Phan Thị Trọng Tuyến và ‘Hồng đăng tại Amsterdam’

“Hồng đăng tại Amsterdam,” tác phẩm mới nhất của Phan Thị Trọng Tuyến, là một tập truyện ngắn khá dày (gần 460 trang), hầu hết là hư cấu, riêng “Một ngày khác mọi ngày” được viết dưới hình thức ký, ghi lại một cách sống động hoàn cảnh và tâm tình của những sinh viên du học thân-VNCH vào thời điểm biến cố 30 Tháng Tư, 1975.

Theo nhà văn Trịnh Y Thư, trong lời “Bạt,” chị thuộc thế hệ một rưỡi ở hải ngoại, sinh trưởng ở Việt Nam, và chỉ bắt đầu cầm bút sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, khi đã định cư ở nước ngoài. “Quá-khứ-hiện-tại cũng là bãi chiến trường ngổn ngang trăm mảnh vụn trong các truyện ‘Thế giới hỗn mang,’ ‘Đi tìm Dora Maar,’ ‘Một ngày khác mọi ngày,’ mà cái cột mốc thời gian 30 Tháng Tư, 1975, mãi mãi là vết thương sâu hoắm, lở lói, chẳng bao giờ có cơ lành lặn” (trang 447-449).

Phan Thị Trọng Tuyến viết văn thoải mái, không gò bó, câu thúc, dòng văn tuôn tràn theo cảm hứng, với rất nhiều chi tiết và hình ảnh sống động xuất phát từ một thu nhặt tinh, nhạy từ đời sống. Dòng văn đó pha trộn nhiều cách diễn đạt khác nhau, vừa nghiêm túc lại vừa ngẫu hứng, vừa văn hoa lại vừa thông tục, tạo thành một hơi văn khá riêng, ít lẫn với người khác.

Chị viết truyện như viết ký, chất hiện thực ngồn ngộn, tràn trề trên từng trang sách, khiến cho người đọc, dẫu biết là hư cấu nhưng vẫn có cảm giác đang chạm trán với từng mảnh cuộc sống cụ thể mà tác giả thực sự đã kinh qua. Thỉnh thoảng, ngòi bút của chị cũng đi vào lãnh vực tình dục, phản ảnh một cách khéo léo và tinh tế khía cạnh nhạy cảm này của hiện thực nhân sinh. Tôi xin giới thiệu một trong những truyện ngắn hay được chị chọn làm tựa đề cho toàn tập truyện, “Hồng đăng tại Amsterdam.”

Red Light District in Amtersdam

Nhân vật chính tên Hà, một cô gái ở miền Bắc được Lộc, người anh đi lao động ở Đông Đức, gửi tiền về lo lót để được xuất cảnh theo anh, nhằm thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn. Đó là vào thời điểm cuối thập niên 1980, lúc các xứ Cộng Sản Đông Âu đang lâm vào cơn khủng hoảng toàn diện. Chính vì thế, khi Hà đến được Đông Đức, hai anh em “chưa kịp bàn tính chuyện gặp nhau thì tình hình chính trị các nước anh em bỗng xoay chiều khủng khiếp.” Thế là anh tính dường anh, em tính đường em.

Hà trốn sang Praha, thủ đô Tiệp, là nơi có nhiều cư dân Việt, tạm thời buôn bán làm ăn. Khi nghe tin anh mình định vượt tường Bá Linh sang Tây Đức thì Hà cũng chạy vạy trả tám trăm đô la để mua đường vượt biên sang Hòa Lan là nơi gần và dễ nhất, ở chung với một người bạn tên Thắm đã sang đó từ trước tại Amsterdam. Trong những ngày tháng chờ đợi, để kiếm sống, Hà đành phải theo bạn mình làm một công việc dễ kiếm nhất: bán dâm.

“Hồng đăng,” đèn đỏ, tức là “Khu Đèn Đỏ” (Red Light District); xuất phát từ ánh đèn đỏ soi sáng khoảng 300 nhà chứa ở Amsterdam, nơi các phụ nữ bán dâm như Hà hoạt động. Khác với cảm giác khinh bỉ mà người ta thường có khi đề cập đến chuyện mua bán dâm, người Amsterdam hãnh diện với “Khu Đèn Đỏ” này. Là một xứ sở tự do, cởi mở, họ chấp nhận một thực tế là con người có thể bán dâm, hút cần sa nhẹ và thưởng thức chuyện khiêu dâm.

Thay vì tội phạm hóa hành vi mãi dâm, người Hòa Lan biến nó thành một dịch vụ như mọi dịch vụ khác, phục vụ cho nhu cầu tự nhiên của con người. Tất nhiên, những cô gái bán dâm như Hà không thể nào nuốt trôi cái thứ hãnh diện đó. Trong tận cùng đau khổ và cay đắng, Hà tự an ủi mình bằng cách so sánh với những người cùng hoàn cảnh. Theo Hà, bán dâm ở đây, “còn sướng hơn con bạn em ở Liên Xô, chị ạ. Nó còn chả có một nơi chốn sạch sẽ, ấm cúng. Và chúng mình còn sướng hơn khối đứa bị bán sang tận bên Trung Quốc.” Không những thế, Hà nuôi mơ ước hoàn lương sau khi kiếm đủ tiền: “Chỉ hai năm thôi nhé, rồi thì mình về quê…”

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fwww.nguoi-viet.com%2Fwp-content%2Fuploads%2F2020%2F02%2FVHNT-Phan-Thi-Trong-Tuyen-hong-dang-tai-Amsterdam-2.jpg&t=1581288169&ymreqid=b67b3e5e-74f1-5ec5-1ce5-51004401d600&sig=o7bk2ZOX6Ysh6a6b9le8Sw--~C

Khu Đèn Đỏ, Red Light District, ở Amsterdam. (Hình: feministlegal.org)

Sau khi được những người đi trước huấn luyện về cách ăn mặc, trang điểm và kỹ năng tiếp khách, cứ chiều tối đến, các cô bám dâm phải  ăn mặc một cách khiêu gợi ra ngồi trước cửa nhà, tự trưng bày mình như một món hàng sau tủ kính. Hà cũng thế. “Hơi lạnh phớt qua mặt, tôi kéo ghế đến sát lớp kính, đặt một chân lên, ưỡn ngực, nghiêng người về phía trước, một tay cầm chiếc gương nhỏ giơ ngang cổ một tay chống ngang hông, xoay nửa mặt ra phía ngoài, mỉm cười, mắt chớp nhẹ long lanh tìm kiếm và mời gọi.”

Phan Thị Trọng Tuyến đã diễn tả một cách sinh động tâm cảm của một cô Kiều đang hành nghề tại một trong những xứ văn minh nhất của nhân loại qua những dòng văn sau đây: “Bây giờ, như một con búp bê gỗ, khi bức màn kéo ra, khi có những bóng người chuyển động phía trước, tôi xóa tôi, tôi vẽ lại một tôi mới, nhìn về chuỗi ngày xưa như một khúc giáo đầu, rỉ một thương khúc dài, đơn điệu (…). Và thế là tôi bây giờ trở nên vô cảm với những mây đen, với người xa lạ, tôi tỉnh táo mỉm môi cười với những chiếc bóng, hờ hững và máy móc nhưng sáng suốt, đưa những ngón tay móng đỏ, vuốt nhẹ bờ hông, trườn mềm sang bờ bụng, lượn lờ bay vờn trong không khí, dịu dàng vẫy gọi, lẳng lơ chập chờn trên đôi gò ngực, khép lại trên vành môi son đỏ và lăn nhẹ từng ngón trên chóp lưỡi hồng ướt nhuyễn… Rồi ngoe nguẩy cong lại, búng ra những con số giá cả khi bắt gặp một đôi mắt chợt sáng… (…) Những gì đến sau đó trôi tuột nhanh chóng, không một cảm nghĩ, những bụi bậm theo tia nước ấm của vòi sen, những đau buốt cũng qua nhanh sau ngụm rượu tiễn khách, hay hớp rượu, điếu cần sa khúc dạo đầu, chào mời người nối tiếp, không một vấn vương, chỉ những tờ giấy bạc thơm tho là có thật… (…) Không quá khứ, không tương lai, thân xác vô tri, và linh hồn chỉ là những nhớ nhung tiếc rẻ mơ hồ, như ma quỷ phất phơ lưu lạc tìm nhớ mùi nhang trầm.”

Những dòng văn vừa hiện thực, vừa bóng bẩy, lại đượm màu triết lý khiến người đọc thấy lòng đầy cảm khái với những số phận nghiệt ngã!

Một trong những điều làm Hà lo sợ nhất là gặp phải khách làng chơi là người Việt Nam. Trong trường hợp đó, cách duy nhất là tự khai mình đến từ những xứ khác như Indonesia, Thái Lan, Mã Lai. Ấy thế mà, Hà khám phá ra có  một người đàn ông có vẻ là Việt Nam cứ loanh quanh luẩn quẩn đến trước cửa nhà trọ nhiều lần. Hôm đó, khi mở cửa tiễn người khách mua dâm thứ năm trong ngày, Hà lại nhìn thấy anh ta. Dù dáng vẻ anh ta không phải là khách làng chơi, nhưng nàng hoảng hốt, “Tôi hét lên một tiếng, đóng sập cửa, suýt kẹp cả đuôi chiếc khăn len.”

Nhưng đâu có tránh hoài được. Một buổi tối, trời lạnh, vừa trang điểm xong để bắt đầu đợi chờ tiếp khách, Hà “kéo màn ra và suýt nữa thì thét lên: người đàn ông khả nghi đang dán sát mặt vào cửa kính và ra dấu cho tôi mở cửa. Ánh mắt kỳ lạ, có điều gì khiến tôi riu ríu vâng lời.” Đón anh ta vào thì mới hay đó là người bạn thân của Lộc, anh của Hà. Anh ta không nói gì nhiều, chỉ lặng lẽ ăn uống xong rồi giao cho Hà một chiếc túi nhỏ rồi vội vã ra đi, sau khi nhận một số tiền Hà cho. Hà chạy ra ngoài, ngơ ngác nhìn quanh, không thấy ai, “Chỉ còn những khuôn mặt lạ trong các ngõ chằng chịt của khu phố cho thuê người (…) Chuông đồng hồ nhà thờ nào đó gõ nhẹ hai tiếng (…) Thoang thoảng trong mùi sương ẩm lẫn mùi nước giải ngai ngái, mùi tinh dịch tanh tưởi. Bên kia đường ánh đèn quảng cáo một sex-shop không ngừng chớp tắt màu vàng bộ ngực tròn ở trên, màu xanh đôi mông bên dưới, lạnh lùng nhắc nhở.”

Qua lá thư anh ta viết cho Hà nằm trong túi xách, Hà mới hay tin là anh Lộc của Hà đã bị bọn Tân Quốc Xã giết chết khi trốn được sang Tây Đức. Điên tiết, người bạn này của Lộc đã giết chết một đứa trong bọn họ để trả thù cho Lộc, nên phải trốn chui trốn nhủi vì bị truy nã.

Chán nản và tuyệt vọng, Hà uống rượu và uống thuốc quá liều. Trong cơn mê sảng, Hà thấy mình dùng con dao chém thằng nhỏ Tân Quốc Xã là đứa đã từng giết chết anh Lộc của cô.

Kết truyện, Phan Thị Trọng Tuyến viết: “Thuyền bồng bềnh, chòng chành mây trắng đục. Tôi vung chân nhẹ hẫng, chèo đôi tay, hài lòng nghe tiếng nước khoắng như đôi nốt nhạc mơ hồ (…) Chị Thắm ngồi xuống giường, đôi mắt lạc thần dịu lại, chị giơ bàn tay lên ngắm nghía con dao bê bết máu. Cánh cửa hông bật mở, những đứa con gái ùa vào, ôm mặt rú lên những tiếng hãi hùng. Ngoài kia, những ngọn đèn hồng chợt tắt. Mặt trời hẳn đã xoi thủng được màn mây.”

Số phận của người phụ nữ tội nghiệp này rồi sẽ ra sao, Phan Thị Trọng Tuyến để lửng, không trả lời.

Phan Thị Trọng Tuyến sinh tại Bến Tre, du học Pháp năm 1969, hiện sống với gia đình tại Normandie, Pháp. “Hồng đăng tại Amsterdam” là tác phẩm thức sáu của chị. 

Trần Doãn Nho

Ghi chú: “Hồng đăng tại Amsterdam,” tập truyện, Văn Học Press xuất bản năm 2018. Hiện có bán trên Amazon tại www.amazon.com/Hong-dang-tai-amsterdam-Vietnamese/dp/1724574264

Related posts