Có ông chồng kia sống thật nhàn nhã. Ổng không chút áy náy đến chuyện ‘tiền, bạc, áo, cơm’. Thấy bạn mình thung dung, có người hỏi ổng bí quyết nào được thung dung mà trong nhà ấm cúng, ngoài ngõ lại êm ru bà rù. Ổng trả lời: Chẳng có gì khó hết! Chuyện trước mắt, từ gạo cơm, nhà cửa, thuế má cho tới chuyện học chuyện chơi của đàn con …, tui phó cho ‘con mụ nó’ (chữ của Tú Xương). Bởi lẽ đụng tới mấy chuyện trước mắt đó — tui có nói gì cũng bị bả cho là trật lất. Có làm gì cũng bị chê là sai bét. Thành ra, phần tui…. tui lo chuyện Bắc Hàn thử bom nguyên tử, dân Hongkong biểu tình, ai làm tổng thống Venezuela và Donald Trump bữa nay hót gì lên mạng Twitter….’. Nói xong ổng cười hề hề và thoòng thêm ‘Chỉ cần mỗi tuần bả mua cho tờ VL là tui xí trang thời sự. Dư lại cả xấp tui dành hết cho bả.’
Thật vậy, hết năm này qua năm khác, mỗi tuần Việt Luận cống hiến bạn đọc một bài thời sự. Bài này nằm bên cạnh Lá Thư Toà Soạn và chiếm gần hai trang báo. Y chang như ông kia có nói: Bài thời sự thường nói chuyện dao to búa lớn. Chuyện này nếu không tạo tiếng vang lớn thì cũng ảnh hưởng sâu đậm đến những người lo …. đội đá vá trời. Trừ một bài nói về ‘…nước mắm’, dư lại thời sự của bổn báo là chuyện bên trời Tây, đất Ta không hà.
Thời sự hôm nay xin được nhìn lại gần 50 bài thời sự đã đăng trên bổn báo. Các bài này cho thấy thế giới đã chuyển biến như thế nào trong năm 2019.
Venezuela xa tuốt
Trong những ngày đầu năm, người ưu thời mẫn thế rất để ý chuyện người dân nổi lên trong xứ độc tài hay theo xã hội chủ nghĩa — nếu là Cộng sản thì càng hay. Dường như là từ trong tiềm thức chúng ta mong muốn chuyện này xảy ra — cách này hay cách kia – ở quê hương mình nên có chuyện làm rung rinh một ông tổng thống Nicolas Maduro xuất thân từ nghề lái xe buýt ở tuốt bên Venezuela thì ta để ý liền. Để ý vì chẳng phải có bà con với ông ‘Rô’ hay ông ‘Đô’ mà vì Venezuela theo xã hội chủ nghĩa.
Ở bển, vào đầu năm nay, chủ tịch quốc hội Juan Guaido cầm đầu cả triệu người xuống đường phản đối chế độ xã hội chủ nghĩa của Nicolas Maduro. Ông Juan Guaido tự phong làm tổng thống lâm thời. Chuyện làm cho người mình ‘khoái’ nhất là tổng thống lâm thời này được dân biểu tình ủng hộ; và cũng ủng hộ là tổng thống Donald Trump. Ai cũng tưởng chỉ và tháng (nếu phải vài tuần) là GI của Mỹ rầm rộ tiến vào thủ đô Caracas, hay ông ‘Rô’ bỏ trốn qua … Việt Nam để hưởng xã hội chủ nghĩa. Nhưng hai chuyện ấy vẫn chưa xảy ra. Ngược lại, mỗi lúc ông Nicolas Maduro một giữ chặt quyền hơn. Trong thế giằng co này, một nước ở cực Bắc bán cầu — Na Uy — đứng ra làm trung gian hoà giải. Sau bốn tháng thảo luận, phe Maduro bỏ khỏi phòng họp. Hiện nay, người ta chỉ còn trông chờ mũi súng của quân đội như mới xảy ra tại Bolivia. Bằng không, ai vỗ ngực rành chuyện Nam Mỹ thì nói đến giải pháp ‘không Maduro, không Guaido’.
Hongkong bên hông Việt Nam
Cũng được nhiều người Việt Nam theo dõi là các cuộc biểu tình của dân Hongkong. Dân ở đây biểu tình từ tháng Sáu cho tới nay chưa dứt. Châm ngòi cho biểu tình khi bà đặc khu trưởng Carrie Lâm trình dự luật dẫn độ từ Hongkong sang Trung cộng. Nếu Hongkong có luật này thì như Việt Nam hiện thời: bọn đầu trâu mặt ngựa Trung cộng qua Việt Nam quậy, mở sòng bạc nghênh ngang phạm tội mà chẳng sợ ai. Bởi vì có bị bắt thì cũng chỉ ‘dẫn độ’ về Tàu là … hết chuyện.
Người mình theo dõi sát nút biểu tình ở Hongkong vì từ trong tiềm thức cho tới tận cõi vô thức ai ai cũng mong chuyện đó xảy ra ở đất nước mình. Hơn nữa, theo dõi biểu tình ở Hongkong còn khoái ở chỗ họ cùng một lúc đánh hai kẻ thù: Cộng Sản và Ba Tàu.
Sau sáu tháng xuống đường, người Hongkong đưa ra 5 yêu sách và cho biết không nhượng bộ điều nào cả. Đến nay, cả Bắc Kinh lẫn con rối Carrie Lâm của Bắc Kinh chưa trả lời. Người mình có thể hỏi: vậy người biểu tình có đạt gì chưa? Thưa: chưa. Nhưng đã giáng cho cả Cộng Sản lẫn Bắc Kinh đòn đau: phe dân chủ đã thắng lớn trong lần bầu cử hội đồng địa phương ở Hongkong. Đó là tiếng dân: vox populi vox dei. Ngày 16.12 này, bà Carrie Lâm sẽ đi Bắc Kinh tường trình tiếng dân của Hongkong cho mấy ông chủ ở bển. Thế là người mình lại có thêm dịp bàn ra tán vào.
Chuyện quan đỏ ở Việt nam
Hiển nhiên, là người Việt Nam nên không ai trong chúng ta không quan tâm đến đất nước. Trong mấy chục bài thời sự trong năm qua đã có hơn phân nửa bài viết về Việt Nam.
Ngay đầu năm, Việt Nam trở thành chỗ phóng viên quốc tế săn tin nhờ hai ‘chú-cháu’ Donald Trump – Kim Jong-un hẹn nhau ăn bún chả ở Hà Nội. Hà Nội hí hửng tưởng tên mình ghi vào lịch sử như một thứ ‘Hanoi Agreement’ nào đó. Tiếc thay, Bắc Hàn chơi lại nước cờ cù nhầy như Hà Nội đã chơi khi ngồi vào bàn hội nghị dàn xếp cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa Bắc / Nam Việt Nam. Vậy là ‘bún chả chả ngon!’.
Một năm hội nghị Hà Nội trôi qua, Bắc Hàn coi bộ hung hăng hơn. Trong tuần này, Kim Jong-un lại cho bắn hoả tiễn và gọi Donald Trump là ‘lão già gà mờ và bất ưng, heedless and erratic old man’. Ngược lại, ‘lão già…’ ấy doạ chú bé chơi ngông họ Kim coi chừng ‘mất cả chỉ lẫn chài’. E rằng khi thế giới vui chơi Giáng Sinh thì hoặc là ‘lão già…’ hoặc là ‘chú bé chơi ngông’ dám quậy cho thế giới sững sờ chơi. Đã thấy: trong những ngày cuối cùng trong năm cũ Bắc Hàn doạ cho thử một thứ hoả tiễn đặc biệt tại lò Sohae; đồng thời, lão Donald Trump cũng doạ cắt đứt ‘liên lạc đặc biệt, special relationship’ với chú bé ‘little rocket man’ tên Kim. Dường như chuyện dài Donald Trump và Kim Jong-un có thể thành vô tận. Bởi lẽ cả hai đều muốn quậy màn ảnh truyền hình và trang nhất báo chí thế giới. Rủi vài tháng mà không ai nhắc tới họ Kim thì chàng quậy. Rủi vài tiếng đồng hồ mạng Twitter yên ắng, @realDonaldTrump liền hót líu lo.
Các bài thời sự bàn về chuyện Việt Nam chiếm phần lớn chuyện chính trị, chuyện các quan đỏ đấu đá hay ngỏm cù tỉ …. mà không quên đến ‘mắm, muối, dưa, cà’ và một cô bé tên Hương lâm nạn ở Mã Lai. Cô Đoàn Thị Hương bị cáo tiếp tay ám sát ông anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un. Cuối cùng, vào tháng Năm bị cáo đã được toà án Mã Lai tha bổng. Cô này về tới Hà Nội và được đón như một ‘ngôi sao’. Geez!
Về quan đỏ thì Trọng lú không những bao sân khi đút củi vào lò mà cả khi lên cơn đau tim ở Kiên Giang rồi biến mất. Từ khi nằm cáng khiêng về Bắc Bộ Phủ, thỉnh thoảng Trọng xuất hiện để cho thấy mình chưa theo chân Hồ, Quang, Mười và mới nhất là Anh (Lê Đức Anh). Khi bàn về chính trường ở Việt Nam, có lẽ bổn báo không màng tên này hay tên kia tranh được miếng ăn lớn nhất cho bằng nghĩ tới thân phận của gần trăm triệu dân Việt Nam tiếp tục bị gông cùm. Gông cùm đến độ sảy ra chỗ nào thì người dân thoát thân chỗ đó. Thế giới chỉ biết đến chuyện thương tâm của người Việt Nam khi họ bị nạn trên đường thoát thân: 39 quan tài vừa về nước chỉ là số rất nhỏ của những mảnh đời trong những ‘rừng rơm’: sống không ai hay, chết không ai biết. Những mảnh đời này không những đầy dẫy ở châu Âu mà nhan nhản ở Úc…
Còn về nước mắm thì TCVN-12607:2019 do quan đỏ ban hành không phải bảo vệ món ăn truyền thống cho Việt Nam mà chỉ gây khó dễ thêm nữa cho người sống bằng nghề này ở trong nước. Gây khó dễ là nghề của quan đỏ vì có thế quan mới có ăn. Ở Việt Nam bây giờ, các quan quyết định gì cũng chỉ nhắm tới được phần chấm mút. Còn ai chết mặc ai. Nếu có nước nào chi địa cho quan để bán nước mắm vào Việt Nam, quan gật liền. Bằng chứng là Việt Nam xưa rày vốn là nước xuất cảng nông nghiệp và gia súc. Vậy mà tin mới nhất cho hay Hà Nội bắt đầu giảm thuế quan các thứ thịt gà, thịt heo, nho, táo và lúa mỳ nhập cảng từ Mỹ. Việt Nam làm thế bất kể ‘đồ Mỹ giết chết đồ Việt’.
Chuyện thời sự ở Úc
Là báo xuất bản tại Úc, Việt Luận phải để ý đến chuyện xảy ra ở đất nước này. Trong năm nay, bổn báo dành nhiều bài thời sự bàn về lửa rừng nóng bỏng, nước non khô cạn, chính phủ tái cử trong một cuộc bầu cử thua trông thấy, giá nhà xuống thê thảm rồi dọt lên dữ dội … Đồng thời, không ngại nói đến vụ án xử một chức sắc cao cấp trong giáo hội Công giáo tại Úc – đức hồng y George Pell. Kết thúc tường trình rất đầy đủ về vụ án bị coi là gây ‘khủng hoảng niền tin’, bỉnh bút Phạm Thạch Hồng trích lời một nhân viên làm việc tại toà thành Vatican rằng: “ông Pell có quyền được kháng cáo đến cấp cuối cùng của hệ thống pháp lý” và nhấn mạnh rằng “ông Pell vẫn khẳng định mình vô tội”. (Việt Luận, 1.3.2019). Hiện nay, hồng y George đang thụ án sáu năm tù tại Melbourne, Vic. và đã kháng cáo lên tối cao pháp viện Úc. Ngày ngày, hồng y làm vườn chờ cho tới khi tối cao pháp viện Úc ra phán quyết cuối cùng. Việt Luận chỉ mong công lý được sáng tỏ.
Chuyện thời sự lớn nhất xảy ra ở Úc chắc là không gì lớn hơn liên đảng Tự do – Quốc Gia tái cử trong một cuộc tổng tuyển cử bị coi là thua trông thấy. Trong năm tuần lễ vận động, báo chí làm như ông Bill Shorten đã thành thủ tướng Úc không bằng. Vậy mà ngựa đã về ngược. Thủ tướng Scott Morrison đã thắng và thắng lớn. Chính ông không ngờ nên vào đêm 18.5 đã thốt lên:‘I’ve always believed in miracles, Lúc nào tôi cũng tin có phép lạ’. Phép lạ trong tháng Năm không những xảy đến cho chính phủ liên đảng mà còn cho 10 triệu chủ nhà. Số là từ giữa năm 2018 nhà ở Úc xuống giá thê thảm. Nhà ở Sydney và Melbourne đi đầu trong cơn xuống giá này. Có những nhà mất giá đến 20% hay hơn nữa. Nhưng liền sau khi liên đảng tái cử, nhà ở Úc không những không xuống giá nữa mà còn dọt lên dữ dội. Hiện nay, chủ nhà đã lấy lại được gần phân nửa những gì đã mất trong 17 tháng trầm luân. Người ta đoán trong năm 2020 sẽ có rất đông chủ nhà ở Úc nổ sâm banh ăn mừng.
Cùng với chuyện xảy ra ở Úc, năm nay bỗng nhiên đất nước hiền hoà lại thành đề tài cho báo báo thời sự: trong tháng Ba, một người Úc xách súng qua Christchurch ở bển bắn xối xả vào hai nhà thờ Hồi giáo. 50 người thiệt mạng; 40 người bị thương. Chuyện này gây sững sờ vì trước nay Úc cứ lo mình bị ‘Hồi giáo’ khủng bố. Thế mà sự đời ngược lại: Úc lại khủng bố Hồi giáo! Năm 2019 quả là năm tai hoạ cho đất nước New Zealand an lành này. Trong tuần qua, khi chiếc tàu Ovation of the Seas chở du khách từ Sydney đến gần đảo Whakaari (còn gọi là White Island) thì không nói không rằng núi lửa đã phun giữa ban ngày ban mặt. Ít nhất đã có 6 người thiệt mạng, 30 người bị thương và 8 người khác mất tích. Phần lớn là du khách ‘đi cruize’ người Úc, Anh, Trung Cộng, Mã Lai và Hoa Kỳ.
Chuyện dài Trung Cộng
Sau cùng, chuyện dài Trung Cộng có lẽ chẳng bao giờ cạn cho người viết thời sự trên thế giới này. Năm nay, Trung Cộng lên 70 tuổi. Nhảy mừng! Đồng thời bị ám chuyện xảy ra cách đây 30 năm: Thiên An Môn. Buồn muôn năm! Cả hai chuyện này được bổn báo bàn ngang tán dọc. Ăn cái sinh nhật thứ 70 của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Tập Cận Bình cho ‘diễu’ binh lớn chưa từng thấy nhưng chỉ ‘selfie’ mà không dám mời một quốc khách nào cả! Ngược lại, con ma Thiên An Môn cứ ám Trung Nam Hải mỗi khi người Hongkong xuống đường. Câu hỏi ‘Trung Cộng uýnh hay không uýnh dân Hongkong?’ cho đến nay vẫn chưa ai trả lời.
Bước sang chuyện xảy ra ở bên ngoài Trung Cộng, bổn báo đã dành khá nhiều bài thời sự về cuộc chiến tranh thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới (mà cứ xưng là nước đang mở mang) với Hoa Kỳ. Trong cuộc chiến này, Việt Nam và Úc đang hưởng lợi về kinh tế. Nhưng cả hai nước Úc và Việt Nam lại bị Trung Cộng chơi xấu. Với Việt Nam, Trung Cộng vẽ đường lưỡi bò không những trên biển mà cả sau lưng áo của du khách và trong bản đồ GPS gắn trong xe hơi. Với Úc, Trung Cộng không những dùng tiền và việc làm để hủ hoá người mần chánh trị mà đang bị báo chí Úc nghi có thể tìm cách gài người vào toà nhà quốc hội liên bang.
Các đề tài trên chắc là có thể ‘mua vui’ cho bạn đọc ‘vài trống canh’. Bởi lẽ lời bàn hôm nay tưởng là hay ho, nhung ngày mai có thể thành trò cười cho thiên hạ. Rủi bạn đọc thấy vậy nơi trang thời sự này, xin thí cho xí xoá nghen.
Cổ Nhuế