LTS: Bài tham luận này được trình bày trong buổi hội thảo nhân dịp ra mắt cuốn Tự Lực Văn Đoàn và Các Cây Bút Hậu Duệ ngày 15 tháng 9, 2019 tại Trường Đại Học Cal State Long Beach, California.
Trước hết tôi cảm ơn Ban Tổ Chức đã tạo cơ hội để tôi tham dự vào hội thảo với tư cách đại diện cho thế hệ thứ ba của hậu dụê Nguyễn Tường. Tôi cũng cám ơn mẹ tôi là Nguyễn Minh Thu, người con gái lớn của Hoàng Đạo, vì đáng lẽ mẹ tôi phải ngồi ở đây mới phải, để nói về ông ngoại tôi. Mẹ tôi là người hiểu biết nhiều nhất về con người Hoàng Đạo. Những kiến thức đầu tiên mà tôi có về ông ngoại là do mẹ tôi kể lại, từ những ngày tôi còn nhỏ.
Hôm nay tôi sẽ trình bày một số điều về Hoàng Đạo, và Hoàng Đạo như một ẩn số trong Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ) và trong giữa chúng ta.
Nhà văn
Võ Hồng đã viết về Hoàng Đạo như sau:
“Linh hồn chống đối của nhóm Phong Hóa – Ngày Nay đó. Tư thái của ông phù
hợp với cốt cách của những bài ông viết nhằm đả kích Chính-phủ Bảo-hộ. Ngòi bút
của ông không chừa một nhà cầm quyền nào: Toàn-quyền Brévié, Thống-sứ Châtel,
Khâm-sứ Graffeuil, Đốc-lý Virgitti, Vua Bảo-Đại, Thượng-thư Phạm Quỳnh,
Tổng-đốc Hoàng Trọng Phu… Ông đánh thẳng, lời chỉ trích chân xác. Có chế diễu
nhưng không hỗn xược. Dưới thời thực dân phong kiến, quyền chính trị nằm trong
tay kẻ cầm quyền mà công nhiên chê bai chính quyền (…) Không cần nói xa nói
gần, không cần úp mở, không cần mượn giọng ỡm ờ nửa bỡn nửa thiệt. Ngòi bút
Hoàng-Đạo là ngòi bút có trách nhiệm, là ngòi bút vô úy….”
(Văn 107&108 – số đặc biệt Tưởng Niệm Hoàng Đạo – 15 tháng 6, 1968)
Nhà phê
bình Thuỵ Khuê đã nhận định:
“Hoàng Đạo là một trí thức dấn thân toàn diện cả bút lẫn súng. Ông không
xuống đường mà lên đường. Quân sư của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tường Long là
Khổng Minh bên người anh bôn ba Lưu Bị, là Nguyễn Trãi cạnh Lê Lợi. Nhưng Lê
Lợi thành công vì Nguyễn Trãi sống còn, Tường Tam thất bại bởi Hoàng Đạo chết
sớm” (“Hoàng Đạo, Người Trí Thức Dấn Thân” -Thế Kỷ 21, số 199, Chuyên
Đề Hoàng Đạo tháng 11/2005).
Vậy tại sao tôi vẫn nghĩ đến Hoàng Đạo như một ẩn số?
Thứ nhất vì đa số người đọc yêu mến TLVĐ không biêt nhiều Hoàng Đạo. Khi nói đến TLVĐ người ta nghĩ đến những tiểu thuyết luận đề tiêu biểu như Hồn Bướm Mơ Tiên, Đoạn Tuyệt, Nửa Chừng Xuân, hai tập truyện ngắn của Thạch Lam… Không nhiều. Khái Hưng là người có nhiều tác phẩm nhất trong TLVĐ nhưng những sáng tác cuối đời của ông như Hạnh, hay Băn Khoăn thì cũng ít người biết. Hoàng Đạo thì lại càng được biết ít hơn.
Tuy Hoàng Đạo là lý thuyết gia kiêm bộ óc tham mưu của Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ), đa số chúng ta chỉ biết đến Hoàng Đạo không nhiều qua số tác phẩm đã được xuất bản và đưa vào chương trình Việt văn lớp Đệ Nhị (tức lớp 11) của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 gồm truyện dài Con Đường Sáng và tập tiểu luận Mười Điều Tâm Niệm. Những tác phẩm khác đã xuất bản của ông gồm tập truyện ngắn Tiếng Đàn, cuốn phóng sự dưới dạng đối thoại Trước Vành Móng Ngựa về những vụ xử án thời Pháp thuộc khi Hoàng Đạo làm tham tá lục sự trong các toà Tây án ở các tỉnh Trung, Nam, Bắc, và tập tiểu luận Bùn Lầy Nước Đọng rất ít được nhắc tới vì (1) vừa xuất bản đã bị thực dân Pháp thu hồi năm 1938, và (2) nội dung quá cấp tiến về phương diện nông thôn nên các chính quyền quốc gia từ Trần trọng Kim, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm đa số gồm địa chủ có quyền lợi ngược với nông dân nghèo đều không muốn nhắc tới nhiều (theo Thế Uyên, trong “Đọc và Đặt Lại Vị Trí Hoàng Đạo”, Thế Kỷ 21, số 199 chuyên đề Hoàng Đạo).
Thứ hai, dưới chế độ Việt-nam Cộng-hòa trước 1975 đã có những đánh giá sai hoặc phiến diện về Hoàng Đạo, do không đọc, nghiên cứu đầy đủ những tác phẩm và sự nghiệp viết của ông. Bắt đầu từ Vũ Ngọc Phan với những đánh giá sai lạc và những nhà phê bình đi sau cứ tiếp tục dựa vào, giữ nguyên, hoặc có thái độ cực đoan như Nguyễn Văn Xuân. Theo nhà phê bình Thuỵ Khuê, đây là “kiểu phê bình nặng thành kiến, xây dựng trên thành kiến của một người khác” (sđđ). Trong cuốn Tự Điển Văn Học xuất bản trong nước, cũng thấy Văn Tâm “kín đáo dựng lại gần như nguyên vẹn một số nhận định của Vũ Ngọc Phan.” (Thuỵ Khuê)
Thứ ba, dưới chế độ cộng sản hiện hành, vẫn tiếp tục có một sự lãng quên cố tình của giới phê bình văn học mỗi khi nhắc đến Tự Lực Văn Đoàn và bỏ qua vai trò cột trụ của Hoàng Đạo. Điều này cũng dễ hiểu, vì TLVĐ, hơn là một tập hợp những người làm văn chương, thực ra nhắm đến một vận động cách mạng cấp tiến về các mặt văn hóa, xã hội, chính trị, tư tưởng với mục tiêu cuối cùng là cứu quốc và giải phóng dân tộc… Và hơn ai hết, Hoàng Đạo là người thực hiện triệt để các phương thức đấu tranh chống thực dân với những bài nghị luận hàng tuần, trong suốt mười năm làm báo. Ông trực diện đả kích, chất vấn, đưa ra yêu sách với chính quyền thực dân. Trong mục tiêu gây dựng một phong trào văn hóa để tiến tới giải phóng quốc gia, những bài viết của Hoàng Đạo trên Phong Hóa và Ngày Nay là mũi nhọn khai phá nhằm trang bị kiến thức chính trị, xã hội, luật pháp cho dân chúng, tạo một ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp sinh viên, học sinh, trí thức trẻ thời đó. Và “ông chính là người quan trọng giúp tạo nên những tiền đề cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thập niên 1940” (Phạm Phú Minh, Thế Kỷ 21, Chuyên Đề Hoàng Đạo). Và tất nhiên, những người cầm quyền trong nước bây giờ, kế thừa của Việt Minh ngày trước, không chấp nhận sự có mặt và công sức của những người trí thức cách mạng như Hoàng Đạo, thuộc những đảng phái khác mà họ đã ra sức tiêu diệt bằng mọi thủ đoạn.
Như vậy, cần giải ẩn số bằng cách nào?
Cách giải đúng nhất, nhưng mất thời gian, đó là phải nhìn TLVĐ rộng hơn số đầu sách đã xuất bản. Vì đó chỉ là một phần trong các hoạt động của TLVĐ. Nhà văn Phạm Phú Minh đã có nhận định về những bài báo trên Phong Hoá & Ngày Nay như sau: “gây ngạc nhiên cho người đang đi tìm kiếm một Hoàng Đạo của quá khứ, nhưng bỗng nhiên gặp một kho tàng với không biết bao nhiêu là châu báu mà trong bao nhiêu năm mình không ngờ rằng là có.” (Thế Kỷ 21, số 119, Số Đặc Biệt về Hoàng Đạo)
Theo dõi suốt lịch trình hoạt động của TLVĐ, chúng ta thấy họ đề ra mục tiêu và tôn chỉ cho từng giai đoạn hoạt động như sau:
° Giai đoạn đầu: Sử dụng báo chí để khởi sự cuộc vận động văn hoá xã hội và hun đúc lý tưởng cho thanh niên, gây phản tỉnh trong các tầng lớp xã hội. Dùng nghệ thuật văn chương và trào phúng. “Tiêu ngữ được đề ra là: Trước vui thích sau ích lợi’. Tờ Phong Hóa được trao phó nhiệm vụ chủ chốt” (Thế Uyên, sđđ). Trong giai đoạn này Hoàng Đạo viết nhiều loạt bài phóng sự dưới tên Những Cuộc Điều Tra Phỏng Vấn Không Tiền Khoáng Hậu đăng nhiều kỳ trên Phong Hóa từ số 139 đến số 158 (năm 1935); gồm các phần Đi Xem Mũ Cánh Chuồn (phỏng vấn các quan chức trong triều đình Huế), Đi Xem Mũ Ni (phỏng vấn các tăng sư) và Đi Xem Mũ Giấy (phỏng vấn Diêm Vương, Khổng Tử, Đức Phật, những người đã chết…), sử dụng phong cách giễu nhại trào phúng để đả kích người thật việc thật trong xã hội. Ngoài ra ông còn phụ trách những mục thường xuyên Từ Nhỏ Đến Lớn, Từ Cao Đến Thấp, Bàn Ngang nói ngược mà hoá ra xuôi… Cách viết sắc bén và giễu cợt sâu cay đã dẫn đến chuyện Phong Hoá bị phạt đóng cửa ba tháng vì loạt bài Đi Xem Mũ Cánh Chuồn trong đó Hoàng Đạo chỉ trích Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu. Báo Ngày Nay sau đó cũng bị kiểm duyệt vì loạt truyện Hậu Tây Du chỉ trích triều đình Huế và Thượng Thư Phạm Quỳnh, liên quan đến Hoà Ước 1884 sát nhập Bắc Kỳ vào Trung Kỳ để Pháp dễ bề cai trị .
° Giai đoạn 2: đã tạo được một tập thể độc giả hâm mộ và hết lòng tin tưởng, TLVĐ qua giai đoạn hai tiếp tục sử dụng phương tiện văn hóa như báo chí, xuất bản, để trang bị kiến thức chính trị, hun đúc lý tưởng, và tạo tinh thần cách mạng. Trong giai đoạn này, các bài biên khảo về chính trị và cách mạng giữ vị trí chính yếu. Những gì Hoàng Đạo viết trong giai đoạn này gồm có:
– Loạt bài Mười Điều Tâm Niệm mà đối tượng là tầng lớp thanh niên. Tập tiểu luận này đề cập đến cách tu thân, đưa ra nhân sinh quan mới phù hợp với tình thế đất nước lúc đó, có giá trị vận động xã hội và tác động tâm lý mãnh liệt, là sách gối đầu giường, là kim chỉ nam cho thanh niên thời bấy giờ.
– Vấn Đề Cần Lao khảo sát các vấn đề nhân công, nhận định và phê phán thực trạng lao động dưới ách thống trị của thực dân.
– Thuộc Địa Ký Ước khảo sát tình hình thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Công trình này gồm các nghiên cứu và phân tích lịch sử thành lập thuộc địa; các chính sách, và các chế độ chỉ dụ, đẳng cấp tôn ti, hai trăm dòng họ đại tư bản thao túng quyền thế trên thị trường thuộc địa. Song song, Hoàng Đạo đưa ra nhiều đề nghị cải cách về chế độ quan thuế, vấn đề điền thổ và ngân hàng. Ông tố cáo sự phi lý của chế độ nghị viên thuộc địa Pháp, đòi hỏi quyền tự do cho dân thuộc địa, cũng như đề ra các giải pháp giúp dân bị trị thoát khỏi tình trạng bất công và phi nhân của chế độ thuộc địa.
– Bùn Lầy Nước Đọng gốm các nhận định và đề nghị cải cách về nông thôn. Hoàng Đạo khảo sát nông thôn trên bình diện toàn thể về các mặt hành chánh, chính trị, kinh tế, xã hội, tinh thần, giáo dục…; bất cứ phương diện nào ông cũng đưa ra biện pháp sửa đổi, cải cách. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò người trí thức ở thôn quê và trọng trách của họ trong việc nâng cao dân trí. “Hoàng Đạo đã tỏ ra am hiểu nông thôn thấu đáo đến mức độ tỉ mỉ. Ai muốn hiểu xã hội nông thôn trước 1945, chỉ cần đọc cuốn BÙN LẦY NƯỚC ĐỌNG là đủ” (Thế Uyên, sđđ).
– Công Dân Giáo Dục giới thiệu về các chế độ và chủ nghĩa chính trị, các quyền lợi của người dân như vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do nghiệp đoàn…
Trong giai đoạn này, sáng tác nghệ thuật có nhiệm vụ hỗ trợ cho phần biên khảo kể trên. Nhà xuất bản Ngày Nay ra đời, in và phổ biến rộng rãi các tiểu thuyết luận đề. Từ đó TLVĐ chuyển dần sang địa hạt tổ chức các công tác xã hội và tranh đấu ôn hòa bằng các hoạt động hợp pháp như phong trào Nhà Ánh Sáng, các hội chợ Từ thiện, hỗ trợ nghiệp đoàn, vv…
Đây là giai đoạn quan trọng trong tiến trình chuyển biến từ cách mạng văn hoá sang cách mạng giải thực, đó là sách lược tranh đấu mà Hoàng Đạo đề ra trong vai trò lý thuyết gia của TLVĐ.
° Giai đoạn 3: Bước qua địa hạt chính trị, thành lập đảng Đại Việt Dân Chính, hoạt động chìm. Dựa vào các phong trào văn hóa để tổ chức đoàn thể đấu tranh, tiến tới canh tân xã hội và giải phóng đất nước.
° Giai đoạn 4: Liên kết với các đảng phái quốc gia khác để hợp sức chống Pháp và đối phó với Cộng sản.
Theo Thế Uyên, “Hai giai đoạn 3 và 4 là giai đoạn đấu tranh cụ thể: giai đoạn 3 có lẽ chỉ bắt đầu từ Đệ Nhị Thế Chiến (1939) tới ngày Pháp bị Nhật đảo chính (1945). Hoàng Đạo bị Pháp bắt giam năm 1940-1943 vì ông là một trong những lãnh tụ của một đảng chứ không phải chỉ vì đã là nhà văn Tứ Ly-Hoàng Đạo. Giai đoạn 4 bắt đầu từ Nhật đầu hàng Đồng Minh tới khi Hoàng Đạo chết ở Trung Hoa (1948) và Nhất Linh về nước (1950). Các hoạt động từ 1954-1963 về cả cách mạng lẫn văn hóa của Nhất Linh chỉ là hoạt động của cá nhân đơn độc, không còn tính cách TLVĐ nguyên thủy nữa nên không thể bao gồm trong các giai đoạn trên” (sđđ).
Trong suốt thời gian từ khi thành lập Phong Hoá năm 1933 tới khi đột tử năm 1948, Hoàng Đạo giữ vai trò lý thuyết gia kiêm tham mưu của TLVĐ và thủ lĩnh tinh thần Nhất Linh. Việc giải ẩn số Hoàng Đạo đòi hỏi phải đặt ông cùng toàn bộ những gì ông viết trở lại quá trình hoạt động văn hoá và tranh đấu cách mạng của TLVĐ qua bốn giai đoạn kể trên.
Cách giải tiếp theo, là làm tiếp bài toán của Hoàng Đạo và TLVĐ. Vì đó vẫn là một bài toán dang dở, chưa có đáp số.
Nhà văn Phạm Phú Minh viết: “Nhưng chúng ta không chỉ tìm thấy Hoàng Đạo như một dấu vết của quá khứ. Càng đọc càng thấy ông gần với chúng ta ngày hôm nay, càng thấy những mục tiêu ông đặt ra để tranh đấu thời ấy vẫn còn là vấn nạn trên đất nước Việt Nam hôm nay. Công bằng xã hội, nâng cao dân trí, vấn đề nông dân, vấn đề nhân quyền; các quyền cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do nghiệp đoàn,… sau hơn nửa thế kỷ đánh đuổi thực dân vẫn chỉ là những mơ ước ngoài tầm tay với. Ngày trước người dân thuộc địa đấu tranh cho quyền sống của mình sẽ bị thực dân thẳng tay đàn áp với những bản án tử hình hoặc đày đi Côn Lôn, Lao Bảo. Ngày nay người đấu tranh cho dân chủ bị tống vào tù, người khiếu kiện về đất đai bị đàn áp dã man, công nhân đình công thì bị coi là có tội, và biểu tình vì yêu nước thì bị chụp mũ phản động… Có một điều xem ra ngược đời: hoàn cảnh của ông ngày ấy xem ra lại có một điểm dễ thở hơn ngày nay vì ông có thể đăng báo những phản kháng của ông, dù lắm khi bị kiểm duyệt đục bỏ hay bị bắt đình bản.”
Nhà phê bình Thuỵ Khuê viết: “Những gì Hoàng Đạo viết ra ở thời điểm ấy, quá mới, đối với người Việt. Tiếp theo đó, cách mạng cộng sản thành công, dân Việt (miền Bắc) đi thẳng từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ độc tài đảng trị, mà chưa hề biết gì về khái niệm công dân. Cho nên ngày nay, những bài học về công dân giáo dục của Hoàng Đạo, đối với dân tộc Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị khai phá. Và nó sẽ còn giá trị, khi nào dân tộc ta còn chưa có dân chủ. Ngay khi một ngày nào đó, đất nước đã có dân chủ rồi, những bài học này vẫn còn phải dạy lại, dạy hoài, cho các thế hệ trẻ lớn lên” (sđđ).
Tiếp tục tranh đấu cho các giá trị mà Hoàng Đạo và TLVĐ đề xướng trên các mặt trận chính trị, xã hội, văn hoá, nghệ thuật, một số điều đã được thể hiện và tiếp tục khai phá trên Tạp Chí Da Màu. Trên tinh thần “Theo mới, hoàn toàn theo mới, không chút do dự”, cái mới mà Da Màu theo đuổi nằm trong nội dung, chủ đề, hình thức, ngôn ngữ, và phong cách diễn đạt. Da Màu chủ trương một diễn đàn văn chương không biên giới, một diễn đàn mở rộng cho mọi khuynh hướng, mọi tác giả, mọi khai phá đúng nghĩa. Da Màu luôn khuyến khích và hỗ trợ những người viết trẻ. Nhiều nhà văn/nhà thơ đã chọn Da Màu là nơi khởi nghiệp. Da Màu chủ trương phá bỏ thiên kiến hay áp đặt, trong tinh thần tôn trọng mọi khác biệt, đề cao tính đa dạng về màu da, ngôn ngữ, văn hóa, giới tính, định hướng tính dục, tín ngưỡng, lịch sử, nguồn gốc cá nhân, ý thức hệ, giai cấp, và đề cao nữ quyền – điều tâm niệm thứ sáu của Hoàng Đạo. Cũng như TLVĐ, Da Màu giữ vị trí đối trọng với thế lực cai trị trong nước, là sân chơi của những nhà văn nổi tiếng trước 1975 ở miền Nam như Cung Tích Biền, Trần Thị NgH., Trùng Dương, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đạt, Huy Tưởng, Đinh Từ Thức, vv.., của những người viết thành danh ở hải ngoại như Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Bùi Bích Hà, Trần Mộng Tú, Trần Vũ, Bùi Vĩnh Phúc, Trần Doãn Nho, vv… và của những người viết bên lề, không chính thống ở Việt Nam hiện nay như Nguyễn Viện, Nguyễn Thuý Hằng, Tru Sa, Vũ Lập Nhật… Da Màu chủ trương khôi phục và phổ biến rộng rãi đến người đọc tiếng Việt khắp nơi trên thế giới những tác phẩm giá trị từng bị bỏ quên, bị trù dập, bị tẩy xóa do các điều kiện chiến tranh, lịch sử, xã hội, chính trị và nhân quyền…
Sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ chính để sáng tác, song ngữ và dịch thuật là cách phụ trợ. Như Phong Hoá, Ngày Nay và những báo chí thời đó có sự chọn lựa giữa tiếng Pháp và tiếng quốc ngữ; Da Màu chủ trương thúc đẩy văn chương Việt Nam đương đại vượt những rào cản để đạt mức phổ quát trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Cách làm việc của Da Màu cũng theo mô hình dân chủ của TLVĐ. Ban biên tập bây giờ cũng gồm 7 người: Đinh Từ Bích Thuý, Đỗ Lê Anh Đào, Lưu Diệu Vân, Hoàng Chính, Nhất Lang, Thường Quán, và Đặng Thơ Thơ. Tất cả phối hợp làm việc, tuyển chọn, biên tập, ấn hành, và thực hiện các số chuyên đề.
Cho tới giờ đã có hai nỗ lực giải ẩn số Hoàng Đạo: tạp chí Văn 107&108 năm 1968, và tạp chí Thế Kỷ 21, số 199, 11/2005. Đó là cách giải tạm. Để giải hết và tìm ra đủ các nghiệm số, trong tương lai cần có một toàn tập hay tuyển tập Hoàng Đạo. Có như vậy mới thấy rõ chân dung Hoàng Đạo nhà văn hoá/cách mạng, Hoàng Đạo nhà văn/người nghệ sĩ, và một nghiệm số nữa: khía cạnh hài hước, trào phúng, giễu cợt mà tôi đã có lần đề cập trong bài tham luận tại hội thảo TLVĐ vào năm 2013, đã đăng trên Da Màu.
Để kết luận, mỗi con người mang trong mình những ẩn số của lịch sử, của những thế hệ trước đó. Hoàng Đạo là ẩn số thì tôi cũng là sự tiếp diễn của ẩn số Hoàng Đạo. Giải một ẩn số là điều cần thiết để mình không là một ẩn số cho những thế hệ sau. Việc chúng ta làm ngày hôm nay là một phần đáng quý trong nỗ lực giải những bài toán quá khứ. Trong tinh thần đó, tôi trân trọng cám ơn Ban Tổ Chức.
Đặng Thơ Thơ