Nếu ra đời sớm hơn tròn 70 năm, Giải Nobel Văn chương hẳn phải được trao cho Johann Wolfgang Goethe, một ca lý tưởng, để một năm sau vị đại thi hào dân tộc của người Đức này qua đời với trọn vẹn công danh sự nghiệp và những phụ tùng cuộc sống đáng giá mà một người viết có thể mơ ước. Và để hậu thế phũ phàng báng bổ, như một tác gia tiếng Đức lừng danh khác đã làm với tất cả khoái lạc. Goethe là cái gai khổng lồ mà nhà văn Áo Thomas Bernhard đã miệt mài nhổ, như đào tận gốc trốc tận rễ, lần cuối cùng trong tác phẩm đỉnh cao cuối cùng của ông, Diệt vong. Rằng Goethe là một kẻ cơ hội trong cuộc đời, một thằng nhóc mút tay và một tiểu thị dân trong triết học, một gã kê biên sỏi đá, sưu tầm côn trùng và nhặt nhạnh châm ngôn, một tên thày bói bịp bợm, một tay lang băm hớp hồn dân Đức, một kẻ đóng chai cho món mứt tâm hồn Đức để người Đức dùng quanh năm. Rằng Goethe là kẻ đào mồ chôn tinh thần Đức, xén cụt cái tinh thần ấy xuống kích thước trung bình và phản bội nó đến vài thế kỷ, bởi chính y, lãnh vực nào cũng nhúng tay và lãnh vực nào cũng chỉ đạt những thành tựu vừa phải. Rằng về văn chương, tác phẩm Faust của Goethe chỉ là một thử nghiệm vĩ cuồng thất bại toàn tập. Và về tầm vóc, so với Voltaire, Descartes, Pascal, Kant, Hölderlin, Musil, Kleist thì Goethe bé nhỏ đến thảm hại. Nếu Shakespeare như loài chó săn cao lớn của vùng núi Thụy Sĩ thì Goethe như chó lạp xưởng chân lùn một mẩu của vùng ngoại ô Frankfurt. Hãy thận trọng khi dùng thuốc vạn năng Goethe, rủi ro là rất cao; bạn sẽ bị ù tai, loét dạ dày, sẽ xơi món rau trộn tầm thường mà cứ tưởng cao lương mĩ vị, sẽ chiêm ngưỡng mảnh vườn vụn cho thị dân Đức cuối tuần thư giãn mà đinh ninh là kì quan thế giới: bạn sẽ bị xỏ mũi.
Không chỉ Goethe. Nhà văn Trung Quốc Dư Hoa hăng hái chống Lỗ Tấn, như chống tất cả những uy tín quá lớn và quá lâu đời. Bertolt Brecht gọi Thomas Mann cha chú là thợ viết thuê cho bọn tư sản, nhạt chết người. Kafka, trẻ măng, phê bậc lão thành Stefan Zweig giỏi ngụp lặn trên bề mặt nông choèn của cuộc đời. Tác giả của Tướng về hưu vận hết phép xã giao cũng chỉ có thể nhận xét tác giả của Bỉ vỏ là người chịu khó viết. Với Nabokov, Balzac là một phóng viên xoàng; Joseph Conrad viết như bán hàng lưu niệm; Henry James hoàn toàn là của rởm. Còn Dos, đó không phải là cái mụn mới mọc trên mũi của nền văn học Nga như Turgenev từng kêu ca, mà với Nabokov, Dos là một tai họa; một ca rẻ tiền, ẩu tả, cuồng chính trị và tôn giáo; tác giả của những tình huống ắc ơ lãng xẹt, những nhân vật thường xuyên tái mặt, đỏ mặt hay lảo đảo, những nàng gái điếm tâm hồn lá cải bao la và những chàng sát nhân suốt ngày đêm trăn trở; một cơn ác mộng về sự đa cảm tầm phào. Và ông đe: chớ nhầm đa cảm với nhạy cảm. Người nhạy cảm không bao giờ có thể tàn nhẫn, nhưng bọn đa cảm thì như Lenin, nghe vở opera La Triviata là khóc rưng rức. Các bạo chúa trong lịch sử nhân loại quả thật đều lâm li, đa phần đều làm thơ du dương, thích nghe nhạc lay động và ham tranh tượng nhà cửa vườn tược kích cỡ áp đảo.
Hậu sinh vô lễ với tiền bối trong văn nghệ là thái độ phổ biến hay thậm chí là tất yếu. Kẻ đến sau không có bàn đạp nào tuyệt vời hơn chỗ mà hắn cho là bất cập của người đi trước. May mắn cho hắn, ở đó lễ không có quyền gì đi trước văn. May mắn cho hắn, văn chương luôn bất cập. Toàn bích chỉ là một hư cấu viễn tưởng. Thiên tài là bất khả nếu không sinh xuất từ những sở đoản hay điểm mù nhất định. Và vinh dự cho bậc tiền bối được làm vạch xuất phát của những xung đột mới, được sống lại và sống tiếp trong mối bận tâm của những đối thủ bất ngờ. Có bao nhiêu người đi trước được như vậy? Không ai đi tìm chỗ bất cập của một nhà văn trung bình. Hậu thế chỉ cho rằng người ấy chưa từng viết một trang nào. Sự trung bình không khiến ai bận tâm, không đáng cho ai vô lễ.
Peter Handke, vừa được trao Nobel Văn chương năm nay, từng chiếm văn đàn ở tuổi 23 khi chưa hề ra một tác phẩm. Tháng Tư 1966, Nhóm 47 (Gruppe 47) gồm những tên tuổi nổi nhất trong văn giới Đức ngữ họp mặt tại Đại học Princeton danh giá ở Mỹ. Ngày họp cuối cùng, sau tất cả những tác phẩm và nhận định đã nghe từ các đồng nghiệp kì cựu, toàn những con dấu đỏ chói đóng chi chít lên diện mạo văn học tiếng Đức đương thời, chàng thanh niên Peter Handke rụt rè, vô danh, mặt mũi tóc tai như một thiếu nữ ngơ ngác giữa đám đàn ông dày dạn khói lửa văn trường, lắp bắp mở đầu năm phút phát biểu sau này trở thành huyền thoại. Chàng bảo rằng mình không thể ngửi nổi cái thứ văn chương vớ vẩn này nữa. Đó là một thứ văn chương liệt dương trong miêu tả, vì chẳng biết làm gì khác ngoài cái cách viết văn dễ dãi nhất ấy. Chẳng suy tư gì hết, không ngỏng lên một chút sáng tạo nào, chỉ vin vào cái khái niệm kì quặc là “tân hiện thực” với một triết lí cho sẵn, một thế giới quan cho sẵn, rồi nhồi một đống chi tiết tẻ nhạt như chép từ điển. Nó có vẻ cũng tính sổ với một số nhược điểm của văn chương thời trước, chẳng hạn rất thận trọng với ẩn dụ, nhưng không trình ra được một tư thế nào mới mẻ, chỉ tự giới hạn trong một tinh thần “tân khách quan” rất sơ đẳng. Nghĩa vụ của nó với hiện thực Đức là nhét bằng được cái tên Auschwitz xuống đũng quần hay vào mọi mệnh đề phụ. Hình thức thì nệ quy ước khủng khiếp, cả cấu trúc lẫn hành văn đều chán ngắt. Và giới phê bình thì sống tốt với thứ văn chương đó, vì cái công cụ phê bình lỗi thời trong tay họ chỉ đủ dùng cho đối tượng ấy, một thứ phê bình liệt dương ngớ ngẩn cho một thứ văn chương ngớ ngẩn liệt dương.
Cú đánh giáp lá cà ấy tất nhiên không phải là liều viagra cho văn học tiếng Đức, song nó kéo theo ba hệ quả. Một, sự tan rã của Nhóm 47 – với những siêu sao như Günter Grass đang lừng lẫy với thành công của Cái trống thiếc, Heinrich Böll sẽ lãnh Giải Nobel không lâu sau đó, hay nhà phê bình được mệnh danh “Giáo hoàng văn chương” Marcel Reich-Ranicki. Tao đàn này chỉ còn hội họp miễn cưỡng một lần nữa sau sự kiện Princeton rồi giải tán. Hai, sự chấm dứt của nền văn học bày tỏ chính kiến và thanh toán quá khứ Quốc xã suốt hai mươi năm hậu chiến. Những cơn gió thời đại mới đã nổi lên. Chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Lửa Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đã cháy rực trong tim các Hồng Vệ binh. Chỉ hai năm sau, phương Tây sẽ nằm trọn dưới ảnh hưởng của Thế hệ 68. Và ba, Peter Handke trở thành một hiện tượng văn học.
Hơn một nửa thế kỷ, từ một enfant terrible nổi loạn chống các thế hệ trước tới một poeta doctus uyên thâm đầy ảnh hưởng đến các thế hệ sau, từ một ngôi sao pop chói mắt trong văn chương tới một tác gia kinh điển nghiêm trang, ông là một vũ trụ rậm rạp của 11.000 trang sách, với độc giả này là nhiêu khê rối rắm, với độc giả khác là đầy kì thú và cũng lắm bực mình. Những người tuyên bố đã cai văn ông vẫn nghiện trở lại, những người thề không đọc ông nữa vẫn bội ước với bản thân. Ông đóng và mở những cánh cửa của bên trong của bên ngoài của bên trong; bao giờ cũng là một kẻ ngược dòng; coi mỗi câu văn chết non, mỗi dấu phẩy đặt sai vị trí của thiên hạ là xúc phạm cá nhân; coi viết không phải là nghề, càng không phải là sứ mạng, mà là tồn tại và phương thức tồn tại; người không có gì để nói và vì thế phải viết, như ông tự nhận; một nhà ảo thuật ngôn ngữ và kiến trúc con chữ tinh tường, sau một đời viết vẫn chăm bón sự ghê tởm tột cùng với tất cả những gì sáo mòn và nếu cần thì đơn thương độc mã đi sâu vào một vùng hoang vu để mở những đường vào lắt léo. Ông cống hiến cho văn chương nhiều hơn so với hàng chục chủ nhân mà chúng ta đã quên của Giải Nobel. Song ông cũng là người biện hộ nổi tiếng cho những tội ác diệt chủng của chính quyền Milošević trong Chiến tranh Nam Tư suốt thập niên 90. Nhưng ông không phải là nhà văn sáng giá đầu tiên mù quáng chính trị. Ezra Pound, Louis-Ferdinand Céline, Knut Hamsun, những tác gia lừng lẫy ấy không chỉ thụ động biện hộ mà hăng say dấn thân cho lí tưởng phát-xít. Cả ba đều bị kết án, đều được ân xá, đều không rút lại một phân xác tín khủng khiếp của mình cho đến cuối đời, và đều trụ vững trong văn chương. Céline đã ngự trong Bibliothèque de la Pléiade từ lâu. Ezra Pound thậm chí được bầu vào American Academy of Arts and Letters năm 1938, khi đang hô hào diệt Do Thái cho Mussolini. Knut Hamsun chỉ mất chiếc huy chương Nobel đã đem tặng Goebbels để tỏ lòng ngưỡng mộ, nhưng còn nguyên vị trí nhà văn Na Uy lớn nhất thế kỉ 20. Tác phẩm không bao giờ trùng khít với tác giả, tác phẩm càng phi thường càng dễ chênh với kích thước bình thường của con người tác giả. Nhà văn đáng giá nhiều khi không đáng quý và hiếm khi đáng mến.
Tôi không đọc Peter Handke vì những suy tư hư ảo của ông về các vấn đề bề bộn của vùng Balkan, mà để sống những cảm hứng từ một sự nghiệp văn chương tài hoa, khởi đầu bằng năm phút vô lễ ngoạn mục.
Phạm Thị Hoài
17.10.2019