Trước 75 Nguyễn Nhược Nghiễm dịch nhiều best-sellers: Douglas McArthur, Thần Phong Kamikaze, Tiềm Thủy Đỉnh Tự Sát, Mật Vụ Gestapo, Cánh Hoa Rực Lửa, Tameichi Hara, v.v. nhưng thành công nhất vẫn là hồi ký Samurai của Sakai, mà ông đặt tựa Việt: Những trận không chiến dữ dội nhất lịch sử Thái Bình Dương. Nguyễn Nhược Nghiễm là một dịch giả kỳ cựu, tất cả các bản dịch của ông đều cuốn hút. Tuy nhiên không hiểu vì sao bản tiếng Việt hiện nay ở VN chỉ có 23 chương với 232 trang, so với 31 chương 313 trang của bản Pháp văn, tuy nhập đề và đoạn kết giống nhau. Một số chi tiết cũng khác, chẳng hạn trong lá thư Thay Lời tựa, Trung úy Saburo Sakai viết: “Si le Japon a besoin de moi, si les forces communistes menacent un jour notre patrie, alors je répondrai à l’appel. / Nếu nước Nhật còn cần đến tôi, nếu một ngày nào đó tổ quốc này bị Cộng Sản đe dọa, thì tôi sẽ đáp lại lời động viên. (Samourai, trang 21, Nxb Presses de la Cité, 1957)”.
Bản in sau 1975: “Nếu Nhật Bản cần tôi, nếu quốc gia của chúng tôi bị đe dọa xâm lăng, tôi lại bay nữa.” Hai chữ Cộng sản biến mất.
Vài chi tiết khác: Sakai mở nhà in nhỏ (Imprimerie/ Printing) để kiếm sống mà không phải quán ăn (restaurant) và Takijiro Onishi là phó đô đốc (Vice-amiral/ Vice admiral) không phải đề đốc (Contre-amiral/ Counter admiral) như trong bản dịch trước 75.
Vì giá trị của hồi ký cùng các lý do trên, xin phép dịch giả Nguyễn Nhược Nghiễm cho phép giới thiệu lại bản dịch của ông với hiệu đính, ghi chú và bổ sung thêm từ bản Pháp văn của Robert de Marolles những khi có khác biệt, trên tuần san Trẻ kể từ tuần sau. [Trần Vũ]
Thay Lời Tựa
(Trần Vũ)
“Hải quân Hoàng gia Nhật dạy cho tôi một nghề nghiệp duy nhất: Phi công khu trục. Hủy diệt những kẻ thù của tổ quốc, bay và bắn. Tôi đã sống như vậy suốt 5 năm, trên những vùng trời Trung Hoa và Thái Bình Dương. Tôi không biết đến đời sống nào khác ngoài đời sống của người lính.
Cuộc đầu hàng thảm khốc ném tôi ra khỏi Hải quân. Mang đầy thương tích của những năm chiến tranh nhưng tôi không thể xin bất kỳ một trợ cấp nào. Chúng tôi đã bại trận. Tôi hiểu ra, tiền cấp dưỡng tàn phế dành cho những thương phế binh, cho dù thâm niên quân ngũ, chỉ dành cho binh sĩ của đạo quân chiến thắng.
Chính sách chiếm đóng ngăn cấm tôi làm hoa tiêu, bất kỳ loại phi cơ nào. Trong suốt 7 năm dài, từ 1945 đến 1952, lý lịch phi công khiến tôi bị loại trừ ra khỏi những công việc thuộc phạm vi công chức.
Ðối với tôi, hoà bình đồng nghĩa khởi đầu một cuộc chiến mới, dài hơn và tàn bạo hơn nữa. Tôi phải chiến đấu với những kẻ thù mới, tàn khốc bội phần, sự nghèo túng, đói kém, cùng vô số tước đoạt. Thường xuyên, chính quyền chiếm đóng dựng lên trước mặt tôi, một rào cản ngăn cấm tất cả. Lối thoát duy nhất còn lại là lao động tay chân và sinh sống trong ổ chuột.
Cú đấm chót là cái chết của Hatsuyo. Vợ tôi đã sống sót dưới những trận mưa bom và sống sót qua tất cả những hiểm nguy của chiến tranh nhưng cô không thể kháng cự kẻ thù mới, thứ bệnh trầm trọng của đốn mạt vì suy dinh dưỡng.
Sau cùng, sau những năm bị tước đoạt, tôi cũng dành dụm đủ tiền để mở một xưởng in nhỏ. Làm việc từ sáng đến tối, tôi đủ trang trải phí tổn, rồi kiếm thêm chút đỉnh. Không bao lâu sau, tôi tìm ra quả phụ đô đốc Takijiro Onishi qua nhiều tháng lùng kiếm. Ðô đốc Onishi đã mổ bụng tự sát, ngay sau ngày đầu hàng đã chọn cái chết thay vì chọn sống; khi các thuộc cấp của ông nhận tử lệnh không bao giờ trở lại, vì chính đô đốc đã xây dựng các Phi đoàn Thần Phong cảm tử lừng danh – đâm bổ tự sát.
Bà Onishi, đối với tôi, hơn một quả phụ đô đốc; bà còn là dì của hải quân Trung úy Sasai, một người bạn thiết. Sasai tử vong trên không phận New Guinea trong lúc tôi bị thương nằm bệnh viện. Trong nhiều năm, quả phụ Onishi đã sống khổ cực lây lất, kiếm sống bằng gánh hàng rong. Trông thấy bà quần áo rách rưới kéo lê quang thúng làm dậy lên trong lòng tôi một cơn giận dữ, nhưng lúc đó tôi không có một phương tiện nào để giúp đỡ bà.
Bây giờ, làm chủ một nhà in khiêm tốn, tôi thuyết phục bà làm phụ tá. Không lâu, nhà in phát triển, tôi lại tìm kiếm và thâu nhận thêm nhiều bà goá và thân thuộc của những đồng đội đã hy sinh.
May mắn, thời thế thay đổi. 10 năm đã trôi qua từ khi chấm dứt chiến tranh. Xưởng in chạy việc giúp tất cả chúng tôi tìm lại được một đời sống đầy đủ. Riêng với cá nhân tôi, những năm gần đây đã diễn ra một cách kỳ lạ. Tôi trở thành khách mời danh dự của các Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ và nhiều chiến hạm khác. Tôi vô cùng kinh ngạc trước tiến bộ kỹ thuật của những chiến đấu cơ phản lực. Tôi được mời gặp những phi công Ðồng Minh. Ngồi cạnh họ, tôi trao đổi tự do và kết bạn. Chính đây mới thật sự là điều ấn tượng: Cũng chính những phi công Hoa Kỳ này mà tôi nhắm bắn, cách đây 10 năm, đã dành cho tôi tình bạn tự nhiên của họ.
Nhiều lần, Tân Không lực Hoàng gia Nhật Bản đề nghị tôi tái ngũ với cấp bậc sĩ quan tại chức. Tôi đều từ chối. Tôi không muốn quay trở lại quân ngũ với quá nhiều quá khứ.
Nhưng lái máy bay cũng giống bơi lội: không thể quên dễ dàng. Tôi đã không rời mặt đất từ 10 năm nay, nhưng chỉ cần tôi nhắm mắt, cần lái của chiến đấu cơ lại nằm trong lòng bàn tay phải, cần ga trong tay trái, và bàn đạp dưới chân. Tôi tìm lại tức khắc cảm giác của sự tự do thuần khiết, của hấp lực mời gọi của vũ trụ đầy mây mà tất cả phi công đều biết đến.
Không, tôi đã chưa bao giờ quên những động tác phi hành. Nếu nước Nhật còn cần đến tôi, nếu một ngày nào đó tổ quốc này bị Cộng Sản đe dọa, thì tôi sẽ đáp lại lời động viên. Nhưng với tất cả thành tâm, tôi cầu khẩn Trời cho phép tôi cất cánh vì một lý do nào khác.”
Saburo Sakai, Tokyo 1956.Xem thêm: 40 ngày cách ly
Bản Anh ngữ của Martin Caidin,
New York 1956.
Bản dịch Pháp ngữ của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité 1957.
Trần Vũ dịch từ bản Pháp văn,
Paris 2009.
Thay Lời Tựa
(Nguyễn Nhược Nhiễm)
“Hồi ở trong Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản, tôi chỉ biết một đường lối
duy nhứt là làm sao để điều khiển một chiếc chiến đấu cơ và làm sao để
tiêu diệt cho nhiều kẻ thù của xứ sở tôi. Việc nầy tôi đã làm gần 5 năm,
ở Trung Hoa và trên Thái Bình Dương. Tôi không biết đời sống nào khác.
Tôi là một chiến sĩ của không trung.
Với cuộc đầu hàng, tôi bị quăng ra khỏi Hải Quân. Mặc dù người mang đầy
thương tích và thời gian phục vụ khá lâu, tôi không được lãnh một món
tiền trợ cấp nào cả. Chúng tôi là những kẻ trắng tay, và tiền hưu bổng
hoặc trợ cấp tàn phế chỉ được dành cho những cựu chiến binh của một quốc
gia chiến thắng.
Ngay cả việc ngồi trên ghế lái phi cơ tôi cũng bị nhà cầm quyền chiếm
đóng cấm đoán, không cần biết đó là loại phi cơ gì. Trong 7 năm chiếm
đóng dài đằng đẵng của Ðồng Minh, từ năm 1945 đến 1952, tôi bị cấm nhận
lãnh bất kỳ chức vụ công nào. Việc nầy không có gì khó hiểu tôi từng là
một phi công chiến đấu.
Sự kết thúc của cuộc chiến Thái Bình Dương chỉ mở ra cho tôi một cuộc
xung đột, còn tồi tệ hơn bất kỳ cuộc xung đột nào mà tôi đã từng gặp
trong khi chiến đấu. Có nhiều kẻ thù mới và ghê gớm hơn, nghèo khổ, bệnh
tật, bịnh hoạn và bao nỗi bực bội khác. Nhà cầm quyền chiếm đóng đã xây
một hàng rào sừng sững quanh tôi. Hai năm của một kẻ lao động chân tay
nhọc nhằn nhứt, tôi chui rúc trong các khu ổ chuột, với quần áo đầy chí
rận và hiếm khi no lòng.Xem thêm: Saburo Sakai
Một cú đấm chí tử: cái chết của người vợ thân yêu nhứt của tôi do
bịnh hoạn gây ra. Dưới những trận mưa bom, dưới những hiểm nguy của cuộc
chiến, Hatsuyo đã tồn tại. Tuy nhiên nàng không thể nào thoát khỏi tay
kẻ thù mới nầy.
Cuối cùng, sau nhiều năm thiếu thốn, đói khổ tôi đã góp nhóp dành dụm
tiền để mở ra một quán ăn nhỏ. Có công mài sắt… và ít tia sáng đã nhìn
thấy trước mắt.
Tôi đi tìm ngay góa phụ của đề đốc Takijiro Onishi, mà tôi đã gặp nhiều tháng trước đây. Ðề đốc Onishi đã mổ bụng tự sát ngay sau cuộc đầu hàng vào năm 1945. Ông không muốn sống trong lúc những người nhận tử lịnh của ông không bao giờ trở về. Bởi lẽ, cha đẻ của Thần Phong Kamikaze không ai khác hơn là Onishi.
Ðối với tôi bà Onishi còn hơn là một góa phụ của một vị đề đốc, bà
chính là người dì của Trung úy Sasai, một người bạn thân nhất của tôi.
Sasai đã bay vào cõi chết trên không phận New Guinea giữa lúc tôi còn
nằm trong một bệnh viện.
Nhiều năm nay bà Onishi tàn tạ, rách rưới, lang thang xin ăn trên đường
phố. Tôi xúc động khi nhìn thấy thân thể gầy gò của bà ghém trong manh
áo tả tơi, nhưng tôi không biết cách nào để giúp đỡ.
Bây giờ, với một quán ăn nhỏ, tôi cố thuyết phục bà đến làm việc với tôi. Công ăn việc làm của chúng tôi sớm phát đạt. Tôi lại để ý tìm kiếm và mang về cơ sở thêm nhiều góa phụ khác, cũng như một số anh em của những người bạn thân đã từng bay với tôi và chết trận trước đây.Xem thêm: Ai “giải cứu” Sài Gòn?
Cũng may, mọi việc đều biến chuyển. Hiện thời chiến tranh đã chấm dứt hơn 10 năm rồi. Cơ sở của chúng tôi càng ngày càng phát đạt và những người làm việc với tôi đã phục hồi lại nếp sống của họ.
Quả thật, những năm sau nầy là những năm đầy lạ lùng đối với tôi. Trong tư cách khách mời danh dự, tôi được lên thăm viếng một số Hàng không mẫu hạm và các tàu chiến khác của Hoa Kỳ. Việc thay đổi bất ngờ từ những chiếc chiến đấu cơ Zero, Hellcat cổ lỗ sang các phản lực chiến đấu cơ tối tân khiến tôi kinh ngạc. Tôi đã gặp những người từng đối đầu với tôi trên không, ngồi bên nhau nói chuyện, và tìm thấy tình thân mật.
Nhiều lần tôi được mời cộng tác với tân không lực Nhật Bản, nhưng tôi đã từ chối. Tôi không muốn trở lại quân đội, tôi không muốn quá khứ sống lại trong tôi.
Nhưng bay, cũng giống như bơi lội, không dễ gì quên được. Tôi đã ở
trên mặt đất hơn 10 năm. Tôi luôn luôn thấy như mình đang rờ mó lại tất
cả những dụng cụ trên phi cơ, tất cả những gì mà người phi công đã biết.
Không, tôi không bao giờ quên được nghề bay. Nếu Nhật Bản cần tôi, nếu
quốc gia của chúng tôi bị đe dọa xâm lăng, tôi lại bay nữa. Nhưng tôi
chân thành cầu nguyện rằng đó không phải là lý do để tôi trở về với bầu
trời cao.”
Saburo Sakai, Đông Kinh 1956
Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956
Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm được in lại trong nước sau 1975
Kỳ tới:
Hồi ký Samurai
Chương I – Tuổi niên thiếu của Saburo Sakai