Thủ tướng Anh Boris Johnson xuất viện
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Boris Johnson hôm nay (12/4) xuất viện ở London và tiếp tục điều trị Covid-19 tại nhà nghỉ dưỡng ở vùng ngoại ô Chequers.
“Theo lời khuyên của đội ngũ y tế, Thủ tướng sẽ không quay trở lại làm việc ngay lập tức. Ông muốn cảm ơn tất cả mọi người ở bệnh viện St Thomas vì đã dành cho ông sự chăm sóc tận tình”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên từ văn phòng Thủ tướng Johnson.
Trước đó, tờ CNN cho biết, Thủ tướng Johnson hôm 11/4 đã phát đi một thông điệp ngắn gọn để cảm ơn các nhân viên của Dịch vụ y tế Anh tại bệnh viện St Thomas.
“Tôi không biết cảm ơn họ thế nào cho đủ. Tôi nợ họ mạng sống của tôi”, Thủ tướng Johnson cho biết.
Daily Mail đưa tin, sau khi biết tin ông Johnson được xuất viện, bà Carrie Symonds, vị hôn phu của Thủ tướng, đã ca ngợi đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện St Thomas. Bà viết trên Twitter: “Tôi không biết cảm ơn sao cho đủ đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) tuyệt vời của chúng ta. Các nhân viên y tế tại bệnh viện St Thomas thật xuất sắc. Tôi sẽ không bao giờ có thể trả ơn và sẽ không bao giờ ngừng cảm ơn các bạn”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, 55 tuổi, đã được đưa đến Bệnh viện St Thomas, ở trung tâm London vào ngày 5/ 4, vì các triệu chứng dai dẳng của bệnh viêm phổi Vũ Hán. Vào ngày 6/4, ông được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt và ở đó đến ngày 9/4.
Reuters cho hay, bởi vì Thủ tướng cần thời gian để phục hồi, nên Ngoại trưởng Dominic Raab có thể vẫn tiếp tục điều hành chính phủ, ít nhất là trong khoảng thời gian này.
Gần 1 triệu chữ ký kêu gọi Tổng giám đốc WHO từ chức
Tính đến ngày 12/4, hàng trăm ngàn cư dân mạng đã ký tên trực tuyến yêu cầu người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải từ chức, với tổng số chữ ký sắp cán mốc 1 triệu lần.
“Chúng tôi tin rằng, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus không phù hợp với vai trò là Tổng giám đốc WHO”, bản kiến nghị đăng trên trang web Change.org tuyên bố.
“Rất nhiều người trong chúng tôi thực sự thất vọng về WHO. Dẫu muốn tin WHO đứng trung lập về chính trị, nhưng xét thấy tổ chức này không mở bất kỳ cuộc điều tra nào. Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ biết tin vào số liệu tử vong và những ca bị nhiễm bệnh mà chính phủ Trung Quốc cung cấp cho họ”, bản kiến nghị cho biết.
Tại một số quốc gia, cư dân mạng phản ánh rằng đường link của đơn thỉnh nguyện bị chặn và họ phải sử dụng công cụ vượt tường lửa mới có thể truy cập được.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, chính trị gia người Ethiopia, đảm nhận vai trò Tổng giám đốc WHO kể từ tháng 7/2017. Ông đang bị chỉ trích về cách xử lý sự bùng phát của virus Vũ Hán, một đại dịch đã khiến hơn 100.000 người trên thế giới tử vong và hơn 1,7 triệu người mắc bệnh.
Cụ thể, theo Fox News, ông Tedros được cho là đã “tin” Bắc Kinh, nên đã đánh giá thấp tác động của virus bắt nguồn từ Vũ Hán. Những số liệu mà giới chức Trung Quốc công bố được cho là thấp hơn so với thực tế, và điều này đã ảnh hưởng đến sự ứng phó dịch bệnh của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trước đó, vào hôm 9/4, trong một bức thư gửi ông Tedros, một số thành viên của Đảng Cộng hòa từ Ủy ban Giám sát Hạ viện ở Hoa Kỳ đã yêu cầu ông tiết lộ mối quan hệ với các quan chức Trung Quốc.
“Trong suốt cuộc khủng hoảng, WHO đã tránh đổ lỗi cho chính phủ Trung Quốc, hay còn gọi là Đảng Cộng sản Trung Quốc”, bức thư viết. “Ông, với tư cách là lãnh đạo của WHO, thậm chí đã đi xa đến mức ca ngợi sự ‘minh bạch’ của chính phủ Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng, trong khi, trên thực tế, chính quyền này đã liên tục nói dối với thế giới bằng cách báo cáo thấp số liệu thống kê về số người nhiễm bệnh và tử vong thực sự của họ”.
Bức thư cũng trích dẫn một thông điệp trên Twitter hồi tháng 1 của WHO, trong đó cho biết chính quyền Trung Quốc không tìm thấy “bằng chứng rõ ràng” về việc chủng mới của virus corona có thể lây từ người sang người.
Vào hôm 8/4, trong chương trình câu chuyện với Martha MacCallum của hãng Fox News, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Peter Navarro nói rằng, Tổng giám đốc WHO là một trong những “đại diện” của chính phủ Trung Quốc.
Thượng Hải: 80 người nghi lây nhiễm trong 1 ngày đều từ Nga về
Sau khi virus Trung Cộng (còn gọi là virus corona mới, virus viêm phổi Vũ Hán) lây lan ra toàn cầu, hiện dịch bệnh đã mất kiểm soát ở Nga. Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết với Nga cũng tiếp tục rơi vào nguy cơ bùng phát. Thượng Hải, Hắc Long Giang, Nội Mông Cổ đều xuất hiện nhiều ca lây nhiễm mới có quan hệ với Nga.
Thượng Hải có 80 ca nghi nhiễm mới, đều ngồi cùng chuyến bay từ Nga
Theo trang tin Caixin đưa tin, máy bay chở khách của Nga này có số hiệu chuyến bay là SU208, tối ngày 9/4 cất cánh từ Sân bay Quốc tế Sheremetyevo, 9:00 sáng 10/4 hạ cánh tại Sân bay Phố Đông Thượng Hải. Trên máy bay có 204 hành khách, trong đó có 80 hành khách nghi có triệu chứng, sau khi nhập cảnh được đưa đến bệnh viện chỉ định để quan sát, những người khác cùng chuyến bay cũng được cách ly tập trung.
Bản tin chỉ ra, sau khi virus Trung Cộng lây lan toàn cầu, nhiều chuyến bay quốc tế bị ảnh hưởng, không ít du học sinh Trung Quốc và người Hoa đi qua Nga để về nước. Sau khi Nga bùng phát dịch, những người Trung Quốc làm kinh doanh tại Nga cũng liên tiếp trở về Trung Quốc.
Ngày 26/3, một hành khách đeo khẩu trang ngồi đợi ở Sân bay Phố Đông Thượng Hải. (Ảnh: Getty Images)
Từ tháng Tư đến nay có 2 chuyến bay từ Nga nhập cảnh vào Trung Quốc, trước đó chuyến bay CA910 hạ cánh tại Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây cũng có 28 người xác nhận lây nhiễm, hơn 200 người cùng chuyến bay cũng buộc phải cách ly quan sát.
Thượng Hải là thành phố đón nhận nhiều chuyến bay quốc tế nhất của Trung Quốc, số ca lây nhiễm nhập ngoại cũng nhiều nhất, hiện thành phố Thượng Hải có tổng cộng 216 trường hợp xác nhận lây nhiễm, 81 trường hợp nghi và đang trong quá trình quan sát.
Caixin đưa tin cho biết, Nga là nước cuối cùng đóng cửa khẩu trung chuyển tới Trung Quốc; từ ngày 23/3, Hãng hàng không Nga (Aeroflot) chỉ giữ lại một tuyến bay với mỗi quốc gia, sau đó đến ngày 27/3 cấm các chuyến bay dân dụng và thuê riêng, nhưng Nga vẫn bảo lưu tuyến bay từ Moscow đến Bắc Kinh.
Dịch bệnh trở lại, thành phố Tuy Phân Hà thực thi cách ly lần nữa
Tính đến ngày 11/4, Nga có 13.584 ca lây nhiễm, trong đó 106 người tử vong. Đối với số ca bệnh ở Nga tăng mạnh, các bên nghi ngờ Nga vẫn chưa tiến hành xét nghiệm sàng lọc virus trên quy mô lớn, hơn nữa cơ quan y tế công cộng cố ý báo cáo thấp số ca bệnh, hoặc nhiều người bệnh được xếp vào bệnh viêm phổi thông thường.
Theo New York Times đưa tin, xét từ tình hình dịch bệnh, Nga e là sẽ nối gót theo Ý, trở thành nước bùng phát dịch bệnh quy mô lớn, hệ thống y tế công cộng của Nga sẽ đối mặt với tác động nghiêm trọng.
Dịch bệnh ở Nga quay đầu làm hại “người anh em bang giao” Trung Quốc, thành phố Tuy Phân Hà tỉnh Hắc Long Giang giáp biên giới Nga gần đây cũng trở thành tiêu điểm kháng dịch của Trung Quốc, liên tiếp 5 ngày xuất hiện số ca bệnh ở mức 2 con số do nhập ngoại, dẫn đến chính quyền buộc phải nhanh chóng xây dựng “bệnh viện container”.
Tính đến ngày 9/4, tỉnh Hắc Long Giang có tổng cộng 155 trường hợp xác nhận lây nhiễm, tuyệt đại đa số đều là nhập cảnh từ cửa khẩu đường bộ Tuy Phân Hà.
Theo ông Cát Hồng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Sức khỏe tỉnh Hắc Long Giang cho biết hôm 11/4, việc cải tạo bệnh viện container Tuy Phân Hà đã hoàn thành, đội ngũ y tế cũng đã thành lập, hiện tại có thể khởi động bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, theo thông tin hôm 11/4 trên WeChat của Đài Phát thanh Trung Quốc, tính đến hiện tại, bệnh viện container của thành phố Tuy Phân Hà vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, hiện vẫn chưa có thời hạn cụ thể một cách chuẩn xác khi nào thì có thể đưa vào sử dụng.
Cùng với số ca lây nhiễm tăng mạnh tại Tuy Phân Hà, chính quyền địa phương lại một lần nữa thực hiện mô hình quản lý khép kín tiểu khu (khu dân cư), bắt đầu từ ngày 8/4, các điểm chốt ở tiểu khu trong toàn thành phố sẽ thực hiện trực 24 giờ. Cũng có quan chức địa phương tiết lộ, mỗi hộ cư dân chỉ có một phiếu thông hành, 3 ngày mới có thể ra ngoài mua đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt một lần.
Mặc dù hiện tại chính quyền Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh dịch bệnh đã thuyên giảm, trong tình trạng có thể phòng và kiểm soát, nhưng tình hình dịch bệnh trong lãnh thổ Trung Quốc vẫn khiến ngoại giới vô cùng lo lắng.
Mông Cổ thông báo khẩn có 36 người lây nhiễm
Ngoài Thượng Hải, thành phố Mãn Châu Lý ở Nội Mông Cổ giáp biên giới với Nga cũng xuất hiện dịch bệnh.
Ngày 11/4, Ủy ban Y tế Sức khỏe Nội Mông Cổ cho biết, đến 9 giờ sáng cùng ngày, thành phố (cấp huyện) Mãn Châu Lý thuộc thành phố Hulunbuir có 36 ca xác nhận lây nhiễm và 12 ca nghi lây nhiễm nhập ngoại.
Thông tin công khai cho thấy, Mãn Châu Lý là thành phố cấp huyện của thành phố Hulunbuir, phía Tây giáp nước Mông Cổ, phía Bắc giáp Nga, là thành phố cửa khẩu đường bộ lớn nhất Trung Quốc Đại Lục, diện tích 732 km2, dân số 300.000 người, chiếm 65% vận tải đường bộ trong thương mại Nga – Trung.
Giống như thành phố Tuy Phân Hà của Hắc Long Giang, trước đó Mãn Châu Lý đã tuyên bố, năng lực kiểm dịch cửa khẩu và xét nghiệm khu vực cách ly vượt quá giới hạn thanh phố. Ngày 8/4, chính quyền thành phố Mãn Châu Lý phát đi thông cáo cho biết, xét thấy số người nhập cảnh từ đường quốc lộ vào Mãn Châu Lý tăng mạnh, năng lực kiểm dịch cửa khẩu và năng lực xét nghiệm khu vực cách ly thành phố đã vượt quá giới hạn, do đó đường vận tải đường bộ Mãn Châu Lý – Zabaikal’sk sẽ tạm đóng cửa vào tối 8/4, thời gian mở cửa trở lại sẽ có thông báo khác.
Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã đưa tin, cửa khẩu đường sắt, đường quốc lộ, hàng không của Mãn Châu Lý đã đóng cửa toàn bộ do dịch bệnh.
Theo tìm hiểu, do tình hình nhập khẩu dịch bệnh từ Nga vào Trung Quốc trở nên nghiêm trọng, chính quyền Mãn Châu Lý đã mở một bệnh viện dự phòng trên cơ sở bệnh viện dành cho nhân viên Công ty Zhamei, bệnh viện dự phòng này có sức chứa 20 giường bệnh, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ ngày 14/4.
Trí Đạt
Người châu Phi ở Quảng Châu bị phân biệt đối xử phải ngủ dưới gầm cầu
Tình hình dịch viêm phổi ở Quảng Châu vẫn tiếp tục lan rộng, chính quyền Trung Quốc chĩa mũi nhọn vào người châu Phi tại địa phương, cho rằng họ là nguồn lây nhiễm virus và yêu cầu họ rời khỏi nhà thuê hoặc khách sạn, khiến một lượng lớn phải ngủ lang thang trên đường, ngủ dưới gầm cầu, không có thức ăn nước uống.
Tờ Sahara Reporters của Mỹ đưa tin, người châu Phi ở Trung Quốc xác nhận rằng họ đã bị áp dụng “lệnh đuổi khách”, chính quyền địa phương đang dùng vũ lực ép người ngoại quốc rời khỏi nơi cư trú. Một số người di cư châu Phi cho biết họ bị buộc rời khỏi nơi cư trú và bị từ chối ở trong khách sạn, nhà hàng.
Thông tấn xã Trung ương đưa tin, Tony Mathias, sinh viên trao đổi 24 tuổi gốc Uganda, người đã bị trục xuất khỏi nơi cư trú vài ngày trước, cũng nói rằng anh đã ngủ dưới cầu trong 4 ngày và muốn mua gì đó để ăn đều cực kỳ khó khăn. “Tôi không thể mua thứ gì để ăn ở bất kỳ đâu, không có cửa hàng hay nhà hàng nào mở cửa. Chúng tôi giống như những người ăn xin trên đường phố.”
Một người Nigeria tiết lộ với CNN rằng, là một doanh nhân, ông thường bay sang Trung Quốc và nghỉ tại khách sạn địa phương, nhưng sau khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, ông chỉ có thể lang thang trên đường phố, mặc dù ông có mang chứng minh thân phận nhưng không thể tìm thấy một khách sạn nào sẵn sàng để ông nghỉ lại, sau khi tìm đến cảnh sát, tất cả họ đều phớt lờ vấn đề của ông. Cuối cùng ông chỉ có thể ngủ trên đường phố.
Một doanh nhân Nigeria khác nói rằng, ông vốn thuê một căn hộ ở Quảng Châu. Khi dịch bệnh bùng phát, chủ nhà cắt nước và điện căn hộ của ông mà không hề đưa ra một lý do gì. Chủ nhà thậm chí còn kêu gọi các quan chức địa phương yêu cầu ông rời khỏi căn hộ.
Báo cáo chỉ ra rằng hiện tại có một nhóm người châu Phi da đen đang lang thang trên đường phố Quảng Châu. Họ buộc phải ngủ trên đường, bị cảnh sát bắt giữ và trục xuất.
Đồng thời, “người da đen là nguồn lây virus” trở thành chủ đề nóng trên Weibo. Xuất hiện rất nhiều bài phát biểu phân biệt chủng tộc, như “người da đen là tầng lớp thấp nhất”, “Đề nghị xóa sạch người da đen trên toàn thế giới“, “Trước đây tôi từng nghĩ ‘Tại sao một số quốc gia phân biệt đối xử với người da đen?’ Bây giờ tôi đã hiểu. “…
Hoàn cảnh của người châu Phi tại Quảng Châu đã thu hút sự quan tâm của Liên minh châu Phi. Chủ tịch Liên minh Châu Phi Musa-Faki-Mahamat nói rằng ông đã triệu tập ông Lưu Dự Tích, Đại sứ Trung Quốc tại Đại sứ Liên minh châu Phi và bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng”.
Bộ Ngoại giao Kenya cũng đã lên tiếng, tuyên bố rằng: “Có một hiện tượng vô trách nhiệm đối với người nước ngoài tại Quảng Châu, đặc biệt là nhiều chủ doanh nghiệp Quảng Châu đang nhắm mục tiêu đến công dân châu Phi”. Tuyên bố cũng chỉ ra rằng Chính phủ Kenya đã nhận được phản hồi từ đại sứ quán Trung Quốc ở Nairobi. Phía Trung Quốc phản hồi rằng họ “sẽ hành động ngay lập tức để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân châu Phi”.
Đáp lại điều này, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng thừa nhận rằng người dân Trung Quốc có “một số hiểu lầm” về người di cư châu Phi. Chính phủ sẽ cải thiện cơ chế và phương pháp làm việc sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, điều đáng nói là chính quyền Bắc Kinh đã tặng vật tư y tế cho 18 quốc gia châu Phi trong tuần này. Hành động hỗ trợ này nhận được sự hoan nghênh ở các nước châu Phi, trái ngược hoàn toàn với tình trạng của người châu Phi ở Quảng Châu.
Eric Olander, tổng biên tập của “Dự án Trung – Phi” cũng chỉ ra trên các phương tiện truyền thông rằng, điều này cho thấy chính quyền trung ương và địa phương có thái độ hành động không thống nhất. “Chúng tôi đã nghe tin tức lạc quan hơn về ngoại giao châu Phi. Nhưng những thương gia người Châu Phi, học sinh và những người quốc tịch khác đã gặp phải những khó khăn ngày càng căng thẳng hơn trong cuộc sống.”
Dịch châu chấu lớn gấp 20 lần đợt trước đã trở lại châu Phi
Theo Associated Press, hiện tại “làn sóng” châu chấu thứ 2 đã trở lại. Hàng tỷ con châu chấu sa mạc non bay từ nơi chúng sinh ra ở Somalia để tìm kiếm và phá hủy thảm các thực vật tươi tốt do những cơn mưa theo mùa.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), dịch châu chấu cho thấy “mối đe dọa chưa từng có” đối với nguồn cung cấp thực phẩm và sinh kế. Các quan chức của tổ chức này cũng cho rằng làn sóng thứ 2 này lớn hơn khoảng 20 lần so với lần 1 đã xảy ra vài tháng trước.
Mùa màng của hàng triệu người có nguy cơ bị phá hoại. Chính điều này đã khiến người dân địa phương tập hợp lại và cố gắng chiến đấu với chúng, bất chấp nguy cơ lây nhiễm virus Corona Vũ Hán.
Một số nông dân ở làng Abokat, gần biên giới Kenya, dùng cách đập chảo kim loại, huýt sáo hoặc ném đá để cố gắng đuổi châu chấu đi. Nhưng cuối cùng họ cũng chỉ biết nhìn châu chấu phá hoại trong sự thất vọng bởi vì họ bị hạn chế đi lại do virus Corona Vũ Hán.
Theo Associated Press, khi một vườn sắn bị phá hủy có nghĩa là nạn đói càng đến gần. Nỗi lo về nạn đói ở ngôi làng khoảng 600 người này cũng phản ánh trên phần lớn của Đông Phi, bao gồm Kenya, Ethiopia và Nam Sudan. Bầy châu chấu cũng đã bắt gặp ở Djibouti, Eritrea, Tanzania và Congo.
Theo đánh giá của FAO: “Tình hình hiện tại ở Đông Phi vẫn cực kỳ đáng báo động khi ngày càng nhiều bầy châu chấu mới đang hình thành ở Kenya, miền nam Ethiopia và Somalia”.
Trung tâm Ứng dụng và Dự báo Khí hậu có trụ sở tại Nairobi cũng cho biết, châu chấu đang “xâm chiếm khu vực Đông Phi với những đàn đặc biệt lớn chưa từng thấy trước đây”.
Theo ông Kenneth Mwangi, một nhà phân tích thông tin vệ tinh tại trung tâm này, những bầy châu chấu mới bao gồm những con non mới trưởng thành rất phàm ăn.
Theo Associated Press, ông Mwangi và các quan chức khác ở Kenya đã kể ra những khó khăn trong việc chống lại sự phá hoại của châu chấu như việc chậm đi qua biên giới và sự trì hoãn của việc cung cấp thuốc trừ sâu do các lệnh phong tỏa liên quan đến virus Corona Vũ Hán.
Anh Yoweri Aboket, một nông dân ở Uganda, cho biết: “Mọi người đều nhắc đến những con châu chấu này. Một khi chúng đáp xuống trong khu vườn của bạn, chúng sẽ phá hủy tất cả. Một số người thậm chí sẽ nói với bạn rằng châu chấu có sức tàn phá mạnh hơn virus Corona. Thậm chí có một số người không tin rằng virus có thể bùng phát tại đây [vùng nông thôn hẻo lánh]”.
Tổ chức FAO dự kiến một đợt dịch châu chấu thứ 3 nữa sẽ xuất hiện vào cuối tháng 6 và tháng 7 – trùng với thời điểm bắt đầu mùa thu hoạch. Tổ chức này đã yêu cầu thế giới viện trợ 153 triệu USD, tăng từ 76 triệu USD để chống lại dịch châu chấu. Cho đến nay, FAO mới chỉ nhận được 11 triệu USD tiền mặt hoặc các cam kết mặc dù những gì họ cần là phải có hành động khẩn cấp trước khi mùa mưa đến khiến số lượng châu chấu bùng nổ trở lại.
Theo Associated Press, phun thuốc từ trên không là cách hiệu quả duy nhất để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp của Uganda nói rằng họ không thể nhập đủ thuốc trừ sâu từ Nhật Bản do sự gián đoạn trong các chuyến hàng quốc tế. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã thất bại trong việc phân bổ hơn 4 triệu USD được yêu cầu để kiểm soát châu chấu.
Theo FAO, trong khi đó, tại Ethiopia – quê hương của khoảng 6 triệu người sống ở các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự bùng nổ của châu chấu, sự phá hoại sẽ gây ra mất mùa quy mô lớn, mất cỏ và mất rừng, làm mất an ninh lương thực và thức ăn”, nếu không được giải quyết nhanh chóng.
Nông dân George Dodds nói với FAO: “Tôi nghĩ, thật không may, vì những điều khác [đại dịch virus Corona Vũ Hán] đang diễn ra trên khắp thế giới, mọi người đang quên mất vấn đề với châu chấu. Nhưng đó là một vấn đề rất, rất thực tế”.
Được biết, vài tuần trước khi virus Corona Vũ Hán bắt đầu bùng phát toàn cầu, dịch châu chấu lần 1 đã quét qua nhiều quốc gia khác nhau ở châu Phi. Theo thống kê của FAO, thiệt hại do nạn châu chấu lần 1 gây ra cho cây trồng là nặng nề nhất ở Đông Phi trong 25 năm qua và trong 70 năm qua đối với Kenya. Somalia và Ethiopia trực tiếp tuyên bố rằng sản xuất nông nghiệp bị đình trệ hoàn toàn, và hàng triệu người đang gặp phải mối đe dọa lương thực chưa từng có.
Châu chấu là loài gây hại di cư lâu đời nhất trên thế giới và châu chấu sa mạc là một trong những loài phá hoại nhất. Số lượng châu chấu trên mỗi km vuông có thể lên tới 40 triệu con, chúng có thể bay 150 km mỗi ngày và ăn hết số thực phẩm dành cho 35.000 người chỉ trong một ngày.
Văn Thiện