Thu Tuyết
Trong thi ca, âm nhạc và hội hoạ thì hoàng hôn thường là lúc đem lại cho người nghệ sĩ nhiều cảm xúc. Nhiều tác phẩm nổi tiếng được ra đời trong khoảng cuối ngày, thường thì vào mùa thu hoặc đông. Bởi trong không gian xám, chiều làm cho tâm hồn người nghệ sĩ chùng xuống, một cái buồn man mác và xúc cảm tuôn trào…
Với tôi, “Nương Chiều”* là một “Bức hoạ đồng quê” thanh bình, đã nằm sâu trong ký ức khó nguôi ngoai. Lúc ấy tôi 12 tuổi, một cô bé vô tư ngay cả trong tình yêu âm nhạc, chưa đủ khả năng để thẩm thấu được tiếng hát của CS Thái Thanh; nhưng qua ca từ của NS Phạm Duy, bà đã gieo vào lòng tôi một tình yêu quê hương sâu sắc từ đó. Sau này lớn lên, tôi ý thức được rằng: Quê hương là Mẹ và Mẹ chính là Quê hương.
Nói đến Quê hương Việt Nam không thể thiếu hình ảnh: tiếng mõ giục trâu về, là nương khoai ẩn bóng chiều tan: “Lúc chiều về rợp bóng nương khoai. Trâu bò về giục mõ xa xôi”. Là chơi vơi sườn núi bóng áo chàm của người quảy lúa: “Áo chàm về quảy lúa trên vai. In hình vào sườn núi chơi vơi”. Là hương lúa thơm trên con đường mòn yên ả: “Lúc chiều về là lúc yên vui. Qua đường mòn ngửi lúa thơm hơi”. Là dân cày nghỉ mệt trên đồng lúa giữa cơn gió thu chiều: “Thu về đồng lúa nương chiều. Tay dân cày ngừng giữa làn gió”.
Mặc cho tiếng súng oán thương vọng về giữa cánh đồng ngạt ngào hương lúa, vẫn không huỷ được ý chí của người nông dân: “Lúa ngát thơm trên những cánh nương. Tiếng súng xa nghe lẫn oán thương. Đây nhà nông phá rừng gây luống”. Tấm lòng người nông dân yêu nước, một tình yêu mộc mạc nhưng bao la: “Mai về, để lúa trên ngàn. Ta nuôi người gìn giữ non nước. Lấy sức tôi chen với sức anh. Lấy máu tô cho thắm núi xanh. Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh”.
Lãng mạn làm sao, hình ảnh trăng non xuất hiện trên nền trời khi chiều chưa tắt trong tiếng hát nghêu ngao của những cô thôn nữ giữa ngày mùa: “Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ. Cho ngày mùa bài hát nên thơ”. Thật tuyệt vời khi NS phạm Duy nhân cách hoá “hơi thở của nhà sàn” trong âm u cùng nỗi sầu tương tư của suối: “Mái nhà sàn thở khói âm u. Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều”!
Và như một làn gió buốt xoáy vào tim người xa xứ ngóng về quê hương lúc chiều tàn, trong thảng thốt: “Biết chiều nào còn đứng trên nương. Phố phường nhiều, chiều vắng quê hương, ới chiều. Chiều ơi! Chiều ơi!”. Như tiếng nấc nghẹn ngào theo gió đưa tâm hồn của người viễn xứ trở về cội nguồn, nơi đã sinh ra hình hài và nuôi dưỡng những tâm hồn đẹp bằng những hình ảnh chân quê, những lời ca mộc mạc nhưng thấm đẫm tình yêu đất nước.
Bài hát là một ca khúc đẹp và Ca sĩ Thái Thanh đã thổi vào nó một linh hồn bất tử, mà chúng ta, những người con đã rời xa đất mẹ không thể nguôi ngoai khi nghe giọng hát của bà với Nương Chiều.
Vĩnh biệt giọng hát vượt thời gian của CS Thái Thanh. Vĩnh biệt người phụ nữ dịu dàng ẩn đẳng sau một tính cách mạnh mẽ, đã vượt qua bao thăng trầm để nuôi dạy những người con thành người. Một người phụ nữ có nhân cách lớn, đã cống hiến cuộc đời mình cho nền âm nhạc Việt Nam, đã góp phần làm nên những tác phẩm bất hủ để lại cho cuộc đời.
Cám ơn CS Ý Lan đã cho tôi hiểu thêm về bà, để giọng ca và nhân cách của bà còn sống mãi trong tôi và trong chúng ta, những người yêu quí bà.
Thu Tuyết
Melbourne, 22/3/2020
*Nương Chiều: Nhạc và lời của NS Phạm Duy