Một tuần nay, Wall Street phải chứng kiến một tuần tồi tệ nhất trong lịch sử chứng khoán kể từ cuộc đại suy thoái 2008, do lo ngại về dịch viêm phổi COVID-19. Trên toàn cầu, 3.6 nghìn tỷ USD bị cuốn trôi khỏi các sàn giao dịch, theo tờ WSJ.
Vào ngày 19/2, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục, các nhà đầu tư Mỹ tự tin rằng thị trường Mỹ dường như không thể bị ảnh hưởng bởi nỗi lo dịch bệnh virus corona, khi đó đã làm rung chuyển các thị trường quốc tế khác. 9 ngày sau, S&P rớt giá đến 10%, Dow Jones lao thẳng xuống vực, giảm gần 4000 điểm so với thời kỳ đỉnh cao chỉ cách đó một tuần. Trong khi virus corona chủng mới, nay được đặt tên chính thức là Sars-Cov-2 vẫn chưa hề bùng phát ở Mỹ thì nỗi lo về khả năng này xảy ra có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Trong phiên giao dịch thảm hại hôm thứ Năm, hầu hết các nhà đầu tư Wall Street cố gắng hết sức để bán tống cổ phiếu và lao vào các tài sản đảm bảo an toàn hơn, khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt xuống mức thấp nhất lần thứ 4 liên tiếp chỉ trong tuần này.
Sang ngày thứ Sáu, dịch COVID-19 càng diễn biến tệ hơn ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Ý, với số lượng tử vong và các ca mắc mới đều tăng mạnh. WHO nâng cảnh báo hậu quả của dịch bệnh này lên mức “rất cao”.
Một số nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về tâm lý đám đông đang lan ra khắp Wall Street trong khi Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy dịch bệnh sẽ bùng phát.
“Để có một dấu hiệu thật rõ ràng, thị trường cần bằng chứng cho thấy dịch bệnh đang kiểm soát được, không bùng phát ở các nước mới và rằng chúng ta chưa có một dịch bệnh lớn bùng phát ở Mỹ”, Jack Janasiewicz, chiến lược gia đầu tư trưởng tại công ty Natixis Investment Managers nói, theo Reuters.
Hôm thứ Sáu, các chuyên gia kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang sẽ sớm can thiệp bằng động thái cắt giảm lãi suất vào cuộc họp ngày 18/3 tới để làm nguôi ngoai phần nào thị trường.
Mặc dù cuộc họp của FED theo lịch phải 3 tuần nữa mới tiến hành, trong trường hợp khẩn cấp, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ có thể sẽ họp sớm và loan báo cắt giảm lãi suất khẩn cấp. Lần gần nhất mà FED phải cắt giảm lãi suất khẩn cấp là vào năm 2008.
Tuy nhiên trong ngày thứ Sáu, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh. Ông nói FED đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và các tác động đến nền kinh tế và sẽ “có hành động phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế”.
Báo cáo mới nhất về niềm tin người tiêu dùng tháng 2 tại Mỹ vượt kỳ vọng, thậm chí tăng lên mức cao nhất từ tháng 3/2018. Tuy nhiên, Đại học Michigan, đơn vị công bố khảo sát về niềm tin tiêu dùng theo tháng cảnh báo rằng việc dịch bệnh bùng phát ở Mỹ sẽ có tác động to lớn đến tiêu dùng cá nhân.
Trái với Trung Quốc và các nước thiên về xuất khẩu khác, sức mua của thị trường nội địa 300 triệu dân là động lực nền tảng của nền kinh tế Mỹ, do đó Mỹ dường như chống chọi tốt hơn trong thời gian qua, khi kinh tế toàn cầu trì trệ lại. Tuy nhiên, khi dịch bệnh này đang vượt xa ra khỏi biên giới Trung Quốc và lan rộng ra khối tư bản đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ý, tâm lý các nhà đầu tư Wall Street đã bắt đầu hoảng sợ.
Mỹ hiện có 63 ca nhiễm COVID-19, trong đó phần lớn là những người trở về từ tàu Diamond Princess của Nhật Bản đang được cách ly tại các căn cứ quân đội. Tuy nhiên, các trường hợp lây nhiễm mới nhất được Trung tâm Phòng chống dịch bệnh CDC cảnh báo là có khả năng “lây nhiễm cộng đồng” tiềm tàng, do không tìm ra được nguồn bệnh tiếp xúc và họ cũng chưa từng tới Trung Quốc.
Hôm thứ Năm, ông Trump tổ chức họp báo khẩn về tình hình chống dịch của Mỹ, đồng thời bổ nhiệm Phó Tổng thống Mike Pence lãnh đạo chiến dịch ngăn chặn dịch lan rộng ở Mỹ. Chính quyền Trump cũng chuẩn bị yêu cầu Quốc hội rót thêm 2.5 tỷ USD để sẵn sàng ngăn chặn COVID-19.
Trên toàn cầu, COVID-19 đã lây lan ra hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 85.000 người nhiễm bệnh và hơn 2900 người tử vong.