Phan Anh
Nhiều quốc gia đang thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán, bao gồm cả việc đóng cửa trường học, cấm tụ họp đông người và hạn chế việc đi lại một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nước Anh lại áp dụng các biện pháp kiểm soát tương đối mềm mỏng.
Lý do một phần là bởi, trên thực tế một số quốc gia đang phải đối mặt với dịch bệnh ở mức độ nghiêm trọng hơn Anh. Nhưng nước Anh đã áp dụng một cách giải quyết riêng vì có lý do chính đáng.
Theo kết quả mô phỏng máy tính, nước Anh đang ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, dự kiến sẽ tăng mạnh trong 4 tuần tới và chạm đỉnh sau 10 và 14 tuần nữa.
Ông Patrick Vallance, cố vấn khoa học của chính phủ Anh, và giám đốc y tế, Giáo sư Chris Whitty, đã phán đoán rằng còn quá sớm để đưa ra các quy định hạn chế hà khắc trong giai đoạn này.
Những hạn chế như vậy có thể kéo dài trong vài tháng và có nguy cơ gây ra “sự chán nản khi tự cách ly” – khi người dân không chịu nổi nữa và rời khỏi nhà đúng lúc dịch bệnh lên đến đỉnh điểm. Người cao tuổi đặc biệt có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng. Nhưng nhiều người trong số họ đã bị cách ly. Loại bỏ họ ra khỏi cộng đồng trong giai đoạn này, khi rủi ro vẫn còn tương đối thấp, sẽ tạo ra những khó khăn không cần thiết cho họ.
Ông Patrick và Giáo sư Whitty cũng khuyên không nên hoãn các cuộc tụ họp đông người. Một lần nữa, kết quả mô phỏng máy tính chỉ ra rằng phương pháp này là không hiệu quả và rắc rối hơn so với các cách thức mà họ đã khuyến nghị: đó là rửa tay và yêu cầu mọi người tự cách ly nếu họ có các triệu chứng nhiễm bệnh.
Những biện pháp này, nếu được thực hiện đúng, có thể giúp giảm thiểu tới 20% số ca mắc bệnh, ông Patrick cho biết.
“Mọi người rất dễ nhiễm virus từ một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn ở đâu đó trong một không gian nhỏ thay vì một không gian rộng lớn [như sân vận động thể thao],” ông cho hay.
Việc đóng cửa trường học cũng tương tự như vậy. Trong khi Ireland, Pháp và Đan Mạch cùng nhiều quốc gia Bắc Âu đóng cửa trường học, thì Anh, Phần Lan, Hà Lan vẫn cho mở cửa trường học.
Đóng cửa trường học là phương pháp hiệu quả để kiểm soát dịch cúm nghiêm trọng, nhưng virus Vũ Hán dường như ít ảnh hưởng đến trẻ em. Tuy nhiên, vẫn có một rủi ro, đó là các bé có thể truyền virus sang cho cha mẹ và ông bà của mình. Ngoài ra, việc đóng cửa trường học sẽ khiến nhiều nhân viên công tác tại Cục Y tế Quốc gia Anh (NHS) phải nghỉ ở nhà để chăm nom con cái.
Chiến lược của nước Anh là trì hoãn thời gian bắt đầu trong đỉnh điểm của bệnh cho đến mùa hè, khi NHS chịu áp lực ít hơn và qua đó đối phó dịch bệnh tốt hơn khi nó chạm đỉnh. Mục đích cũng là để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, nhờ đó mà người dân có thể cải thiện khả năng miễn dịch với virus nếu nó quay trở lại trong những năm tiếp theo.
Khi nỗ lực dập dịch bệnh một cách quá nhanh chóng, rủi ro là nó có thể bùng phát lại, có lẽ vào thời điểm mùa đông sau khi các biện pháp phong tỏa được rút lại. Đây sẽ là khoảng thời gian mà các dịch vụ y tế phải chịu áp lực lớn.
Cần phải nhấn mạnh rằng chiến lược này được đề ra dựa trên bằng chứng và tài liệu từ nhiều nhà khoa học và bác sĩ hàng đầu thế giới, nhiều người trong số họ đã tham gia vào việc kiểm soát sự lây lan của virus ở Trung Quốc và Singapore. Và điều đáng chú ý là không có nhà dịch tễ học nào ở Anh lên tiếng phản bác cách làm này của chính phủ Anh trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Chắc chắn có một số người không đồng ý với chiến lược này. Nhưng nó đã được những người có ảnh hưởng lớn trong giới khoa học như ông Patrick và Giáo sư Whitty đã đứng ra chấp thuận. Vì vậy, cộng đồng khoa học dẫu có nghi ngờ cũng sẽ không lên tiếng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Theo BBC,
Phan Anh