Câu chuyện cuộc đời: Thư ký của thiên thần

Tôi đến thị xã Ban Mê Thuột vào một buổi chiều đầu mùa khô năm 1977. Gió bụi của miền cao nguyên đất đỏ làm tôi tối mắt sau một chuyến đi dài trên chiếc xe đò cọc cạch. Để mặc cho anh Chu Sơn chồng tôi loay hoay với mấy túi áo quần, sách vở. Bước xuống xe, tôi chỉ còn đủ sức ngồi bệt trên đám cỏ bên vệ đường. Đất đỏ, cỏ úa và bầu trời buổi chiều xám xịt. Đất trời Ban Mê Thuột buổi đầu giao tiếp đối với tôi chẳng thú vị gì.

Nơi tôi làm việc là khoa nhi Bệnh viện tỉnh Dắk Lắk. Đây là một đấu trường quá sức với tôi. Cảm nhận lúc đầu là như thế. Khoa có 50 giường bệnh, bệnh nhân nằm la liệt hai ba em trên một giường. Những chiếc giường sắt tây cũ rét, cái mất song, cái gãy chân kê đóng khấp khểnh. Màn chiếu đen, tả tơi rách nát. Nhân viên của khoa vỏn vẹn có 10 người. Một trưởng khoa, một bác sĩ điều trị, sáu y tá và hai hộ lý. Trưởng khoa là chị Liên, y sĩ từ chiến khu về. Bác sĩ điều trị là một đại úy quân y, ông Nguyễn Hữu Thới. Sáu chị y tá là các chị Hoa, Hà, Toan, Ri, Kính và H’Băm làm nhiệm vụ điều dưỡng. Hai y công là chị Thái và chị Bé.

Bệnh viện tỉnh Dắk Lắk trước 1975 nguyên là một bệnh viện dã chiến quân dân y. Sau 1975 phần quân y tách riêng để hình thành nên bệnh viện quân đội. Cơ sở hạ tầng của bệnh viện dã chiến quân dân y này trở thành cái vỏ của một bệnh viện đa khoa dành cho dân các huyện nông thôn của tỉnh Dắk Lắk  và ở thị xã Ban Mê Thuột có một bệnh viên riêng.

Ban Mê Thuột mất từ tháng 3 năm 1975. Tôi lên nhận việc cuối tháng 3 -1977. Trong hai năm, vừa đủ để những dãy phòng cấp bốn trở thành cái vỏ chật chội, loang lổ, xập xệ tối tăm của một cơ sở gọi là bệnh viện. Khoa nhi chiếm hai phòng cách nhau một hành lang hẹp. Mỗi phòng có một bóng đèn huỳnh quang ở giữa, hai đầu là hai bóng đèn tròn 100 watts tù mù vàng vọt khi có điện. Khi không có điện thì bà con người dân tộc thiểu số, người kinh tế mới thắp sáng bằng bất cứ thứ gì kiếm được. Nước thì khi có khi không. Bà con người dân tộc thiểu số đùn nhét cả vỏ, cùi bắp, lá lảy, giẻ rách xuống miệng cầu xí. Hai chị y công làm việc đầu tắt, mặt tối mà không khí của khoa phòng vẫn nặng nề khó chịu. Y cụ thì không có gì ngoài hai bình oxy rỉ rét, mấy cái máy đo huyết áp xì hơi, kim tiêm thì phải mài đi mài lại trên các viên đá, khi chích các em khóc thét lên và lòng chúng tôi thì như bị cứa bởi lưỡi dao cùn.

Bệnh nhân của chúng tôi đa phần đến từ các buôn làng người dân tộc thiểu số, các khu dinh điền cũ được thành lập thời Ngô Đình Diệm và vùng kinh tế mới. Hầu hết các em bị suy dinh dưỡng và mắc các bệnh lây nhiễm. Da các em bủng beo, xanh tái, lớp mỡ dưới da hầu như không còn, trên da đầy mụt nhọt, chốc lở và vết cắn thâm tím của muỗi mòng, vắt, đỉa.

(Ảnh minh họa qua flickriver.com)

Theo sự sắp xếp của lãnh đạo bệnh viện, tôi đến khoa nhi để thay thế bác sĩ Nguyễn Hữu Thới. Bác sĩ Thới sẽ chuyển đến trạm chống lao. Một tuần lễ làm việc dưới sự hướng dẫn của người bác sĩ tiền nhiệm đối với tôi là một cuộc chuyển giao tận tụy giữa hai thầy trò. Ông sợ tôi không đủ sức để đương đầu với một nhiệm vụ quá ư nặng nề. Ông bảo tôi nhanh chóng học tiếng và phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số. Qua ông tôi còn học được tính kiên nhẫn, khiêm tốn, lòng yêu nghề, tinh thần lạc quan, tình yêu con người và cuộc sống. Ông đã rời khoa nhi đúng một tuần lễ sau khi tôi đến, nhưng trừ những ngày nghỉ theo qui định hành chánh, những lúc ốm đau hay những trường hợp bất thường, ngày nào ông cũng trở lại khoa nhi suốt ba năm tôi làm việc tại đó. Vợ ông, chị Bê đang làm việc tại khoa truyền nhiễm. Buổi sáng ông chở vợ đi làm, buổi chiều ông đến đón vợ trên chiếc xe đạp. Ông không chờ vợ ở khoa truyền nhiễm mà chờ vợ ở khoa nhi. Mục đích của ông là để xem tôi có hỏi gì không, và mặc nhiên ông trở thành người cố vấn tự nguyện cho tôi suốt hơn ba năm tôi ở khoa nhi Bệnh viện tỉnh Dắk Lắk. Đối với ông làm việc ở trạm chống lao là một hình phạt nặng nề. Ở trạm chống lao ông trở nên người nhàn hạ. Ông và cả tôi nữa không hiểu vì lý do gì một bác sĩ chuyên nhi như ông lại bị trói tay trói chân ở trạm chống lao trước tình trạng khoa nhi và cả Bệnh viện tỉnh Dắk Lắk la liệt bệnh nhân mà bác sĩ chỉ đếm được chưa hết mười ngón tay trên hai bàn tay.

Mỗi buổi chiều khi chị Bê vợ ông xong việc ở khoa lây, đến khoa nhi để ông chở về, tôi nhận ra niềm hân hoan trong mắt họ. Như thế là họ đã qua được một ngày bình yên để trở về với bốn đứa con đang chờ ở nhà.

Tôi rời khoa nhi Bệnh viện tỉnh Dắk Lắk cuối năm 1980 khi không còn đủ sức để cầm cự. Tôi bị sốt rét, sinh con trai đầu, không có sữa. Chồng tôi, anh Chu Sơn, bị lao phổi nặng, bác sĩ Thới điều trị. Chính ông đã khuyên chúng tôi nên nhanh chóng về đồng bằng để có điều kiện cách ly và có thêm dinh dưỡng là những điều kiện tối thiểu để chúng tôi tồn tại.

Chúng tôi về Đà Nẵng, không còn gặp bác sĩ Thới mỗi ngày tại khoa nhi, nhưng tin tức về ông tôi vẫn nhận được. Ông trụ lại Ban Mê Thuột mặc dầu ông có điều kiện làm lại cuộc đời ở một nơi chốn khác. Tôi nhớ có lần ông đã tâm sự:

– Mình con địa chủ, học trường Tây, lại là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, hơn thế nữa là trí thức. Địa chủ cộng với Tây, cộng với sĩ quan ngụy quân, cộng với trí thức, cộng với Ê Đê, cộng với giải phóng, cộng với Xã hội Chủ nghĩa để trở thành người Việt Nam. Làm người Việt Nam mà không đói khát, không đau thương, không khổ nhục, chưa thực sự là người Việt Nam.

Ôi, cái công thức, cái con đường gì mà đắng cay đến thế. Có đi hết những chặng đường như thế mới là người Việt Nam sao? Đối với riêng tôi, những lời của Nguyễn Hữu Thới là một liệu pháp giúp tôi vượt qua được những bi quan khiếp sợ trong những ngày đối đầu với bệnh tật và môi trường sống xã hội chủ nghĩa tại Ban Mê Thuột. Ông đích thực là người thầy thuốc mẫu mực, một con người lương thiện mà bất cứ một nền y tế, một đất nước bình thường nào cũng nhất thiết không nên rẻ rúng.

Mấy tháng sau khi về Đà Nẵng chồng tôi một lần trở lại Ban Mê Thuột, gặp lại bác sĩ Nguyễn Hữu Thới, người thầy thuốc đồng thời là người tri ngộ trong một đêm cùng nhau trăn trở, đã biết thêm một thông tin ngẫu nhĩ rằng. Nguyễn Hữu Thới là hậu duệ đời thứ mười hai của Nguyễn Hữu Cảnh, người mà 300 năm trước vâng mệnh của chúa Nguyễn đến lập đồn biên phòng ở Mố Xoài, nay thuộc tỉnh Đồng Nai.

Thông tin cuối cùng chúng tôi nhận trễ tại Đà Nẵng vào cuối năm 1994 rằng là bác sĩ Nguyễn Hữu Thới bị đột quỵ, cương quyết không chịu đi bệnh viện, đã qua đời ở cái tuổi chưa đến 60. Ông không còn đủ sức để đi tiếp con đường khổ nạn làm người Việt Nam mà ông đã vạch cho chính mình.

Rời Ban Mê Thuột tôi mang tâm trạng một người bỏ cuộc, chạy trốn. Nhẹ nhàng hơn tôi xem mình như người lính bị loại khỏi cuộc chiến mà mình đã dấn thân. Ba năm hai tháng bảy ngày ở khoa nhi Bệnh viện tỉnh Dắk Lắk quả là một quãng thời gian đáng nhớ của một người thấy thuốc đến đúng cái nơi cần phải đến. Nhưng điều đáng nhớ nhất của tôi chưa phải là “liệu pháp Nguyễn Hữu Thới” mà là “liệu pháp Hoàng Ngọc Châu”.

Hoàng Ngọc Châu đến bệnh viện vào một buổi chiều áp tết năm Mậu Ngọ 1978 trong tình trạng cấp cứu, mặt mày Châu như một tàu lá héo, em khó thở, da xanh mướt, môi nhợt nhạt, mũi hếch, cánh mũi phập phồng, mắt lồi, đầu ngón tay ngón chân bè ra và tím tái. Việc chẩn đoán bệnh cho Châu không khó lắm vì các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng và khá đầy đủ. Em bị tim bẩm sinh,  một trường hợp thông liên thất đã đổi shunt và có biến chứng tăng áp phổi. Chúng tôi nhanh chóng làm các thủ pháp cấp cứu, các thủ tục nhập viện và nói với người nhà em chuẩn bị tinh thần để em ở lại bệnh viện dài ngày.

Những ngày áp tết bệnh viện và khoa nhi giảm dần quang cảnh tấp nập. Các bệnh nhân nhẹ hay đã ổn định lần lượt cùng với thân nhân về quê lo Tết và ăn Tết. Nhân viên bệnh viện một số cũng “tranh thủ” về nhà để làm cái gì đó chuẩn bị các thứ… Tôi lần đầu tiên đón tết xa nhà. Những thứ phân phối nhận được từ ban “đời sống” bệnh viện nhiều và khác lạ hơn ngày thường nhưng chúng tôi không đủ sức “lo Tết”. Ăn uống cũng rất cần cho tình trạng thiếu thốn dinh dưỡng như chúng tôi, nhưng nghỉ ngơi đối với riêng tôi lại cần thiết hơn rất nhiều. Trang hoàng nhà cửa, cúng kiếng, nội ngoại, bạn bè nay đã xa không cần phải thăm hoặc tiếp bất cứ ai. Căn phòng nhỏ hẹp và tối do nhà nước cho ở hoàn toàn không thích hợp với một giò lan rừng do người cha của một bệnh nhân tặng.

Ba ngày Tết của hai vợ chồng “côi cút” chúng tôi là những lần đèo nhau trên chiếc xe đạp đi quanh các nơi cần mà chưa đến được trong thị xã. Chúng tôi không đủ sức đi xa hơn. Kết quả là được thở thoải mái hơn là thăm ngắm cảnh quan. Mỗi lần đi ra khỏi “phòng tiêu chuẩn” chúng tôi đều ghé khoa nhi. Hoàng Ngọc Châu và những em bệnh nặng khác trở thành đối tượng để tôi thăm Tết.

Đặc biệt mẹ con Hoàng Ngọc Châu là hai người nói tiếng Huế duy nhất trong số bệnh nhân của tôi lúc này. Châu đã qua cơn nguy cấp, tỏ ra liến thoắng, sinh động và ưa bắt chuyện. Qua câu chuyện ba ngày tết tôi biết quê cha của Châu là Hải Lăng, Quảng Trị, quê mẹ em là Huế, gia đình theo đạo Chúa, nghèo và đơn chiếc. Cha em là quân nhân của chế độ cũ, mẹ em là thợ may có một bàn máy đặt tại nhà với khách hàng là bà con quanh xóm. Năm 1972, Châu 3 tuổi, gầy yếu xanh xao theo mẹ vào Huế trong “mùa hè đỏ lửa”. Hai mẹ con em trú tại nhà bà ngoại ở thôn Lịch Đợi, phía sau nhà ga Huế. Ba em là quân nhân, thường xuyên vắng nhà, theo đơn vị nay đây mai đó. Mẹ em bày một cái bàn nhỏ bán nước chè cho khách qua lại tại một góc trước sân ga để sống qua ngày.

Chiến tranh chấm dứt, ba em thôi làm lính, gia đình bé nhỏ của em rời nhà bà ngoại trở lại Hải Lăng sinh sống bằng nghề nông. Gia đình sum họp chưa được bao lâu, chính quyền địa phương đưa ba em đi học tập cải tạo ở Cồn Tiên, mẹ em tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Do em bị đau ốm thường xuyên, mẹ phải ở nhà chăm sóc nên công điểm ở hợp tác xã chẳng được bao nhiêu, cuộc sống hai mẹ con trở nên cùng quẫn phải bồng bế nhau vào lại Huế nương nhờ bà ngoại. Việc bán nước chè ở trước ga Huế thu nhập không đủ để đóng góp cùng bà ngoại trong các nhu cầu đơn giản mà cấp thiết của ba người, một già yếu, một trẻ bệnh và một phụ nữ chân yếu tay mềm hết đường bươn chải. Họ quyết định đi kinh tế mới theo chủ trương của nhà nước.

Phú Xuân, xã kinh tế mới cách quận lỵ Buôn Hồ 30 cây số, cách Ban Mê Thuột 70 cây số về phía đông bắc là quê hương bất đắc dĩ sau cùng của họ. Bởi phía sau họ còn có ba nơi để nghĩ tưởng và nhớ thương về, bà con đồng đạo, nhà thờ xứ và đặc biệt người đàn ông là cha, là chồng, là rể đang đi học tập cải tạo. Ở xã kinh tế mới Phú Xuân bệnh tình của Châu ngày một nặng thêm. Bà ngoại trông nom cháu và đảm trách công việc bếp núc, heo gà. Mẹ cháu, chị Sửu  một mình ra đồng giữa hai thời kiểng với hợp tác xã và đầu tắt mặt tối với mảnh đất vườn 1.000m2 bao quanh nhà.

Châu phát bệnh nặng giữa đêm, không đợi được đến sáng để theo chuyến xe công nông duy nhất trong ngày ra huyện, chị Sửu phải gọi nhờ mấy người trong đội sản xuất thay nhau võng Châu đi suốt sáu bảy tiếng đồng hồ đường rừng ra bệnh viện Huyện. Bệnh viên Huyện Buôn Hồ điều trị mấy ngày không thuyên giảm, họ giới thiệu Châu lên Bệnh viện tỉnh Daklak.

Ở khoa nhi Bệnh viện tỉnh Dắk Lắc, qua giai đoạn ấp cứu, Châu có vẻ khỏe hơn, ăn uống được tí chút. Một tuần sau em đi lại được, nói năng hoạt bát, ưa bắt chuyện, quan tâm nhiều thứ, thắc mắc nhiều điều, tỏ ra là một đứa trẻ thông minh. Tôi phải nhắc nhở cả hai mẹ con là nói nhiều không có lợi cho việc điều trị bệnh, em vâng lời nhưng chóng quên. Em chờ những lúc tôi rỗi tay là lân la hỏi hết chuyện này đến chuyện nọ. Có lần em hỏi tôi:

Bác biết tiếng Tây phải không?

Tôi nhìn em thật lâu và hỏi lại:

– Con thắc mắc như thế để làm gì? Con cần biết điều gì phải không?

– Hôm trước con thấy bác nói chuyện với bác sĩ Thới toàn tiếng Tây không à.

– Ừ mà chuyện bác biết hay không biết tiếng Tây, con hỏi để làm gì.

– Ở với bà ngoại, con hay nghe bà hay nhắc đến Thánh Đường, Thánh Lễ La Vang. La Vang đối với ngoại và cả mẹ nữa vô cùng tôn kính và thiêng liêng. Con không hiểu hai từ La Vang là gì. Con đã hỏi mẹ và ngoại nhiều lần nhưng cũng chỉ được trả lời đó là một nhà thờ rất to, rất thiêng. Một lần nào đó hồi xa xưa Đức Mẹ đã hiện ra che chở cho người có đạo trước sự truy đuổi chém giết của người ngoại đạo. Ba con đi học tập. Mẹ và ngoại muốn đến đó để cầu xin Đức Mẹ cứu giúp cho Ba mau được thả về. Không đi được, đêm nào mẹ và ngoại cũng cầu nguyện, van xin Đức Mẹ La Vang cho ba được về, cho cháu được lành bệnh. Con không hiểu từ La Vang là gì? Có phải kêu to và vang xa hay la lối vang núi đồi như mấy người lớn ở quê mới giải thích không? Hay La Vang là tiếng Tây mà người mình vì dốt mà không hiểu được? Bác biết tiếng Tây, bác giảng cho con, con rất muốn nghe.

Tôi phân vân không biết giải thích thế nào cho em, đây là một vấn đề tôi đã trao đổi nhiều lần với cha Petitjean, người dạy Pháp văn cho tôi. Tôi cố tóm tắt sao cho thật dễ hiểu.

Theo bác, La Vang không phải là tiếng Tây cũng không là tiếng Việt. Gốc của La Vang là lá vằng. Lá Vằng là loại cây mọc hoang trên núi đồi Quảng Trị, lá vằng là một loại cây thuốc mà ngày xưa các bà mẹ khi mang thai thường uống để sinh con có nước da hồng hào không viêm nhiễm. Lá vằng cũng dành cho các bà mẹ sau khi sinh uống để có sữa nhiều. Vì thương con nên các bà mẹ đã chịu khó uống thứ nước lá rất đắng này trong suốt một thời gian dài từ khi mang thai đến hết thời kỳ cho con bú. Thời vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn cách đây khoảng 220 năm, đạo Thiên Chúa bị đàn áp. Dân xứ đạo Cổ Vưu một xứ đạo cách thị xã Quảng Trị 4 cây số về phía tây, cách thành phố Huế 50 cây số về phía bắc đã chạy trốn ở một ngôi chùa hay đình miếu gì đó đã hoang tàn giữa một đồi chung quanh có nhiều cây lá vằng. Cuộc sống khó khăn, đói khổ, bệnh tật, một đêm nào đó họ thấy Đức Mẹ Maria hiện ra ban phép lành và che chở họ. Nhờ vậy họ vượt qua hiểm nguy, bệnh tật và tuyệt vọng. Từ sau sự kiện Đức Mẹ hiện ra trên đồi lá vằng, địa danh này trở nên nổi tiếng trong cộng đồng người công giáo. Nhiều người, nhiều gia đình gặp tai ương hoạn nạn đã lên đó cầu xin để được tai qua nạn khỏi. Nhà thờ trên đồi lá vằng được xây dựng, sửa chữa, xây mới ngày một to lớn và đẹp đẽ.

Tôi nói chưa xong thì Hoàng Ngọc Châu nóng vội hỏi:

– Nhưng tại sao nhà thờ trên đồi lá vằng lại gọi là La Vang ?

Tôi lấy một đơn thuốc lật mặt sau viết lớn cùng trên một hàng bốn chữ Lá Vằng – La Vang đưa cho Châu và bảo:

– Con hãy quan sát và nói cho bác nghe có gì giống nhau và khác nhau trong bốn chữ này.

Hoàng Ngọc Châu cầm tờ giấy nhìn và ngẫm nghĩ một lúc và trả lời:

– Lá Vằng có dấu sắc, dấu á, dấu huyền. La Vang không có dấu nào cả.

Tôi giải thích tiếp cho Châu:

– Tiếng Tây và chữ Tây không có các dấu huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng, chữ Tây cũng không có các âm ă, â. Người Tây quen nói và viết tiếng nước họ, khi họ nói và viết tiếng Việt họ thường nói sai và viết sai. Ví dụ chữ lá vằng họ nói và viết thành la vang. Tên con là Hoàng Ngọc Châu, họ viết và đọc là Hoang Ngoc Chau. Tên mẹ con là Sửu họ viết và đọc là Suu. Trong số những người dân Đạo chạy nạn Tây Sơn lên trốn trên đồi lá vằng chắc chắn có một ông cố đạo người Tây. Ông này nói không chuẩn tiếng Việt, lá vằng ông nói thành la vang. Dân có đạo mình rất kính phục, vâng lời tuyệt đối và hay bắt chước bất cứ thứ gì có thể bắt chước được từ các ông cố đạo suốt mấy trăm năm. La Vang hay Hoang Ngoc Chau hay Suu là ba trong rất nhiều ví dụ.

Hoàng Ngọc Châu chăm chú nghe ra vẻ bằng lòng với những lời giải đáp của tôi. Tôi hỏi tiếp em:

– Thế con thích gọi nhà thờ La Vang hay nhà thờ Lá Vằng?

Châu trả lời nhanh và gọn:

– La Vang thì dễ nói hơn, Lá Vằng thì hay hơn.

Tôi chưng hửng trước nhận xét dứt khoát của em. Đằng sau ánh mắt mệt mỏi, làn da xanh tái, những nhịp thở ngắn thiếu khí ấy tôi cảm nhận được những nét tinh anh, thánh thiện tồn tại như những tia nắng le lói đang tắt dần giữa bầu trời tối đen.

Sau Tết khoảng 10 ngày, thấy chị Sửu, mẹ Châu, đang loay hoay nấu nướng gì đó ở khu bếp dành riêng cho người nhà bệnh nhân, trở lại phòng, tôi bảo Châu:

– Mẹ con nấu nướng vất vả lắm, con gắng ăn nhiều cho mẹ vui.

Châu cúi mặt, đưa tay chùi nước mắt và nói:

– Bác không biết mẹ con và bà ngoại cực khổ và thương con như thế nào đâu. Trước khi đi bệnh viện, con nghe được câu chuyện giữa mẹ và bà ngoại. Ba con đi học tập chưa về, con không biết hỏi ai để biết sự thật. Con nói với bác nhưng bác đừng nói lại với ai.

Châu vừa nói đến đó, thấy mẹ bưng cháo vào, em dừng lại, làm ra vui vẻ, nhận tô cháo từ tay chị Sửu, vừa thổi vừa ăn một cách ngon lành. Nét mặt người mẹ tươi hẳn lên, trông chị tràn đầy hạnh phúc và hy vọng.

Mấy hôm sau chị Sửu gởi Châu lại cho người nuôi bệnh bên cạnh để về Phú Xuân lấy thêm gạo củi. Châu chờ lúc tôi không bận việc, em vội đến bên tôi không ấp úng như bữa trước, trái lại em tỏ ra chững chạc tự tín:

– Hôm trước con định kể chuyện con cho bác nghe, nhưng mẹ vào, con vội thôi. Hôm nay bác có rảnh và muốn nghe con nói không?

Tôi bảo:

– Con cứ nói, bác nghe đây.

Châu buồn bã, khóc rưng rức rồi nói trong nước mắt:

– Con không… không… phải… là… con… đẻ… của mẹ. Mẹ Sửu… không phải… là… mẹ đẻ… của con.

Tôi bối rối không hiểu chuyện gì, tôi hỏi lại Châu:

– Tại sao con nói thế?

Châu bảo:

– Trước khi đi Bệnh viện Buôn Hồ con nghe bà và mẹ nói nhỏ với nhau rằng bệnh con thấy tăng không thấy giảm, phải đưa đi nhà thương thôi. Cả bà và mẹ đều khóc và nói, dù không phải là con đẻ, là cháu ruột nhưng không thể không thương. Khó khăn thế nào cũng phải cố thôi. Phải bán con heo lấy tiền, mượn thêm thúng lúa xay gạo để đem nó đi chữa bệnh.

– Bác ơi! Châu tiếp tục nói, con rất nhớ ba, thương mẹ, thương bà. Bác ơi! con có sống được không? Ba con có về kịp không? Bác ơi …

Châu vừa nói liên hồi vừa thở hổn hển, rồi òa khóc. Tôi đau điếng trong lòng, muốn khóc nhưng cố gắng tỏ ra bình thường và nói:

– Con sẽ không sao đâu, ăn nhiều và đừng nghĩ đến chuyện buồn. Ba con sẽ về thôi. Con có mẹ và bà thật tuyệt vời. Tôi lau nước mắt cho em, xoa đầu an ủi để em bớt xúc động. Được một lúc lâu, hết khóc, Châu nói:

– Bác ơi! con có điều nhờ bác, bác phải hứa giúp con.

– Ừ bác sẽ giúp, làm gì đươc trong sức của bác, bác sẽ làm.

– Con biết không sống được đến ngày ba về, con nhờ bác viết cho ba con một cái thư. Viết rằng con nhớ thương ba, mẹ và bà ngoại hết lòng thương yêu chạy chữa và chăm sóc cho con. Con cũng rất thương bà và mẹ. Con chết vì bệnh nặng không chữa được, mai tê ba về đừng la trách mẹ tội nghiệp.

Tôi bàng hoàng, bao tử thắt từng cơn, không cầm được lòng, nước mắt chảy dài. Cố gắng trấn tĩnh, tôi nói với Châu:

– Con cũng có thể viết thư cho ba kia mà.

Châu bảo:

– Bác viết thì ba tin hơn. Con viết ba không tin bằng bác viết.

Nói được với tôi câu đó, Châu bớt xúc động, em có vẻ thanh thản hơn. Em đến giường, nằm xuống mắt lim dim muốn ngủ.

Một ngày tháng giêng, Ban Mê Thuột gió nổi từng cơn, bụi đỏ mù trời. Các cửa kính bệnh viện cũ kỹ tù mù, bụi phủ hết lớp này đến lớp khác mặc dù các chị y công sáng nào cũng lau chùi. Từ trong phòng làm việc thỉnh thoảng tôi ngước nhìn qua cửa sổ cây lá lay động tả tơi, vật vờ trong gió cát. Tôi linh cảm một điều gì đó chẳng lành sẽ đến. Hoàng Ngọc Châu, bệnh nhân bé nhỏ tội nghiệp của tôi, thiên thần của tôi ra đi chăng? Nhớ lời em gởi gắm. Tôi liên tưởng đến tiếng chim hót trong bụi mận gai. Tiếng hót thật hay thoát ra từ trái tim đang rỉ máu.

Hoàng Ngọc Châu ra đi. Không có vị linh mục nào làm thánh lễ cho em. Chỉ có chị Sửu, mẹ em, và tôi kẻ ngoại đạo đồng thời là người thầy thuốc bất lực ở bên em những giây phút cuối cùng. Tôi vuốt mắt, chị Sửu cài lại cúc áo, làm dấu thánh cho em và vỡ òa một cơn khóc mà chị cố kìm nén bấy lâu. Chị gào lên:

– Con ơi, mẹ biết ăn nói với ba con sao đây?

– Anh ơi! Sao giờ này lại không có anh. Thằng Châu đã bỏ chúng ta rồi..

Tôi lại bàn làm việc, định thần một lúc, viết giấy khai tử cho em. Nhớ lời em nhờ, tôi lật mặt sau tờ giấy khai tử viết mấy dòng sau đây:

Tôi: Bác sĩ Nguyễn thị Kim Thoa, đã tiếp nhận và điều trị tích cực bệnh nhi Hoàng Ngọc Châu. Bệnh em Châu nặng, khả năng bệnh viện và cá nhân tôi không đủ để duy trì sự sống cho em. Trước khi qua đời, em Hoàng Ngọc Châu nhờ tôi viết lại mấy lời gởi cho người cha đang đi học tập cải tạo: “Ba ơi! con rất nhớ ba. Ở nhà cũng như ở bệnh viện mẹ và bà ngoại đã thương yêu nuôi nấng và chăm sóc con đầy đủ, chu đáo. Con thương mẹ, ba cũng như thương bà. Con của Ba: Hoàng Ngọc Châu”.

Tôi đưa tờ khai tử cho chị y tá Ri lên khu hành chánh để đóng dấu. Tôi dặn chị Ri nhớ đóng dấu cả mặt sau nơi tôi ghi mấy dòng di ngôn theo yêu cầu của Hoàng Ngọc Châu. Chị Ri lau vội nước mắt bước ra.

Ngồi lại một mình, nước mắt vẫn ràn rụa, lòng xúc động nhưng không còn quặn thắt đau như trước đó mấy phút. Tôi nghĩ về Hoàng Ngọc Châu với lòng quí trọng và biết ơn. Tôi đã nhận được từ em, cậu bé tám tuổi trước khi lìa khỏi cuộc đời tàn ác vô tình này, một ý chỉ, một thông điệp về tình yêu thương, lòng vị tha và ý thức trách nhiệm đối với người còn ở lại, không chỉ với cha mẹ, bà ngoại mà còn với tất cả chúng ta, những kẻ đang nhân danh hay mạo danh đủ mọi thứ giữa cuộc tồn tại hai mặt này.

Những lời đơn sơ mộc mạc mà Hoàng Ngọc Châu đã thều thào thốt ra trước lúc lâm chung và cả những điều em đã nói với tôi qua những cuộc trao đổi trong những ngày sau Tết đã làm thay đổi mối giao tiếp giữa tôi và em. Tôi không còn là một bác sĩ với “sứ mệnh” cứu chữa bệnh tật cho em nữa, bởi tôi đã bó tay bất lực để cho cái cậu bé vô cùng thánh thiện ấy ra đi. Còn em mặc dù rất muốn sống để chờ người cha đi học tập về để yêu thương và được yêu thương trong mái ấm gia đình, trong cộng đồng làng nước, nhưng em đành chấp nhận cuộc ly biệt. Có điều em chẳng hề oán trách bất cứ ai, bất cứ thế lực nào, trần gian hay thiên giới, đặc biệt em không muốn cái chết của chính mình sẽ để lại bất cứ một ngộ nhận nào có thể nẩy sinh từ một sự thật em tình cờ nghe biết được trước khi đi bệnh viện rằng hai phụ nữ đã cúc cung tận tụy nuôi nấng chăm sóc chạy chữa cho em suốt tám năm trời trong tình yêu thương vô hạn không phải là mẹ, là bà ngoại ruột.

Những lời trăn trối em gởi gắm cho người cha mong đợi mà tôi đã ghi lại ở mặt sau tờ khai tử của Hoàng Ngọc Châu đã chuyển hóa tôi từ một người thầy thuốc thất bại thành người thư ký khiêm tốn của một thiên thần.

Theo Facebook Nguyễn Thị Kim Thoa

Related posts