Ông “tái thiết ngôn ngữ”: Lã Nguyên

Văn Giá

*Mọi cuộc chuyện đều thuộc về “tái thiết ngôn ngữ”

Nhà văn Lã Nguyên

Không phải chỉ riêng tôi, ai cũng thấy, mỗi lần gặp Lã Nguyên, dù ở bất cứ đâu, tại nhà, trên xe, trong văn phòng, ngoài hành lang hội nghị… chỉ thấy ông nói độc chuyện văn chương, không mấy khi ngoài chuyện khác. Ông khoe vừa viết cái này, dịch cái nọ. Ông lắc đầu thất vọng về người này nói cái nọ, dịch cái kia. Ông đang định viết cái này cái khác. Mà cái sau cùng này là nhiều nhất. Cứ hễ gặp ông, thể nào cũng thấy ông bảo “đang định” này định nọ. Thấy vui.

Tôi là học trò của ông từ ngày học cao học, lại được ông hướng dẫn luận văn về Những cách tân nghệ thuật của truyện ngắn Nam Cao (1989), một vấn đề mà ông rất quan tâm và trước đó đã từng có bài viết công bố. Ngày đó, phận học trò, mỗi lần gặp thầy có phần khép nép. Xin phép đến nhà để nghe ông hướng dẫn. Ông nói nhiều lắm. Tôi mang sổ ra ghi, tốc ký không kịp. Xong rồi mang về nhà đọc lại, rồi nghĩ. Nghĩ xong lại sửa. Sửa xong lại mang đến thầy. Lại nghe. Lại tốc ký. Lại về sửa… Xét ra không dưới chục lần. Rồi mệt quá, tôi mới nghĩ ra mẹo chống đối: tốt nhất là không đến gặp nữa, chờ khi nào xong quyển thì nộp một thể.

Lần cuối đến nhận quyển mang về, ông gạch hẳn một chương, bảo chỉ cần ba chương thôi, được rồi, cứ thế chỉnh trang rồi nộp bảo vệ thôi. Ôi trời, mừng hú. Sau này, khi tếu táo với mấy người thuộc lớp sau được ông hướng dẫn, chúng bảo em cũng y như vậy, càng đến gặp thày nhiều, lại càng thấy hoang mang, tốt nhất là ít gặp.

Chuyện vui thế thôi. Nhưng để muốn nói điều này: ông là người của những ý tưởng, người luôn sinh ra ý tưởng. Nói theo cách của Nam Cao, tâm trí ông lúc nào ý tưởng cũng bay vo ve như bầy ong. Trong xã hội hiện đại phương Tây, ý tưởng chính là hàng hóa, có thể đem bán được. Giả như xã hội Việt Nam mình được vậy, có khi Lã Nguyên đã giàu to.

Sau này, thỉnh thoảng vào việc nọ việc kia, được giao du đây đó đôi chuyến với ông, có hôm cầm lái cho ông đi suốt dặm đường. Mình thì đang căng mắt căng óc để sao cho an toàn, êm ái nhất, nhưng không cần biết, ông vẫn say sưa “tái thiết ngôn ngữ”. Mà gay nỗi, ông nói hay, cuốn hút, không nghe thì tiếc, nghe ngộ nhỡ lơ đãng tay lái thì khốn…

Lã Nguyên là thế. Vốn người mê đắm chuyên môn. Vì lý do gì đó, không được sống với chuyên môn thì ông khổ lắm. Những năm cuối 80 của thế kỷ trước, cả nước lâm vào tình trạng cơ hàn, đói kém. Ngoài việc bận dạy chính khóa, ông lại bận cả luyện thi sà sã kiếm ăn, nên chả viết được là mấy. Dĩ nhiên, trong nghề viết, không phải lấy số lượng làm đầu. Ngày đó, những bài ông viết về câu chuyện cách tân nghệ thuật của Nam Cao, hay về truyện ngắn Ma Văn Kháng cũng đã gây chú ý trong giới nghiên cứu văn học. Vật vã mưu sinh, chèo chống gia đình nhỏ ngoài Hà Nội, gia đình lớn trong Thanh, không ít lần ông than thở: “Thèm viết lắm mà chưa ngồi viết được”.

Sau này, phải từ quãng đầu những năm 90 trở đi, Lã Nguyên mới dần chủ động thoát ra khỏi chuyện cơm áo gạo tiền, vì biết phận mình có muốn giàu cũng chả được, nên chọn cách sống vừa đủ. Lúc ấy, ông mới dành thời gian để tập trung vào dịch, và viết. Thêm nữa, môi trường đào tạo cần đến ông, học trò các thế hệ cần ông, âu cũng là động lực để thúc ông quyết liệt hơn, hào hứng hơn.

Có mấy lần, bệnh tật tưởng quật ông ngã. Nhưng không, ông đã khỏe lại, đã “ngạo nghễ cười chiến thắng”. Ông là người thích đùa, biết đùa, biết cười cợt vào bệnh tật của mình. Như cuộc chạy đua ngầm với thời gian, ông đọc, dịch, giới thiệu, ứng dụng, viết, công bố, gặp gỡ chia sẻ, đối thoại. Người ta thấy ông thiết lập một trang blog để công bố các bài dịch và viết của riêng ông (ngoài trang facebook). Lại thấy, cứ sòn sòn, vài ba năm cho ra lò một cuốn sách, mà cuốn nào cũng dày dặn, bổ ích. Tuyển dịch Lý luận văn học, những vấn đề hiện đại (2012), Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài – Kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại (Chủ biên, 2015), Ký hiệu học văn hóa (dịch và giới thiệu, 2015), Lý luận văn học Nga hậu Xô viết (2017), Số phận lịch sử của các lý thuyết văn học (2018); và mới đây nhất là cuốn sách gây tiếng vang trong giới nghiên cứu, phê bình văn học: Phê bình ký hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ[1] (2018).

Mấy năm gần đây, ông dành thời gian để tâm vào một số cây bút đương đại, và viết về họ với những kiến giải đặc sắc: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Xuân Khánh, Sương Nguyệt Minh, Đặng Thân, Đặng Văn Sinh, Nguyễn Quang Lập… Có người bảo, một số trong các trường hợp kể trên, ông chỉ mượn tác phẩm của họ để minh họa cái khuynh hướng lý thuyết mà ông đang say sưa triển khai thôi. Ô, thì đã sao. Trong nghiên cứu, phê bình, việc chọn trường hợp cũng là một… “biểu nghĩa”. Ông lúc nào cũng đang trên hành trình đi về, đắp đổi đầy cảm hứng giữa hai tư cách: nhà nghiên cứu lý luận văn học và nhà phê bình văn học.

*“Tái thiết ngôn ngữ” cho những “cổ vật” văn bản nghệ thuật

Cái lý do mà tôi gọi nhà nghiên cứu phê bình (NCPB) Lã Nguyên một cách vui vui là ông “tái thiết ngôn ngữ” (mượn chữ của chính ông) là ở chỗ ông lấy khuynh hướng nghiên cứu ký hiệu học văn hóa làm mối quan tâm và theo đuổi nhất quán của mình. Nói một cách tổng quát và không khỏi có chút đơn giản hóa là: toàn bộ hoạt động nhận thức và giao tiếp của con người phải bằng hệ thống ký hiệu, trong đó, văn học là một thứ ký hiệu ngôn ngữ được mã hóa mang tính đặc trưng – ngôn ngữ nội tâm, cấu trúc mật ngữ, câm lặng, như cổ vật khảo cổ; muốn hiểu được ý nghĩa của nó phải giải mã ký hiệu, phải tiến hành tái thiết (“tái cấu trúc”) ngôn ngữ đó. Cho nên, theo ông, toàn bộ sự đọc, tiếp nhận văn bản nghệ thuật chính là quá trình phát hiện và giải mã các ký hiệu được hiểu như những “mô-típ siêu lời nói, siêu ngôn ngữ học”, không phải ngôn ngữ tự nhiên mà là ngôn ngữ nghệ thuật; không phải nghĩa trực tiếp, mà là nghĩa gián tiếp; không phải nội dung đời sống được ký hiệu chỉ ra, mà là sự tương tác và tổ chức của các ký hiệu.

Như vậy, theo hướng này, văn học không còn bị cầm tù trong mô hình “bắt chước”, “phản ánh” nữa, mà chuyển sang mô hình “ký hiệu ngôn ngữ học”, được khai minh bởi “bước ngoặt ngôn ngữ học” mang tính cách mạng của nền khoa học xã hội và nhân văn nửa sau thế kỷ XX .

Trên một tinh thần nhất quán như vậy, Lã Nguyên tiến hành giải mã ngôn ngữ nghệ thuật của một nền văn học mang tên “Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam trên hai cấp độ: “Tiếng nói thời đại” và một số “Ngôn ngữ tác giả” tiêu biểu mà họ thuộc về. Ở cấp độ thời đại văn học, ông đưa ra những nhận định khái quát hết sức thú vị. Nếu xét về chủ thể phát ngôn, thì đó là lời nói của người chiến thắng. Xét về quan hệ giao tiếp, thì đó là cuộc giao tiếp giữa ba chủ thể: chúng ta – chúng nó – mình và ta (bài Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như một hệ hình giao tiếp nghệ thuật[2]). Xét về giọng nói nghệ thuật, ông chia ra hai loại giọng: giọng nói to, giọng nói nhỏ ở mỗi giai đoạn, mỗi tác giả, mỗi thể loại… Ở cấp độ tác giả, Lã Nguyên tìm đến hai trường hợp hết sức tiêu biểu cho nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa: 1, Tố Hữu là tiếng nói nghệ thuật sử thi, của người chiến thắng, kiến tạo nên ba bức tranh thế giới bằng ba loại ngôn ngữ: nhà binh, dòng tộc, hội hè; và bốn mô thức tu từ: thệ, hịch, ca thi, đại cáo; 2, Nguyễn Tuân – nhà văn của các hình dung từ: kỳ nhân, kỳ thú, kỳ quan, quái nhân – những mô hình nghệ thuật như là những ký hiệu văn hóa, ngôn ngữ nghệ thuật đầy biến hóa và nhất quán (Nguyễn Tuân – nhà văn của hình dung từ[3]). Như vậy, cả hai tác giả vừa thừa tiếp các mô hình nghệ thuật từ chương phương Đông, vừa phá vỡ chúng, từng phần, với những phân lượng khác nhau để thiết lập những mô hình mới trong điều kiện văn hóa của thời đại.

Có thể nói, trong phần ứng dụng phê bình văn học, hai bài viết về Tố Hữu và Nguyên Tuân là những minh chứng và đảm bảo xuất sắc nhất cho khuynh hướng phê bình ký hiệu học mà tác giả công trình đã thực hành[4].

Để có được một công trình bề thế như cuốn Phê bình ký hiệu học vừa kể trên, ông đã có một thời gian chuẩn bị dài, hiểu theo nghĩa vật lý của từ này, có lẽ trên chục năm trời. Bằng trực giác bén nhạy của nhà nghiên cứu, cùng với sự thuận lợi về ngoại ngữ có sẵn, ông chọn tiếp cận trường phái ký hiệu học một cách kỹ lưỡng và độc lập. Về điểm này, GS.Trần Đình Sử có thẩm quyền để nói hơn tôi, ông cho biết: “Ký hiệu học của Lã Nguyên không phải là ký hiệu học kiểu F. Saussure, R. Jakobson, R. Barthes, U. Eco, mà là ký hiệu học của trường phái Tartus – Moskva của Y. Lotman, và các nhà ký hiệu học Nga thời kỳ hậu Xô viết, đặc biệt là trường phái M. Bakhtin, N. Tamarchenco, V. Tiupa, Y. Shatin. Phê bình ký hiệu học của Lã Nguyên xuất hiện vào giai đoạn mà sự hạn hẹp của ký hiệu học Saussure được khắc phục, ký hiệu ba thành phần của Peirce được sử dụng. Không phải ngẫu nhiên mà Lã Nguyên không dùng đối lập nhị nguyên cái biểu đạt và cái được biểu đạt, mà lưu ý tới ký hiệu ba thành phần: tên gọi, ý và ý nghĩa. Đây chính là nguyên nhân khiến cho phê bình ký hiệu học của Lã Nguyên khác với nghiên cứu ký hiệu học của Phan Ngọc, Hoàng Trinh và những người khác[5]”. Vừa dịch thuật, giới thiệu, thuyết trình, vừa ứng dụng thực hành, Lã Nguyên đã dựng lên một hướng phê bình mang đậm tính khoa học, giàu tiềm năng và thú vị: phê bình ký hiệu học ở Việt Nam.

Lối phê bình này cực kỳ khổ công. Phải có một tầm nhìn khái quát rất rộng trong không gian lý thuyết, không gian thực tiễn sáng tác cả trong nước và trên thế giới; lại phải nắm rất vững thực thể văn học trong tiến trình lịch sử; không chỉ khảo sát bản thân văn chương mà còn khảo sát cả cái điều kiện diễn ngôn mà nó thuộc về…Với đơn vị tác giả, tác phẩm, lại phải khảo sát thật kỹ các cấp độ ký hiệu, từ kiểu tác giả tới kiểu công chúng tiếp nhận, từ hình tượng tới giọng điệu, ngôn từ… Nó đòi hỏi không chỉ tri giác tốt, lại phải thống kê tỉ mẩn, không khác gì người tỉa lá đếm cây.

Lắm lúc tôi tự hỏi, với cái thể tạng luôn trong trạng thái bất an, ông “tái thiết ngôn ngữ” ấy đã làm việc như thế nào để có được những sản phẩm trí tuệ chất lượng cao như vậy.

*Vẫn rong ruổi trên “hành trình tái thiết”

Như đã nói, ông là người lúc nào cũng ắp đầy ý tưởng. Vừa ngồi lúc, ông đã khoe: tớ đang dịch cái quyển này, ông này hay lắm, ông ấy giải quyết câu chuyện này cách đây nửa thế kỷ rồi, mà ở ta vẫn giờ vẫn loay hoay. Ông bảo: “Chu Văn Sơn nó viết về “Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân” như thế cũng là hay, nhưng tớ thấy chất ông Nguyễn Duy phải là kẻ sĩ, cái tay kẻ sĩ nó mới khí phách thế, kẻ sĩ mới ra ngôn ngữ Nguyễn Duy… Nghĩ thế, nhưng bận quá, chưa viết được”. Có lần ông khoe, mình với ông Sử (Trần Đình Sử – VG) đang bàn với nhau viết lại cái Giáo trình lý luận văn học, cần hiểu lại toàn bộ các khái niệm cơ bản nhất của văn học, chứ để thế này gay lắm. Lần khác ông lại bảo: ở ta chưa có bộ sách Lịch sử văn học theo đúng nghĩa, lịch sử văn học ở ta là lịch sử – xã hội, lịch sử của các tác gia, chứ chưa phải là lịch sử-nghệ thuật; rằng về chuyện này, cánh học giả Nga nó ghê lắm…

Nghĩa là ông vẫn cứ thao thức với các vấn đề/hiện tượng văn chương, vẫn cứ đọc, nghiền ngẫm, và… định viết. Giá như những cái định viết (mà đều hay ho cả) thành hiện thực thì nhà NCPB Lã Nguyên có một bồ sách của riêng, trong khi thiên hạ chỉ có được một bồ.

Ông còn một tư cách nữa, đó là nghề dạy học. Đã có đến già 40 năm trong nghề, thầy giáo La Khắc Hòa (tên thật) đào tạo ra lớp lớp các thế hệ sinh viên, nhiều thạc sĩ, không ít các tiến sĩ văn học. Mỗi khi lên lớp, giọng ông vẫn sang sảng, say sưa, vung tay liên tục, viết bảng có khi phấn gãy lả tả. Ông là người có khả năng truyền cảm hứng cho học trò. Theo được các ý tưởng của ông cũng mệt, nhưng nghe ông lại rất dễ bị thôi miên.

Chuyện văn chương thì là vậy. Một người làm văn chương tới cùng bao giờ cũng lại đụng chạm đến vấn đề lương tâm xã hội. Không biết tôi nghĩ có đúng không, tôi được phép nghi ngờ những người nào nhân danh văn chương nghệ thuật mà đứng ngoài xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện thời.

Lã Nguyên không đứng ngoài dòng chảy thế cuộc. Mấy năm gần đây, ông là một facebooker khá nổi ở việc bám sát tình hình thời sự đất nước, kịp thời đưa tin cảnh báo, đối thoại, đề xuất, đặt vấn đề; hoặc đơn giản hơn là một dòng chữ treo tường mà ông tự chế ra hay trích của một người nào đó, có khi là cả một bài vần vè trào tiếu. Ông thường hóa giải những chuyện nghiêm trọng thành những trạng thái hài hước, giễu nhại. Nhiều khi, ông hiện lên như một người thích đùa, trêu ghẹo, chọc quậy vui tính.

Giống y vậy, trong đời thường ông cũng hay kể chuyện tiếu lâm hiện đại mà ông đọc/nghe đây đó, cũng lắm khi ông bịa ra. Ở đâu có ông, ở đó có tiếng cười. Dường như con người này đã thấy thấm thía việc ứ thừa cái nghiêm trang lắm khi vô ích, giả dối mà thiếu cái trào tiếu nhẹ nhõm thật lòng trong giao tiếp hàng ngày. Nhờ một cách sống như vậy, ông có vẻ đang tiến gần tới hình ảnh của một bậc hiền minh.

Xét theo nghĩa ấy, ông đang là người hạnh phúc.

Hà Nội mùa Covid Vũ Hán, 18/3/2020

VG


[1] Cuốn sách này đã được trao Giải thưởng năm 2018 cho hạng mục công trình xuất sắc nhất thuộc bộ môn NCPB của Văn Việt.

[2] In trong Phê bình ký hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ, NXB Phụ nữ, 2018.

[3] In trong Phê bình ký hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ, sđd

[4] Gần đây, tác giả có một bài viết cũng xuất sắc không kém: “Kiến, chuột và ruồi của Nguyễn Quang Lập trong dòng chảy văn xuôi đương đại Việt Nam, mới công bố trên Văn Việt (kỳ 1kỳ 2), chưa in.

[5] Lời bạt: Lã Nguyên và phê bình ký hiệu học, in trong Phê bình ký hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ, sđd.

Related posts