Thy Will Be Done

Nàng đã đọc đâu đó câu nói của văn sĩ người Anh C.S. Lewis: “There are two kinds of people. Those who say to God “Thy will be done” and those to whom God says: “All right, then, have it your way.”

Hồi còn bé tí tẹo, nàng đã biết băn khoăn về tuổi của mình. Tình cờ, nghe bà thím nói chuyện, những người sinh năm canh tý số vất vả, cực khổ. Lời nói đó để dấu trong đầu óc non nớt của đứa bé mới vào trung học. Nàng nghĩ, cả thế gian chỉ mỗi mình nàng có tuổi canh tý. Nàng không muốn có cuộc đời đã định của tuổi canh tý. Rất sớm, nàng manh nha ý định “cải số” của mình. Theo suy nghĩ trẻ con của nàng, nhỏ học giỏi, lớn an nhàn. Nàng không nhớ rõ mình đã áp dụng “chiến lược” này từ lúc bao nhiêu tuổi. Có lẽ, nàng mê học trước khi biết đọc chữ. Nàng đã ăn cháo thánh từ thuở tiểu học. Khi nhà có cúng giỗ, nhất là dịp cúng tất niên, cao lương mỹ vị ê hề. Con nít háo hức chờ tàn nhang để tranh nhau con cua luộc đỏ thắm, cái trứng vịt luộc tròn quay. Hoặc hau háu ngó những lát chả lụa xắt hình thoi, những cuốn ram chiên vàng óng ả. Con bé tuổi canh tý nôn nao nhìn đầu bàn, có lư hương, những cây đèn sáp, những nải chuối với hoa phượng vàng ở trên, và quan trọng nhất, có chén cháo thánh. Nàng nghe nói, cháo thánh sẽ giúp đầu óc sáng suốt, học mau, hiểu lẹ, nhớ dai. Với niềm tin mãnh liệt đó, nàng thấy cháo thánh ngon hơn món bồ câu hầm hạt sen hay vịt nấu măng. Cháo thánh đã hiệu nghiệm suốt bao nhiêu năm làm học trò của nàng. 

Một lần, nàng và nhỏ bạn hàng xóm, Ti Ti, hai đứa chơi vũ cầu xong, ghé ngồi nơi hiên nhà của vợ chồng chú Lương, vừa nói chuyện, vừa chia nhau nhâm nhi miếng kẹo đậu phụng đường đen. Thím Lương quay qua Ti Ti:

– Mặt mi vầy, trẻ lâu đó nghen. 

Thím chỉ qua nàng:

– Chớ mặt của hắn, nét đó mau già lắm. 

Nàng ngẫm nghĩ, như mấy anh chị sắp thi tú tài là lớn. Con bé nhìn thím Lương, như thím là già. Thôi, mình chẳng thích già như thím. Nhưng con bé chẳng có thì giờ suy tư thêm. Ti Ti kéo tay con bé, lôi tuồn tuột, rủ chạy ra sau hẻm nhà bà Xê hái trộm vài bông bí, bông bầu chơi. Gần 10 năm sau, con bé gặp lại Ti Ti. Hai đứa ngang tuổi nhau. Mà bây giờ, Ti Ti “già” bằng chị lớn của nó. Nàng nhớ ngay lời nhận xét của thím Lương. Vậy là thím trật lất rồi. Nàng có hề mau già đâu. Nàng vào đại học. Người bạn cùng niên khóa thấy nàng, tưởng, nhóc tì lớp chín, lớp mười theo anh chị vào khuôn viên đại học cho vui. Khi sang Đức, học cùng lớp có người bạn tên Dần, bởi anh sinh năm dần. Anh thường vui miệng xưng mình là chúa tể sơn lâm. Nói chuyện với nàng, anh chàng cứ một hai, xưng anh Dần, gọi nàng là bé, ngọt xớt. Anh Dần đâu ngờ là “bé” hơn anh hai tuổi. Vậy đó, dù không chủ tâm, nàng đã cải số về ngoại hình của mình.

Từ lâu, nàng chẳng còn bận tâm mơ mắt bồ câu, mũi dọc dừa, miệng trái tim. Nàng biết quý trọng sức khỏe và tinh thần mình hơn, dù chất điệu vẫn còn đậm nơi nàng. Lắm khi, nàng dám ngang nhiên xem lời khen, trẻ hơn so với số tuổi, là nhận xét trung thực. Nàng cứ lửng lơ, để người khác đoán sai về tuổi thật của mình. Nghĩ cho kỹ, thái độ đó là sự thiếu thành thật đối với bản thân mình. Nét già của bề ngoài có hề chi. Tóc bạc? Có thuốc nhuộm biến muối thành tiêu. Da nhăn? Có mỹ phẩm trợ giúp. Nhưng sự lão hóa của tâm hồn mới đáng ngại. Nàng cảm được sự cằn cỗi của hồn mình. Nàng loay hoay một thời gian. Cuối cùng, nàng tìm được đáp số làng nhàng cho mình. Nàng tương đối hóa mọi cảm nhận trong cuộc sống. Nàng không còn mít ướt, hở chút khóc. Nàng chấp nhận nghe tiếng cười của mình chẳng còn giòn giã như xưa. Con tim đã rất nhạy cảm của nàng đâm ra hờ hững với mọi chuyện. Nàng có mặt khắp nơi. Nhưng có lẽ, thưởng ngoạn chỉ là phụ. Mà nặng phần nghiên cứu, thu thập thông tin, để mỗi khi ai bàn đến đề tài nào, nàng vẫn có thể góp chuyện được. 

Đôi khi nàng có ý nghĩ “trịch thượng”, cười chế diễu những nhớ nhớ, nhung nhung trong thơ văn nhạc. Xem những xao xuyến, cuống quýt là trò trẻ con lẩm cẩm. Thời kỳ, ai nấy xôn xao đi xem phim Titanic. Nàng bỏ mấy tiếng đồng hồ, chiều một mình ra phố, tìm rạp xi-nê. Nàng ngáp dài, ngáp ngắn, chờ hết phim. Vào hãng, tán gẫu với bạn đồng nghiệp. Nàng bảo, câu chuyện hời hợt, kịch tính tầm thường. Cảnh chàng và nàng đứng nơi đầu tàu được nhiều người trầm trồ là thơ mộng, lãng mạn. Nghe đâu cô ca sĩ Céline Dion mơ có ngày được đóng với kép độc Leonardo DiCaprio. Nàng nhún vai: 

-Tôi thấy cảnh ấy giả tạo, nhạt nhẽo. 

Ralph, bạn đồng nghiệp thân của nàng, ngạc nhiên:

– Làm việc với em đã lâu. Tôi ngỡ em là người đa cảm, lãng mạn. Mà miết đến bữa nay mới biết: Em có nhiều óc hơn tim. 

Mehr Hirn als Herz. Óc nhiều hơn tim, kiểu nói của người Đức, ám chỉ những phụ nữ lăm le đòi khôn ngoan hơn đàn ông và say mê công việc hơn hình bóng của người khác phái. Nàng chúa ghét những phụ nữ như vậy. Nàng sa sầm, mặt quạu đeo. Ralph biết nàng giận, lấy thỏi sô-cô-la giúi vào tay nàng:

-Thôi, giỡn chút mà. Không bằng lòng tôi rút lời lại. 

Những khi đi ăn trưa chung, Ralph hay năn nỉ nàng kể chuyện quê nhà. Nàng tả phong tục, tập quán, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó trong hôn nhân ở Việt Nam. Ralph có vẻ không tin, ghẹo:

-Hồi đó, cha mẹ em cũng đặt chỗ cho em hả?

Nàng nghiêm mặt:

-Không, tôi giới thiệu chỗ, để cha mẹ tôi đặt. Hên, cha mẹ tôi đồng ý. Nếu không, tôi sẽ ở vậy, chờ cha mẹ đặt, mới dám ngồi. 

Ralph trợn tròn mắt:

-Thiệt sao? Em không tranh đấu hay là tự quyết định cho mình?

-Không! Xứ tôi người ta nói: Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

Nàng rị mọ tìm chữ tiếng Đức cắt nghĩa cho Ralph nghe. Nàng nghĩ thầm, bây giờ, nếu phải có những quyết định tương tự cho đời mình, có lẽ nàng cũng chẳng dám đi ngược lại những mong đợi và phán xét của gia đình và chính bản thân nàng.

Cứ thế, nàng ung dung tự tại trong cuộc sống, để vô số đam mê lụn tàn. Ắt hẳn do cuộc sống có được quân bình tương đối, nàng đâm ra lười biếng. Dòng đời trôi suôn sẻ, bình lặng, ngược với tâm hồn hiếu động ngày xưa của nàng. 

Bỗng nhiên, có những tình cờ nho nhỏ. Một người bạn thư, giúp nàng bỏ thì giờ quay đầu lại, để “tôi tìm thấy tôi”. Nàng gặp lại con bé ranh mãnh, tinh quái mà bạn bè thông dịch gọn là ba gai. Nàng tìm trong tự điển những chữ liên quan đến tuổi tác của anh, gọi anh là cà kê, tức là cà chua, cà khịa, cà tàng… Dần dà, anh chứng minh có đầy đủ những đức tính “cà” làm nàng cà… lăm. Nàng có tật liên tưởng quàng xiên. Thấy cây kim, nàng nghĩ ngang, nghĩ dọc một hồi, cũng thành chiếc phi thuyền. Nàng say sưa kể chuyện hoa lá. Đột nhiên nàng khựng lại, ngúng ngoảy: 

-Bàn bạc với các ông về hoa lá, như nước đổ lá môn. Chi bằng nói chuyện với đầu gối còn hơn. 

Anh chẳng chấp nê chi kiểu nói láo lếu của nàng. Anh kể, vườn nhà anh um tùm lắm. Anh sẽ dọn dẹp, trồng cây môn, rồi đổ nước lên lá, để hiểu ẩn dụ của nàng, để đủ trình độ chuyện trò với đầu gối của nàng. Nàng rét, nói chuyện với anh, uốn lưỡi bảy lần, xem ra chưa đủ. 

Với những “tình khúc trên chiến trường” rộn rịp đó, nàng tưởng mình yên tâm đứng trong vườn, đối thoại với anh bên kia hàng rào. Thỉnh thoảng, anh vờ sơ ý, đẩy hàng rào đây kia. Nàng kỹ càng, cẩn tắc vô ưu, giăng thêm kẽm gai. Anh giả đò, ủa, tưởng đó là dậu mồng tơi của Nguyễn Bính. Nàng tăng cường lực lượng, gài điện cao thế vào kẽm gai. Anh bảo, điếc không sợ súng. Nàng cảnh cáo, điện cao thế giật chết tươi, bất kể người phá rào điếc hay đui. Thấy chiến trường có nhiều phát triển bất lợi cho “chiến tuyến” của mình, nàng áp dụng chiến thuật vườn không, nhà trống. Nàng xóa hết điện thư. Xóa vĩnh viễn, chứ không gởi tạm trong thùng giấy. Nàng có việc phải đi vắng nhiều ngày. Tưởng là địch quân đã rút. Nhưng không, anh bảo, ai nói anh không lì. Không lì sao chờ tới mấy chục năm cho đến khi nàng xuất hiện. Nàng không nhịn cười được. Tưởng như thấy mũi anh đang dài ra như mũi thằng người gỗ Pinocchio.

Một cuối tuần, nhờ anh nhắc, nàng đọc được cuốn sách hay. Cuốn sách ngủ vùi trên kệ tủ hơn mười năm. Trong sách, có lá thư nhỏ bạn viết cho nàng. Nàng vui cả ngày Chủ Nhật. Nàng nghĩ đến anh, viết thư cám ơn. Nàng quanh co giải thích hai động từ, to think và to miss. Rồi một mực đính chính rằng, nàng chỉ dùng to think. Anh cười, ủa, có bắt buộc như vậy không? Có gì sai, nếu mình nhớ người mang niềm vui đến cho mình. Nàng chẳng biết trả lời thế nào. Anh chấm dứt điện thư bằng miss ya. Nàng thắc mắc, Công giáo có Amen, Phật giáo có Mô Phật. Chữ miss ya là của tôn giáo nào. Anh chẳng giải đáp câu hỏi, cứ viết miss ya, rồi mở ngoặc, đó là sinh hoạt phía bên anh, đối phương đâu có quyền kiểm soát. 

Ngồi ăn trưa với đồng nghiệp, cô bạn quan sát:

– Chị có nút ruồi ở tai phải nè. Coi hay hay đó chứ. 

Nàng diễu:

– Có nút ruồi ở tai, được nghe nhiều lời ngọt ngào. 

Anh bạn đồng nghiệp tủm tỉm:

– Vậy là em tha hồ nghe mấy anh đây nói cả ngày chứ gì. 

Nàng tránh bẫy:

-Ô, không phải vậy. Nút ruồi chỉ hoạt động sau giờ hành chánh thôi. Còn trong văn phòng, chỉ nghe mệnh lệnh, yêu cầu làm việc thôi.

Nói đùa với bạn bè vậy. Nhưng nàng biết mình có tật ưa nghe nói ngọt. Nàng thường cảnh giác mình, để đừng… khuân lúa giống đi bán. Người đời thường nói, bệnh thì chữa được, nhưng tật thì mãn tính. Cho nên, nghe ai nói ngọt, nàng sợ, cuống cuồng tìm thuốc chữa tật. Xem ra, tiền mất, mà tật vẫn mang. Nốt ruồi ở tai nàng phải làm việc suốt, vì những điện thư ngọt lịm của anh. 

Nàng không nhận ra là tiếng cười của nàng đã có những thanh âm là lạ. Bạn bè nàng, hỏi nguyên cớ về niềm vui bất ngờ. Nàng la toáng rằng, bạn bè khéo tưởng tượng. Con bạn thân của nàng, thường khi, chuyên vẽ đường cho… nàng chạy. Nó xất bất xang bang, tìm mấy anh bạn học cũ cho nàng. Nó sắp xếp cho nàng gặp người này, người kia, và yên tâm, chắc chắn “mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh”. Mà thật vậy. Gặp bạn bè xưa, nàng thật vui. Chỉ ôn chuyện cũ mà thôi. Không hề có màn, tiễn đưa nhau đi rồi, con mắt liếc còn có đuôi. Bây giờ, nàng kể sơ sơ vài đối thoại qua điện thư, chớ nàng đã kiến kỳ hình đâu. Vậy mà nhỏ bạn lại cảm thấy dấu hiệu ngầm của thiên tai. Nó phân tích, giảng giải rạch ròi, rồi khuyên: “Mày phải chặt cầu.” Nàng chưng hửng vì phản ứng nhỏ bạn. Nàng nghĩ thật lâu. Phải chăng ai cũng thấy sự thay đổi nơi nàng. Chỉ riêng nàng, cứ khăng khăng và tin rằng, nên đến trăm lần: “Nhất định mình chưa…” Nàng bỗng thấy mình ngớ ngẩn không thể tưởng. Cứ cho cái sự “vui cực kỳ” của mình tự nhiên, như khi trẻ con cười ngặt nghẽo xem Mr. Bean diễu. 

Nàng nghe anh kể về những chuyến đi câu. Chắc vậy, cho nên, khi đối thoại, anh rất rành tung lưới. Những cung bậc trong những câu hỏi của anh cứ quanh quẩn trong trí nàng như điệu nhạc du dương. Anh vờ khen, nàng giỏi, nàng khôn. Nàng tưởng thiệt, nghĩ mình là cao nhân, vui sướng được đại cao nhân thấy chân tài. Anh lộng giả, nàng không để ý. Đến khi thấy sự việc có vẻ thành chân, nàng hốt hoảng. Nàng tìm đường thoát. Nàng nhìn quanh, đông tây nam bắc, bốn phương, tám hướng. Ngó đi đâu, nàng cũng thấy những sợi lưới làm nàng quýnh quíu.

Nàng tìm góc kín đọc điện thư. Lúc lúc, nàng phải vờ cúi đầu xuống để che nụ cười thích thú hoặc vẻ thẩn thờ của đắn đo, lo âu. Tiếng Việt thật tuyệt vời. Sầu muộn, hễ muộn màng thì sẽ sầu hay sao? Yêu dấu, hễ yêu thì phải giấu hay sao. Nàng giật mình, ủa, nàng đã yêu chưa mà phải giấu?

Nàng dần dà nhận ra, cơn gió nhẹ, nàng đinh ninh không đong đưa nổi ngọn cỏ gầy, dường như có khả năng làm trốc cả gốc cây cổ thụ. Nàng nhớ câu nói: “Trái tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí chẳng bao giờ hiểu được.” Ngày xưa, còn nhỏ, nàng chưa hiểu nhiều, nhưng có cảm tưởng mình giống triết gia, khi chép kèm vài câu danh ngôn đao to, búa lớn trong những tập thơ. Câu nói này có lẽ đúng với phần lớn nhân loại. Riêng nàng, trái tim nàng cũng có nhiều lý lẽ. Nhưng lý lẽ nào cũng phải được lý trí hiểu, kiểm soát và chấp nhận. Nàng thấy mình khổ sở, lúng túng với những suy nghĩ phức tạp, đối nghịch trong đầu. 

Lắm khi nàng đưa ra những giả thuyết thật ngờ nghệch. Nghe nhỏ bạn viết rằng, thương nàng lắm. Nàng cảm động. Phải chi, nghe “ai đó” nói thương, nàng cũng được phép cảm động mà không cần phải day dứt. Phải chi, nàng có thể nói, viết được tiếng lòng cho “ai đó”, cũng dễ dàng, như khi viết cho nhỏ bạn thân. Chao ôi, đời yên bình biết mấy. Nghe mấy giả thuyết “dở hơi” của nàng, nhỏ bạn cười khật khừ: “Mày chắc bị chạm dây rồi.”

Nàng bắt gặp bài thơ về hiến chương tình yêu:

khi em đọc, tôi biến thành chữ viết

cả nghìn chương, chỉ chép chuyện đôi ta

mỗi đầu giòng: tên em sắp chữ hoa

cả chấm, hỏi, cũng đậm mùi hạnh phúc 

Nàng nghĩ đơn giản, mình đọc bài thơ hay, sao không phổ biến cho bạn bè biết. Nàng nhắc với anh bài thơ. Anh bảo, anh không biết. Nàng hứa, sẽ chép cho anh. Anh lắc đầu, nếu chỉ chép, anh vào internet, copy & paste là xong. Anh chỉ thích được tặng thôi. Nàng than thầm, ôi, ai nói nàng khôn lanh. Bao lâu nay nàng đinh ninh như vậy. Thiệt ra, nàng… ngu triền miên.

Nàng như đứa bé trong sân chơi, đang vui với nhảy dây, đi chợ, về chợ… Trò chơi càng lúc càng hấp dẫn, hào hứng. Tiếng trống báo hiệu hết giờ chơi đã điểm. Phải trở về lớp học. Đứa bé là học trò ngoan. Đứa bé không muốn và không dám phiền lòng người lớn. Nàng nghĩ hoài, không biết trách ai. Không lẽ trách mấy ông, mấy bà phát minh ra liên mạng, điện thư. Anh tỉnh bơ, thiên la địa võng. 

Tính nàng ưa cải số. Có lúc chủ ý, có lúc tình cờ. Hồi mới lớn, có người tiên đoán ta e em sớm sầu. Nàng đã chứng minh rằng, mình không sớm sầu. Nhưng bây giờ, nàng không biết phải làm gì, để mình đừng muộn sầu. Hay, nàng giống như Quách Tương, phải tìm thiền sư Giác Viễn, hỏi làm sao nhược ly ư ái giả, vô ưu diệc vô bố. Nàng phải chờ đọc xong bộ truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký, để biết, rồi Quách Tương có được câu trả lời hay không. Nếu có, chắc nàng sẽ thử áp dụng cho trường hợp do ái cố sinh ưu, do ái cố sinh bố của thế kỷ 21. 

Nàng đã bao lần buộc Thượng đế phải gật gù, “Ta theo ý con. You have it your way.” Nhưng trận này, như anh đã lì, nói với nàng rằng, tránh sao khỏi số. Hay là, nàng sẽ thưa với Thượng đế rằng, “Con theo ý Ngài. Thy will be done.

Hoàng Quân

Tháng Năm 2019

Những câu thơ in nghiêng trích trong các bài thơ:

Tình Già của thi sĩ Phan Khôi

Tuổi Mười Ba của thi sĩ Nguyên Sa

hiến chương tình yêu ngày 14-2 của thi sĩ Du Tử Lê

__._,_.___

Related posts