Con Corona đã tới Úc

Khi bạn đọc cầm số báo Việt Luận này trên tay, có thể số người Úc dính con Corona hơn trăm hăm… mấy hay trăm băm… mấy. Khi Cổ Nhuế viết bài này, ba người Úc đã thiệt mạng vì COVID-19. Ba người Úc đầu tiên thiệt mạng đều là người lớn tuổi: hai cụ ông 78 và 82 tuổi và một cụ bà 95 tuổi. Điều đáng buồn là lẽ ra nếu không có con Corona thì chưa chắc các cụ phải ra đi. Không phải chỉ ở Úc mà khắp thế giới, con Corona trẻ không tha già không chê; nhưng phần lớn chỉ quật ngã được các cụ. Vì thế trong thời đại mắc dịch, bạn trẻ nên để mắt thêm tí chút đến các cụ. Chính các cụ cũng chăm sóc sức khoẻ mình hơn tí. Đặc biệt, những ai mang vài ba thứ bệnh trong mình thì nhớ thuốc men đầy đủ. Khi mình mạnh khoẻ thì mới có sức vật lộn với con Corona quỷ quái này.

Sẵn sàng dàn chào

Giữ sức khoẻ là điều đầu tiên phải làm khi xông ra uýnh con Corona. Phòng tuyến đầu tiên đến ngăn chận con Corona xâm nhập là đôi bàn tay. Trong tất cả chỉ dẫn ngăn ngừa con Corona, chỉ dẫn nào cũng nói tới … rửa tay. Thứ nhứt: rửa tay. Thứ nhì: rửa tay. Thứ ba: rửa tay. Vì vậy ngoài giấy chùi phía dưới, trong các siêu thị và tiệm thuốc tây ở Úc đã sạch sành sanh thuốc rửa tay.

Mà nói tới rửa tay thì phải rửa cho đúng cách. Hình như một trong những bài học đầu tiên trường y khoa dạy sinh viên muốn làm bác sỹ là … rửa tay. Xin bạn đọc nhìn kỹ ông bác sỹ rửa tay thế nào thì bắt chước. Báo chí bên Tây có dạy người ta rửa tay. Có báo nói phải vừa rửa vừa hát bài Happy Birthday. Không phải hát một lần. Hát đủ hai lần khi rửa tay mới đúng cách. Ở Việt Nam, Khắc Hưng viết bài hát có tên là ‘Ghen Cô Vy’ với giọng ca lơ lớ khuyến khích người ta rửa tay để đánh ghen! Bài hát này thịnh hành không những ở Việt Nam mà được thế giới nghe. Bạn đọc có thể nghe tại trang web của bổn báo (VietLuan.com.au). Việt Luận xin lỗi trước phần cuối của phần trình diễn bài hát có hình ảnh có thể làm một số bạn đọc bực mình. Ở Singapore, ca sỹ kiêm danh hài Gurmit Singh trình bày bài Wash Yo Hands để quảng bá biện pháp đơn giản nhất và hữu hiệu nhất để uýnh lại con Corona. Danh hài Gurmit Singh từng làm mưa làm gió trong giới nghe nhạc vào năm 2003 khi dịch SARS bùng nổ. Một lần nữa, bạn đọc Việt Luận có thể xem và nghe thước video này tại trang Web VietLuan.com.au và trang facebook.com/VietLuanOnline. Ở Nam Mỹ điệu ca Cumbia được dịp bành trướng với rất nhiều bài hát vui tươi, nhộn nhịp nhằm quảng bá các biện pháp chống lại con Corona. Bạn đọc Việt Luận có thể thưởng thức một bài tại trang Web VietLuan.com.au và trang facebook.com/VietLuanOnline/

Sau rửa tay, các cách khác để ngăn chận con Corona lan tràn là: bỏ thói quen sờ vào mặt của mình. Khi ho, xịt mũi thì làm mấy việc này vào khăn giấy rồi vất ngay vào thùng rác. Con Corona sinh sôi nảy nở và truyền đi qua nước mũi, đàm và các thứ khác có trong đường hô hấp. Một trong nhiều triệu chứng của đại dịch COVID-19 hiện hành là ‘khó thở’ bởi vì dường hô hấp là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và truyền nhiễm của con Corona. Làm sạch đường hô hấp là chận tuyệt nó.

Cách thứ ba để ngăn ngừa con Corona là mọi người có trách nhiệm với người khác. Công sở và hãng xưởng ở Úc khuyên nhân viên: ai thấy đau trong mình thì đừng đi làm. Nghỉ ngơi ở nhà là cách lo cho thân mình mà cũng là cách giúp cho người khác khỏi lây bệnh. Để thi hành cách thứ ba này, chính phủ khuyên ai đã tiếp xúc với người bị mắc dịch thì tự cô lập ít nhất 14 ngày. Nếu mình không tự cô lập thì có thể mang bệnh trong người mà không biết và cũng vô tình lây bệnh sang người khác. Đó là anh chàng sinh viên kia ở Tasmania. Chàng đi Nepal. Khi về chàng ghế Singapore và Sydney. Chàng dính mà lại không nghe lời khuyên tự cô lập. Chàng cứ lui tới hai hộp đêm và đi làm ở một khách sạn tại Hobrt, Tasmania. Ngay đến một ông bác sỹ toàn khoa ở Toorak, phía Đông Melbourne đi Mỹ về cũng không tự ý cô lập 14 này. Ổng khám bệnh cho 70 người, rồi chính ông bị dính…. Tự cô lập có nghĩa là không đi vào chỗ có đám đông và giữ khoảng cách chừng 2 mét với người sống chung một nhà.

Sẵn sàng ứng chiến

Nước Úc đang ráo riết chuẩn bị dàn chào con Corona. Chính phủ đã bật đèn xanh áp dụng các biện pháp trong kế hoạch ngăn ngừa đại dịch COVID-19. Kế hoạch này có tên là ‘Australian Health Sector Emergency Response Plan for Novel Coronavirus (the COVID-19 Plan)’ do bộ y tế Úc phát hành. (Bạn đọc Việt Luận có thể đọc từ https://www.health.gov.au/resources/publications/australian-health-sector-emergency-response-plan-for-novel-coronavirus-covid-19/.

Ở cấp tiểu bang, ngành y tế và bệnh viện sẵn sàng ứng chiến khi giặc Corona tràn vào. Trong tuần này, Tây Úc khai trương nhiều ‘fever clinics, bệnh viện chữa sốt’ dành riêng người người nghĩ mình dính con Corona. Nhiều nơi khác ở Úc cũng nghĩ đến chuyện này. Bạn đọc sẽ thấy xuất hiện ‘khu vực dành riêng’ ở bên trong bệnh viện lớn.

Ngoài ra, nhiều gia đình ở Úc cũng chuẩn bị bằng cách tích trữ đủ thứ thức ăn và vật dụng phòng khi ‘ngăn sông cấm chợ’. Trong mấy ngày qua, chả biết vì lý do gì người Úc rần rần vét sạch giấy vệ sinh khỏi các siêu thị. Có nơi có người rút dao, nắm đầu giật tóc khi dành giực gói giấy chùi… Cổ Nhuế nghĩ gia đình bạn đọc đã chuẩn bị xong đủ thứ để uýnh con Corona, nếu nó dám ho he mò tới. Cầu Trời khấn Phật dừng để bạn đọc nào gặp nạn.

Rủi ai đó gặp nạn

Tuy nhiên, rủi có người gặp nạn thì phải làm sao?

Hiện nay, xem chừng con Corona bắt đầu xìu xuống ở hang ổ Trung Cộng nhưng bay qua châu Âu và Nam Hàn. Sau hai nơi này, chúng có thể xuôi về Nam vì Nam Bán Cầu sắp vào mùa lạnh. Mùa lạnh đồng nghĩa với mùa cúm. Trong mùa lạnh năm ngoái ở Úc đã có 59 ngàn người Úc dính cúm. Trong số này ngót trăm người không … qua nổi con trăng. Năm nay, khi bị triệu chứng cúm chúng ta còn lo không biết đã dính con Corona không. Vì vậy có lẽ chúng ta nên phân biệt triệu chứng giữa cúm và COVID-19. CÚM thì: Đau mình mẩy, thấy ớn lạnh, đau cổ, ho, nhức đầu và nóng trong người…COVID-19 thì: Thở hắt ra, mệt mỏi, khó thở, ho, nóng trong người …. Vậy là cả hai có những triệu chứng chung. Riêng COVID-19 thì người ta thấy: thở hắt ra và khó thở. Đây là triệu chứng đáng nghi. Ngoài ra, 5% người dính COVID-19 cũng đau cổ và chảy nước mũi. Một số ít hơn bị tiêu chảy và nôn mửa. Cách hay hơn hết là hỏi ý kiến bác sỹ toàn khoa hay gọi điện thoại cho Coronavirus Health Information Line tại số 1800 020 080. Đường dây này miễn phí và hoạt động 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần.

Khi tưởng rằng mình dính thì …. phòng cấp cứu (Emergency Department) trong bệnh viện không phải là nơi đầu tiên tìm đến. Sau vậy? vì tới đó bạn có thể phải chờ lâu và cũng có thể chính bạn lây con Corona cho người khác. Cũng không phải ‘dẫn xác’ chạy vào các phòng mạch bác sỹ toàn khoa. Cách hay nhất là điện thoại trước cho phòng mạch của bác sỹ toàn khoa. Bác sỹ toàn khoa sẽ sửa soạn đón bệnh nhân. Có thể bác sỹ sẽ hẹn gặp tại phòng mạch hay bác sỹ sẽ liên lạc với bệnh viện. Cầu Trời khấn Phật đừng để bạn đọc nào gặp nạn.

Bác sỹ toàn khoa có thể giới thiệu người bị nghi đi thử. Bạn đọc có thể hỏi: khi mình e rằng dính con Corona thì có cần xin thử không?

Ông Greg Hunt, tổng trưởng y tế liên bang Úc, trả lời: “If in doubt, get yourself tested – that’s the important message,” he said. “Even though it can be a little bit of a stress on the system, we would rather people over-test rather than under-test.” Nếu nghi thì đi thử – đây là lời nói quan trọng (à nhe). Dù làm vậy thì có thể khiến cho hệ thống y tế thêm mệt, nhưng chúng ta thà đụng đâu thử đó hơn là bỏ sót.’ Xem chừng ông tổng trưởng này có máu Tào trong người. Tào Tháo nói một câu để đời ‘Thà giết lầm hơn là bỏ sót’. Với con Corona quỷ quái này cũng thế: ‘Thà thử lầm hơn bỏ sót!’

Có đi tàu suốt không?

Cho tới nay, ở Úc đã có hơn trăm người đã thử và xét thấy đã dính con Corona. Có lẽ trong vài ngày nữa con số này tăng vọt vì chỉ riêng NSW đang có chứng 500 người đang chờ kết quả thử nghiệm. Đông người dính nhất là ở NSW nêm có bác sỹ đã đề nghị bệnh viện dành ra khu vực riêng để làm ‘fever clinics’hay tiểu bang nghĩ tới biện pháp ‘quarantine, cô lập’ một số vùng ở thành phố Sydney.

Cúm COVID-19 là loại cúm truyền nhiễn rất nhanh và rất rộng. Đến nay trên thế giới đã có hơn 120 ngàn tại hơn 80 nước trên thế giới có người mắc dịch. Mặc dầu chưa có thuốc ngừa và thuốc chữa, nhưng không phải ai dính con Corona này là … ‘đi tàu suốt’.

Theo con số từ WHO, trong số người bị nhiễm Corona 80% chỉ bệnh nhẹ cho tới trung bình (mild-to-moderate); dư lại 20 bệnh nặng và từ 2 đến 3% chào thua con Corona này. Nếu làm con toán thì ta thấy số người thiệt mạng vì dính Corona đang ở mức hơn 3% một chút.

Như vậy, khi thử mà thấy dính con Corona thì không có nghĩa là …. hui nhị tì. Khá đông người lãnh kết quả ‘dương tính’ – như kiểu nói hiện hành ở Việt Nam — mà bệnh viện vẫn cho về nhà. Lý do là bệnh trạng của họ chỉ nhẹ thôi. Có điều đáng để ý, phần lớn người bệnh nặng là người cao tuổi. Trong số người cao tuổi, dễ ‘đi’ nhất là cụ ông. Sao vậy? Chả biết…

Chờ chính phủ Úc cứu nguy

Con Corona quái ác không những giết người mà còn tàn phá nền kinh tế của thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát Triển Kinh Tế (The Organisation for Economic Cooperation and Development, viết tắt thành OECD) trước đây dự đoán kinh tế thế giới trong năm nay sẽ tăng trưởng 2.9%. Nhưng sau khi con Corona sổ lồng thì OECD phải kéo xuống chỉ còn 2.4%. Ước chừng 20 nước có thể sa vào tình trạng suy thoái kinh tế. Nguy hiểm nhất là Nhật Bản và 19 nước dùng đồng Euro ở châu Âu. Riêng nước Ý thì đã bị coi là suy thoái rồi. Ý là nước đầu tiên trên thế giới phải ‘cô lập’ cả nước vì sợ con Corona lan rộng. Còn kinh tế Trung Cộng tưởng là tăng trưởng 6% hay 7% trong năm nay. Nhưng khi con Corona cắn thì dường như Trung Cộng khá lắm chỉ tăng trưởng 2% là cùng.

Riêng kinh tế Úc đã qua hơn 25 năm mà chưa bị rơi tòm xuống vực suy thoái. Bây giờ, chưa rõ Úc có được tiếp tục hưởng ‘phép lạ’ ấy sau cơn hoả hoạn chưa từng thấy vào tháng Giêng và đang chịu nhiều thiệt thòi vì con Corona. Úc có bị suy thoái kinh tế hay không? Đổng lý văn phòng bộ kinh tế Úc, ông Steven Kennedy, vào tuần trước đã lên tiếng trước ủy ban kinh tế tại thượng viện Úc. Chánh sở kinh tế này không giấu diếm: chính ông không lạ gì nếu Úc bị suy thoái kinh tế.

Được biết: theo kinh tế học, khi một nước qua hai tam cá nguyệt mà tỷ lệ tăng trưởng kinh tế phải chịu số âm thì nước đó bị liệt vào sổ ‘suy thoái kinh tế’. Trong thực tế, con Corona gần như chắc gậm nhấm ít nhất 0.5% tăng trưởng khỏi tam cá nguyệt kết thúc vào tháng Ba năm nay. Trước đó, bà Hoả đã đốt cháy ít nhất 0.2% mức tăng trưởng kinh tế của nước Úc. Vậy thì trong ba tháng đầu năm 2020, kinh tế Úc tăng trưởng được bao nhiêu phần trăm? Chả biết. Chỉ biết trong ba tháng trước đây (kết thúc vào tháng 12 năm ngoái) kinh tế Úc đã tăng trưởng 0.5%. Nếu ba tháng đầu năm cũng tăng trưởng bằng thế thì: -0.2% vì cháy rừng và -0.5% vì Corona. Kết quả: -0.2%. Nếu vào tháng Sáu kinh tế Úc cũng lãnh thêm một số âm nữa thì chữ R xuất hiện trên báo chí. R bắt đầu cho chữ’ Recesssion, suy thoái’.

Để cứu kinh tế Úc, chính phủ Úc đã dành ra $17.6 tỷ. Mỗi thương nghiệp nhỏ có thể lãnh từ $2,000 đến $25,000. Mỗi người thất nghiệp, cụ già hay người đang săn sóc thân nhân được đút túi $750. Ai làm việc tuỳ thời (casual) mà phải ở nhà vì con Corona thì được lãnh trợ cấp Newstart. Các gói cứu nguy này thêm vào số tiền $2.4 tỷ dành cho bộ y tế để uýnh con Corona . Theo đó, người dính con Corona sẽ được Medicare trả tiền khi cần săn sóc tại nhà. Ngoài ra, chính phủ bắt đầu cấp tốc dựng lên trăm bệnh viện chuyên trị COVID-19 trên toàn quốc.

Vào thứ Năm hôm qua, chính phủ Úc đã công bố các biện pháp kể trên. Việt Luận xin đưa tiếp tục tin tại trang web VietLuan.com.au và trang facebook.com/VietLuanOnline.

Cổ Nhuế

Related posts