CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (sáng 29/2)

Những tin tức cập nhật mới nhất về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc, Úc, Việt Nam và thế giới. 

Thế giới

  • Nam Hàn ghi nhận thêm 315 ca nhiễm vào chiều 28/2, như vậy tổng cộng tăng 571 ca nhiễm so với ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.337 ca. Đây tiếp tục là mức tăng mạnh nhất tại Nam Hàn trong một ngày từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này, tăng cao hơn cả ở Trung Quốc. Trong số 571 ca nhiễm mới, có 447 người tại thành phố Daegu và 62 trường hợp ở tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận. Hiện tại thủ đô Seoul đã có tổng cộng 62 ca nhiễm, tại thành phố Busan có 65 ca nhiễm.
  • Thị trưởng TP Daegu ngày 28/2 cho biết thành phố sẽ truy tố các tội danh hình sự đối với tổ chức tôn giáo Tân Thiên Địa do vi phạm Đạo luật Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh Truyền nhiễm, cụ thể là ban đầu đã cung cấp sai số lượng thành viên cho cơ quan chức năng, gây khó khăn cho nỗ lực khống chế dịch. Hiện thông tin của hơn 310.000 thành viên Tân Thiên Địa, trong đó có 65.000 tín đồ mới kết nạp đã được chuyển về các địa phương.
  • Iran có 143 ca nhiễm mới so với sáng nay (249 ca nhiễm mới so với ngày hôm qua), nâng tổng số ca nhiễm lên 388. Có 8 trường hợp tử vong được xác nhận bởi Bộ Y tế nước này, nâng tổng số ca tử vong lên 34.
  • Bộ Y tế New Zealand hôm nay cho biết ca nhiễm COVID-19 đầu tiên của nước này là một phụ nữ trong độ tuổi 60 vừa trở về từ Iran, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Thành phố Auckland, sức khỏe ổn định. Người này đã bay từ Tehran đến Auckland, quá cảnh ở Bali (Indonesia) trên chuyến bay của hãng Emirates Airlines. Bộ Y tế New Zealand khuyên những người liên quan đến hành trình này liên lạc với chính quyền để theo dõi.
  • Belarus cũng xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại nước này, là một sinh viên Iran đi từ Azerbaijan đến Belarus vào tuần trước, hiện sức khỏe ổn định.
  • Lithuania cũng phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. 
  • Châu Âu tổng cộng đã có 23 nước có người nhiễm bệnh, trong đó Ý là “ổ dịch” lớn nhất với 655 ca nhiễm, 17 ca tử vong. Số ca nhiễm tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha tăng nhanh. Ngày hôm nay, các nước Anh, Áo, Croatia, Na Uy, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ đều có thêm các ca nhiễm mới.
  • Áo: ca nhiễm mới ở nước này là một nhân viên Bộ Ngoại giao trong đoàn tới thăm Iran vào ngày 22/2, hiện đang được cách ly ở bệnh viện tại Vienna.
  • Tại Châu Á, tổng cộng đã có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện các trường hợp nhiễm COVID-19. Chiều 28/2, thêm nhiều nước phát hiện các bệnh nhân nhiễm virus, gồm Nhật Bản (tăng 12 ca, lên tổng 226 ca), Hồng Kông (tăng 1 ca, lên 93 ca), Kuwait (tăng 2 ca, lên 45 ca), Thái Lan (tăng 1 ca, lên 41 ca), Bahrain (tăng 3 ca, lên 36 ca), Đài Loan (tăng 2 ca, lên 34 ca), Malaysia (tăng 3 ca, lên 25 ca).
  • Nhật Bản: Tỉnh Hokkaido đã công bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 tới ngày 19/3, kêu gọi người dân ở trong nhà để tránh lây nhiễm. Hokkaido hiện có 66 ca nhiễm bệnh.
  • Mông Cổ: Tổng thống nước này và các thành viên trong phái đoàn đến Trung Quốc trở về Mông Cổ tối 27/2 đã phải bắt đầu quá trình cách ly 14 ngày để theo dõi nguy cơ nhiễm virus corona.
  • Hồng Kông: Chó cưng của một bệnh nhân nhiễm virus corona ở Hồng Kông đã được phát hiện có virus corona ở “mức độ thấp”. Các quan chức sẽ thực hiện các xét nghiệm sâu hơn để xác nhận xem con chó có thực sự bị nhiễm virus hay không. Trước đó, WHO cho biết không có bằng chứng cho thấy virus lây sang chó.

Úc: Tính đến sáng ngày 29/2 có 24 ca nhiễm bệnh nhưng có 10 người hồi phục hoàn toàn. Nạn nhân mới nhất (tối 28/2) là một phụ nữ 63 tuổi đang được điều trị tại the Gold Coast University Hospital sau khi được thử nghiệm mang dương tính vi khuẩn corona. Phụ nữ này vừa mới từ Iran trở về Úc. Đây là ca COVID-19 thứ sáu tại tiểu bang QLD.

  •  

Việt Nam

  • Việt Nam quyết định tạm dừng miễn thị thực với công dân Hàn Quốc từ 0h ngày 29/2. Công dân Hàn Quốc vào Việt Nam phải có thị thực phù hợp do Việt Nam cấp. Công dân Hàn Quốc vào Việt Nam làm việc phải có đại diện doanh nghiệp, tổ chức xác nhận thông tin, ràng buộc trách nhiệm. Tất cả những người bay từ Hàn Quốc hoặc từ nơi khác nhưng đã ở Hàn Quốc trong vòng 14 ngày qua, về Việt Nam đều bị cách ly y tế. 
  • Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch sáng 28/2 đã thống nhất việc Việt Nam sẽ cách ly 14 ngày đối với công dân Ý và Iran khi nhập cảnh vào Việt Nam.
  • Đến 17h ngày 28/2, hơn 40 tỉnh, thành cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS nghỉ thêm 1-2 tuần (tức đến hết 8/3 hoặc 15/3). Khối THPT đa số sẽ đi học lại vào 1/ 3.
  • Bộ Y tế đề nghị các ban ngành liên quan triển khai các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong trường học, ký túc xá, chuẩn bị học sinh sinh viên đi học lại. Trước khi đến trường, cha mẹ có trách nhiệm đo nhiệt độ, theo dõi sức khỏe cho các bé (cấp học nhỏ); đối với sinh viên, học viên, giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường đều phải tự đo nhiệt độ, theo dõi sức khỏe ở nhà trước khi đến trường. Trong thời gian học sinh ở trường, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, không đi tham quan thực tế, dã ngoại hay học thêm, tổ chức chào cờ tại lớp học. Tại trường, Bộ Y tế yêu cầu nhà trường “giám sát chặt chẽ sức khỏe học sinh, để học sinh không phải đeo khẩu trang y tế tại trường.”
  • Đến chiều ngày 28/2, khoảng hơn 1.000 hành khách trên hơn 30 chuyến bay từ Hàn Quốc đến Nội Bài đã được kiểm dịch để phân loại, cách ly theo quy định. Hành khách phần lớn là du học sinh và người lao động Việt Nam, số ít là người Hàn Quốc.
  • Ông Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp (TP HCM), bị tố cáo thu gom hơn 500.000 khẩu trang bán kiếm lời. Sự việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận do tình trạng khan hiếm khẩu trang kéo dài tại TP HCM . Bác sĩ Quốc hiện phủ nhận thông tin này. Đến chiều 28/2, UBND quận Gò Vấp vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác và chức vụ đối với bác sĩ Quốc.

Related posts