Quỳnh Giao
Cách đây đã hơn ba chục năm, khi viết về Thái Thanh với lời xưng tụng “Tiếng Hát Vượt Thời Gian”, Mai Thảo không ngờ rằng chính lời phán xét ấy cũng đã… vượt thời gian. Thái Thanh hát từ đầu thập niên 1950. Sau thập niên 1970, tiếng hát ấy vẫn vang vọng thêm hai thập niên nữa. Và còn mãi mãi trong tâm tư chúng ta.
Cách đây rất lâu, trong dịp đi du lịch tại một xứ xa lạ và vào một nhà hàng Tầu (vì tên là Golden Lotus, Kim Lian) Quỳnh Giao bỗng thấy bồi hồi. Trong nhà hàng trang trí đỏ loét kiểu dáng Trung Hoa cho người ngoại quốc, âm thanh lại chất chứa hồn Việt.
Tiếng hát Thái Thanh, giữa một vùng xa lạ. Thời ấy ở tại vùng ấy, người ta chưa đủ tân tiến để hành hạ thực khách với loại ca khúc có giai điệu Hồng Kông, được gào lên bằng tiếng Việt theo kiểu Blues ở Bình Thạnh. Cho nên chủ nhà hàng, một phụ nữ Việt xa xứ từ trước thời thuyền nhân, chỉ có được một chút kỷ niệm gắn bó với cố hương vừa bị đẩy xa, là mấy băng nhạc Thái Thanh.
Lúc ấy, ngồi trong tiệm ăn Tầu mà nghe nhạc Việt, Quỳnh Giao đã nghĩ đến Thái Thanh như tiếng hát vượt cả thời gian lẫn không gian và chuyên chở cái tâm hồn Việt Nam trong một giai đoạn bi thương nhất.
Trong nửa sau của thế kỷ 20, tiếng hát Thái Thanh đã là di sản không thể mất của rất nhiều người Việt. Nó nổi trôi theo mệnh nước, nó thấm vào tâm tư chúng ta để thành tiếng hát tiêu biểu nhất từ thời phôi thai của tân nhạc cải cách, trải qua thời chiến tranh cho đến thời lưu vong và tàn tạ. Nếu chúng ta có thể thấy hạnh phúc và hãnh diện với tân nhạc Việt Nam thì thời kỳ nhiễu nhương nhất của lịch sử, từ những năm 1950 đến 1970, là thời kỳ đẹp nhất.
Và trong giai đoạn ấy, Thái Thanh là một tiếng hát không thể quên được.
Mỗi người lại thưởng thức nghệ thuật Thái Thanh theo một cách, tùy theo tâm tư và hoàn cảnh. Riêng với Quỳnh Giao, vốn rất dè dặt khi viết về tiếng hát của các đồng nghiệp, nếu Anh Ngọc là “giọng hát trượng phu” thì Thái Thanh là “lời ru của mẹ”.
Thật ra, ngày còn bé, Quỳnh Giao chưa biết thích tiếng hát của bà.
Dường như trẻ thơ không thích cách diễn tả thê thiết, đau đớn như thế. Lúc đó, những giọng hát trong trẻo, kỹ thuật cao, một đòi hỏi không thể thiếu trong các đài phát thanh, hát những bài ca ngợi tình người và tình đời với những mầu xanh, mầu hồng mới là hay. Như Kim Tước với “Mộng Đẹp Ngày Xanh”, Mai Hương với “Em Tôi” hay Mộc Lan với “Nhớ Nhung”, hoặc Châu Hà với “Thương Tình Ca” là loại tiếng hát thổi lên những giấc mơ đẹp, bình an và thiết tha tình yêu thái hòa…
Phải đến khi ra hải ngoại, sau một cuộc đổi đời của cả xã hội, Quỳnh Giao mới đủ trưởng thành để thích giọng hát Thái Thanh và thích nhất ở những ca khúc bà hát về quê hương, về tình nhân loại, về nhân thế…
Thái Thanh trong loạt “đạo ca” do Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư là lúc tiếng hát tròn đẹp về tình mẹ và về triết lý của cuộc đời. Thái Thanh trong những ca khúc về chiến tranh mới diễn tả hết nỗi bi thương của con người trong thời chinh chiến. “Kỷ Vật Cho Em” hay “Bà Mẹ Gio Linh” là loại tiêu biểu.
Nhưng nghe Thái Thanh, Quỳnh Giao luôn nghĩ đến vai trò lớn nhất mà cũng là vai trò trọn vẹn nhất của bà: vai trò của người mẹ.
Ở giọng hát của Thái Thanh, tình yêu lứa đôi còn quá nhẹ. Bà ngợi ca tình yêu mà như hát cho người chứ không phải cho mình. Trong thập niên 60, khi nhạc tình của Việt Nam lên tới những đỉnh cao không còn thấy nữa, nhờ Phạm Duy, Phạm Đình Chương hay Trịnh Công Sơn, thì Thái Thanh của “Ngày Ấy Chúng Mình” hay “Nghìn Trùng Xa Cách” đã hát cho mọi cặp tinh nhân trên đời.
Trước đấy, khi dân ca được Phạm Duy cải biến để từ thôn quê vào chinh phục thành phố và thúc giục mọi người cùng hát “Em Bé Quê”, “Vợ Chồng Quê” để thương xót quê nghèo, thì Thái Thanh đã sớm góp tiếng và có mặt. Nhưng, Thái Thanh có dáng dấp và phong cách tinh tế và hiện đại hơn vậy, nên cũng trường cửu hơn vậy, khi người ta không còn nhớ gì về dân ca thời kháng chiến.
Duy Cường, con trai Thái Hằng và là cháu ruột của Thái Thanh đã từng nói với Quỳnh Giao khi hai chị em phân tích về những giọng hát: Giọng của Dì Thanh thuộc xu hướng xã hội. Hát cho Người, không hát về Mình. Giọng hát chứa nhiều kịch tính, nhất là bi kịch.
Chỉ khi hát những bài bát ngát tình mẹ, Thái Thanh mới thực sự hát cho chính mình và cho đời sau. Quỳnh Giao cảm thấy như thế khi nghe bà hát “Bà Mẹ Gio Linh” hay “Lời Ru, Bú Mớm, Nâng Niu” của Phạm Duy.
Cũng thế, Phạm Duy nhắc đến người mẹ rất nhiều trong các ca khúc của ông, và hồi ký về tuổi thơ của ông chỉ có mẹ hiền, mà thiếu vắng hình ảnh của người cha. Chúng ta lại hiểu thêm vì sao giọng hát của Thái Thanh lại gắn liền với ca khúc Phạm Duy.
Người Pháp có câu “văn là người”. Quỳnh Giao cũng nghĩ như thế, giọng hát là người.
Thái Thanh có tiếng hát đẹp, như trường hợp của Kim Tước hay Ánh Tuyết, Mộc Lan, Châu Hà. Nhưng Thái Thanh lại khác hẳn mọi người ở khả năng phát âm rất rõ lời. Thái Thanh có sự bén nhạy thiên phú để hát mạch lạc từng câu từng chữ, với âm sắc hoàn toàn Việt Nam.
Cái “hồn Việt” chúng ta nói đến trong tiếng hát của bà được bắt gặp trước tiên ở cách hát cho rõ lời. Cũng vì vậy, đòi Thái Thanh hát nhạc ngoại quốc là chưa bắt được cái “thần” của bà.
Thái Thanh là người hoàn toàn Việt Nam từ cốt tủy. Và hát hay nhất các ca khúc về mẹ.
“Bà Mẹ Gio Linh” của Phạm Duy không thể nào sống mãi trong chúng ta, dù chiến tranh đã tàn, nếu không có cách diễn tả của Thái Thanh, “Giọt Mưa Trên Lá” cũng thế. “Tình Ca” cũng vậy. Ngay trong tiếng nức nở về tình yêu và chinh chiến, từ “Buồn Tàn Thu” xa xưa đến “Kỷ Vật Cho Em” hay “Bài Hương Ca Vô Tận” về sau, Thái Thanh vẫn làm chứng ta rùng mình không vì nỗi lòng thiếu nữ mà là tâm tư của thiếu phụ.
Rồi bỗng thương xót đàn con thơ…
Ai cũng có thể hát nhạc tình dù chẳng cần quặn quại trên sân khấu, và ai cũng có thể hát về quê hương hay chiến tranh, nhưng chỉ có Thái Thanh mới khiến chúng ta bùi ngùi về người mẹ. Trước khi trở thành mẹ hiền, hay mẹ già, biết bao phụ nữ thời ấy đã là người tình, đã có những rung động e ấp của tuổi thanh xuân. Nhưng tất cả đều bị dồn nén, xoá nhòa, để chỉ rưng rưng còn lại là lòng mẹ.
Thái Thanh diễn tả được nỗi niềm ấy khiến chúng ta là người nghe thấy ra một bất công lớn với phụ nữ trong thời chiến, đối với chính người mẹ của mình.
(Trích từ Tạp Ghi của Quỳnh Giao)