Mai Thảo
Bao nhiêu năm nay, mỗi lần nghe tiếng hát Thái Thanh, từ một ca khúc
tiền chiến như hơi thở tuyệt vời duy nhất còn lại của một thời đã mất,
đến những bài hát mới, phản ảnh sinh động cái hơi thở trăm lần đầm ấm
hơn của âm nhạc bây giờ, tôi không khám phá mà chỉ thấy trở lại trong
tâm hồn và thẩm âm của mình một số rung động và liên tưởng cố định.Những
rung động ấy đã có từ lâu, những liên tưởng ấy từ đầu đã có. Chúng có
từ Thái Thanh với bài hát thứ nhất, và nguyên vẹn như thế cho đến bây
giờ. Chẳng phải vì con người thưởng ngoạn âm nhạc trong tôi không có
những thay đổi. Cũng chẳng phải vì tiếng hát Thái Thanh là một thực thể
âm nhạc bất biến và bất động, không có những thay đổi.
Đã hai mươi
năm Thái Thanh hát. Lịch sử âm nhạc ta đã được đánh dấu bằng cái hiện
tượng khác thường, duy nhất, là Thái Thanh tiếng hát hai mươi năm. Nếu
mỗi con người, mỗi vật thể đều được thực chứng như một biến thái thường
hằng trước va chạm khốc liệt dữ dội với đời sống mỗi ngày là một khuôn
mặt mới, một tiếng hát, dẫu vượt thời gian như tiếng hát Thái Thanh cũng
vậy. Bằng chứng là Thái Thanh của những năm bảy mươi, Thái Thanh của
bây giờ không thể và không còn là Thái Thanh của những năm tháng khởi
đầu.
Mọi người dễ dàng nhận thấy như tôi là, chuyển lưu không ngừng
qua nhiều vùng trời âm điệu khác biệt, hòa nhập không thôi vào mọi không
khí, trào lưu âm nhạc và trình diễn thay đổi từng năm, từng mùa như mưa
nắng, chính tâm hồn và ý thức người hát, trong mối liên hệ mật thiết
một đời với nhạc, thế tất có những biến chuyển. Tiếng hát vì thế cũng
đổi thay theo. Nói Thái Thanh hát bao giờ cũng vậy là sai. Lấy một bài
hát bây giờ, một bài hát trong mười bốn ca khúc của băng nhạc Tơ Vàng
chẳng hạn, cùng nghe với một bài hát cũ, ta thấy ngay, trên cái tiến
trình và thành tựu rực rỡ của hai mươi năm đi tới không ngừng, tiếng hát
Thái Thanh đang đích thực được lồng đựng trong một kích thước, một tinh
thần mới. Sự thay đổi đó không ngẫu nhiên, chẳng tình cờ. Nó biểu hiện
cho cái nỗ lực chính yếu của người hát tuyệt nhiên không bao giờ muốn
ngủ yên trên những thành công đã có.
Hát với Thái Thanh là một tình
yêu muốn cháy đỏ một đời, phải được làm mới từng ngày. Lối hát, cách
hát, từ kỹ thuật trình bầy một ca khúc đến cái khó nhận thức hơn, vì ở
bên trong, nhưng không phải là không thấy được, là trạng thái tâm hồn
Thái Thanh gửi cho âm nhạc, cái phải có và phải thế nào cho tiếng hát
của mình bây giờ, trước trưởng thành vượt bậc của âm nhạc và thưởng
ngoạn hiện tại, thảy đều dẫn tới một minh chứng: Thái Thanh của những
năm bảy mươi đã bỏ lại thật xa ở sau lưng và trong quá khứ, Thái Thanh
của thời kỳ khởi nghiệp. Không nhận thấy nỗ lực thay đổi, làm mới này,
đó chỉ là vì những người yêu nhạc đã nghe Thái Thanh đều đặn, không đứt
quãng, suốt hai mươi năm. Nhìn thấy hoài một khuôn mặt quen thuộc, giản
đơn là ta khó thấy những thay đổi của khuôn mặt ấy.
Điểm đặc biệt
đáng nói, theo ý tôi, là nếu một mặt, tiếng hát Thái Thanh đã và đang
còn vươn phóng rực rỡ tới bắt gặp những chân trời âm điệu mới, phía
thưởng ngoạn và tiếp nhận ở rất nhiều người, trong đó có tôi, lại bất
biến, từ đầu, không thay đổi. Hai mươi năm, chúng ta vẫn chỉ thấy có một
Thái Thanh. Sự ngạc nhiên lại chính là cái hiện tượng muôn vàn quen
thuộc. Tại sao như vậy? Tìm hiểu tiếng hát Thái Thanh, cái bởi đâu khiến
cho tiếng hát hàng đầu này tồn tại suốt hai mươi năm, trong khi những
tiếng hát khác đã tiếp nối nhau lặn chìm và tàn tạ. Cái tại sao, khiến
cho sau hai mươi năm, khối lượng cảm tình của khán giả yêu nhạc cả nước
dành cho Thái Thanh vẫn đầy ắp như một bát nước đầy, tìm hiểu đó phải
được khởi đi từ cái hiện tượng khác thường của thưởng ngoạn tôi vừa nói
tới. Nó giải thích được cho cái trường hợp thành tựu duy nhất trong âm
nhạc ta.
Ở một bài giới thiệu ngắn trong một chương trình Nhạc Chủ Đề
thực hiện trước đây trên làn sóng điện đài Saigon, nhà văn Nguyễn Đình
Toàn đã nhận định về tiếng hát Thái Thanh như một giọng ca không có
tuổi. Táng láng, hồng tươi, không quá khứ. Nhận định này chỉ nói đến một
sự thực hiển nhiên. Tốt tươi và phơi phới, bay bổng và cao vút, tiếng
hát Thái Thanh hai mươi năm nay là một hơi thở bình minh, ở đó không có
một dấu vết nhỏ của tháng năm và quá khứ đè nặng. Đã là một giòng sông
đầy, nó vẫn còn là cái thánh thót, cái trong vắt của một giòng suối,
nước reo thủy tinh, sỏi lăn trắng muốt. Như một bông hoa không nở và tàn
trong một buổi sáng, mà hoa đã mãn khai, vẻ hàm tiếu vẫn còn. Tiếng hát
trẻ trung vĩnh viễn, không tuổi, không quá khứ là vì nó tạo mãi được
cho người nghe cái cảm giác mát tươi đầu mùa như vậy. Cái não nùng, cái
thê thiết rũ rượi là những cái làm già. Thái Thanh không hát cái chết
bao giờ, trong cả những ca khúc nói về cái chết. Tiếng hát không bao giờ
là một tiếng khóc, nó là đời sống, tiếng cười, và mặt trời. Những cái
đen, những cái tối, gì là vũng lầy, gì là vực thẳm, ở ngoài tiếng hát
Thái Thanh. Ở ngoài. Không đột nhập.
Nhưng nếu chỉ nói đến cái hiện
tượng không có tuổi nằm trong một phía duy nhất là tiếng hát, không đủ.
Không có tuổi còn ở phía đối diện, phía người nghe. Nghe Thái Thanh lúc
nào cũng vậy, phút rất vui cũng như phút thật buồn. Nghe Thái Thanh ở
một nơi chốn nào cũng thế, tiếng hát hàm chứa và phát hiện trong nó một
hiệu lực đồng hóa, khiến cho tình yêu của hàng trăm ngàn người gửi cho
tiếng hát Thái Thanh có thể thâu tóm toàn vẹn trong một người, trở thành
cái có một. Trên dàn nhạc một phòng trà kín bưng mịt mùng khói thuốc,
trên thảm cỏ một chương trình từ thiện ngoài trời, ngày nào dưới cái vòm
cao vút của Nhà Hát Lớn Hà Nội, bây giờ dưới những đêm sao rực rỡ miền
Nam, trên băng nhạc 1800 “phít” hay trên dĩa nhựa 45 vòng, tiếng hát gửi
đến, gián tiếp, hay người hát đối diện trực tiếp với đám đông, bằng
nhạc Văn Cao, Phạm Duy hay nhạc Hoài Bắc, Cung Tiến, hiệu năng đồng hóa
và hiệu lực dẫn độ của tiếng hát Thái Thanh, vĩnh viễn phát xuất từ một
khởi điểm tình cảm cố định. Nó dẫn dắt rung động người nghe hát tới
những xúc cảm, những liên tưởng cố định. Không một người nào “lỡ” tiếng
hát Thái Thanh. Đã gặp một lần là trùng phùng mãi mãi. Chẳng phải vì
Thái Thanh đã hát hai mươi năm, còn hát, chỉ đơn giản là chúng ta đã
nghe bằng cái trạng thái thuần túy, trong suốt nhất của thưởng ngoạn,
nghe bằng cái không tuổi thênh thang phơi phới của mình. Tôi gọi vùng
cảm xúc và liên tưởng cố định ấy là quê hương tiếng hát Thái Thanh. Như
cây kim trong địa bàn chỉ xoay về hướng bắc, người nghe nào cũng gặp
lại, bằng và với tiếng hát Thái Thanh, một thứ quê hương tình cảm muôn
thuở trong mình. Chúng ta nói tiếng hát này gợi lại kỷ niệm, đánh thức
trí nhớ, đâu phải vì tiếng hát Thái Thanh chỉ hát những bài hướng về kỷ
niệm. Chúng ta nói tiếng hát Thái Thanh thân ái, tình nhân, bằng hữu,
chỉ là người nghe đã thân ái, bằng hữu, tình nhân với chính mình, từ
tiếng hát. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân xâu xa đích thực nhất giải thích
chu đáo cho khối lượng cảm tình đằm thắm, vững bền, không lạt phai,
không lay chuyển, mà quần chúng yêu nhạc ba miền đã dành cho Thái Thanh
từ hai mươi năm nay.
Đặt vào tiến trình và hình thành của âm nhạc
Việt Nam những năm bảy mươi, tiến trình đó nhất định phải đưa tới một
đoạn tuyệt hoàn toàn với những giòng nhạc cũ, hình thành đó tất yếu sẽ
nâng đẩy âm nhạc tới những biểu hiện sinh động bay múa nghìn lần hơn cõi
nhạc quá khứ, tiếng hát Thái Thanh, hơn mọi tiếng hát khác ở điểm này,
hội đủ điều kiện cho một thăng hoa và một hòa nhập lý tưởng. Bởi sau hai
mươi năm, nó vẫn là một ra khơi, một lên đường, của những năm bảy mươi
và cho những năm bảy mươi, âm nhạc đang được định nghĩa lại, từ phía
sáng tác, trình diễn, đến phía thưởng ngoạn. Trước đòi hỏi của một lớp
người yêu nhạc càng ngày càng vươn tới những vùng nghệ thuật đích thực,
những bước tiến lớn lao ghi nhận được về nghệ thuật hoà tấu, kỹ thuật
hoà âm chúng ta thấy thể hiện trong một băng nhạc bây giờ, là những dấu
hiệu mở đầu cho một trưởng thành toàn diện.
Tiếng hát Thái Thanh là
một đồng nghĩa toàn vẹn với hiện tượng trưởng thành này. Không phải là
trong quá khứ, mà bây giờ mới vẹn toàn tiếng hát Thái Thanh. Trên tinh
thần này, và trước viễn tượng sáng tươi của âm nhạc Việt Nam những năm
bảy mươi, tôi không nghĩ Thái Thanh đã tới, mà nói Thái Thanh mới bắt
đầu. Đừng đặt câu hỏi là sau hai mươi năm, bao giờ Thái Thanh vĩnh viễn
giã từ âm nhạc. Mùa nhạc này, chúng ta mới chỉ đang nghe những bài hát
thứ nhất của Thái Thanh, những bài hát đánh dấu cho một khởi hành mới,
những bài hát mở đầu cho một sự nghiệp thứ hai.Những người yêu mến tiếng
hát Thái Thanh từ hai mươi năm nay, chắc đều nhận thấy với tôi như vậy.
Mai Thảo.
(lời tựa cho băng nhạc Tơ Vàng 4 – tiếng hát Thái Thanh)