Tú Anh
Một bài báo của tạp chí “Forbes” lược kê chính sách chống đại dịch Covid-19 có kết quả tốt, tại một số nước đang gây tiếng vang trong giới truyền thông quốc tế. Tất cả đều do phụ nữ lãnh đạo. Nhận định “đàn bà giỏi hơn đàn ông” của một tờ báo có tiếng nghiêm túc nghe rất hấp dẫn nhưng nếu phân tích kỹ thì ngay trong giới phụ nữ cũng không mấy người hài lòng.
Tựa báo phải nói rất hấp dẫn người đọc: “Mẫu số chung của những nước đáp trả hiệu quả virus Corona? Phụ nữ lãnh đạo.”
Các tấm ảnh minh họa cũng hấp dẫn không kém: Các nguyên thủ Đức, Island, Đài Loan Trung Hoa Dân Quốc, New-Zealand , Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch đều khống chế được siêu vi.
Trong số báo phát hành hôm thứ Hai 12/04/2020, tạp chí Mỹ Forbes lưu ý cách sử dụng, huy động công nghệ là vũ khí cốt lõi yểm trợ cho cuộc chiến chống đại dịch truyền nhiễm và làm nổi bật tính quan trọng của lòng chân thành, quyết đoán và tình yêu nước thương dân.
Ba phẩm chất tạp chí Mỹ ca ngợi có làm phụ nữ quốc tế thấy ngất ngây trong lòng?
Cho dù Forbes có thành ý dựa vào các số liệu thống kê đàng hoàng nhưng lý giải theo thuyết “hiện sinh” của tạp chí Mỹ bị giới phụ nữ dấn thân tranh đấu cho nữ quyền phản bác.
Trước hết là tạp chí mạng Les Glorieuses, tiếng nói “phụ nữ vinh quang” tỏ ra mỉa mai: “Toàn là phụ nữ số một. Định đề cũng rất hấp dẫn khen ngợi các xứ do phụ nữ lãnh đạo đều ban hành một chính sách y tế công cộng hiệu quả cho phép chận đứng siêu vi lây nhiễm. Nói tóm lại, đàn bà chúng ta giỏi hơn đàn ông. Vấn đề là lập luận của Forbes sai bét khi khẳng định ba phẩm chất- chân thật, quyết đoán và nhân ái- là tư chất của phụ nữ, nhờ đó mà phụ nữ thành công ở nơi mà đàn ông thất bại”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel được xem là có phẩm chất thứ nhất, ngay từ đầu đã nói thật với dân Đức về nguy cơ nghiêm trọng của siêu vi Corona. Chúng ta còn nhớ lúc đó tổng thống Mỹ Donald Trump còn tuyên bố “nước Mỹ bất khả xâm phạm”.
Phẩm chất thứ hai, có tính thuyết phục nhất, là ban hành các biện pháp đối phó thật nhanh chóng trước khi đại dịch lây cho nạn nhân đầu tiên.Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn là người phản ứng rất nhanh, cấm cửa du khách đến từ Hoa Lục khi thấy Bắc Kinh trấn áp giới bác sĩ ở Vũ Hán. Đài Bắc vì có kinh nghiệm “không nghe những gì cộng sản Trung Quốc nói mà nhìn những gì họ làm”.
Nhưng điểm này cũng không phải là phẩm chất riêng của phụ nữ bởi vì tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng hành động như thế, với kinh nghiệm tương tự với chế độ Bình Nhưỡng. Có lẽ phải dành huy chương cho chuyên gia phân tích tình báo thì đúng hơn.
Phẩm chất thứ ba là lòng nhân ái. Nữ thủ tướng Na uy Erna Solberg được xem là nhà lãnh đạo thể hiện yêu thương của người mẹ khi quyết định tổ chức họp bao dành riêng cho trẻ em, không một người lớn nào được tham dự.
Lý giải của phái nữ: Tài năng không tùy thuộc vào DNA
Không phủ nhận nỗ lực của các vị nữ tổng thống, nữ thủ tướng, lá thư phụ nữ Les Glorieuses phân tích thêm: “Trong bối cảnh khủng hoảng y tế kinh khiếp này, lãnh đạo 7 nước kể trên không đem tấm thân nhi nữ với phẩm chất nữ nhi để đương đầu với thử thách. Họ đem tài ba, khả năng cần thiết để lãnh đạo quốc gia.
Thêm vào đó, còn nhiều yếu tố khác, nhiều thông số khác cần phải đưa vào phương trình để tìm đáp án do đâu mà đại dịch được khống chế tốt ở 7 xứ này: Diện tích lớn nhỏ, hệ thống y tế công cộng, kho dự trữ trang thiết bị y khoa, y phục bảo hộ, khẩu trang, găng tay có sẵn khi tình hình đòi hỏi. Nếu thêm một nước thứ 8 cũng lập được thành tích khả quan là Hàn Quốc, do đàn ông lãnh đạo, thì kết luận càng khập khễnh”, Les Glorieuse kết luận.
Cùng quan điểm với Forbes, lá thư phụ nữ This week in Patriarchy của báo Anh The Guardian cũng nhận định với tựa : “Phụ nữ lãnh đạo làm việc xuất sắc”. Tuy nhiên, nữ tổng biên tập của This week in Patriarchy, bà Arwa Mahdala khuyến cáo: Không có quan hệ nhân quả giữa phụ nữ và hiệu năng chống dịch.
Kết quả tùy thuộc vào quy mô mua sắm khẩu trang, diện tích đất nước, dân số ít hay nhiều, có xét nghiệm đại trà hay không, có đủ số giường cấp cứu hay không. Đó là chưa kể một số chính phủ kể trên may mắn có thời giờ quan sát khủng hoảng xảy ra trước ở nước khác để điều chỉnh chính sách. Nhờ đó mà dân không bị chết như rạ như ở Ý, truờng học không đóng của, dân không bị hạn chế đi lại đến hai tháng như ở Pháp. Hay tình trạng nước Mỹ của Donald Trump.
Do vậy, thứ nhất không thể nói là chỉ có phụ nữ mới có ADN lãnh đạo giỏi khi đất nước gặp nguy biến còn đàn ông thì tồi. Thứ hai, liệu có nên kết luận vội như quan điểm của tạp chí Mỹ: Đã đến lúc phải bầu phụ nữ càng đông càng tốt vào ghế lãnh đạo ?
Đài phát thanh Pháp France Inter, trong chương trình cuối tuần, đặt câu hỏi này với bà Christiane Taubira. Cựu bộ trưởng Tư Pháp của cựu tổng thống François Holland, có chủ trương giáo dục hơn là trừng phạt, phân tích rõ ràng hơn, cho phép thấy được phần nào căn nguyên nguồn cội, vì sao quyền lực khi vào tay một số người phụ nữ lại được thi hành một cách hơp tình hợp lý.
Theo bà Christiane Taubira, thay vì dùng biện pháp mạnh, người phụ nữ nhìn vấn đề một cách xuyên suốt, thấy rõ đầu dây mối nhợ vận hành xã hội. Từ lâu rồi, họ chiếm đa số trong ngành y tế và tận tụy săn sóc bệnh nhân không thua đồng nghiệp nam giới.
Do vậy, phụ nữ là những nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất trong bối cảnh đại dịch. Nhưng không phải vì họ là phụ nữ mà là vì họ có khả năng. Cho nên chưa phải lúc bầu phụ nữ lên cầm quyền như tạp chí Forbes của Mỹ đề xuất mà phải bầu thật nhiều người có khả năng.
Dù sao đi nữa, tình hình khủng hoảng hiện nay cho phép có thêm một nhận xét: Dù có quyền lực hay không, người phụ nữ đóng vai trò cốt lõi trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Tú Anh