Tiệm mì Bắc Kinh và nỗi khổ của kinh doanh nhỏ thời virus corona

Các kinh doanh nhỏ ở Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong dịch Covid-19. Câu chuyện của cửa hàng mì Pang Mei là điển hình cho nỗ lực sống sót của những cửa hàng này.

Tại quầy phục vụ của cửa hàng mì Pang Mei ở Bắc Kinh, thay vào hàng dài thực khách chờ mua mì là một dây chuyền nhân viên nhồi bánh hấp, cho mì, nước sốt và các thành phần khác vào hộp nhựa.

Hơn một tháng qua, nhà hàng không phục vụ thực khách nào. Những thực khách của quán, giống như những người dân Bắc Kinh khác, được yêu cầu ở nhà và tránh các buổi tụ tập đông người.

Cô Du Tianqi, một chủ cửa hàng mì ở Bắc Kinh, nhận đơn đặt hàng khi các nhân viên chuẩn bị món ăn để giao hàng. Ảnh: New York Times.

Chủ nhà hàng này đang cố gắng bù lỗ bằng việc tạo ra một món mì thực khách tự nấu và được giao tận nhà. Tuy nhiên, món mì này cũng không được hưởng ứng nhiều lắm.

“Bây giờ, chúng tôi không thực sự có lợi nhuận”, cô Du Tianqi, một trong những chủ nhà hàng, nói với New York Times.

Covid-19 “bóp chết” các hộ kinh doanh

Dịch Covid-19 đã khiến hơn 82,000 người tại Trung Quốc bị nhiễm virus corona và lây sang ít nhất 67 quốc gia. Dịch bệnh này đã làm náo loạn thị trường trên toàn cầu và làm gián đoạn việc kinh doanh của một số tập đoàn lớn nhất thế giới.

Nó cũng đang tàn phá các doanh nghiệp nhỏ hơn ở Bắc Kinh và các thành phố khác ở Trung Quốc, và những nhà hàng Tàu trên toàn thế giới. Những doanh nghiệp này không có đủ nguồn lực để chịu thêm một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Những cửa hàng này bao gồm chợ tự phát, hiệu sách, tiệm cắt tóc, quán bar, nhà hàng và quán cà phê – những nơi cần thiết cho một đô thị sôi động và một nguồn cung cấp việc làm khổng lồ. Các quan chức chính phủ Trung Quốc cho biết 80 triệu kinh doanh gia đình ở quốc gia này cung cấp việc làm cho hơn 200 triệu người. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra hơn một nửa sản lượng kinh tế của Trung Quốc.

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fphoto-1-baomoi.zadn.vn%2Fw700_r1%2F2020_02_29_119_34133469%2F279c206f022ceb72b23d.jpg&t=1583120153&ymreqid=b67b3e5e-74f1-5ec5-1c17-70002a01fe00&sig=.oq.AWL39Uugrsl_P507zw--~C
Nước sốt và mì làm sẵn được đóng gói để giao hàng. Ảnh: New York Times.

Chính phủ Trung Quốc hiện phải cân bằng nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát và cứu vãn uy tín chính trị của mình trong việc khiến nền kinh tế hoạt động trở lại.

Nhận thấy mối đe dọa này, một lực lượng đặc biệt do thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dẫn đầu hôm 25/2 đã cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm cả việc hoãn thanh toán chi phí y tế, nhà ở và hứa sẽ giảm tiền thuê và lãi của các khoản vay.

Các nhà hàng và quán cà phê ở Bắc Kinh đã bị ảnh hưởng nặng nề. Một cuộc khảo sát do Hiệp hội ngành dịch vụ ăn uống Bắc Kinh thực hiện và đưa ra trong tuần này cho thấy gần 70% các cửa hàng trong thành phố vẫn đóng cửa.

Các cửa hàng này không chỉ bị cản trở bởi sự sụt giảm số lượng khách hàng mà còn bởi những khó khăn trong việc mua sắm nguyên liệu và việc đưa nhân viên trở lại thành phố sau kỳ nghỉ đáng lẽ phải kết thúc gần một tháng trước.

Sẽ có rất nhiều cửa hàng không thể vượt qua tình hình này”, Du nói.

“Đến thực phẩm giao tận nơi cũng bị sụt giảm”

Cửa hàng mì Pang Mei khai trương vào năm 2015 tại một trong những con hẻm đặc biệt của Bắc Kinh được gọi là hồ đồng. Cửa hàng này bán mì cay và ớt ngâm theo vị Trùng Khánh, thành phố ở miền Trung Trung Quốc. Nó là một chi nhánh của chuỗi cửa hàng ở Trùng Khánh thuộc sở hữu của một người anh họ của chồng cô Du, Yuan Jie. Cửa hàng này đã có một lượng thực khách trung thành nhất định và được trang Eater liệt kê trong danh sách 38 nhà hàng phải ăn ở Bắc Kinh.

Vào những ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 1, cô Du cảm thấy lo lắng khi đọc các tin tức về những ca nhiễm virus corona đầu tiên ở Vũ Hán. Lúc đó, các thực khách vẫn “rất thoải mái, vui vẻ ăn mì”.

“Người dân không thực sự coi trọng dịch bệnh này”, cô Du, 34 tuổi, nói. Lúc đó là năm tuần trước.

Cùng với các món ăn khác, nhà hàng phục vụ món mì khô cay, một món ăn nhẹ nổi tiếng của Vũ Hán. Ảnh: New York Times.

Giống như hầu hết cửa hàng và nhà hàng nhỏ ở Bắc Kinh, cặp vợ chồng đã lên kế hoạch đóng cửa nghỉ Tết và mở cửa trở lại vào ngày 6/2. Tuy nhiên, dịch bệnh lan rộng và những nỗ lực chống dịch của chính phủ đã làm gián đoạn nguồn cung cấp gia vị và ớt của nhà hàng từ Trùng Khánh .

Gia vị ở Bắc Kinh “không đậm đà bằng”, ông Du giải thích. Mặt khác, nhiều chợ trong thành phố cũng đóng cửa. “Chúng tôi thậm chí không mua được những gia vị căn bản”.

Đến ngày 14/2, họ đã tìm ra một chuỗi cung ứng nguyên liệu mới. Những nguyên liệu này chỉ đủ cho món mì được giản lược và bánh làm sẵn giao tận nhà cùng hướng dẫn để thực khách có thể tự nấu.

Cuộc khủng hoảng này đã phủ nhận suy nghĩ thông thường rằng các dịch vụ giao hàng sẽ ăn nên làm ra trong dịch bệnh. Theo khảo sát của hiệp hội giao hàng, việc giao thực phẩm cũng giảm mạnh. Điều này một phần vì không có nhiều người giao hàng có thể quay lại làm việc và một phần vì khách hàng dường như không muốn tiếp xúc với người lạ đã đi quanh thị trấn.

Cô Du cho biết doanh thu của nhà hàng hiện chỉ bằng một phần ba so với trước đây. Điều đó đã buộc họ phải cắt giảm chi phí. Bình thường, họ có 20 nhân viên. Nhưng bây giờ chỉ có 8 người tiếp tục làm việc. Cô Du giải quyết các đơn đặt hàng qua WeChat, ứng dụng nhắn tin và thanh toán di động của Trung Quốc. Chồng cô, rang tiêu trong một nhà kho ở thành phố.

Hy vọng vào tương lai

Tại Bắc Kinh, chính quyền thành phố đã đưa ra những hướng dẫn mâu thuẫn với nhau. Các quan chức khuyến khích các nhà hàng mở cửa nhưng lại khuyên mọi người tránh các không gian công cộng. Tuần này, thành phố đã công bố một quy tắc yêu cầu mọi người ngồi cách nhau ít nhất 1 mét và không đối mặt với nhau trong khi ăn. Đây là điều không thể làm được ở Pang Mei.

Cô Du cho biết cô chưa nghe nói về bất kỳ sự trợ giúp nào chính phủ có thể giúp được cô, mặc dù cô vẫn giữ liên lạc với những người khác trong ngành ăn uống. Cô lo lắng về việc trả tiền thuê nhà và các khoản vay nhân hàng.

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, việc kinh doanh của cô rất tốt đẹp sau chiến dịch tân trang lại những “hồ đồng” ở Bắc Kinh. Những thanh gỗ cũ treo trên tường ghi các món ăn trong ngày đã được thay thế bằng những miếng nhựa mới.

Một số chủ cửa hàng mà cô Du biết đã bỏ cuộc, trong đó có một nhà hàng Nhật Bản gần đó. Cô Du đang hy vọng rằng các thực khách trung thành và thèm hương vị đặc biệt của mì Trùng Khánh sẽ giúp cửa hàng của cô vượt qua dịch bệnh này.

Người đi bộ đeo khẩu trang ngoài nhà hàng. Ảnh: New York Times..

Một nhà máy bia địa phương cũng đã đề nghị hợp tác bằng cách thêm bia của họ vào đơn hàng. “Họ đã cho chúng tôi một đề nghị hợp tác rất chi tiết mà tôi không thể từ chối”, cô Du nói. “Đây là một khoảng thời gian rất đặc biệt. Mọi người đang cố gắng sống sót bằng cách san sẻ hơi ấm với nhau”.

Cô Du hy vọng nhà hàng có thể mở cửa trở lại sớm nhất là cuối tháng ba và cô cũng đang cố gắng duy trì sự lạc quan. “Cuối cùng thì ai cũng cần phải ăn mà”, cô Du chia sẻ.

Related posts