Cuộc chạy đua làm đại diện cho đảng Dân Chủ chỉ mới bắt đầu, mới chạy được có ba đoạn nhỏ Iowa, New Hampshire và Nevada thôi, còn tới 47 đoạn lớn nhỏ nữa. Mà những đoạn tới còn nhiều sông lớn núi cao lắm. Như người ta vẫn thường nói, trong chính trị Mỹ, một năm là một thế kỷ, Trạng Trình có sống lại cũng mù tịt.
Dù vậy, kết quả hai cuộc bầu sơ bộ đầu tiên đã đưa ra ánh sáng việc đảng DC chưa bao giờ phân hóa lớn như bây giờ. Chính trị Mỹ phân hóa là chuyện không có gì mới lạ, nhưng cái phân hóa của đảng DC, ta đang thấy chẳng những rất lớn, mà lại có điểm đặc biệt quái lạ hơn cả: đó là sự thắng thế ít nhất cho tới hôm nay, của khuynh hướng thiên tả cực đoan nhất lịch sử của cái thành đồng tư bản này.
Đó là sự thành công của ông Bernie Sanders.
Ông Sanders là một nhân vật hy hữu. Già nhất trong các ứng cử viên tổng thống của đảng DC, nhưng lại được hậu thuẫn mạnh của khối cử tri trẻ nhất.
Bây giờ xin bàn thêm.
Ông Sanders có một quá trình chính trị rất lạ. Vào chính trị rất muộn năm 1981 khi ông đã 40 tuổi, qua việc đắc cử làm thị trưởng một thành phố nhỏ hơn hột cát không ai thấy trên bản đồ, nhỏ hơn xa thành phố South Bend của ‘chị’ Buttigieg bây giờ, là thành phố Burlington trong tiểu bang Vermont, đông bắc Mỹ giáp giới Canada. Khi ông Sanders làm thị trưởng thì Burlington có khoảng 30.000 dân, bằng một phần ba thành phố Wesminster của Cali. Tuy thành phố nhỏ nhưng lại nằm trong một tiểu bang rất thưa dân, chỉ có trên nửa triệu dân. Do đó, ông thị trưởng cũng đủ tên tuổi để đắc cử dân biểu liên bang (1991 – 50 tuổi), rồi thượng nghị sĩ liên bang (2008 – 67 tuổi), rồi ra tranh cử tổng thống (2016 – 75 tuổi).
Ông Sanders vào quốc hội liên bang cách đây 29 năm. Nổi tiếng là… nghị gật, gần như không bao giờ lên tiếng, chẳng đưa ra luật gì ghê gớm quan trọng nào. Nhưng lại được tiếng là người thiên tả cực đoan nhất. Chê đảng DC không đủ cấp tiến, ghi danh là độc lập không đảng nào, nhưng họp thường xuyên với khối dân cử DC, và luôn luôn biểu quyết theo phe DC.
Bất ngờ năm 2016, ông giựt mình tỉnh giấc, nhẩy ra tranh cử tổng thống chống bà Hillary. Ông thức tỉnh vào tuổi 75, là cái tuổi người ta đã đi ngủ từ lâu rồi. Mọi người đều cười khẩy. Mọi người đều lầm.
Ông Sanders tinh ma thấy ngay trong cái thể chế gọi là lưỡng đảng của Mỹ, một anh độc lập không đảng nào thì tương lai chính trị là con số zero khổng lồ. Nên ông mượn tạm cái áo DC khoác lên người ra tranh cử trong đảng DC, chống lại bà Hillary, một người mà cả đảng DC đã ‘nhất trí’ sẽ là đại diện cho đảng ra tranh cử tổng thống năm đó.
Năm 2016, ông ra tranh cử chống bà Hillary, công khai tuyên bố bà Hillary không thể chấp nhận được vì hai tội lớn: thứ nhất dính dáng vào quá nhiều xì-căng-đan mờ ám, làm ô uế Tòa Bạch Ốc, thứ nhì là ứng cử viên của giới tài phiệt đã từng nhận bạc triệu của Wall Street.
Không ai coi ông Sanders ra gì. Cho đến khi các cuộc bầu sơ bộ đầu tiên tại Iowa, New Hampshire cho thấy ông Sanders không phải tầm thường. Ông được sự ủng hộ của một khối nhỏ nhưng rất năng động và rất ồn ào: đó là giới trí thức trẻ theo khuynh hướng thiên tả cực đoan nhất.
Ngôi sao Sanders khi đó như lửa rơm, bốc lên rất nhanh nhưng rồi cũng tàn còn nhanh hơn nữa. Khi các cuộc bầu sơ bộ chuyển về phiá nam và phiá tây nước Mỹ thì ngôi sao Sanders bị… mặt trời Hillary che mất. Ông đành chịu thua, bỏ cuộc và hứa sẽ ủng hộ bà Hillary.
Sự ủng hộ của ông có tính ển ển xìu xìu cho có vì áp lực và thông lệ chính trị, nhưng không hồ hởi gì. Đã vậy, đám cử tri cuồng tín của ông công khai không chấp nhận bà Hillary. Khi cuộc bầu bán thực sự giữa bà Hillary và ông Trump xảy ra thì khối trẻ cực đoan này tẩy chay không đi bầu, khiến bà Hillary mất một số phiếu khá lớn. Hiển nhiên, đây là một trong những lý do quan trọng bà Hillary đã thất bại. Cũng giải thích trong thời gian gần đây, bà Hillary đã hai ba lần lên tiếng công kích ông Sanders để trả thù.
Ngay sau khi rút lui, ông Sanders vứt trả cái áo DC lại cho đảng DC, tuyên bố trở về vị thế độc lập lại. Đảng phái ở Mỹ lỏng lẻo là vậy.
Câu chuyện đi vào quên lãng sau khi ông Trump đắc cử. Cụ Sanders đi ngủ lại. Cho đến giữa năm ngoái là lúc cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc bắt đầu lại.
Nhìn qua nhìn lại, ông Sanders một phần vẫn say sóng với thành quả của 2016, một phần nhìn thấy không có ai nặng ký có thể đại diện cho khuynh hướng xã nghĩa của ông. Ông cũng bực mình thấy bà nghị sĩ Elizabeth Warren khoác cái áo xã nghĩa nhẩy ra tranh cử. Ai cũng biết bà Warren thuộc loại ‘ngụy cấp tiến’, còn giả dối hơn xa bà Hillary.
Ông Sanders lại mượn lại cái áo DC khoác vào rồi nhẩy ra tranh cử nữa.
Như đã viết ở trên, chưa ai rõ lần này, ông Sanders sẽ đi bao xa, nhưng kết quả hai cuộc bầu sơ bộ đầu tiên cho thấy lần này, có vẻ ông Sanders sẽ đi xa hơn nhiều tuy rất ít người nghĩ ông sẽ vào tới Tòa Bạch Ốc.
Lý do ông có thể đi xa hơn là vì cái đám hơn hai tá ứng cử viên DC, hình như chẳng có ai ra hồn. Mượn tạm ngôn từ của cụ Biden, tất cả chỉ là một đám Mickey Mouse, con chuột của Disney. Nhưng lý do quan trọng hơn nữa là đảng DC và cả khối cử tri DC đang chuyển mình, chuyển hướng mạnh qua phiá tả, dưới ảnh hưởng ngày một lớn của giới trẻ cấp tiến cực đoan trong đảng.
Có hai cách nhìn vào ông Sanders. Các đệ tử của ông thì coi ông như là người thanh liêm trong sạch, can đảm chống lại tài phiệt và chính trị gia lem nhem, tranh đấu cho dân nghèo thấp cổ bé họng, chống bất công xã hội và bất bình đẳng lợi tức. Phe chống ông thì coi ông như là chính khách giả dối, ồn ào diễn tuồng ảo vọng, lợi dụng tính ngây ngô của giới trẻ. Sự thật, ông là một người cấp tiến nặng đến độ thân cộng rõ rệt, nhưng đồng thời cũng không thanh liêm trong sạch gì. Nếu ai nghĩ xã nghĩa tất nhiên trong sạch thì chỉ cần nhìn vào đám lãnh đạo Trung Cộng và Việt Cộng hiện nay thì biết. Hay nhìn vào cụ Sanders cũng được.
Ông Sanders xuất thân từ một gia đình Do Thái từ Ba Lan, qua Mỹ thời ông bố. Ông theo học Đại Học Chicago, chẳng biết ông tốt nghiệp ngành gì, có bằng gì. Sau khi học xong, ông qua Do Thái một thời gian. Trở về Mỹ lại trong thập niên 70, ông đã đi làm, toàn những việc vặt, linh tinh, kể cả thợ sửa xe hơi, thợ mộc, bán hàng,… Liên tục ra tranh cử đủ thứ chức vụ trong tiểu bang nhưng chẳng thành công. Mãi cho tới năm 1981 mới đắc cử thị trưởng Burlington. Rồi sau đó, bò rất chậm tới năm 67 tuổi mới vào được Thượng Viện.
Ông Sanders có hai vấn đề lớn sẽ cản trở ông vào Tòa Bạch Ốc.
Vấn đề lớn thứ nhất là tham nhũng. Vâng, ông Sanders, người hùng cấp tiến ra tranh cử dựa trên chương trình chống tài phiệt, thật ra không ngại mánh mung kiếm tiền đủ cách không thua gì tài phiệt đâu.
Cả đời ông Sanders, một là chẳng làm nghề ngỗng gì cho ra hồn trước khi làm công chức, từ thị trưởng lãnh lương khi đó hơn 20,000 đô một năm cho đến bây giờ là thượng nghị sĩ liên bang lãnh lương 174,000 đô một năm, không phải lương chết đói, nhưng cũng chỉ đủ qua ngày. Thế nhưng bây giờ lại là triệu phú, sở hữu ít nhất ba cái tư dinh. Chính trị ở Mỹ luôn là con đường tiến thân, thành triệu phú dễ dàng. Tiền đâu ra?
Không, ông Sanders không kiếm tiền ào ào thô bạo như vợ chồng TT Clinton đâu. Chỉ kiếm lai rai thôi.
Khi ra tranh cử thị trưởng Burlington, ông hùng hổ tố cáo tài phiệt tham nhũng, nhất là trong ngành xây cất nhà cửa, chung cư. Nhưng sau khi đắc cử, thì ông lại đồng minh với những công ty xây cất thao túng thị trường nhà đất của vùng Burlington, để sau đó khoe là người đã xây cất nhiều nhà cửa cho dân nhất.
Nói chung, ông Sanders kiếm tiền bằng nhiều cách.
Thứ nhất, ông viết sách. Ông viết rất khỏe, trong 3 năm 2015-16-17, xuất bản ba cuốn liền. Không biết ông viết lúc nào? Chắc khi đang ngồi họp ở Thượng Viện. Rồi ông bán cũng rất nhiều sách. Trong hai năm 2016-2017, ông khai thuế là tiền bán sách mỗi năm khoảng một triệu đô. Ghê quá! Đố quý vị biết ai mua sách? Phần lớn sách ông viết được bán cho… ban vận động tranh cử tổng thống năm 2016-17 của ông, bằng tiền thiên hạ yểm trợ. Ủy Ban mua cả trăm ngàn cuốn để… tặng lại cho thân hữu, đồng minh và cử tri của ông. Nói cách khác, tiền yểm trợ của thiên hạ để ông vận động tranh cử, ông dùng để ngồi viết sách, in sách, rồi mua sách. Tiền từ túi bên phải chuyển qua túi bên trái.
Thứ nhì, ông chịu khó đầu tư, mua cổ phần các quỹ đầu tư hỗ tương -mutual funds-. Ông mở miệng là mạt sát tài phiệt và các đại công ty, nhưng lại có cổ phần trong hơn hai tá quỹ mutual funds, cũng như đầu tư vào cổ phiếu các đại tập đoàn như hãng thuốc lá Philip Morris, hãng hóa chất DuPont, đại ngân hàng Hongkong-Shanghai Bank và Merril Lynch,…
Thứ ba, ông cũng kiếm tiền qua việc bổ nhiệm vợ và con vào các chức vụ béo bở như cố vấn, chánh văn phòng, phát ngôn viên, giám đốc chương trình này kế hoạch nọ, cho dù vợ con đều không có khả năng hay kinh nghiệm gì. Dĩ nhiên các chức vụ đều được Nhà Nước trả lương hậu hĩnh hết.
Trong những mùa tranh cử, vợ và con cũng được hưởng nhiều lợi lớn. Như bà vợ được bổ nhiệm làm ‘media buyer’ tức là người mua các chương trình quảng cáo trên TV và báo, lãnh huê hồng tiêu chuẩn là 15%, nghĩa là nếu ban vận động tranh cử mua một chương trình quảng cáo trị giá 10 triệu đô, thì bà Sanders sẽ lãnh huê hồng 1,500,000 đô (chỉ trong một tháng Giêng 2020, ông Sanders đã thu được 25 triệu đô tiền yểm trợ, phần lớn sẽ chi vào tiền quảng cáo trên TV và báo). Trong khi đó thì cô con gái lại lập công ty làm những quảng cáo cho bố, được trả tiền ưu đãi. Tất cả lấy từ quỹ tiền do thiên hạ yểm trợ cho cuộc tranh cử của ông, vào túi vợ chồng con cái một phần không nhỏ. Tất cả đều ‘hợp pháp’ dĩ nhiên.
Một trường hợp lạ lùng khác. Năm 2004, khi ông làm dân biểu thì bằng cách nào không biết, bà vợ của ông, chẳng một ly kinh nghiệm gì, được làm viện trưởng một đại học tư, Burlington College của tiểu bang Vermont.
Trường đại học tư này trước đó bị điều tra về nhiều tội, đặc biệt là cấp bằng cấp giả, nghĩa là bán bằng cấp cho sinh viên không cần đi học. Sau khi bà vợ ông dân biểu Sanders được bổ nhiệm làm viện trưởng thì mọi cuộc điều tra mầu nhiệm biến mất.
Đại học này cũng trở thành mỏ vàng cho gia đình ông Sanders. Bà vợ lãnh lương 160,000 đô một năm (khi đó, thượng nghị sĩ Sanders lãnh 155,000 đô một năm). Nhưng quan trọng hơn nữa, Burlington College là một đại học tư, nhỏ, với khoảng 200 sinh viên, nhưng lại nhận được nhiều trợ cấp của chính phủ tiểu bang và liên bang trong nhiều chương trình. Không ai biết vai trò của thượng nghị sĩ Sanders như thế nào.
Như Burlington College ký hợp đồng hợp tác chặt chẽ với một trường tư khác chuyên đào tạo thợ mộc. Burlington trả cho trường này sơ sơ khoảng nửa triệu đô để bảo trợ nhiều chương trình dạy nghề. Không ai biết trường này đã đào tạo bao nhiêu thợ mộc, chỉ biết bà chủ sáng lập ra trường không ai khác hơn là… con gái ông bà Sanders.
Đi xa hơn nữa, cái trường đại học Burlington tí hon đó được các ngân hàng địa phương hùn nhau cấp cho một khoản nợ 10 triệu đô để mua thêm đất mở lớn thêm trường. Ngân sách cả trường có khoảng 4 triệu đô mà được vay tới 10 triệu không thế chấp. Trên nguyên tắc, trường sẽ trả nợ lại dựa trên những dự phóng vĩ đại về số sinh viên mới sẽ ghi tên theo học sau khi trường mở rộng thêm. Cũng không ai biết chắc vai trò của thượng nghị sĩ Sanders trong việc nhà băng cho mượn số tiền khổng lồ này.
Thực tế, chẳng những trường không có thêm sinh viên, mà lại bị mất sinh viên ào ào vì dạy quá tệ. Cuối cùng trường khai phá sản, đóng cửa vĩnh viễn năm 2016, xù hết tiền nợ, hai năm sau khi vay mà không trả xu nào. Mà cũng chẳng ai thấy trường có thêm một lớp học nào. Không ai biết số tiền vay mượn đi đâu.
Vấn đề lớn thứ hai của ông Sanders là tư tưởng thiên tả, hay chính xác hơn, thân cộng của ông, ngay từ thời còn sinh viên.
Thập niên 60, khi còn là sinh viên Đại Học Chicago, ông đã thiên tả rõ rệt khi tham gia vào tổ chức Liên Đoàn Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa (Young People’s Socialist League), một tổ chức ngoại vi của Đảng Xã Hội Mỹ.
Sau khi học xong, trong thời chiến tranh VN, ông Sanders ‘trốn lính’, chạy qua hoạt động trong các ‘kibbutz’ Do Thái, tức là những làng nông nghiệp của dân Do Thái đi khai phá những vùng đất mới. Cái kibbutz ông Sanders sinh hoạt là kibbutz thân cộng, công khai treo hình Stalin và cờ đỏ búa liềm trong làng.
Ông Sanders mê Liên Xô đến độ chạy qua Mạc Tư Khoa năm 1988 khi còn đỏ lòm, để làm đám cưới với bà vợ thứ nhì và hưởng tuần trăng mật tại đó, kết giao với các lãnh tụ đỏ của Liên Xô, và nối kết Burlington làm ‘chị em’ với một thành phố của CS Nga.
Khi làm thị trưởng Burlington, ông tổ chức một hội nghị chống vũ khi nguyên tử, với khách mời danh dự là Đệ Nhất Bí Thư Tòa Đại Sứ Liên Xô Vadim Kuznetsov, mà tạp chí TIME trước đó đã công khai tố là mật vụ Nga cài vào để kiểm soát đại sứ.
Thời gian đó, ông Sanders cũng bay qua Nicaragua ôm eo, cụng ly với Tổng thống CS Daniel Ortega. Rồi bay qua thăm viếng Cuba luôn tiện.
Khi bà vợ làm viện trưởng Burlington College thì trường này lập ra một chương trình trao đổi sinh viên với Đại Học La Havana của Cuba. Khi đó, dưới thời TT Bush con, Mỹ và Cuba còn kình chống nhau, không có quan hệ ngoại giao và cũng không có quan hệ gì khác, dân Cuba bị cấm qua Mỹ, dân Mỹ cũng không được qua Cuba ngoại trừ ít trường hợp đặc miễn, có giấy phép của bộ Ngoại Giao Mỹ. Nhưng nhờ một ‘phép lạ’ đặc biệt của thượng nghị sĩ Sanders, chính phủ Mỹ cho phép chương trình trao đổi này. Thật ra, gọi là trao đổi, nhưng chỉ là một chiều, khi các sinh viên Mỹ của trường Burlington được qua Cuba thụ huấn những khóa học đặc biệt của Cuba, trong khi không có sinh viên Cuba nào được qua trường Burlington theo học gì hết dĩ nhiên. Nôm na ra, Burlington gửi sinh viên qua cho Cuba nhồi sọ lý thuyết cộng sản và ‘tư tưởng Fidel Castro’. Không biết bao nhiêu sinh viên trong đám đó hiện nay đang hoạt động trong ban vận động tranh cử của ông Sanders.
Chương trình tranh cử của ứng cử viên Sanders, từ hồi năm 2016 sặc mùi thiên tả nặng. Chính ông Sanders cũng công khai vỗ ngực nhận ông thuộc thành phần mà ông gọi là ‘Democratic Socialist’, dân chủ xã hội, một tên gọi khác của xã hội chủ nghĩa.
Dĩ nhiên xã nghĩa Mỹ không phải là xã nghĩa VC, cũng không phải là xã nghĩa Mao hay Stalin hay xã nghĩa Polpot, mà là một thứ xã nghĩa Na Uy, mà còn nhẹ hơn Na Uy nhiều. Nếu ở Mỹ có bán loại bia nhẹ gọi là Miller Lite, thì cái xã nghĩa Mỹ cũng có thể gọi là Socialist Lite.
Khác biệt cơ bản là việc dùng bạo lực hay không. Cộng sản thì sẵn sàng dùng súng đạn và nhà tù để cưỡng ép dân. Đó là ‘xã nghĩa tà đạo’. ‘Xã nghĩa chính đạo’, tức là xã nghĩa Na Uy hay xã nghĩa Sanders không thể dùng bạo lực nên phải … dẻo lưỡi hơn, dụ khị giỏi hơn, bánh vẽ phải đẹp hơn, hay nôm na ra, tuyên truyền xuyên tạc khéo hơn.
Nhưng khác biệt thật sự cũng chỉ như khác biệt giữa cơm nếp hay cơm tẻ, đều là gạo xã nghĩa hết thôi. Dựa trên một Nhà Nước vú em chủ trì một chiến tranh giai cấp núp dưới chiêu bài chống tài phiệt tư bản và tặng bánh vẽ cho thiên hạ.
Cái bánh vẽ khổng lồ của ông Sanders thu hút ai? Thưa quý vị, thu hút giới trẻ cấp tiến, học cao nhưng hiểu ít.
Đó là giới chịu hai ảnh hưởng. Thứ nhất, ảnh hưởng của tuổi trẻ ngây thơ, yêu những lý tưởng đẹp và tốt, đầy nhân ái. Thứ nhì, ảnh hưởng của giáo dục khi chúng đều bị nhồi sọ vào đầu những tư tưởng cấp tiến từ mẫu giáo tới hết đại học, rồi qua cả khối TTDC chung quanh chúng. Làm sao chúng có lựa chọn nào khác được?
Sự chổi lên của ông xã nghĩa Sanders đang làm cả đảng DC toát mồ hôi, lo sợ một đại bại thê thảm chưa từng thấy trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ. Chẳng những vậy, mà dư âm sẽ dội qua tất cả các bầu cử khác, từ thượng viện đến hạ viện, từ liên bang đến tiểu bang đến cả địa phương luôn. Trong 235 dân biểu DC, chỉ có 4 bà trong nhóm Tứ Quái Chiêu công khai lên tiếng hậu thuẫn cụ Sanders, trong khi trong Thượng Viện, chưa có tới một nghị sĩ nào ủng hộ.
Cụ Sanders có hy vọng vào Tòa Bạch Ốc không? Cơ quan Gallup cho biết theo thăm dò mới nhất, 53% dân Mỹ trong đó có tới 25% cử tri DC tuyệt đối không thể nào chấp nhận một ông/bà ‘socialist’ làm tổng thống. Đây dĩ nhiên sẽ là lá bài TT Trump khai thác triệt để nếu đảng DC bầu ông Sanders làm đại diện.
Chưa kể hai lá bài khác mà TT Trump sẽ không bỏ qua: cái tuổi quá cao và cái vụ đột qụy mới đây của cụ Sanders.
Đến đây, xin phép được mở ngoặc nói qua về cộng đồng tỵ nạn chúng ta một chút.
Có nhiều cụ tỵ nạn trước đây vắt chân lên cổ chạy trốn xã nghĩa VC, nhưng bây giờ thì muốn biểu diễn trình độ trí thức văn minh đỉnh cao của mình, hay vì mắc bệnh Dị Ứng Trump quá nặng hóa mất trí, quay qua ủng hộ và cổ võ cho cái gọi là xã hội chủ nghĩa nhân bản và công bằng, không đè đầu cưỡi cổ dân nghèo nữa.
Các cụ cũng chạy ngược chay xuôi biện giải xã nghĩa Âu Mỹ chẳng có bà con họ hàng gì với cộng sản, nhất là xã nghĩa cuội của VC.
Giới trẻ Mỹ ngây ngô ‘chưa thấy quan tài chưa đổ lệ’, ủng hộ ông xã nghĩa Sanders là điều dễ hiểu thôi. Nhưng cái lạ không thể giải thích được là những cụ đầu toàn muối từ lâu, hiểu rõ cái bản chất vô nhân, dối trá của chiến tranh giai cấp, nhìn rõ kinh nghiệm thất bại của chế độ vú em, vậy mà lại ủng hộ ông xã nghĩa này, sỉ vả TT Trump là người đã nhiều lần tố giác xã hội chủ nghĩa là đại họa cho nhân loại. Thậm chí có cụ ‘đại trí thức’ lại còn viết bài cổ võ, kêu gọi dân tỵ nạn ta bỏ phiếu cho ông Sanders này mới ghê chứ. Muốn được Nhà Nước lo chu đáo từ trong nôi cho đến ngục thất thì đâu cần phải đợi ông Sanders đắc cử tổng thống, cứ về VN là xong ngay. Dĩ nhiên, chẳng có cụ nào muốn về VN đâu. Làm sao vứt bỏ bơ sữa Mỹ, rượu vang Pháp, xúc xích Đức?
Thời sinh viên, ông Sanders suốt ngày xuống đường phất cờ máu tung hô VC và Hồ Chí Minh, nhục mạ miền Nam VN từ chính phủ đến quân đội và dân chúng. Hết thời sinh viên, mãi tới năm 1972, ông Sanders vẫn nhận định về cuộc chiến VN như sau: “Bắc VN không phải là kẻ thù của tôi. Họ là những người dân rất rất nghèo, không có đôi giầy nữa. Họ ăn cơm bữa có bữa không. Họ đã tranh đấu cho tự do của đất nước họ từ 25 năm qua” (nguyên văn: “The North Vietnamese are not my enemy. They’re a very, very poor people. Some of them don’t have shoes. They eat rice when they can get it. And they have been fighting for the freedom of their country for 25 years”).
Các cụ tỵ nạn đã bán sống bán chết trốn chạy xã nghĩa VC, sao bây giờ lại có thể ủng hộ xã nghĩa Mỹ, cho dù là xã nghĩa ‘lite’? Mà lại ủng hộ một người đã từng công khai là đồng minh của VC trong thời chiến tranh, và chắc chắn sẽ là đồng chí mạnh nhất của đám lãnh đạo VC hiện nay nếu đắc cử tổng thống.
Các cụ quên rồi sao? Hay cố tình muốn quên quá khứ, xóa bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải?
Vũ Linh