- Xuân Thành
Reuters đưa tin Trung Quốc lại điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, cách đất liền Việt Nam 158km.
Reuters dẫn thông tin từ trang Marine Traffic chuyên theo dõi hành trình tàu biển cho biết hôm thứ Ba (14/4), tàu Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xuất hiện tại vùng biển nằm trong EEZ Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158km. Ít nhất có một tàu Hải cảnh Trung Quốc đi theo hộ tống tàu Hải Dương 8.
Dữ liệu từ trang Marine Traffic cũng cho thấy có ít nhất ba tàu Việt Nam đang di chuyển giám sát tàu khảo sát địa chất Trung Quốc.
Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc di chuyển vào EEZ Việt Nam đúng vào thời điểm quốc gia Đông Nam Á đang chuẩn bị hết thời hạn 15 ngày thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về giãn cách xã hội toàn quốc ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Động thái điều tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam cũng đến sau sự kiện một tàu Hải cảnh của chế độ Bắc Kinh đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Trước đó vào cuối tháng Ba, Việt Nam cũng lần đầu tiên gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hôm 30/3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm bày tỏ lập trường trước Công hàm ngày 12/12/2019 phản hồi đệ trình ngày 12/12/2019 của Malaysia và Công hàm ngày 23/3/2020 gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, theo báo chí trong nước Việt Nam đưa tin.
Theo báo chí Việt Nam, “Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”.
Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng bảo vệ Việt Nam trong vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tại Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố họ “quan ngại sâu sắc” về thông tin cho thấy tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
“Chúng tôi kêu gọi PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] duy trì tập trung vào các nỗ lực quốc tế ứng phó với đại dịch [virus corona] toàn cầu, và chấm dứt khai thác sự mất tập trung hoặc dễ bị tổn thương của các quốc gia khác để mở rộng những tuyên bố bất hợp pháp của mình trên Biển Đông”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố gần đây.
Năm ngoài, tàu Hải Dương 8 Trung Quốc cũng đã có mặt tại EEZ của Việt Nam trong nhiều tháng. Thời điểm đó, ít nhất một tàu Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều tuần có mặt tại vùng biển gần một giàn khoan dầu do công ty Rosneft của Nga đang quản lý khai thác theo thỏa thuận hợp tác với Việt Nam.
Xuân Thành