BẢO LÃNH CON, CHÁU DƯỚI 23 TUỔI ĐẾN ÚC

Câu hỏi 1: Xin luật sư cho biết trong những trường hợp nào một thường trú nhân hay một công dân Úc có thể bảo lãnh con cái đoàn tụ từ nước ngoài.

Trả lời: Một thường trú nhân hay một công dân Úc có thể bảo lãnh con ruột, con nuôi hay con cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha từ nước ngoài đến Úc thường trú. Như vậy con nói chung bao gồm cả con ruột, cả con nuôi và con riêng của chồng hay con riêng của vợ đều có thể được bảo lãnh.

Câu hỏi 2: Thường thì bộ di trú có quy định trong độ tuổi nào thì đứa con có thể được cha hay mẹ bảo lãnh không thưa luật sư.

Trả lời: Tất cả những trường hợp xin visa đoàn tụ với cha mẹ tại Úc, thì những đứa trẻ xin visa đó phải không được quá 23 tuổi. Nếu từ 18 đến 23 tuổi thì phải đang học trung học hay đại học toàn thời. Những trường hợp muốn đoàn tụ với cha mẹ tại Úc, thì bản thân đứa trẻ chưa hề lập gia đình, chưa đi làm và vẫn còn phụ thuộc vào tài chính của bố mẹ chu cấp.

Tuy nhiên với trường hợp của những đứa trẻ bị tật nguyền tàn phế và hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ thì bộ di trú cho phép cha mẹ được bảo lãnh mà không bị giới hạn độ tuổi. Có nghĩa với những đứa con tật nguyền thì mặc dầu trên 23 tuổi và vẫn còn phụ thuộc vào cha mẹ thì vẫn có thể được bảo lãnh.

Câu hỏi 3: Vậy thì trường hợp bảo lãnh con nuôi cũng theo những điều kiện bảo lãnh con ruột phải không luật sư.

Trả lời: Riêng trường hợp con nuôi thì phân thành hai loại. Một là con nuôi được nhận nuôi trước khi cha hay mẹ trở thành công dân Úc và loại thứ hai là con nuôi được nhận nuôi sau khi cha mẹ trở thành công dân Úc.

Nếu con được nhận nuôi trước khi cha mẹ trở thành công dân Úc thì được bảo lãnh bình thường. Tuy nhiên đối với trường hợp trẻ con được nhận nuôi sau khi cha mẹ trở thành công dân Úc thì bộ di trú Úc chỉ cho phép thường trú nhân và công dân Úc được nhận con nuôi tại một số quốc gia mà thôi.

Ví dụ những người Úc gốc Việt đã trở thành công dân Úc mà trước đó họ đã có nhận con nuôi thì đứa con nuôi này được bảo lãnh. Còn nếu họ nhận con nuôi sau khi họ thành công dân Úc thì đứa con nuôi này không được bảo lãnh, vì hiện tại chính phủ Úc chưa có hiệp định cho và nhận con nuôi giữa Úc và Việt Nam.

Câu hỏi 4: Còn trong trường hợp con riêng của vợ hay con riêng của chồng thì điều kiện bảo lãnh như thế nào thưa luật sư.

Trả lời: Những đứa con riêng của vợ hay của chồng muốn được bảo lãnh phải có điều kiện là dưới 18 tuổi. Đồng thời phải thỏa mãn điều kiện này. Ví dụ hai vợ chồng cưới nhau và khi cưới thì người vợ đã có một đứa con riêng với người chồng trước đã ly dị. Tuy nhiên cuộc hôn nhân này cũng tan vỡ và người vợ chia tay với người chồng thứ hai. Trong trường hợp này người chồng thứ hai là cha dượng của đứa con riêng của vợ.

Tuy hai người đã ly dị nhưng người cha dượng này lại được tòa cho toàn quyền chăm sóc và nuôi đứa nhỏ thì lúc đó người cha dượng này có thể đứng ra bảo lãnh đứa con riêng của vợ, mặc dầu đã ly vị với người mẹ của đứa bé này.

Trường hợp người vợ không ly dị mà qua đời thì người cha dượng cũng có thể đứng ra bão lãnh đứa con riêng của vợ.

Câu hỏi 5: Xin luật sư cho biết thêm chi tiết về việc bảo lãnh con nuôi

Trả lời:  Việc xin và nhận con nuôi tại Úc do chính quyền các tiểu bang điều hành thông qua bộ dịch vụ cộng đồng và gia đình. Những cơ quan này thẩm định từng trường hợp xin và nhận con nuôi. Bộ ngoại giao và chính phủ liên bang chịu trách nhiệm ký kết các hiệp định cho và nhận con nuôi với những quốc gia khác. Trên tinh thần đó, người Úc không thể xin và nhận con nuôi tại những quốc gia mà không có hiệp định nuôi và nhận con nuôi với Úc.

Bộ di trú Úc chỉ có nhiệm vụ xem xét hồ sơ xin visa của đứa trẻ con nuôi có hợp lệ hay không chứ không can thiệp vào việc cho và nhận con nuôi. Do đó vấn đề đầu tiên là xem thử chính quyền tiểu bang có đồng ý cho một người nào đó xin và nhận con nuôi hay không. Nếu chính phủ tiểu bang không đồng ý, thì bộ di trú không thể cấp visa cho đứa con nuôi được.

Câu hỏi 6: Nếu vậy, thưa luật sư, chẳng lẽ không có cách nào cho người Úc gốc Việt nhận con nuôi từ Việt Nam sao.

Trả lời: Trong vài trường hợp sau đây, người Úc gốc Việt có thể bảo lãnh con nuôi từ Việt Nam. Ví dụ một người Úc gốc Việt hay thường trú nhân nhưng không sống tại Úc mà lại sống ở Việt Nam để làm việc hay làm ăn ít nhất từ một năm trở lên. Trong thời gian ở Việt Nam, người này có xin và được nhận một đứa con nuôi.

Hết thời gian 1 năm sống tại Việt Nam, người này trở về lại Úc và có thể làm đơn xin visa cho đứa con nuôi này để mang đứa con nuôi này trở về Úc với mình. Nhưng người này phải chứng minh cho bộ di trú thấy rằng mục đích họ sống liên tục một năm tại Việt Nam vì những lý do khác chứ không phải vì mục đích nhận con nuôi.

Đứa con nuôi này phải dưới 18 tuổi cả lúc được nhận con nuôi và cả lúc được cha mẹ nuôi nộp hồ sơ xin bảo lãnh.

Câu hỏi 7: Thưa luật sư trường hợp như sau đây thì được giải quyết như thế nào. Có một người Úc gốc Việt về Việt Nam quen biết và cưới một người phụ nữ tại Việt Nam làm vợ và sau đó người vợ này làm đơn xin đoàn tụ với người chồng tại Úc. Trong khi đó người vợ này có một đứa con 22 tuổi đang du học tại Úc. Lúc nộp hồ sơ người vợ kèm theo tên của đứa con đang du học Úc vào hồ sơ, thì bị bộ di trú từ chối. Bộ di trú nói là đứa con đang du học tại Úc không được ghép chung vào hồ sơ, vì đứa con này đang ở Úc trong khi mẹ ở Việt Nam.

Trả lời: Đúng vậy, những đương đơn xin cùng loại visa nếu được có tên chung trong một hồ sơ, thì lúc nộp hồ sơ các đương đơn đó phải cùng ở một nơi, không thể một người ở Úc còn một người thì ở Việt Nam hay nước  khác được.

Trong trường hợp này đứa con đang du học tại Úc không được có tên trong hồ sơ xin visa của mẹ mà phải làm riêng một hồ sơ xin một loại visa khác.

Khi người mẹ đã được chấp thuận cho đoàn tụ với người chồng tại Úc và được cấp visa vợ chồng tạm ( tức là visa 820 hay visa 309), và đã đến Úc sinh sống, thì lúc này đứa con đang du học tại Úc bắt đầu làm hồ sơ xin loại visa nói trên.

Để được xin loại visa này ( visa 445) thì đứa con cũng phải chưa lập gia đình, đang đi học toàn thời, và hoàn toàn phụ thuộc vào tài chính của người mẹ.

Tuy nhiên khi được cấp visa 445 rồi, thì người con cũng phải lập tức xin đổi visa 445 thành loại visa 820 hay 309 giống như visa của người mẹ. Việc đổi visa này phải được thực hiện trước khi người mẹ có visa vợ chồng thường trú. Nếu chậm trể để sau khi người mẹ có visa thường trú rồi mới xin đổi visa thì quá muộn, và lúc đó người con không còn cách nào khác là phải rời khỏi nước Úc và xin bảo lãnh trở lại từ Việt Nam.

Nếu được cấp visa 820 hay 309 giống người mẹ thì khi người mẹ được cấp visa thường trú thì đứa con cũng ăn theo mẹ và được cấp visa thường trú luôn. Nếu người mẹ bị từ chối visa  thường trú thì đứa con cũng cùng chung số phận.

Câu hỏi 8: Thưa luật sư nếu người cha hay người mẹ bảo lãnh con cái mà ở Úc mắc tội hình sự thì có ảnh hưởng việc bảo lãnh đứa con không.

Trả lời: Nếu người đứng ra bảo lãnh đứa con, dù con ruột, con riêng hay con nuôi mà đứa con này dưới 18 tuổi, thì người bảo lãnh bắt buộc phải không được phạm tội bạo hành với trẻ em.

Câu hỏi 9: Thưa luật sư, có cách nào để thân nhân xin bảo lãnh những đứa cháu ở Việt Nam mà rơi vào hoàn cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ hay không còn ai thân thích cả.

Trả lời: Trong trường hợp có những đứa trẻ không may mất cả cha lẫn mẹ, hay cha mẹ còn nhưng lại tàn phế, bệnh tâm thần không chăm sóc được cho đứa trẻ, hay cha mẹ mất tích có xác nhận của chính quyền, thì thân nhân tại Úc có thể làm hồ sơ xin bảo lãnh những đứa trẻ này.

Đứa trẻ phải có thân nhân tại Úc là thường trú nhân hay công dân Úc gồm anh, chị em, ông bà, cô cậu chú dì. Những người này phải trên 18 tuổi và  không phạm tội bạo hành chống lại trẻ em. Đứa trẻ muốn được bảo lãnh phải dưới 18 tuổi và chưa bao giờ lập gia đình.

Ls Lê Đức Minh

Related posts