Trung Quốc lập chính quyền quản lý Hoàng Sa, Trường Sa
Chính phủ Trung Quốc vừa phê duyệt việc thành lập 2 huyện đảo để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Báo trong nước thông tin, mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) ngày 18/4 loan tin chính phủ Trung Quốc vừa thông qua quyết định thành lập 2 huyện đảo là Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa để quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở khu vực Biển Đông.
Theo CGTN, trụ sở huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và trụ sở huyện đảo Nam Sa sẽ đặt ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là khu vực Trung Quốc đang chiếm đóng, trong đó Hoàng Sa là quần đảo mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm của Việt Nam vào năm 1974.
CGTN khẳng định ngoài việc quản lý các đảo, đá và thực thể tại hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, “chính quyền Tây Sa và Nam Sa sẽ quản lý luôn các vùng biển xung quanh”. Hiện có khoảng 1.800 cư dân sinh sống ở Tam Sa.
Hồi năm 2012, Trung Quốc đã lập thành phố Tam Sa để quản lý 2 quần đảo.
Chữ Thập là một trong 7 thực thể tại Trường Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng, kiểm soát trái phép và cải tạo bất hợp pháp thành đảo nhân tạo.
Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng các đường băng, nhà chứa máy bay chiến đấu, rađa, nhà cao tầng và các công sự chiến đấu khác bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc cũng đồng thời đòi các quần đảo này phải có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, trái với luật quốc tế.
Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng, xây lấp và triển khai vũ khí ra các quần đảo này, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Từ ngày 30/3 đến 10/4 vừa qua, Việt Nam đã liên tục gửi 3 công hàm đến Liên Hiệp Quốc để phản đối những đòi hỏi về chủ quyền này của Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã ngay lập tức bác bỏ 2 trong 3 công hàm trên và nói rằng công hàm Việt Nam ‘phi pháp, vô hiệu’, theo BBC.
Việt Nam chống Covid-19: Thành tích và nỗi lo chế độ toàn trị trở lại
Ý nghĩa nhiều mặt của kinh nghiệm Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, với nhiều điểm tích cực và tiêu cực, cũng là một đề tài chính của L’Obs, qua bài viết của nhà báo Pháp gốc Việt Đoàn Bùi. Theo nhà báo Đoàn Bùi, trong một thời gian dài bị coi là ‘‘nước nghèo’’, Việt Nam – ‘’một ốc đảo cộng sản tại Đông Nam Á’’ – đã được Tổ Chức Y Tế Thế Giới khen ngợi về các biện pháp đối phó với dịch Covid-19. Xếp hạng thứ 47 trong số các nền kinh tế thế giới, Việt Nam không có được phương tiện như Singapore hay Hàn Quốc, tuy nhiên, theo Đoàn Bùi, Hà Nội đã có một chiến lược hiệu quả, ‘‘với chi phí thấp’’. Cụ thể là từ rất sớm đã tiến hành cách ly trên diện rộng những người thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm, vận động tuyên truyền rộng rãi trong dân chúng về nguy cơ dịch bệnh, tổ chức truy lùng quy mô những người trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp xúc với người mang virus…
Tuy nhiên, trong phần kết luận bài viết, nhà báo L’Obs cũng chỉ ra phương thức kiểm soát hiện nay đang có nguy cơ kích hoạt lại hệ thống kiểm soát người dân, ”với bàn tay sắt’’, của chế độ cộng sản trước đây, khi mỗi người dân có thể bị chính các láng giềng, thân nhân của mình theo dõi. Mọi quan hệ riêng tư của công dân có thể bị phơi bày trước con mắt bàn dân thiên hạ, nhân danh cuộc chiến chống dịch. Nhà báo Bùi Đoàn đặt câu hỏi với đầy lo ngại Nhiều người Việt Nam tự hào vì chính quyền bảo vệ được người dân trước virus corona và thành tích của Việt Nam chắc chắn hơn hẳn châu Âu hay nước Mỹ, nhưng ‘’với cái giá nào?’’.
Thời tiết 19/4: Cả nước nắng nóng, có nơi 37 độ
Do ảnh hưởng rìa phía nam của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp phía Tây, hôm nay (19/4), nắng nóng sẽ xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 20-22/4, nắng nóng sẽ sẽ xảy ra diện rộng ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.
Dự báo thời tiết cho các vùng trên cả nước:
Phía Tây Bắc Bộ: Hôm nay ngày nắng 31-34 độ, khu Tây Bắc nắng nóng 34-37 độ; đêm có mưa rào và giông vài nơi, nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ, có nơi dưới 20 độ.
Phía Đông Bắc Bộ: Tăng 4 độ so với hôm qua, phổ biến 30-33 độ, trời nắng; đêm có mưa vài nơi, nhiệt độ giảm còn 21-24 độ, có nơi dưới 21 độ.
Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế: Ngày nắng nóng 34-37 độ; chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Đà Nẵng – Bình Thuận: Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ, trời nắng, phía Bắc có nơi nắng nóng trên 35 độ; chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Tây Nguyên: Ban ngày nắng với nền nhiệt 32-35 độ, có nơi nắng nóng trên 35 độ; chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi, trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ giảm khi về đêm, còn 19-22 độ.
Nam Bộ: Ngày nắng nóng 34-37 độ; chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Hà Nội: Trời nắng với nền nhiệt dao động 30-33 độ, đêm có mưa vài nơi, nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ.
Đề xuất người bán hàng rong, cửu vạn, xe ôm… được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa trình Chính phủ dự thảo quyết định về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với một số thay đổi so với dự thảo trước đó.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chuyển thẩm quyển quyết định tất cả các đối tượng nhận hỗ trợ của gói an sinh xã hội về cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, thay vì có cấp Phòng và Sở LĐ-TB&XH như trước đó.
Đối tượng lao động tự do được xác định một số nhóm và đối tượng cụ thể, tập trung vào những công việc cơ bản như người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định, người thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), xe xích lô chở khách, bán vé số lưu động (không bao gồm các đại lý), người tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thể thao, giải trí.
Các điều kiện của đối tượng này chỉ cần có cư trú hợp pháp tại địa phương, và giảm sâu thu nhập. Những điều kiện như hộ khẩu thường trú, tạm trú, không sở hữu đất nông nghiệp… đã được loại bỏ, sửa đổi trong dự thảo vừa trình.
“Kinh nghiệm của Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương đã triển khai cho thấy người lao động tự do được hưởng chính sách hỗ trợ chủ yếu ở chính quyền cơ sở, phường xã nơi sinh sống song cũng có thể ở nơi lao động tạm trú khi có xác nhận chưa nhận được sự hỗ trợ từ quê quán” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tại cuộc họp trực tuyến của thường trực Chính phủ sáng 10/4.
Theo đó, người lao động tự do gặp khó khăn, có nhu cầu hỗ trợ sẽ kê khai theo mẫu gửi UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp (có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú). Trong 5 ngày làm việc, UBND cấp xã tổ chức rà soát và lập danh sách người lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị – xã hội và công khai với cộng đồng dân cư.
Trong 2 ngày làm việc, UBND cấp xã sẽ niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách của UBND cấp xã, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng lao động. Đối với nhóm đối tượng có hợp đồng lao động nghỉ việc không lương, quá trình giải quyết hồ sơ rút gọn còn 10 ngày làm việc thay vì 25 ngày như trước. Đối với các hộ kinh doanh cá thể, lao động bị chấm dứt hợp đồng chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp…, thời gian được rút gọn từ 7-9 ngày làm việc (giảm 4-6 ngày làm việc).
Dự thảo bổ sung thêm điều kiện đối với doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động như doanh nghiệp phải chứng minh đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động và đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương (đối với doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương). Ngoài ra, doanh nghiệp phải trả trước đó 50% tiền lương tối thiểu ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 31/12/2019.
Khi doanh nghiệp đứng ra vay lãi 0% để trả lương, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động.
Ông Dung cho biết hiện các địa phương đã có danh sách của nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Nếu Chính phủ ra Nghị quyết trong tuần này thì trong tháng 4, những đối tượng này có khả năng được nhận hỗ trợ; còn lao động không có hợp đồng, lao động tự do… phải chờ các đơn vị rà soát, thống kê nên sang tháng 5 có thể bắt đầu nhận được hỗ trợ.
Trước đó, ngày 9/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết thông qua các biện pháp hỗ trợ lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Gói hỗ trợ hơn 62.000 tỷ đồng.
Khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ, bao gồm:
– Người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng
– Đối tượng bảo trợ xã hội.
– Hộ nghèo, hộ cận nghèo.
– Người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương.
– Người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng.
– Người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động.
– Hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định một số chính sách khác hỗ trợ người lao động có quan hệ lao động bị ảnh hưởng sâu do dịch COVID-19.
Nguyễn Quân