Trung Quốc đổi dòng, chặn nước sông Mekong: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ‘quan ngại’

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vừa ra thông báo bày tỏ sự quan ngại đối với việc Trung Quốc đang làm biến đổi nghiêm trọng dòng chảy tự nhiên của sông MeKong, con sông đang nuôi sống hơn 60 triệu người.

“Chúng tôi hết sức quan ngại khi được biết kết quả từ cuộc nghiên cứu gần đây của công ty Eyes on Earth cho thấy Trung Quốc đang làm thay đổi nhanh chóng dòng chảy tự nhiên đổ vào Lưu vực Hạ nguồn sông Mekong”, báo trong nước hôm 14/4 dẫn lời Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Thông báo ghi rõ dựa trên nghiên cứu của công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn về nước Eyes on Earth cho thấy Trung Quốc đang làm thay đổi nhanh chóng dòng chảy tự nhiên của nguồn nước đổ xuống lưu vực hạ nguồn sông Mekong, với sự ngăn chặn dòng chảy lớn nhất xuất phát từ việc xây dựng và vận hành các đập thuỷ điện lớn.

Nghiên cứu này được Công ty Eyes on Earth Inc tiến hành bằng nguồn tài chính từ chương trình Sáng kiến hạ lưu Mekong của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Đập Tam Hiệp là một trong những đập thủy điện có công suất lớn nhất thế giới. Đập Tam Hiệp nằm ở giữa tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên. Công suất tối đa của nhà máy là 6.448MW, dự án này sẽ tạo ra hơn 60 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm, tương đương hai phần ba lượng điện tiêu thụ của thành phố Bắc Kinh trong năm 2015 (ảnh: Techz).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự tương quan ‘tự nhiên’ mực nước sông với lượng mưa và tuyết tan ở thượng nguồn sông Mekong thuộc Trung Quốc bắt đầu thay đổi từ năm 2012, khi các con đập thủy điện của Bắc Kinh bắt đầu mọc lên. Khác biệt rõ ràng nhất vào năm ngoái 2019.

Trung Quốc che đậy thông tin

Tác động của 11 đập Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông luôn là vấn đề tranh luận lâu nay, nhưng thiếu dữ liệu vì Trung Quốc không công bố thông tin chi tiết về lượng nước mà các đập đang sử dụng để đổ vào hồ chứa, theo Reuters. Dùng công nghệ cảm biến đặc biệt SSMI/S để thu thập dữ liệu vệ tinh từ năm 1992-2019, Eyes on Earth Inc. ước tính các hồ chứa nước của Trung Quốc có tổng công suất hơn 47 tỷ m3.

Thực tế là kể từ khi thông tin về các đập thủy điện Trung Quốc xuất hiện hồi năm 2012, các chỉ số mực nước sông bắt đầu biến động, điều này thể hiện rõ nét nhất vào năm 2019.

Mặc dù cam kết sẽ hợp tác quản lý dòng sông cũng như điều tra nguyên nhân của tình trạng hạn hán kỷ lục năm ngoái, Trung Quốc vẫn không ký hiệp ước nước chính thức nào với các nước hạ lưu sông Mekong.

Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc chính quyền Trung đang kiểm soát sông MeKong. Về nạn hạn hán mà trong đó Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi năm ngoái, tại Bangkok cho rằng đợt hạn hán nghiêm trọng xuất phát từ “quyết định của Trung Quốc về việc chặn dòng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông”.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Trong một thông báo ngày 13/4, Trung Quốc đã ngay lập tức bác bỏ nghiên cứu. Chính quyền Bắc Kinh lập luận rằng tỉnh Vân Nam nước này chịu hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái và trữ lượng nước tại các con đập hạ xuống mức thấp nhất lịch sử. Vì vậy, việc lý giải rằng việc Trung Quốc xây đập trên sông Lan Thương, tên Trung Quốc gọi sông Mekong, gây hạn hán ở hạ nguồn là vô lý.

Dù vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cam kết nước này sẽ làm hết sức mình để đảm bảo “lượng nước xả hợp lý” cho các quốc gia ở hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Tuyên bố của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với dữ liệu của nghiên cứu mới, ông Brian Eyler, giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ) cho biết. “Chính quyền Trung Quốc đang nói dối hoặc những người vận hành đập ở thượng nguồn sông Mê Kông che đậy sự thật”, ông Eyler nói.

Related posts