Nghi can mặc giả cảnh sát Canada nổ súng khiến hơn 10 người chết
Cảnh Sát Canada ở Nova Scotia hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Tư, bắt giữ được nghi can Gabriel Wortman, 51 tuổi, sau cuộc săn lùng do báo cáo xảy ra nổ súng tối Thứ Bảy khiến có hơn 10 người chết và một số người bị thương, theo tin từ các cơ quan truyền thông.
Bản tin của Reuters vào chiều ngày Chủ Nhật nói rằng trong khoảng thời gian 12 giờ đồng hồ, nghi can đã bắn chết hơn 10 người, với ít nhất một nạn nhân là cảnh sát viên.
Theo bản tin của tờ New York Times, giới hữu trách vào lúc khoảng 10 giờ 30 tối Thứ Bảy được báo cáo là có vụ nổ súng ở khu vực thôn quê Portapique, nằm cách Truro, Nova Scotia chừng 35 dặm (khoảng 56 km).
Một nữ phát ngôn viên cảnh sát, Hạ Sĩ Lisa Croteau, hôm Chủ Nhật nói rằng có một số nạn nhân nhưng không cho biết con số rõ ràng hay về tình trạng của họ.
Cảnh sát nói kẻ nổ súng là Gabriel Wortman, 51 tuổi, bị bắt lúc khoảng 11 giờ sáng ngày Chủ Nhật. Hiện chưa rõ nguyên do gây ra nổ súng và nghi can đã bị bắt như thế nào.
Trong thời gian có cuộc truy lùng, giới chức công lực khuyến cáo dân chúng hãy ở trong nhà, khóa cửa lại.
Trong cuộc họp báo hôm Chủ Nhật, Thủ Tướng Canada Justin Trudeau cũng đề cập đến vụ nổ súng này và cám ơn lực lượng cảnh sát nhanh chóng truy tầm, bắt giữ nghi can.
Trong báo động đầu tiên với công chúng sau khi xảy ra nổ súng, cơ quan công lực nói rằng nghi can mặc sắc phục cảnh sát RCMP và đi xe của cảnh sát mang số 28B11.
Giới hữu trách khẳng định nghi can không là nhân viên công lực. Nghi can sau đó đổi xe, được thấy lái chiếc Chevrolet Tracker màu bạc trong vùng Milford.
Trong viễn cảnh tươi sáng nhất, Châu Phi vẫn có thể hứng chịu kỷ lục 300.000 ca tử vong do Covid-19
Một báo cáo mới cho biết có khả năng đại lục Châu Phi có thể sẽ hứng chịu 300.000 ca tử vong do Covid-19 trong năm nay dưới kịch bản tốt nhất, theo Daily Caller.
Ủy ban Kinh tế Châu Phi của Liên Hợp Quốc nhận định, trong trường hợp xấu nhất và không có sự can thiệp chống lại virus corona, Châu Phi có thể chứng kiến 3,3 triệu người chết và 1,2 tỷ người nhiễm bệnh, hãng tin Associated Press cho biết trong một bản tin hôm thứ Sáu (17/4).
Châu Phi có thể ghi nhận hơn 122 triệu ca nhiễm ngay cả khi áp dụng “biện pháp giãn cách xã hội tích cực” trong hoàn cảnh tốt nhất. Tuy nhiên, trong bất kỳ kịch bản nào, Covid-19 cũng sẽ mang đến gánh nặng rất lớn cho Châu Phi với hệ thống y tế mỏng manh và thiếu thốn. Trong kịch bản tốt nhất, sẽ cần đến 44 tỷ đô la để chi tiêu cho dụng cụ xét nghiệm, điều trị và đồ bảo hộ cá nhân, theo báo cáo. Còn trong trường hợp xấu nhất, châu lục này sẽ phải rút hầu bao đến 446 tỷ USD. Các chuyên gia cảnh báo chỉ vài tuần nữa tình hình ở châu Phi sẽ như ở châu Âu. (Chi tiết)
Tờ báo lớn nhất nước Đức gửi thông điệp đến Trung Quốc: ‘Các vị đang đẩy thế giới vào vòng nguy hiểm’
Tổng biên tập tờ Bild – tờ báo có lượng phát hành báo giấy lớn nhất nước Đức, và cả ở Châu Âu – vào hôm thứ Năm (16/4) đã phát động một cuộc tấn công trực diện vào chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi chính quyền nước này đã thất bại trong việc cung cấp thông tin minh bạch về sự bùng phát dịch Covid-19 tại nội địa Trung Quốc, bên cạnh các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Julian Reichelt, tổng biên tập nổi tiếng của tờ Bild, trong bức thư ngỏ gửi cho ông Tập đã nói rằng:
“Đại sứ quán của các vị ở Berlin đã gửi một bức thư ngỏ cho tôi, sau khi chúng tôi đặt câu hỏi trên tờ Bild rằng liệu Trung Quốc có nên bồi thường cho các tổn hại kinh tế khổng lồ mà dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu hay không”.
Ông viết rằng, “Ông [ý chỉ Tập Cận Bình], chính phủ và các nhà khoa học của ông từ lâu đã biết rằng Covid-19 rất dễ lây nhiễm, nhưng lại để thế giới mù tịt về điều này. Các chuyên gia hàng đầu của ông đã không trả lời khi các nhà nghiên cứu phương Tây yêu cầu được biết những gì đang diễn ra ở Vũ Hán. Ôm giữ chủ nghĩa dân tộc, ông đã quá ngạo mạn để có thể nói ra sự thật, điều mà ông có thể cảm thấy là một sự ô nhục quốc gia”.
Tổng thống Trump muốn đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy (18/4) đề nghị đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc sau khi bùng phát dịch virus Vũ Hán, thường được gọi là virus corona chủng mới, theo tờ The Epoch Times.
“Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc đã từng rất tốt cho đến khi họ làm điều này. Hãy nhìn xem, chúng ta vừa ký một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong đó họ sẽ mua 250 tỷ USD hàng hóa của chúng ta mỗi năm, bao gồm từ 40 đến 50 tỷ USD hàng nông sản từ nông dân Mỹ. Sau đó thì đột ngột xảy ra việc này”, ông nói với báo chí trong một cuộc họp báo của Lực lượng Đặc nhiệm Nhà Trắng Chống dịch Virus corona.
“Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có nên tức giận với Trung Quốc không? Câu trả lời có thể rất rành mạch là ‘Có’”.
“Nhưng điều này còn tùy thuộc. Liệu đây có phải là một sai lầm ngoài ý muốn? Hay nó được thực hiện có chủ ý? Dù sao, trong cả hai trường hợp, họ vẫn nên cho chúng tôi đi vào Vũ Hán. Từ rất sớm chúng tôi đã yêu cầu được đi vào Vũ Hán để điều tra tình hình dịch bệnh nhưng họ lại không để chúng tôi vào”, ông Trump nói.
Chính quyền Trump muốn chuyển ngân sách của WHO cho các tổ chức tương tự như Hội Chữ thập đỏ
Văn phòng Ngân sách Nhà Trắng gần đây đã yêu cầu các cơ quan liên bang tái phân bổ ngân sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho các tổ chức khác có vai trò tương tự, như Hội Chữ thập đỏ hoặc Tổ chức Cứu trợ Quốc tế Samaritan’s Purse, một tổ chức truyền giáo nhằm giúp đỡ những người gặp khó khăn về thể chất, theo The BL.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố đình chỉ tài trợ cho WHO hồi đầu tuần vì sự quản lý yếu kém của tổ chức này đối với đại dịch Covid-19.
Mỹ là một trong những nước đóng góp lớn nhất cho WHO, tài trợ từ 400 triệu đến 500 triệu USD hàng năm, Tổng thống Trump cho biết trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 14/4. Một phần lớn trong những đóng góp đó là tự nguyện.
Mỹ và Anh lên án Hồng Kông bắt giữ người ủng hộ dân chủ
Mỹ và Anh đã lên án các vụ bắt giữ, ít nhất là 14 nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu ở Hồng Kông, với cáo buộc tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm ngoái, theo AP.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong một tuyên bố đã lên án các vụ bắt giữ như sau:
“Bắc Kinh và các đại diện của họ tại Hồng Kông tiếp tục có những hành động không phù hợp với các cam kết được đưa ra theo Tuyên bố chung Trung-Anh bao gồm sự minh bạch, tính pháp quyền và sự đảm bảo Hồng Kông sẽ tiếp tục được ‘hưởng mức độ tự trị cao’”.
Nhận định về tình huống này, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr nói những sự kiện này đã cho thấy “các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối nghịch như thế nào đối với những nền dân chủ tự do phương Tây. Những hành động này – cùng với các hoạt động gây ảnh hưởng ác độc và gián điệp công nghiệp tại Hoa Kỳ – một lần nữa chứng minh rằng ĐCSTQ là không thể tin tưởng được”.
Trong cùng diễn biến, Bộ Ngoại giao Anh cũng đã chỉ trích các vụ bắt giữ, và nói rằng “quyền được biểu tình ôn hòa là giá trị nền tảng ở Hồng Kông, điều này được bảo vệ trong cả Tuyên bố chung và Luật cơ bản”.