên Anh).

Đến ngày 30-4-1975 – có nhiều người gọi ngày này là ngày đứt phim, ngày đổi đời hay ngày trời sụp cũng đều đúng cả. Những sĩ quan trong quân đội VNCH như tôi, phải vào trại tập trung ngồi đếm lịch sau 30-4 vài tháng. Cứ ngỡ những người ở ngoài sẽ sung sướng hơn, nhưng không ngờ, xã hội bên ngoài sau 30-4, càng khổ sở hơn. Có người nói, tù trong hay tù ngoài cùng khổ như nhau, kể cả các nhà văn, trong đó có Nguyễn Thụy Long, ông cũng bị bầm dập, trầy lên trụt xuống mãi gần 34 năm, cho đến ngày ông mất (2009).

Hồi Ký Viết Trên Gác Bút

Đọc lại hồi ký Viết Trên Gác Bút của Nguyễn Thụy Long, sau ngày ông mất, tôi mới thấy thấm thía và ngẫm nghĩ, cuộc đời một nhà văn, lăn lộn suốt cả một đời với nghề cầm bút, với gần 40 tác phẩm cống hiến cho đời, thế mà cuối cùng ông bị nghèo khổ, bần cùng và chết thê thảm vì bị tiểu đường và bị tai biến mạch máu, phải nằm nhà thương mười mấy ngày cho đến chết. Nhìn hình ông ốm o, xương xẩu trong những ngày cuối cùng, tôi thấy thật thương thân phận của nhà văn quá đổi.

Sau bảy lăm, Nguyễn Thụy Long bỏ bút 16 năm, một thời gian quá dài đối với người đam mê viết lách. Nhưng sau đó, có lẽ, cái nghiệp văn không buông tha ông nên cũng cố ngồi viết lại. Ông có 5 tác phẩm viết trong thời gian sau này và được các nhà xuất bản hải ngoại in, theo thứ tự thời gian, đó là:

Nửa đời bóng tối (1991)

Hồi Ký viết trên “Gác Bút” (1999)

Giữa đêm trường (2000)

Thuở mơ làm văn sĩ (2000)

Thân phận ma trơi (2000)

Hồi Ký Viết Trên Gác Bút có những đoạn mà tôi thấy đúng là bằng chứng sống, sau cuộc đổi đời 1975. Thời gian sau khoảng hai tháng sau 30 tháng tư bảy lăm, tôi đã khăn gói vào lò cải tạo, thì Nguyễn Thụy Long ở nhà, ông mô tả gia cảnh của ông bấy giờ thật bất hạnh. Người vợ đầu gối tay ấp với ông, đã có với ông 2 đứa con đã tố ông ra công an phường và đuổi ông đi.

(Người vợ này là con một cán bộ cộng sản đã chết, được phong là liệt sĩ, có bà con ngoài bắc rất nhiều). Ông thuật lại hoàn cảnh ônglúc đó (sau khi vợ ông tố cáo ông ăn cắp tiền của gia đình, ông bị công an phường bắt lên làm việc suốt một đêm)
“- Đúng ra theo lệnh và căn cứ vào lời tố cáo của vợ anh, tôi có thể bắt giữ anh để điều tra, vì bây giờ đang thời gian quân quản. Quân đội được toàn quyền để gìn giữ an ninh trật tự trong thành phố. Nhưng thôi, sau một đêm làm việc với anh, tôi hiểu, tôi tha anh. Anh nên ra khỏi đây ngay và đi khỏi khu phố này, như thế tốt hơn. Tôi không còn trách nhiệm về anh nữa.

– Vợ con tôi?

Người Đại Úy trẻ nhìn thẳng vào mặt tôi, có vẻ bực mình, gắt khẽ:

– Anh nhiều tình cảm và lẩm cẩm quá, đúng là nhà văn, anh đã rõ vợ anh cạn tàu ráo máng với anh rồi mà. Đi ngay đi kẻo hối không kịp.

Tôi vẫn còn ấm ức:

– Đã đành, nhưng còn hai đứa con gái nhỏ của tô i. . .

Người Đại Úy nhún vai trả lời:

-Can đảm lên, một việc làm cuối cùng tôi giúp được anh là cắt tên anh khỏi sổ gia đình để anh về một nơi khác. Chẳng hạn nhà mẹ anh đang ở, như anh đã nói với tôi hồi đêm.

Bây giờ tôi viết cho anh tờ giấy, đóng mộc ký tên về trình diện địa phương. Mẹ anh không lẽ không lo cho anh vào nhà.

…Tôi không hề biết vợ tôi là con cái liệt sĩ, cũng không biết bà ta có anh em bà con vớirất nhiều người cách mạng. Ngày tôi lấy vợ, tôi chỉ biết nàng mồ côi, mẹ nàng bệnh chết, hiểu sâu xa thêm chút nữa thì bố nàng bị Tây giết…

Tôi đã khai với người Đại Úy phường trưởng hồi đêm như thế .

Sau ngày giải phóng, dép râu và mũ cối vào đầy nhà, tất cả những người đó đều là bà con cật ruột với vợ tôi. Họ nói sẵn sàng mở rộng vòng tay cứu vớt những người bà con ở miền Nam lầm đường lạc lối, họ xâm nhập vào gia đình, xía vào tất cả mọi chuyện riêng tư, sẵn sàng đấu tranh và căm thù thay cho người khác. Đó là điều cấm kỵ từ trước đến nay không hề có và không thể có được ở miền Nam. Nhưng bây giờ là sự đương nhiên bị áp đặt gọi là tình nghĩa được khoác cho cái từ là đạo đức cách mạng…

Chiều hôm qua tại căn nhà của tôi, bên họ họp đại gia đình cách mạng để xử tôi về tội ăn cắp tiền bạc. Hai đứa con tôi không biết được mang đi đâu để tránh nhục nhã vì bố.

Ngoài vụ xử tôi về tội trộm cắp tài sản, tiền bạc còn kèm theo lá đơn ly dị, mà tôi phải ký tên chấp thuận để người thân của họ thoát khỏi – nanh vuốt – thằng chồng Ngụy khốn kiếp, phản động.

Những chiếc dép râu đầy nhà, họ ngồi chồm hổm ngay trên ghế salon.

Tôi rất ngạc nhiên vì tôi bị khép tội ăn cắp tài sản của chính tôi tạo ra. Tôi cư ngụ bất hợp pháp trên căn nhà tôi làm chủ. Tại sao tôi phải xa lìa những đứa con tôi, chúng không tội tình gì.

…Quyết định cuối cùng trong quyền hạn của anh ta là thả tôi khi trời rạng đông”.

Đó là hoàn cảnh gia đình của nhà văn Nguyễn Thụy Long sau ngày 30-4-75. Có biết bao nhiêu hoàn cảnh gia đình đỗ vỡ như thế sau ngày trời sụp. Lòng người, nhất là lòng những người đàn bà khi chồng còn quyền thế trong tay thì vợ vợ chồng chồng, lên xe xuống ngựa, lấy uy thế của chồng để làm áp phe này, áp phe kia, đến khi chồng sa cơ thất thế thì chỉ nghĩ đến riêng mình. Tôi biết rất nhiều hoàn cảnh của bạn bè chiến hữu của tôi đã xảy ra như thế.

Bây giờ chúng ta hãy đọc Nguyễn Thụy Long kể lại chuyện Việt cộng đốt sách trong phong trào diệt văn hóa đồi trụy phản động:

“Ngày nhà nước phát động phong trào diệt văn hóa đồi trụy, phản động, tủ sách nhà tôi bị dọn sạch, lớp bị lấy đi. Lớp bị thiêu hủy. Chiến dịch ấy vẫn chưa chấm dứt.

Sau này một số tác phẩm của của tôi và bạn bè thấy trưng bầy chung với súng đạn, xe tăng, máy chém ở nhà trưng bày Tội Ác Mỹ Ngụy. Cũng thời gian đó, đại tác phẩm

Vạch mặt những tên biệt kích văn nghệ , luận án dọn thi bằng luận án tiến sĩ của cậu em vợ tôi ra đời. Trong đó có nhiều tác phẩm mang tên tôi và bạn bè làm nghề viết vă n ở miền Nam. Tác phẩm bị mổ xẻ, thẩm tra và giống như lời lấy khẩu cung tội phạm.

Ngài tiến sĩ được phong vị giáo sư. Đơn giản thế thôi, như một quả đạn pháo kích rơi nổ vào giữa đám máu thịt bầy hầy.

…Trời sáng rõ, đèn đường tắt. Cờ bay đỏ phố, đỏ nhà. Những khẩu hiệu chiến thắng giăng mắc đầy đường, tường nhà, phố chợ. Những em nhỏ mang băng tay đỏ, áo bà ba, mốt mang dép râu, nối vòng tay lớn nhảy múa bập bẹ hát hỏng rồi làm lại trật tự lòng lề đường. Không cò n bóng dáng những tà áo dài trắng nữ sinh tha thướt nữa. Một số em khác nỗ lực truy tìm văn hóa đồi trụy. Đám trẻ xộc vào nhà người ta khuân ra ngoài lề đường từng đống sách báo. Nổi lửa đốt khói lên ngút trời.

Một ông lớn tuổi đầu hói mang kính cận dầy cộm chạy ra la giằng lại cuốn sách đóng bìa da to vĩ đại:

– Các cháu ơi cho bác xin, đây là quyển Bách Khoa Từ điển tiếng Tây. Không phải văn hóa đồi trụy.

Chú nhóc miệng còn hôi sữa giằng lại cuốn sách, ném luôn vào thùng phuy đang bốc

lửa:

– Đốt hết, đốt hết, sách là đốt. Lệnh trên như vậy.

Ông già ôm mặt khóc bên lề đường. Tôi quay mặ t nhìn đi chỗ khác, tôi biết ông cụ Giáo Sư Đại Học Luật, Vũ Đăng Dung. Tiến Sĩ Luật Công Pháp Quốc Tế. Ông cụ ở đường bên cạnh nhà tôi, Đường Đinh Công Tráng, con đường nổi tiếng bán bánh xèo.

*
Sau đây là những chuyện tôi lượm lặt được từ Hồi Ký Viết trên Gác Bút của Nguyễn Thụy Long viết về đời sống gia đình, tình yêu của một số (ít) văn nghệ sĩ miền Nam sau ngày đổi đời:

“Nguyễn Nghiệp Nhượng, chồng của ca sĩ Hồng Vân phải ký tên vào đơn xin ly dị với vợ, không ký cũng không được. Hồng Vân có một người chồng cán bộ khác, cũng làm văn hóa văn nghệ gì đó, so với Nguyễn Nghiệp Nhượng bây giờ, thằng thợ ngồi sửa xe đạp lề đường thì một trời một vực. Buổi trưa tôi thấy thằng cu Bi, con của Nhượng và Hồng Vân, mang đồ ăn ra cho bố. Mở ngăn gà -men ra tôi thấy mấy củ khoai luộc, loại lương thực bán ở tổ dân phố, củ khoai nào cũng bị sâu ăn đắng nghét đến hai phần ba.

Ngồi ở dốc cầu Bông, tôi nhìn thấy người vợ đầu gối tay ấp của tôi, ngồi sau xe của một thằng Tây lai mặt đấy trứng cá chở đi. Nàng làm thủ tục kết hôn, dĩ nhiên nàng được xuất cảnh ra đi theo chồng diện con lai.

Bên cạnh người ngồi lề đường là một quán cóc bán mấy thứ rượu, đò mồi lèo tèo và chắc chắn là những thứ hạng bét. Buổi sáng tôi bán được mấy cái bù loong kiếm được mấy hào.

Tôi mua được một xị rượu cùng uống giải sầu. Nhượng góp một con cá khô nướng làm mồi đưa cay.

Tôi nhạy cảm nên muốn uống rượu rồi khóc như diễn viên điện ảnh Huy Cường. Nhưng

khi nhìn mặt Nhượng sắt lại. Đôi mắt dõi dõi nhìn xuống giòng kinh Nhiêu Lộc đục ngầu, bốc mùi hôi thối đến lợm giọng.

Tôi và Nguyễn Nghiệp Nhượng nói với nhau những câu vô nghĩa.

– Tao không bao giờ tắm ở con kinh này.

– Tao gác bút, tạm thời gác bút.

– Đúng thôi, mày nên làm phụ tá đặc biệt cho tao để kiếm khoai sống qua ngày. Chưa biết sửa xe thì mày giữ nhiệm vụ bơm xe, bỏ tí sức lao động ra, mỗi chiếc bánh xe cũng được một hào đấy, rồi học vá xe, từ vá tay đến vá ép mấy hồi… Máy móc xe đạp cũng

đơn giản thôi, khó nhất là rút căm xe đạp.

Tôi rất phục Nguyễn Nghiệp Nhượng vì anh ta có năng khiếu khoa học kỹ thuật về xe đạp. Hồi xưa tôi đã thấy anh ta tháo tung cả chiếc máy chữ lau dầu rồi sửa chữa tốt lại. Thì ngày nay cái xe đạp, xe honda cũ rích có nhằm nhò gì.

– Tao gác bút!

– Ai cho mày viết văn mà chẳng gác. Coi chừng bị đếm lịch. Học lấy một nghề mà kiếm ăn, không phải nuôi vợ con thì nuôi mẹ già mày. Tao có phúc hơn mày vì còn được nuôi mẹ nuôi con. Thôi câm miệng đi rồi uống rượu. Ngồi trên con kinh nước đen này chẳng nên thơ tí nào.

– Ừ thì câm nhưng tao là thằng Trâu nước lội dưới kinh nước đen.

– Tốt, tốt. Nhưng rượu chưa đủ đâu. A, mày nghe gì về Dương Nghiễm Mậu không?

– Nó ở tù, mới ra, bây giờ nó làm nghề sơn mài. Ngồi uống cà phê cứ có ba người là nó đứng dậy biến, nó cảnh giác cao như sống trong thời Thương Ưởng phò Tần Hiến Công thuở Đông Chu Liệt Quốc.

– Phải thôi, nhưng mình cũng nên câm miệng lại. Trâu nước, tao biết mày có bệnh vạ miệng. Có miệng thì cắp, có nắp thì đậy.

…Tôi gặp vợ chồng anh nhà báo Nguyễn Khắc Giảng bày bán sách cũ ở trên Đường Tự Do. Trong đó có cả những cuốn sách của tôi của Duyên Anh, Hoàng Hải Thủy và rất nhiều loại khác của nhiều tác giả. Những sách báo đó đều xuất bản ở miền Nam trước năm 1975. Tất cả đều bị coi là có tội. Tác giả của nó đương nhiên có tội nhiều hơn. Cả miền Nam nói chung, thành phố nói riêng vắng bóng dần những mặt quen: Văn Nghệ Sĩ, Sĩ Quan Quân Đội Cộng Hòa. Họ đi học tập cải tạo hết ráo!

Chiến dịch truy quét văn hóa phẩm đồi trụy, phản động nổ ra ở Sài Gòn. Hàng vạn vạn cuốn sách bị thiêu đốt. Sách báo trong nhà tư nhân bị lôi ra hỏa thiêu. Trong các cửa hang kinh doanh sách báo bị thu gom tất cả, coi như đốt cháy cả cơ nghiệp, cả con người những cá nhân. Các em nhỏ đeo băng đỏ thi hành công tác một cách vô tư mẫn cán. Phản ứng của người bị tội tất nhiên phải có.

Một cửa hiệu chuyên cho thuê truyện tại đường Huỳnh Quang Tiên bên cạnh nhà thờ Ba Chuông tại Phú Nhuận phát nổ khi đoàn thu gom sách mang băng đỏ xâm nhâp tiệm. Ông chủ nhà sách mời tất cả vào nhà. Rồi một trái lựu đạn nổ. Chuyện xảy ra không ai ngờ.

Đương nhiên là có đổ máu, có kẻ mạng vong. Những chú nhỏ miệng còn hôi sữa, những cô bé chưa ráo máu đầu là nạn nhân vô tội. Trên cánh tay còn đeo tấm băng đỏ, quả thật súng đạn vô tình! Cả chủ tiệm cũng mạng vong.

Trên Đường Lý Thái Tổ, trước mặt phở Tàu Bay là Trại lính Quân Cảnh của chế độ cũ bỗng dưng phát nổ khi các em nhi đồng đi làm kế hoạch nhỏ thu gom đồ sắt thép phế liệu. Người ta đưa vào bệnh viện nhi đồng cả mấy chục xác trẻ em.

Hàng loạt những chuyện không hay xảy ra, nhà nước nhân đạo bắt buộc phải thu gom nhiều phần tử phản động và có tư tưởng phản động, tàn dư Mỹ Ngụy cho đi học tập cải tạo. Phần tử nào cứng đầu, có chứng cớ thì bị đưa ra xét xử, tuyên một bản án, vậy là rồi đời.

…Ra chợ trời có nhiều mánh kiếm ăn, tôi chẳng được quý phái như nhiều tay chợ trời khác. Như ký giả Hồng Dương buôn bán vàng ở chợ Lê Thánh Tôn. Vải vóc, quần áo cũ hay sách báo lậu, môi giới ăn hoa hồng.

Sắp đến Đường Nguyễn Văn Học (Nay là Nơ Trang Long) thì nghe tiếng gọi. Ký giả trẻ Nguyễn Bảo Nam, bây giờ anh ta làm nghề chạy xe ôm. Nụ cười của Bảo Nam toe toét, anh ta lúc nào cũng lạc quan về đời sống, bất cứ trong hoàn cảnh nào:

– Tôi mới trúng mánh được năm tì, chở một bà đến bệnh viện. Anh vào đây nhậu với tôi một ly.

Tôi là gã mới nghiện rượu nên không thể từ chối.

Trong thời buổi quân hồi vô phèng này cảnh giác vẫn hơn. Bạn bè không tin nhau, người không tin người. Vợ chồng đầu gối tay ấp cũng chẳng tin được nhau. Có thế mới gạn lọc được những phần tử chống phá cách mạng. Đó là chính sách. Trong xóm tôi ở, tôi cũng đi đi về về thất thường. Đêm ngủ nghe tiếng động cơ xe gắn máy dừng lại ở cửa, tôi nằm cứng cả chân tay, tim ngừng đập hoặc đập thùm thùm như trống ngũ liên đuổi cướp. Mắt mũi thì dại khờ như bị loài rắn thôi miên.”

Tin tức từ thân hữu ở Sài Gòn cho biết nhà văn Nguyễn Thụy Long đã qua đời tại nhà riêng, hồi hai giờ chiều, ngày 3 Tháng Chín, 2009, hưởng thọ 71 tuổi.

Từ Sài Gòn, bà Trần Thị Thúy, vợ nhà văn Nguyễn Thụy Long xác nhận tin này . Bà nói, “Nhà tôi mất lúc hai giờ chiều ngày 3 Tháng Chín. Những ngày cuối cùng, anh nằm bệnh viện Nhân Dân Gia Định 13 ngày, trong tình trạng hôn mê, không nói được lời nào. Bệnh chính của anh là tiểu đường và tai biến mạch máu. Mười ngày đầu tiên khi nhập viện, anh nằm ở phòng cách ly dành cho bệnh nhân bị bệnh nguy cấp. Ba ngày cuối, anh được chuyển sang phòng thường, và lúc 1 giờ sáng ngày 2 Tháng Chín, bệnh trở nặng, và mất ngày mùng 3.”

Tập truyện ngắn đầu tay “Vác Ngà Voi,” xuất bản năm 1965, nhưng lúc đó còn ký bút hiệu “Lan Giao.” Tác phẩm đầu tay thành công ngay. Ông bắt đầu vào nghề viết truyện dài từng kỳ, ký tên là Nguyễn Thụy Long, cho nhiều tờ báo phát hành tại Sài Gòn vào lúc đó.

Sau Tháng Tư, năm 1975, nhà văn Nguyễn Thụy Long bị bắt giữ, giam cầm nhiều lần, nhiều năm. Sau khi được thả về, ông tiếp tục viết “Hồi Ký Viết Trên Gác Bút,” từ căn gác ở vùng Gia Định, nơi ông cư ngụ … Tin của gia đình ông cho biết, lễ nhập quan sẽ được tổ chức vào sáng ngày 4 Tháng Chín, và an táng ngày Chủ Nhật, 7 Tháng Chín tại Hóa An, Biên Hòa, nơi chôn cất thân phụ và bà nội của nhà văn Nguyễn Thụy Long.

Nhà văn Nguyễn Thụy Long (sinh 1938) là cháu ruột nhà văn Nguyễn Bá Học, người nổi tiếng với câu văn: “Đường đi khó, không phải vì ngăn sông cách núi mà lòng người ngại núi e sông”. Ông là cựu học sinh Hồ Ngọc Cẩn, đi lính không quân, là hạ sĩ quan tiếp vận. Vì tiếp xăng cho cái tàu bay C47 do đại tá Phan Phụng Tiên lái chở những sĩ quan đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 11 tháng 11 năm 1960, do Vương Văn Đông, Nguyễn Chánh Thi cầm đầu chạy sang Nam Vang, nên đã bị ra tòa án quân sự xử mấy năm tù, phải vào Chí Hòa.

Trần Yên Hòa

Related posts