Ông Mathieu nói: “Nầy, những con chim dẽ gà gợi tôi nhớ một câu chuyện thảm thương trong chiến tranh. Anh biết căn nhà của tôi ở ngoại ô Cormeil chứ? Tôi đã ở đó lúc quân Phổ đến.
Láng giềng của tôi lúc đó là một bà khùng khùng điên điên, bị mất trí sau nhiều tai họa. Xưa lúc bà hai mươi lăm tuổi bà bị mất cha, mất chồng và mất luôn đứa con sơ sinh chỉ trong vỏn vẹn có một tháng.
Khi sự chết đã bước vào nhà một lần rồi thì hầu như bao giờ nó cũng trở lại ngay, như đã biết rõ đường đi lối về.
Người đàn bà trẻ đáng thương bị choáng váng vì buồn khổ, nằm liệt giường, mê sảng suốt sáu tuần lễ. Sau cơn khủng hoảng dữ dội đó là một sự mỏi mệt im lìm, khiến bà nằm bất động, gần như chẳng ăn uống được gì, chỉ cử động đôi mắt. Mỗi lần có người muốn đỡ bà ngồi dậy bà gào thét lên như người ta sắp giết bà đến nơi! Cho nên người ta đành để mặc bà nằm yên, lúc nào cần lau rửa cho bà hoặc cần trở nêm thì họ mới kéo bà ra khỏi mấy tấm khăn trải giường.
Một bà già giúp việc túc trực bên bà, thỉnh thoảng cho bà uống nước hay nhấm một chút thịt nguội. Điều gì đã xẩy ra trong tâm hồn tuyệt vọng kia? Chẳng ai rõ vì bà đã không mở miệng nữa. Bà có nghĩ đến những người đã chết không? Bà có buồn rầu hồi tưởng mà chẳng nhớ lại kỷ niệm nào rõ rệt không? Hay là ký ức rời rạc của bà đã nằm yên như dòng nước ngưng chảy?
Trong vòng mười lăm năm bà sống khép kín và trơ trơ như thế.
Chiến tranh bùng nổ và vào đầu tháng mười hai quân Phổ tiến vào Cormeil.
Tôi vẫn còn nhớ khoảng khắc ấy như mới hôm qua. Trời rất giá lạnh. Đang duỗi mình trên ghế bành không cử động vì bị bệnh “gút” tôi nghe tiếng chân của chúng ngoài đường, nặng nề và đều đặn. Nhìn qua cửa sổ tôi thấy chúng đi qua. Chúng nối tiếp nhau đi, hàng dài dằng dặc, tên nào tên nấy giống hệt nhau, động tác y như những con rối, đó là nét đặc trưng của chúng.Thế rồi những tên chỉ huy phân phối lính vào ở trong nhà dân Mười bảy tên vào nhà tôi. Nhà bên cạnh (của bà điên) mười hai tên trong đó có một viên thiếu tá, dáng dấp võ biền, hung dữ, cục cằn.
Mấy ngày đầu mọi chuyện xẩy ra bình thường. Viên sĩ quan được báo cáo là bà chủ nhà bệnh và hắn chẳng lo lắng gì. Nhưng rồi vì chẳng lúc nào thấy mặt bà ta nên hắn nổi giận. Hắn hỏi bà ấy bệnh như thế nào và được trả lời bà ấy nằm hoài trên giường từ mười lăm năm nay, hậu quả của sự buồn phiền tột độ. Tất nhiên là hắn chẳng tin, hắn cho rằng kẻ điên rồ khốn nạn kia không chịu ra khỏi giường vì kiêu hãnh, vì không muốn gặp, không muốn gần người Phổ.
Hắn đòi bà ta phải tiếp hắn. Họ dẫn hắn vào trong phòng bà. Hắn nói, giọng thô bạo: “Tôi yêu cầu bà ngồi dậy và bước xuống giường để mọi người nhìn thấy bà.
Bà ta đảo cặp mắt lơ đãng và trống rỗng về phía hắn, không trả lời.
Hắn liền nói: “Tôi không tha cho tội hỗn láo đâu nhé! Nếu bà không tự nguyện đứng dậy thì tôi sẽ có cách làm cho bà bước đi một mình.
Bà ta chẳng có cử chỉ gì, vẫn nằm bất động như chẳng hề trông thấy hắn.
Hắn điên tiết, coi sự im lặng đó là dấu hiệu khinh bỉ tột độ. Hắn nói: “Nếu ngày mai bà vẫn không chịu bước xuống…”
Rồi hắn đi ra khỏi phòng.
Ngày hôm sau người tớ già cuống cuồng muốn thay áo quần cho bà điên nhưng bà vừa gào la vừa giãy giụa. Viên sĩ quan nhanh chóng chạy lên. Bà giúp việc vội quỳ xuống van xin:
“Thưa ông, bà ấy không muốn, bà ấy không muốn. Xin ông tha cho bà ta. Bà ta đã quá đau khổ.”
Viên chỉ huy tỏ ra bối rối, hắn rất giận nhưng không dám bảo lính lôi bà điên ra khỏi giường. Bỗng hắn phá lên cười và ra lệnh bằng tiếng Đức.
Chẳng mấy chốc người ta thấy một toán lính khiêng một cái giường nệm đi ra, giống như người ta khiêng một người bị thương. Trên chiếc giường không bị tháo rời đó, bà điên vẫn bình thản nằm yên chừng nào chúng còn để cho bà nằm.
Một người đi phía sau, ôm theo một gói quần áo phụ nữ.
Viên sĩ quan xoa tay nói: “Chúng ta sẽ thấy bà ấy có tự thay áo quần và bước đi được không”
Người ta thấy đoàn người đi về phía rừng Imauville.
Hai giờ sau toán lính trở về một mình. Không ai thấy bà điên nữa.Chúng đã
làm gì bà ấy? Chúng đã đem bà đi đâu? Không bao giờ biết nữa!
Lúc nầy tuyết rơi suốt ngày suốt đêm, phủ lên bình nguyên và rừng rú một lớp bọt đóng băng. Chó sói đến tru ngay trước cửa nhà chúng tôi.
Ý nghĩ về người đàn bà mất tích kia cứ ám ảnh tôi mãi.Tôi tìm mọi cách chạy chọt để tiếp xúc với nhà chức trách Phổ hòng hỏi thăm tin tức. Suýt chút nữa tôi đã bị xử bắn!
Mùa xuân đến. Quân chiếm đóng đã rút đi.Nhà bà hàng xóm của tôi vẫn đóng cửa, cỏ rậm mọc đầy các lối đi.
Bà giúp việc đã chết trong mùa đông. Không ai còn bận tâm đến sự việc kia nữa, chỉ còn tôi vẫn không ngừng nghĩ về nó. Họ đã làm gì bà ấy? Bà có trốn ra khỏi rừng được không? Có phải đã có ai tìm thấy bà ở đâu đó, đưa bà vào bệnh viện để trông nom và chẳng biết được tin tức gì nơi bà? Chẳng hể xẩy ra chuyện gì khiến cho tôi bớt hoài nghi cả. Nhưng rồi dần dần thời gian cũng làm nguôi ngoai nỗi lo lắng trong lòng tôi.
Mùa thu kế tiếp chim dẽ gà bay đến rất nhiều và vì bệnh “gút” đã để cho tôi thong thả đôi chút nên tôi ráng lết vào rừng. Tôi bắn được bốn năm con chim mỏ dài, Lúc tôi hạ thêm một con nữa thì nó rớt mất trong một cái hố đầy cành cây. Tôi buộc phải leo xuống hố để nhặt con mồi lên. Tôi thấy nó rơi gần một cái đầu lâu. Đôt nhiên ký ức về người đàn bà điên đến trong ngực tôi như một cú đấm. Có thể đã có nhiều người khác chết trong rừng nầy trong cái năm thảm khốc đó nhưng chẳng hiểu tại sao tôi vẫn tin, phải, tôi tin chắc anh ạ, tôi tin rằng tôi đã gặp cái đầu của bà điên khốn khổ kia.
Và tôi chợt hiểu, chợt đoán ra được hết. Chúng nó đã bỏ mặc bà ấy trên tấm nệm trong khu rừng vắng lạnh, Và vì kiên định với ý muốn của mình, bà tự kết liễu cuộc sống dưới lớp tuyết dày và nhẹ, không hề nhúc nhích, cựa quậy.
Rồi chó sói đã ngốn xác bà.
Và chim chóc đã dùng lông nệm giường rách nát của bà để làm tổ.
Tôi đã
cất giữ phần hài cốt đau buồn ấy. và tôi ước nguyện rằng con cháu chúng ta sẽ
chẳng bao giờ gặp chiến tranh nữa.
Tháng 12 năm 1882
Truyện ngắn của Guy De Maupassant (1850-1893)
“La folle” Guy De Maupassant
Thân Trọng Thủy dịch dịch (7/2019)