Trong khi dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ đang có dấu hiệu hạ nhiệt tại châu Á, thì các quốc gia châu Âu lại liên tục ghi nhận những con số gia tăng đáng lo ngại. Dịch bệnh đã đẩy kinh tế của nhiều quốc gia vốn đang trong giai đoạn khó khăn đến gần bờ vực suy thoái hơn, trong đó đáng chú ý nhất là Ý, Đức và Pháp, ba quốc gia đã ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm bệnh.
Ý, một trong những nền kinh tế yếu nhất châu Âu và cũng là quốc gia đang được coi là ổ dịch coronavirus lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc Đại Lục đang đứng trước nguy cơ lại rơi vào suy thoái. Chứng khoán Ý đã giảm 11.2% trong ngày 9/3 do lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế trước tác động của dịch bệnh.
Nhiều văn phòng và nhà máy phải đóng cửa, trong đó có nhiều nhà máy sản xuất hàng hóa xa xỉ cao cấp, vốn được coi là một trong những đầu tàu kinh tế quan trọng của Ý. Các hãng hàng không đã cắt giảm số chuyến bay đến Ý (trong đó có Milan, kinh đô tài chính – thời trang của Italy, và thành phố du lịch nổi tiếng Venice) khiến lượng du khách sụt giảm. Các quan chức ngành du lịch dự đoán lượng du khách nước ngoài đến quốc gia này trong quý 2/2020 sẽ giảm 32 triệu lượt và doanh thu thiệt hại 7.4 tỷ Euro trước mùa du lịch Hè năm nay. Dịch vụ khách sạn, nhà hàng và nhiều lĩnh vực liên quan khác cũng thất thu.
Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 nhiều khả năng sẽ đẩy kinh tế Ý rơi vào suy thoái. Một số chuyên gia dự báo kinh tế Ý có thể giảm khoảng 1.4-1.6% trong năm nay, so với ước tính tăng ít nhất 0.4% được đưa ra trước khi dịch bệnh bùng phát.
Nhà kinh tế Francesco Daveri của Đại học Bocconi dự đoán nền kinh tế nước này sẽ giảm 0.3 điểm phần trăm trong quý I/2020.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Polli, chuyên gia kinh tế Alessandro Polli, thuộc Đại học La Sapienza ở Rome cũng nhận định: “Chúng ta không thể đoán được tác động đối với nền kinh tế sẽ lớn đến mức nào cho đến khi chúng ta biết được dịch bệnh COVID-19 sẽ kéo dài trong bao lâu và lan rộng tới đây. Tuy nhiên, chúng ta đang nhận thấy những thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế.”
Một nền kinh tế khác tại châu Âu – Đức, vốn đã phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thị trường Trung Quốc và sự bất ổn từ vấn đề Brexit, cộng thêm tác động của dịch bệnh, đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trong tương lai gần.
Theo báo cáo công bố ngày 9/3 của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), kim ngạch xuất khẩu của Đức sang thị trường Trung Quốc trong tháng 1/2020 đã giảm 6.5% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc chỉ giảm 0.5% trong tháng Một. Trong khi đó, nếu so với tháng 12/2019, tổng giá trị xuất khẩu của Đức không có biến động, còn giá trị nhập khẩu tăng 0,5%.
Các nhà sản xuất Đức vốn phụ thuộc vào cả chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc. Hiện nay, trước thực trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các nhà kinh tế dự báo dịch bệnh sẽ tác động lên dữ liệu kinh tế Đức từ tháng Hai và khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy giảm trong quý đầu tiên.
Thêm nữa, hàng loạt doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng mạnh cũng bởi dịch bệnh, bao gồm các khách sạn và công ty vận tải.
Hiện chính phủ Đức đang tích cực chuẩn bị cho tình huống dịch bùng phát mạnh, trong đó có việc cấm xuất khẩu các thiết bị bảo hộ y tế như khẩu trang, găng tay; đồng thời hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực và các nước đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) để có thể ứng phó kịp thời.
Pháp cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhận định rằng, dịch viêm phổi Vũ Hán tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của nước này. Thậm chí, tăng trưởng GDP của Pháp trong năm nay có thể ở dưới mức 1%.
Trước đó, hồi tháng 1/2020, Bộ trưởng Kinh tế Pháp ước tính tăng trưởng kinh tế của Pháp có thể ở mức 1.3%.
Ngân hàng Trung ương Pháp vừa hạ dự báo về mức tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý đầu tiên của 2020, xuống còn 0.1% so với mức 0,3% công bố đầu năm. Thống đốc Ngân hàng Pháp François Villeroy de Galhau cho biết, kết quả khảo sát của 8,500 doanh nghiệp cho thấy sự sụt giảm rất lớn trong sản xuất công nghiệp, nhất là ô tô, thiết bị điện, sản phẩm máy tính và dược phẩm.
Các ngành khác như dịch vụ, khách sạn, vận chuyển và việc làm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh. Nguyên nhân là do sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ thị trường Trung Quốc. Doanh thu của các công ty thương mại giảm từ 12-15% kể từ khi chuyển sang giai đoạn 2 của bệnh dịch.
Bộ trưởng Bruno Le Maire khẳng định, dịch bệnh đã tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế của Pháp, thậm chí là việc làm tại quốc gia này. Ông cũng cho rằng Chính phủ Pháp cần phải có biện pháp khắc phục nhằm giảm bớt sự phụ thuộc cung – cầu vào một số thị trường lớn khác như Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất dược phẩm.
Minh Ngọc