Bảo Minh
Những tin tức cập nhật mới nhất về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán trên thế giới trong 24h qua.
(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Trung Quốc Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố.
Thế giới
- Tính đến sáng nay, thứ Bảy 28/3 Úc có 3180 người bị nhiễm, 1405 người ở New South Wales, 574 ở Victoria, 555 ở Queensland, 257 ở South Australia, 255 ở Western Australia, 62 ở ACT, 58 ở Tasmania và 14 ở Northern Territory. 13 người chết, bao gồm 7 ở NSW, 3 ở Victoria, 2 ở Western Australia và 1 ở QLD.
- Tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có ca nhiễm Viêm phổi Vũ Hán hiện là 203 + 2 du thuyền (Diamond Princess và Zaandam).
- Thế giới 24h qua cũng có thêm hơn 64.000 ca nhiễm mới và ít nhất 3.268 ca tử vong mới. Đây tiếp tục là số tăng theo ngày nhiều nhất kể từ đầu dịch.
- Toàn thế giới đã có gần 600.000 ca nhiễm và hơn 27.300 ca tử vong do dịch viêm phổi Vũ Hán. Tỷ lệ tử vong trung bình tăng lên 4.58%.
- Thời điểm hiện tại, dịch viêm phổi Vũ Hán đã hạn chế việc đi lại của hơn 3 tỷ người trên thế giới, tức gần một nửa dân số thế giới.
- 5 nước đã có trên 50.000 ca nhiễm, gồm Mỹ, Ý, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Đức. Trong đó, riêng Mỹ đã vượt quá 100.000 ca nhiễm.
- 9 nước đã có trên 5.000 ca nhiễm (trừ nhóm trên), gồm Pháp, Iran, Anh, Thuỵ Sĩ, Hàn Quốc, Hà Lan, Áo, Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ.
- Mỹ: Trong 24h qua, Mỹ tiếp tục là nước dẫn đầu số ca nhiễm mới và tổng số ca nhiễm. Nước này có thêm tới hơn 18.200 ca nhiễm mới – là số tăng trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch của Mỹ và của thế giới (không tính Trung Quốc do không biết số liệu thực của nước này), nâng tổng số ca nhiễm lên 103.729, cao nhất thế giới. Tổng số ca tử vong hiện là 1.6935, tăng 398 ca so với ngày trước đó. Tỷ lệ tử vong ở mức 1,6%. Tổng thống Trump hôm 27/3 cho biết chính quyền Mỹ sẽ đẩy mạnh sản xuất và mua sắm để có thêm 100.000 máy thở trong 100 ngày tới để phục vụ cuộc chiến chống đại dịch. Ông cũng cho hay những khu vực dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng sẽ tiếp tục bị phong tỏa, còn những khu vực khác không thật sự bị ảnh hưởng sẽ được cân nhắc. Ông Trump đã ra sắc lệnh hành pháp cho phép Lầu Năm Góc huy động 1 triệu quân nhân dự bị của Vệ binh quốc gia để hỗ trợ chống dịch.
- Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/3 đã chính thức ký gói cứu trợ kinh tế kỷ lục 2.200 tỷ USD, cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp tới người dân dưới dạng séc ngân hàng với số tiền dựa vào thu nhập, cung cấp các hỗ trợ tài chính cho bệnh viện và các địa phương thiếu tiền mặt để chống dịch, và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty, doanh nghiệp, ngành hàng không.
- Ý: số ca nhiễm mới tuy giảm so với ngày trước đó, nhưng số ca tử vong mới vẫn rất cao. Trong 24h qua, nước này có thêm 5.909 ca nhiễm mới và tới 919 ca tử vong mới. Ý hiện vẫn là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, đã lên 10,55%. Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý cho biết dịch bệnh tại nước này vẫn chưa đạt đỉnh, tức số ca nhiễm mới và tử vong có thể sẽ tiếp tục có tốc độ tăng cao hơn trong thời gian tới. Do đó, lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ tiếp tục được kéo dài.
- Tây Ban Nha tiếp tục có số ca nhiễm mới và số ca tử vong tăng kỷ lục kể từ đầu dịch: gần 8.000 ca nhiễm mới và 773 ca tử vong mới. Tỷ lệ tử vong đã lên tới 7,8% – là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới chỉ sau Ý. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang lên đến đỉnh điểm khiến các bệnh viện quá tải, các bác sĩ buộc phải chọn người nào có khả năng sống sót cao để điều trị. Tây Ban Nha cũng là nước có số nhân viên y tế nhiễm bệnh nhiều nhất, với gần 10.000 trường hợp.
- Đức: tuy số ca nhiễm mới tăng nhanh khi năng lực xét nghiệm tăng (tăng gần 7.000 ca nhiễm so với ngày trước đó), nhưng Đức có số lượng tử vong rất thấp. Tỷ lệ tử vong ở Đức hiện chỉ là 0,68%. Sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ tử vong của top 5 số ca thế giới hiện là vấn đề khiến các nhà phân tích phải tìm hiểu kỹ.
- Anh: năng lực xét nghiệm tăng, trong 24h qua Anh có thêm gần 3.000 ca nhiễm mới và 181 ca tử vong mới. Tỷ lệ tử vong ở mức khá cao là 5,6%. Đặc biệt, trong ngày qua Anh ghi nhận một loạt ca nhiễm bệnh của top lãnh đạo đất nước: Thủ tướng Borish Johnson, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock. Sau đó, Giáo sư Chris Whitty – giám đốc cơ quan y tế Anh và là trưởng cố vấn khoa học của Bộ Y tế Anh, một trong những người thường xuyên xuất hiện thông báo tình hình dịch bệnh – cho biết ông đã xuất hiện triệu chứng giống như viêm phổi Vũ Hán, và hiện đang tự cách ly.
- Nga cũng là nước có số ca nhiễm tăng cao kỷ lục kể từ đầu dịch, với 196 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 1.000 trường hợp. Điện Kremlin cho biết đã có trường hợp nhân viên đầu tiên nhiễm virus. Người dân Nga sẽ ngừng làm việc và ở nhà từ 28/3 đến 5/4 nhưng vẫn được giữ nguyên lương. Ngoài ra, tất cả nhà hàng, quán cafe đều phải đóng cửa trong thời gian này, ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu.
- Iran: Trong khi số ca nhiễm và số ca tử vong ở nước này tiếp tục tăng cao, thì Iran cũng đã ghi nhận gần 300 người tử vong và hơn 1.000 người bị tổn thương nội tạng do uống chất có cồn công nghiệp do lời đồn rằng có thể chữa COVID-19. Một trong những lý do của thảm kịch trên là nhiều người dân Iran đã mất lòng tin sâu sắc với chính phủ, nghi ngờ chính phủ đã che giấu dịch bệnh và làm giảm độ nghiêm trọng của dịch.
- Indonesia: Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện là nước có số lượng ca tử vong cao nhất với 87 trường hợp, hệ thống y tế đang trở nên quá tải. Tổ chức đại diện cho các bác sĩ tại Indonesia hôm 27/3 nói dịch bệnh tại nước này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thống kê chính thức, và kế hoạch ứng phó của chính phủ đang bị “phá sản”. Nhóm chuyên trách chống dịch của chính phủ trước đó ước tính đến 700.000 người Indonesia có nguy cơ nhiễm virus trên toàn quốc, tuy nhiên Indonesia hiện có mức xét nghiệm rất thấp so với các nước khác, rất nhiều người nhiễm bệnh được cho là chưa được phát hiện.
- Hồng Kông cũng có mức tăng theo ngày cao nhất kể từ đầu dịch, với 64 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 518. Đặc khu này đã ban hành các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất cho đến nay. Người dân sẽ bị cấm tụ tập từ 4 người trở lên ở nơi công cộng; các nhà hàng sẽ phải sắp xếp bàn cách nhau 1,5 m, mỗi bàn không quá 4 khách. Các khu trò chơi, sauna, cơ sở giải trí (quán bi-a, phòng gym, rạp chiếu phim, phòng tiệc) cũng sẽ bị đóng cửa trong 2 tuần tới.
- Singapore: theo luật mới có hiệu lực từ 27/3, người dân có thể bị phạt tù tới 6 tháng nếu cố ý đứng gần người khác. Người dân khi ra ngoài phải cách nhau ít nhất 1m. Những người không tuân thủ các quy định tránh tiếp xúc xã hội khác cũng phải chịu mức phạt lên tới 10.000 SGD (6.907 USD). Singapore cũng đóng cửa quán bar, rạp chiếu phim và tạm dừng nhiều sự kiện, lễ hội lớn.
- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 27/3 đã cảnh báo các chính phủ cần tránh điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona bằng thuốc chưa được chứng minh khoa học.
Bảo Minh (t/h)