Một bác sĩ chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm bày tỏ sự lo ngại lớn nhất của ông một khi dịch coronavirus trở nên trầm trọng. Với ông nỗi lo sợ nhất không phải là vi khuẩn và sự hốt hoảng của đám đông biến con người trở nên ích kỷ, mất nhân tính.
Bác sĩ Abdu Sharkawy, đang sống ở Ontario, Canada, chia sẽ những suy nghĩ của ông trên facebook cá nhân mới đây, trong đó ông kêu gọi mọi người nên xem xét lại phản ứng của mình trước dịch toàn cầu hiện nay.
“Điều mà tôi lo ngại nhất chính là sự sợ hãi làm cho con người mất lý trí, không còn hành xử hợp lý và người ta đổ xô đi mua đồ dự trữ giống như sắp tận thế.”
“Tôi lo sợ là những khẩu trang đặc biệt N95 sẽ bị ăn cắp từ những bệnh viện. Thay vì vật hữu dụng này dành riêng cho những nhân viên y tế tại tuyến đầu thì lại được sử dụng bừa bãi ở các mall, ở phi trường, các quán cà phê và trên đường phố… bởi những người không thật sự cần thiết,” ông nói.
Ông nói thêm là ông lo sợ lúc đó bệnh viện, phòng cấp cứu sẽ tràn ngập người bởi những căn bệnh nhẹ chờ được khám “chỉ vì bạn không hiểu rõ căn bệnh” và khiến cho những ca nặng khẩn cấp không có cơ hội.
Ông lo ngại thông điệp sẽ truyền lại cho thế hệ trẻ, dạy cho chúng cách hành xử khi phải đương đầu với sự đe dọa.
“Sự thật là vi khuẩn chính nó không gây thiệt hại trầm trọng bằng những hành vi ích kỷ của con người, chiến đấu để dành phần hơn người khác, đó mới chính là thảm họa,” ông nói.
“Tôi kêu gọi tất cả các bạn. Hãy đương đầu với sợ hãi bằng lý trí, với hốt hoảng bằng kiên nhẫn, với sự bấp bênh bằng giáo dục.”
Ông cũng kêu gọi mọi người phải xem bệnh dịch này như một cơ hội để học hỏi thêm về vệ sinh sức khỏe và về căn bệnh truyền nhiễm trong cuộc khủng hoảng toàn cầu.
“Hãy đón nhận sự thử thách này với lòng trắc ẩn, nghĩ đến người khác, với sự kiên nhẫn và trên tất cả là sự cố gắng không mệt mỏi để đi tìm sự thật, đi tìm kiến thức trái ngược với những tin đồn, sự phỏng đoán, sự đầu cơ tích trữ, và tinh thần ích kỷ để rồi cuối cùng tự hủy diệt lẫn nhau.”
“Sự thật chớ không phải sợ hãi. Hãy rửa đôi bàn tay. Mở rộng trái tim. Con cháu chúng ta sẽ cám ơn chúng ta cho những nghĩa cử này.”
Thông điệp của bác sĩ Sharkawy đã được hơn một triệu người trên toàn thế giới chia sẽ sau khi được post lên mạng ngày 5 tháng 3 vừa qua.
Thông điệp này đến đúng lúc xảy ra những chuyện đáng tiếc trong những siêu thị ở Úc khi người ta đánh nhau để tranh giành những cuồn giấy toilet.
Phạm Hoài Nam phỏng dịch