Tamar Lê
Vào một ngày hè, nắng vàng hoe như những nắng mùa qua, Quỳnh Hương (QH) và tôi được một người bạn quý mời về nhà ăn trưa. Nhà anh ở gần một vùng biển cạnh Geelong, ở đó có biển xanh, nắng ấm với tình người, và không gian và thời gian là điệp khúc hòa quyện với biển khơi.
Tôi đã nhìn thật sâu trong mắt biển
Một thoáng cười như một thoáng bình yên. (HMN)
Một trong những cái charms của anh bạn này là ‘làm ngạc nhiên.’ Anh nói nhỏ với nụ cười úp mở: “Hai anh chị sẽ rất thú vị, và sẽ ‘không bao giờ quên được tâm hồn chiều nay của ta’.”
Thế là QH và tôi không để mất một phút, phóng xe về miền biển khơi. Khi đến nhà thì anh bạn đã chờ sẵn, với nụ cười hiền hòa, đón hai chúng tôi vào nhà và sự ngạc nhiên bắt đầu.
Trước mắt tôi là hai cô nữ sinh viên mà chúng tôi đã nghe tiếng tăm từ lâu. Nếu nói là ‘nữ sinh viên’ thì chắc chắn là thiếu sót vì đây là hai thần tượng của nhiều người ở Việt Nam cũng như hải ngoại, trong đó có cả chúng tôi.
Đó là Hoàng Yến (HY) và Thủy Tiên (TT). Hai bạn bị khuyến tật từ nhỏ, nhưng luôn luôn tin tưởng vào sinh lực, tâm trí và khả năng của mình để tô thêm màu xanh hy vọng cho cuộc đời của mình và của tha nhân. Hoàng Yến được học bổng của Úc qua học tiến sĩ (PhD) ở đại học La Trobe; và điều đặc biệt của học bổng này là TT được kèm theo để giúp đỡ HY trong việc đi lại khi cần.
Đối với những người khuyến tật, tổ ấm không đến với mình một cách dễ dàng. Lý do chính là trong một xã hội thiếu ý thức về nhân quyền và nhân bản, người khuyết tật rõ ràng là bị kỳ thị, và coi thường (maginalised) trong mọi sinh hoạt xã hội. Luận án tiến sĩ của HY cũng như nhiều hoạt động tích cực của người con gái kiên cường này về ‘social justice and empowerment’ cho người khuyết tật đã mang đến cho cô nhiều giải thưởng và huy chương danh dự như Ramon Magsaysay Award (được xem là Nobel Châu Á), giải tôn vinh “Những anh hùng của niềm hy vọng” – 2018, The US President’s Call to Service Award – 2010 (Certificate, badge), Giải thưởng Kazuo Itoga Memorial của Châu Á -Thái Bình Dương – 09/2009, Henry Viscardi Achievement Awards – 2019 (USA)
HY là người sáng lập và điều hành Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), Giảng viên trường Đại học Mở (Open University). Bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên luôn đặt câu hỏi đầy cảm phục: “Chị lấy đâu ra thời gian, sức lực, nhiệt huyết để làm việc, cống hiến cho xã hội nhiều như thế?” Theo Tạp chí Forbes Việt Nam, Hoàng Yến nằm trong list 50 Phụ Nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.
Không những dồn tâm lực cải thiện đời sống của người khuyết tật, HY có lối nhìn sâu đậm hơn cho quê hương Việt Nam mình. Cô thường ước nguyện: Ước gì “Quyền Năng” là chiếc đũa thần mà mình chỉ cần giơ cao thì nước sẽ theo cùng và cuốn trôi hết những cái đập liên quan đến dòng Mekong để Miền Tây thương yêu của chúng ta lại tràn ngập dòng nước mát rượi phù sa.
Chào bác nông phu ra đồng tát nước
Cho tôi làm bụi cỏ mọc ven đê
Ðể mỗi sáng thở mùi hương lúa chín
Lỡ mai xa tôi nhớ lối quay về. (Unknown)
Không những thế, HY và TT còn có tâm hồn rất nghệ sĩ và hát rất hay. QH và tôi luôn đam mê âm nhạc, nên khi nghe TT và HY ca, thì dù con tim có sắt đá hay vô tình đến mấy cũng thấy mình đang đê mê say sưa theo dòng suối nhạc êm đềm, nhất là với giới trẻ đang yêu thì chỉ muốn “mình dìu nhau tới đất nước xa xôi, miền xa ngọt ngào, và rồi nơi đó chỉ có uyên ương xây tổ ấm.”
Nhìn và nghe HY và TT vừa đánh đàn guitar và vừa cất tiếng hát, tôi may mắn được sống lại thời vàng son sôi động của ca nhạc Saigon. Hai cô thiếu nữ yêu kiều này đã mang lại những kỷ niệm và hình ảnh nhẹ nhàng của “nắng Saigon mưa rồi chợt mát” và con đường mơn trớn lá me bay:
“Nắng Sàigon anh đi mà chợt mát”
Con đường này buồn bã lá me rơi
Ngày chia ly là mất hết cả rồi
Chỉ còn lại hàng cây buồn bỡ ngỡ. (Tamar Le)