Thái Thịnh đã từng than thở khi “tìm đến chân trời mới, vẫn thương một thời, giờ đã xa ngàn khơi.” Hình như âm nhạc và thân phận có một cơ duyên diệu kỳ với nhau trong nhiều người Việt Nam khi rời bỏ quê nhà. Trong khi Anh Bằng xao xuyến xa Hà Nội với “bao nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói tan theo mây chiều,” thì ca sĩ Đoàn Sơn tìm đến chân trời mới, chân ướt chân ráo chọn thành phố Melbourne là quê hương cũng có chung một duyên phận như vậy: yêu nhạc, yêu người tình, nhưng phải tìm hướng đi khi đang bôn ba nơi xứ người.
Đời yên lặng vắng ai buồn kỷ niệm
Đã qua đi trong sáng mối tình thơ
Người xa ta ngủ một giấc bơ vơ
Đêm thổn thức lòng mơ niềm chăn gối. (N-Cao)
Khoảng 4-5 năm về trước, lần đầu tiên Mỹ Linh tham gia một chương trình dạ vũ với band nhạc Rainbowl của anh Vũ Lâm cùng với anh Thành, anh Huy, chi Loan, Thanh Lan, Thu Hương, thì đã nghe mấy anh đề cập là kỳ này dạ vũ cho hội Tennis club, sẽ mời anh Đoàn Sơn (ĐS). Lúc ấy Mỹ Linh nghĩ chắc anh ca sĩ này phải hát hay lắm đây, vì các anh chị trong Rainbowl rất kén chọn khi mời ca sĩ khách mời cho chương trình mình. Quả đúng như lời khen của các anh chị, khi nghe anh Đoàn Sơn trình bày ca khúc “Để Nhớ Một Thời Ta Đã Yêu,” của nhạc sĩ Thái Thịnh thì Mỹ Linh đã có ấn tượng rất đặc biệt; có lẽ vì tiếng hát của anh rất unique với làn hơi rất dài, mà khi hát thì anh đã hát hết với “nỗi niềm” với phong cách biểu diễn riêng của chính anh!
Mỹ Linh được nghe anh kể là từ hồi 8, 9 tuổi anh đã sớm “mê” ca hát. Khi chỉ mới học lớp 6 thì anh đã tự đi mua sách và tự học đàn guitar. Đầu năm 1970, thì anh đã tham gia và làm nhạc trưởng cho nhiều nhóm và chương trình văn nghệ ở Sài Gòn.
Anh đến Úc năm 1982, theo học ngành kỹ sư điện ở trường RMIT. Thật là tình cờ, ở trong trường anh gặp được nhiều anh em cũng có cùng niềm đam mê như anh, nên ban nhạc “Viễn Du” được ra đời từ đó và anh đi đánh đàn cho các tổ chức sinh nhật, đám cưới vào cuối tuần. Lúc ấy anh là một trong những tay đàn guitar hay đánh trống của band mà “chưa có hát!” Có lẽ là “duyên trời đã định” trong một buổi đám cưới, ban nhạc thiếu ca sĩ nam song ca với ca sĩ nữ, nên đã yêu cầu anh hát thế dùm cho giọng nam; và từ đó anh được “yêu cầu” làm ca sĩ cho ban nhạc. Từ 1989, ban nhạc của anh “đóng đô” thường xuyên (3 lần 1 tuần) ở vũ trường Mimosa (Footscray). Mỹ Linh đã được nghe một chị hay đi dạ vũ thời ấy kể rằng, mỗi lần anh Đoàn Sơn bước ra sân khấu, chưa hát gì, là đã được các “fan” vỗ tay rộn ràng lắm rồi!
Sau hơn 7, 8 năm với vũ trường và ban nhạc Viễn Du, Đồng Xanh, Hải Âu, vì phải lo gia đinh và việc làm ăn riêng, anh Đoàn Sơn đã ngưng hoạt động văn nghệ gần 20 năm trời, nhưng có lẽ duyên phận với văn nghệ chưa chịu “dứt tình” với anh, nên đã đưa anh trở lại và lập nhóm ban nhạc B4 (thuở ban đầu gồm có anh Đức Định, anh Toàn (JK), anh Hùng và anh Đoàn Sơn), và sinh hoạt cho đến bây giờ cùng với nhiều anh chị em nghệ sĩ khác.
Anh Đoàn Sơn rất khiêm tốn, lúc nào cũng nhường bài hát cho các anh chị em ca sĩ chọn lựa trước, lúc nào anh cũng nở nụ cười thân thiện trên môi. Trong làng văn nghệ, anh đã từng được khán giả thương mến tặng cho danh hiệu “Đệ nhất nam ca Melbourne” của đầu thập niên 1990.
Không biết anh Đoàn Sơn có gốc Huế và quen với “chi mô rứa” không, nhưng khi nghe anh hát mấy bài ca về xứ Huế, thì chắc “các cô gái Huế chân đi không đành.” Nhưng còn hơn thế nữa, khi anh Đoàn Sơn cất tiếng hát tình ca, thì khó cho mấy ai quên được “ngày tháng hoa mộng đó cùng niềm vui nỗi sầu.” đang dậy sóng trong biển tình đời mình.
Mỹ Linh