Những Cách Chửi Trong Thơ và Ca Dao

Thông thường chửi nhau là hai người trực tiếp làm nhục nhau bằng những lời xúc phạm tới danh dự của gia đình.

Trong thơ và ca dao, bằng nhiều cách khác nhau, tác giả chửi để trút bỏ buồn phiền oán giận.

1. Chửi Để Than Thân Trách Phận.

Theo “Dã sử Hồ xuân Hương” của Ngô tất Tố, bà mồ côi cha lúc 10 tuổi. Tuy sống với mẹ nhưng bà phải chịu sự giám sát của người chú.
Vì cá tính phóng khoáng nên bà khó có chồng. Bà bị chú ép lấy lẽ quan quyền Chưởng vệ Hà nội.

Cám cảnh làm lẽ, Nữ sĩ làm thơ tự trào như sau:

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa nên chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không


Nhưng chỉ 6 tháng sau quan Chưởng vệ phải bỏ bà vì vợ cả ghen dữ dội.
Để khỏi mang tiếng sợ vợ, ông phao tin Nữ sĩ là người ái nam ái nữ.

Truyện Kiều, đoạn Bạc bà âm mưu với Bạc Hạnh bán Kiều cho thanh lâu, tác giả thương cảm và oán giận cho số phận nàng:

Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.


Trong hai trường hợp kể trên, đối tượng chửi là số phận bất hạnh của phụ nữ.

2. Chửi Để Thanh Minh

Tú Xương gặp người ăn mày chìa tay xin tiền, ngặt nỗi khi đó ông không có đồng nào trong túi. Ông làm thơ tự trào:

Người đói, ta đây cũng chẳng no
Cha thằng nào có, tiếc không cho


Để thanh minh mình không có tiền, ông chửi cha thằng có tiền nhưng keo kiệt không cho. Vì nếu ông có tiền chẳng hóa ra ông tự chửi mình.

Tiếng rủa “cha” do từ “mồ cha/mả bố” rút ngắn.

3. Chửi Bâng Quơ 

Chửi bâng quơ không có đối tượng hoặc đối tượng không đáng chửi, ví dụ ca dao sau đây:

Mồ cha con bướm trắng, đẻ mẹ con ong xanh
Khen ai uốn lưỡi cho ranh nói càn
Mồ cha con bướm trắng, đẻ mẹ con ong vàng
Khen ai uốn lưỡi cho nàng nói chua.


“Mồ cha” là từ rút ngắn của câu nguyền rủa “đào mồ cha/mả bố” của đối tượng. Người xưa tin mồ mả của ông bà cha mẹ ảnh hưởng tới tương lai con cháu. Nếu mồ mả tổ tiên bị xâm phạm, con cháu sẽ bị tai họa.

“Đẻ mẹ” là từ rút ngắn của câu chửi “cha con đẻ mẹ” của đối tượng. (Con đẻ mẹ = người đẻ ra mẹ đối tượng = bà ngoại của đối tượng). 

4. Chửi Ngạo

Theo “Thi ca châm biếm và trào lộng Việt nam” của Hoàng trọng Thược, trước khi bị hành quyết Cao bá Quát ngạo mạn đọc câu đối như sau:

Ba hồi trống giục đù cha kiếp
Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời.


Có bản chép “mồ cha kiếp” và “bỏ mẹ đời”.

Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền đông Nam kỳ, nghĩa quân nổi lên chống Pháp khắp nơi, trong số này có Thủ Khoa Huân.

Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Hữu Huân (1841-1875). Năm chưa đủ 20 tuổi ông đã đậu thủ khoa. Ông không làm quan nên người ta gọi ông là Thủ khoa Huân.

Năm 1861 ông tổ chức Nghĩa quân hoạt động chống Pháp ở vùng Định Tường, Kiên Giang, Hà Tiên và Châu Đốc.

Năm 1863 ông bị bắt và bị đày đi Côn đảo, sau đó bị đày đi đảo Réunion.

Năm 1874 được tha về, ông tiếp tục tổ chức Nghĩa quân chống Pháp.

Năm 1875 ông bị Pháp bắt; trước khi bị hành quyết ông làm thơ chửi những kẻ “phản thần”.

Bài thơ có hai câu cuối như sau:

Thắng bại, doanh thâu Trời khiến chịu
“Phản thần” đ…m…đứa cười ông.


Không chỉ chửi, tác giả còn xưng “ông” với kẻ ông gọi là phản thần. (Những kẻ xu thời theo Pháp bị gọi là phản thần = bày tôi phản lại vua).

5. Chửi Đổng

Phạm Thái tên thật là Phạm đan Phượng, tự xưng là Chiêu Lỳ. Chàng và em gái bạn là Trương Quỳnh Như yêu nhau. Cha nàng có ý thuận nhưng mẹ nàng chống đối quyết liệt. Quỳnh Như đau khổ sinh bệnh rồi chết. Chàng cũng thất vọng, uống rượu và làm thơ cho khuây khỏa. Trong bài thơ tự trào có hai câu như sau:

Chết về Tiên Bụt cho xong kiếp
Đù ỏa! Trần gian sống mãi chi?


Về sau Phạm Thái cũng chết vì rượu, khi ấy chàng mới 37 tuổi.

Chửi đổng không nhằm đối tượng nào.

6. Chửi Để Tỏ Quyết Tâm

Chàng đã có vợ nhưng dan díu với người tình. Tuy vậy chàng vẫn không bỏ vợ. Người tình hiểu như vậy và cam chịu cảnh “già nhân ngãi non vợ chồng”.

Cho tới một hôm nàng quyết không cho chàng về với vợ:

Mình về đường ấy hôm nay
Mổ cha đứa gối đầu tay cho về.

(ca dao)

Đường ấy = đường về nhà “người ấy” (vợ chàng).

Gối đầu tay = người xưa có thành ngữ “vợ chồng đầu gối tay ấp” để chỉ tình yêu vợ chồng.

Nàng cũng từng được chàng dang tay cho nàng gối đầu lên.

Hôm nay nàng quyết giữ chàng ở lại bằng cách chửi cha đứa nào cho chàng về. Vì nếu để chàng về chẳng hóa ra nàng tự chửi mình.

Chửi để tỏ quyết tâm trái ngược với chửi để thanh minh: cách này có tính khẳng định, cách kia có tính phủ định.

7. Chửi Xéo

Năm 1873 Súy phủ Pháp ở Sài gòn cử Ngạc Nhi (Francis Garnier) ra Hà nội để cùng quan chức Việt nam giải quyết vụ lôi thôi do Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) gây nên. Tên lái buôn này hợp tác với vài tên lái buôn Tàu chở gạo và muối theo sông Hồng lên Vân Nam.

Nước ta từ lâu có lệnh cấm xuất khẩu gạo và muối vì là nhu yếu phẩm cùa dân trong nước. Bị quan chức ta chặn lại, Đồ Phổ Nghĩa phản đối viện lẽ đã được quan chức Vân Nam cho phép.

Một mặt phải thi hành luật của triều đình, một mặt không muốn gây khó khăn trong sự giao thiệp với Pháp, quan chức ta chỉ bắt giam mấy lái buôn Tàu và báo cáo sự việc về triều đình.

Ngạc Nhi ra Hà nội, thay vì gặp các quan chức ta, bất ngờ tấn công Hoàng thành cũ. Tổng đốc Nguyễn tri Phương bị thương nặng, Pháp đưa Người xuống tàu băng bó nhưng Người từ chối để chết theo thành.

Hà nội thất thủ, giặc giã nổi lên khắp nơi, Ngạc Nhi đem quân đi đánh dẹp. Trong cuộc hành quân ở Cầu giấy, Ngạc Nhi bị quân Cờ đen phục kích, bị bắt và bị chém đầu.

Nguyễn Khuyến làm bài văn tế Ngạc Nhi như sau.

 Nhớ ông xưa:
 Cái mắt ông xanh
 Cái da ông đỏ
 Cái tóc ông quăn
 Cái mũi ông lõ
 Đít ông cưỡi lừa
 Miệng ông huýt chó
 Lưng ông đeo súng lục liên
 Chân ông đi giày có mỏ
 Ông ở bên Tây
 Ông sang bảo hộ
 Ông dẹp Cờ đen
 Để yên con đỏ (1)


Nào ngờ
 Nó bắt được ông
 Nó chặt mất sỏ
 Cái đầu ông kia
 Cái mình ông đó
 Khốn khổ thân ông
 Đù mẹ cha nó


Tôi
 Vâng lệnh quan trên
 Cúng ông một cỗ
 Này chuối một buồng
 Này rượu một hũ
 Này xôi một mâm
 Này trứng một rổ
 Ông có linh thiêng
 Mời ông xơi hộ
 Ăn uống no say
 Nằm yên một chỗ
 Ơí ông Ngạc Nhi ơi
 Nói càng thêm khổ.


Bài văn tế hàm chứa sự châm biếm và khinh miệt.

Văn tế là một thể văn có niêm luật nhưng bài này tác giả viết theo lối 4 chữ như Sớ Táo quân.

Thay vì lời lẽ trang trọng, tác giả dùng những chữ nôm na thông tục như: mắt xanh, mũi lõ, tóc quăn…

Hai câu “đít ông cưỡi lừa / miệng ông huýt chó” tác giả chủ ý dùng hai chữ “đít / miệng” đối nhau.

Đầu loài vật thường gọi là “đầu”, riêng lợn gọi là “sỏ lợn” (do đó có từ giò sỏ). Gọi đầu Ngạc Nhi là “sỏ”, tác giả ngụ ý Ngạc Nhi chết như con lợn bị giết thịt.

Cuối văn tế thường là lời thương tiếc người chết nhưng bài này tác giả chỉ nói về nỗi khổ của mình phải làm văn tế: “nói càng thêm khổ”.

Từ những điều phân tích trên, câu chửi trong bài này được hiểu là tác giả chửi xéo Ngạc Nhi.
Ca dao có câu rằng:

Sấm đằng đông động đằng tây
Tuy rằng nói đấy nhưng đây động lòng.

Bùi Quý Chiến

Tham khảo:
 – Dã sử Hồ xuân Hương của Ngô tất Tố.
 – Thi ca châm biếm và trào lộng Việt nam của Hoàng trọng Thược.
 – Việt nam sử lược của Trần trọng Kim.
 – Tục ngữ phong dao Việt nam của Nguyễn văn Ngọc.

Cước chú:
 – (1) Con đỏ = dân thường không có địa vị trong xã hội (theo Tự điển Tiếng Việt cùa Viện Ngôn ngữ học).

__._,_.___

Related posts