Bồi thường năm Canh Tý: ĐCSTQ có phải đối mặt với Liên quân 80 nước?

Vũ Dương

Nhà bình luận Trần Phá Không (Chen Pokong) phát biểu tại Oxford Union về chủ đề “Chúng ta không nên chào đón tác động của Trung Quốc ở nước ngoài” (ảnh chụp màn hình video của OxfordUnion trên Youtube ngày 7/8/2017).

Dịch viêm phổi Vũ Hán đang lây lan khắp thế giới, với hơn 200 quốc gia và khu vực thất thủ. Nhiều quốc gia đang dấy lên làn sóng yêu cầu chính quyền Trung Quốc bồi thường thiệt hại với những khoản tiền ước tính lên đến hàng ngàn tỷ USD.

Trong một bài phân tích đăng trên Secret China ngày 11/4, nhà bình luận các vấn đề quốc tế, ông Trần Phá Không (Chen Pokong) cho biết cơ sở pháp lý để các quốc gia yêu cầu Trung Quốc bồi thường là hai văn bản của Liên Hợp Quốc, bao gồm “Các Quy định Y tế Quốc tế” (International Health Regulations) “Trách nhiệm của các nước đối với những hành vi sai trái có tính quốc tế” (Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts).

“Các Quy định Y tế Quốc tế” có nêu: Các quốc gia thành viên cần thông báo một cách chân thực, kịp thời và hiệu quả cho Tổ chức Y tế Thế giới các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Quốc gia nào vi phạm nghĩa vụ này sẽ phải chịu trách nhiệm, trong đó bao gồm việc bồi thường tài chính và kinh tế cho các quốc gia bị thiệt hại.

Trong khi đó, Điều 31 của Đạo luật “Trách nhiệm của các nước đối với những hành vi sai trái có tính quốc tế” quy định rằng các quốc gia thành viên sẽ phải bồi thường đầy đủ những thiệt hại về vật chất và tinh thần do các hành vi sai trái mà họ gây ra.

Đứng trước yêu cầu bồi thường từ cộng đồng quốc tế, chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ ứng phó thế nào? Theo ông Trần, Bắc Kinh có thể sẽ phản ứng theo một trong năm tình huống dưới đây:

Thứ nhất: Lấp liếm & phủ nhận

Theo ông Trần, dựa trên bản chất của ĐCSTQ, họ sẽ không chịu thừa nhận rằng virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, họ sẽ tìm đủ mọi cách để lảng tránh các chủ đề mà cộng đồng quốc tế đưa ra nhằm điều tra về sự bùng phát virus corona ở đại lục. Đầu tháng 1 năm nay, một số chính quyền địa phương đã được yêu cầu phải tiêu hủy các dữ liệu liên quan đến dịch COVID-19.

Thứ hai: Xin lỗi & xử phạt nội bộ

Nếu áp lực quốc tế quá lớn, ông Trần cho rằng ĐCSTQ thể sẽ tìm ra một nhóm những “con dê thế tội” trong nội bộ, chẳng hạn như nhóm 4 người phụ nữ là các nhà nghiên cứu virus và dịch bệnh của Trung Quốc, gồm: Vương Diên Dật, Thạch Chính Lệ, Trần Vy, Khâu Hương Quả. Những người này bị cư dân mạng đặt biệt danh là “bốn nàng virus chúa”. Sau đó Bắc Kinh sẽ công bố xử phạt những người này như một lời xin lỗi mang tính biểu tượng để dập tắt sự phẫn nộ của thế giới, theo nhận định của ông Trần.

Thứ ba: Xin lỗi & bồi thường thiệt hại

Ông Trần cho biết, nếu áp lực quốc tế tiếp tục gia tăng, điều đó sẽ khiến cuộc đấu đá quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ cũng leo thang. Ông nhận định, phe cởi mở và cải cách như Lý Khắc Cường, Uông Dương, Vương Kỳ Sơn… có thể sẽ đánh bại phe cực tả và cứng nhắc như Tập Cận Bình, Vương Hộ Ninh, Lật Chiến Thư…

Là người phải chịu trách nhiệm ở cấp cao nhất trong đại dịch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải xuống đài, theo ý kiến của ông Trần. Nhà bình luận gốc Hoa cũng cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ phải chân thành xin lỗi cộng đồng quốc tế, nghiêm túc đối đãi với các vụ kiện bồi thường, và thúc đẩy những cải cách chính trị theo xu hướng của thời đại, xây dựng lại mối quan hệ từ đầu với thế giới văn minh.

Thứ tư: Chiến tranh Lạnh

Nhà bình luận Trần Phá Không cho rằng, nếu các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ luôn bị chi phối bởi phe cực tả và cứng nhắc, hoàn toàn phớt lờ những lời khiển trách và kêu gọi bồi thường của cộng đồng quốc tế, không quan tâm đến việc bị thế giới cô lập, thì khả năng chiến tranh Lạnh sẽ xảy ra và leo thang về mọi mặt.

Ông Trần cho biết cuộc chiến tranh Lạnh lần này sẽ hoàn toàn khác với chiến tranh Lạnh ở thế kỷ trước. Thời đó, chiến tranh Lạnh là cuộc đối đầu giữa phương Đông và phương Tây, giữa thế giới tự do do Hoa Kỳ đứng đầu và các nước theo chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Lần này, đó sẽ là một quốc gia đối chọi với cả thế giới, tức là ĐCSTQ phải chống lại toàn thế giới. Các đồng minh của Trung Quốc như Nga, Triều Tiên, Pakistan, Iran,… đều đã trở thành nạn nhân của trận đại dịch, nên cũng buộc phải chống lại ĐCSTQ.

Thứ năm: Chiến tranh

Nếu ĐCSTQ không chỉ chối bỏ trách nhiệm, tiếp tục sử dụng đủ loại chiêu trò để gây thiệt hại cho các nước, tiếp tục khiêu khích Đài Loan, bành trướng ở Biển Đông, gây hấn với các nước trong khu vực, vậy thì khả năng sẽ có một cuộc chiến tranh thực sự xảy ra. Đó sẽ không chỉ là chiến tranh Trung-Mỹ hay chiến tranh Trung-Đài-Mỹ, mà là cuộc chiến giữa ĐCSTQ và nhiều quốc gia khác, có thể nói đây là cuộc đối đầu giữa ĐCSTQ với cả thế giới. Thất bại của cuộc chiến là điều mà ĐCSTQ không thể tránh khỏi, và khoản bồi thường ĐCSTQ phải trả còn lớn hơn gấp bội, theo ông Trần Phá Không.

Năm 1899, triều đại nhà Thanh đã lợi dụng “Nghĩa Hòa đoàn”, một phong trào bạo lực để chống lại các thế lực nước ngoài, dẫn đến các vụ tấn công các đại sứ quán, tiêu diệt các đặc phái viên và giết chết các nhà truyền giáo nước ngoài và giáo dân Trung Quốc. Kết quả là vào năm Canh Tý 1901, liên quân 8 nước gồm Nhật, Nga, Đế quốc Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Ý, Đế quốc Áo-Hung, đã chinh phạt Trung Quốc.

Năm 2020 giờ đây lại là năm Canh Tý, nếu chiến tranh xảy ra, điều mà ĐCSTQ phải đối mặt sẽ không chỉ là Liên quân Tám nước, mà có thể là liên quân lên đến 80 nước hoặc thậm chí 110 nước.

“Khoản đòi bồi thường” năm Canh Tý có nguy cơ xảy ra một lần nữa. Sự tương đồng của lịch sử thật khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc, ông Trần bình luận.

Related posts