Phố bán sách cũ bên bờ sông Seine

Nghề bán sách cũ chuyên cung cấp sách cũ, tài liệu cũ quí hiếm, bên bờ sông Seine, được xem là nét văn hóa độc đáo của Pháp từ nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, để duy trì sự tồn tại, nghề này đang cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội đồng thành phố Paris !

Một thị trường đã có từ thế kỷ 15.
Một trong những biểu trưng được biết đến nhiều nhất của thủ đô Paris là hình ảnh những người bán sách cũ bên cạnh quầy bán sách cũ màu xanh lá cây của họ. Không quản ngại thời tiết nắng mưa, những người bán sách hiểu biết sâu rộng về sách cũ các loại, kiên nhẫn phục vụ khách ngày này qua ngày khác dọc theo bờ sông Seine.
Dịch vụ mua bán sách cũ bắt nguồn từ giữa thế kỷ 15. Những người am hiểu kể lại rằng một chiếc thuyền chở sách bị chìm gần nhà thờ Đức Bà. Những thành viên trên tàu bơi vào bờ, mang theo số lượng sách nhiều nhất có thể và rao bán cho người qua đường hầu bù đắp những mất mát do tai nạn gây ra. Kiểu bán sách này tỏ ra sinh lợi khá cao và bắt đầu từ đó, dịch vụ này dần dà phát triển và duy trì bền bỉ, ổn định cho đến nay.
Năm 1859, Hội đồng thành phố Paris quyết định dành một dãy đất bên bờ sông Seine giúp những người bán sách cũ “định cư” cố định để bán sách cũ từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn.
Nhà văn lừng danh của Mỹ, Ernest Hemingway, và nhiều tác giả khác đã từng “lang thang” tại khu vực cầu cảng này, lật từng trang sách cũ và thậm chí tìm kiếm những tác phẩm của riêng họ trưng bày trong các kệ sách sơn màu xanh đậm xếp sát cạnh nhau.

Năm 1992, bờ kè sông Seine với những người bán sách cũ của Paris được UNESCO công nhân là Di sản Thế giới và cũng từ đó sông Seine được đặt cho biệt danh là “dòng sông duy nhất trên thế giới trôi giữa những tủ kệ sách”.
Nếu vào giữa thế kỷ 17 chỉ có khoảng 20 người bán sách cũ ở đây, thì bây giờ con số này tăng lên đến khoảng 240. Phố bán sách cũ hình thành 2 hàng quầy sách cũ dài trên dãy đất cạnh bờ sông từ Bảo tàng Orsay (Musée d’Orsay) đến Viện Thế giới Ả Rập (Institut du Monde Arabe). Nơi tập trung đông đúc nhất là lối dẫn vào Khu phố la tinh (Quartier latin), nơi có Trường Đại học Sorbonne nổi tiếng. Việc đóng các tủ kệ màu xanh được kiểm soát rất chặt chẽ với kích cỡ chuẩn mỗi cái 2 mét chiều dài và chiều sâu 75 centimét, phần sau cao hơn phần trước để khách hàng có thể dễ lục lọi quyển sách cũ muốn tìm. Ước tính có đến trên 300.000 cuốn sách được bày bán dọc theo con đường bán sách cũ bên bờ sông Seine.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt với Internet.
Nhưng cho dù 240 quầy sách cũ nằm liền kề sát cạnh nhau trên bến cảng, sự cạnh tranh không diễn ra giữa những người bán sách cũ. Thách thức lớn nhất đối với các quầy bán sách cũ trong vòng 20 năm qua chính là sự gia tăng số độc giả trên mạng Internet. Điều này khiến cho lượng sách cũ bán ra và doanh sốn bán giảm sút đáng kể, nhưng đồng thời cũng giúp cho việc tìm kiếm sách quí hiếm dễ dàng hơn.
Nhằm bù đắp cho sự sụt giảm doanh số, nhiều chủ cửa hàng sách cũ đã bắt đầu đưa các món quà lưu niệm vào để bán cho du khách. Về nguyên tắc, điều này là hợp pháp: qui định của thành phố Paris cho phép bày bán hàng hóa thương mại trong 1 trong 4 tủ kệ màu xanh mà chủ mỗi quầy sách cũ sẵn có. Nhiều người bán đồ thủ công mỹ nghệ như móc khóa hình tháp Eiffel, miếng lót ly “J’aime Paris” (Tôi yêu Paris)… Nhưng không phải tất cả những người bán sách cũ đều thích làm như thế, và những mặt hàng này nên được hay không được bán đang là đề tài gây tranh cãi.
Vào cuối thập niên 1980, Jean-Pierre Mathias đã từ bỏ công việc giáo sư triết học để gia nhập vào đội ngũ những người bán sách cũ. Ông tâm sự: “Khi tôi sang lại được một cửa hàng tại đây, và bắt đầu bán những cuốn sách cũ của tôi… Tôi thích tiếp tục công việc bán sách cũ tại đây mà không phải cần phải giảng dạy hay giải thích này khác”.
Jean-Pierre Mathias chỉ bán sách cũ và những bức tranh hay tác phẩm điêu khắc cổ. Ông từ chối bán hàng lưu niệm cho du khách xuất hiện ngày càng đông. “ Đối với tôi, một quyển sách mãi mãi vẫn là một quyển sách và những người yêu sách sẽ tiếp tục mua sách cũ. Môn nghệ thuật như kịch nói, đã không biến mất dù những bộ phim hay xuất hiện ngày càng nhiều”, ông cho biết thêm với nụ cười tươi.

Từ truyện tranh đến móc khóa.
Francis Robert bán truyện tranh tại quầy sách cũ của anh từ năm 35 tuổi. Anh giải thích: “Ban đầu, mọi người đến tìm tôi khi họ muốn kiếm một quyển truyện tranh đặc biệt. Nếu tôi không có, họ sẽ tìm nó trên Internet. Còn bây giờ thì ngược lại: họ chỉ đến tìm tôi khi họ không tìm được cuốn truyện tranh trên Internet”.

Để bù đắp doanh số giảm sút, những mặt hàng lưu niệm của Francis, bao gồm cả móc khóa tháp Eiffel có thể thấy ở khắp nơi, đã tăng lên vài năm gần đây. Trong khi người dân địa phương luôn dừng lại để mua 1 hoặc 2 cuốn sách, phần lớn khách hàng của anh là du khách ngoại quốc và thường có xu thế mua đồ lưu niệm hơn là mua sách truyện tranh chủ yếu viết bằng tiếng Pháp.
Bernard Carver đi vào nghề bán sách cũ quí hiếm đã 20 năm qua khi anh từ Liban đến với số vốn ít ỏi. Anh cho biết: “Tôi bắt đầu cuộc sống trên đường phố Paris. Tôi tìm kiếm thú tiêu khiển bằng cách đọc sách thay vì uống rượu. Nhờ niềm đam mê đọc sách mà tôi trở nên gắn bó với những người bán sách cũ”.
Nếu muốn bán chạy hàng hóa của mình, bạn phải hiểu rõ về nó. Bernard tự hào vì đã đọc tất cả những cuốn sách mà anh bày bán. Và điều này cũng không ngăn được doanh số của anh giảm sút. Việc gia tăng bán hàng lưu niệm làm anh bực bội, thậm chí tức giận. Một số người bán sách cũ còn đi đến mức đặt bàn xếp trước quầy hàng để mở rộng các mặt hàng lưu niệm, một thực tế không được phép theo qui định.

Tận hưởng khung cảnh tuyệt vời bên bờ sông Seine.
Mỗi người bán sách cũ phải chăm chút bảo trì tủ kệ sách màu xanh của mình. Ngoài việc này ra, họ khá tự do. Họ có quyền quyết định giờ mở cửa bán sách, nhưng qui định không cho phép mở cửa sau khi mặt trời lặn. Họ có quyền chọn những cuốn sách họ muốn bán, và suốt cả ngày, họ tận hưởng khung cảnh tuyệt vời bên bờ sông Seine của Paris.
Nhiều người trong số họ nghĩ rằng thành phố Paris nên làm nhiều hơn để hổ trợ nét son văn hóa truyền thống “bán sách cũ” đã tồn tại nhiều thập niên qua, dù cho hiện nay doanh số bán đang giảm sút. Một trong những đề nghị thiết thực đó là lắp đường dây điện để họ có thể bán hàng cả vào ban đêm.
Một số người còn đề nghị đưa tên các quầy bán sách cũ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại để trình lên UNESCO xem xét. Nhưng không phải toàn bộ những người bán sách cũ đều ủng hộ ý tưởng này. Một số người sợ rằng, nếu được công nhậnndi sản, họ có thể không được bán hàng lưu niệm giúp họ sinh sống.
Nếu có đến tham quan thủ đô ánh sáng Paris văn minh, tráng lệ, xin bạn đừng bỏ dịp quá bộ đến phố bán sách cũ bên dòng sông Seine với biệt danh “dòng sông duy nhất trên thế giới trôi giữa những tủ kệ sách” để khám phá nét son văn hóa truyền thống lâu đời này…

Đào Duy Hòa / Sydney
(Theo Le Courrier Australien)

Related posts