Tin Việt Nam liên quan đến cô gái bán rau ở Bãi Cháy

Câu chuyện cô gái bán rau ở Bãi Cháy

Trân Văn

Có lẽ chẳng riêng vợ tôi mà còn nhiều người ứa nước mắt khi xem cảnh một cô gái bán rau khóc, van – nài nỉ một người cũng là phụ nữ như cô… “thương cháu, tha cho cháu” vì… “cháu đã bị bắt rồi, cháu không có tiền, con cháu bé, đừng lấy của cháu nữa” (1)…

Tuy người xem không có bất kỳ thông tin nào về cô gái bán rau nhưng ai cũng có thể đoán ra tại sao cô lại vi phạm qui định cấm tụ tập, hạn chế giao tiếp để ngăn chặn COVID-19 lây lan: Con cô đang đói!

Đó cũng là lý do hàng chục người đàn ông, có người mặc cảnh phục, có người mặc đồng phục dân phòng, có người mặc thường phục, vây quanh cô gái bán rau ngần ngừ, không nỡ xuống tay… Đó cũng là lý do khiến người nào đó hình như là khách mua rau ngỏ lời xin cho cô…

Người ta không thấy, không nghe vị khách ấy nói gì, chỉ nghe người phụ nữ chỉ huy “lực lượng thi hành công vụ” chất vấn: Chị trả tiền chưa? Trả rồi thì về đi!.. Nước mắt, những lời cầu xin của cô gái bán rau không lay chuyển được người phụ nữ giữ vai trò chỉ huy. Bà gọi cô gái bán rau là… con điên và đanh giọng ra lệnh cho thuộc cấp: Không nói nhiều. Thu giữ, mang về phường!…

Lúc những người đàn ông thực thi công vụ bắt đầu lượm những trái mướp, bó rau từ chiếc xe thồ đã đổ xuống lòng đường để bỏ lên công xa, cô gái bán rau cuống quít xoay qua, xoay lại để ngăn cản và khi nhận ra mớ rau trái – chén cơm của cô, của người thân – lại bị giựt khỏi tay của cô thêm một lần nữa, cô chụp lấy con dao dùng để cắt rau, gọt mướp như nỗ lực cuối cùng để xin “đừng lấy của em” – bảo vệ cơ hội sinh tồn của cô và gia đình… Xem video clip có thể thấy rất rõ, cô chẳng có ý định chém ai, chính xác là cô không dám chém ai, con dao chỉ giống như cái phao khi nài van không có người nghe. Cũng vì vậy, những người thi hành công vụ rất dễ dàng khống chế cô…

Thêm một lần nữa, tiếng người phụ nữ chỉ huy lực lượng thi hành công vụ lanh lảnh trỗi lên, xua đuổi những đồng loại chứng kiến sự việc, không kiềm chế được bất bình nên can ngăn: Các chị về đi!..

Đồng thời đanh giọng bảo thuộc cấp: Cầm dao chém lại “lực lượng”! Khóa tay lại! Công an… khóa tay lại… Chống đối người thi hành công vụ… Khóa tay lại… Cho lên xe! Đưa về xử lý! Lên xe giữ “nó”, đề phòng “nó” nhảy xuống!..

***

Trong bối cảnh như hiện nay, khi chưa ai biết bao giờ mới có vaccine ngừa COVID-19, bao giờ y giới mới tìm ra thuốc đặc trị loại virus này, cấm tụ tập, hạn chế giao tiếp là biện pháp chẳng đặng đừng mà nhiều quốc gia cùng áp dụng để bảo vệ sinh mạng công dân của mình, không để COVID-19 trở thành một đợt thảm sát. Chẳng riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng có nhiều triệu người cứ ráo mồ hôi là hết gạo và lệnh cấm tụ tập, hạn chế giao tiếp đẩy người nghèo vào thực trạng thiếu đói…

Những quốc gia khác chỉ khác Việt Nam ở chỗ, song hành với cấm tụ tập, hạn chế giao tiếp là nhiều giải pháp khác nhau để giúp những người yếu thế không rũ rượi. Cho dù cuối tháng trước, Thủ tướng Việt Nam chính thức thừa nhận: Mấy tháng nay, nhiều người khổ lắm rồi, nhiều gia đình khó lắm rồi (2)… cho dù chính phủ loan báo đã dành 61.580 tỉ hỗ trợ những cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn, tùy trường hợp mà một cá nhân, một gia đình, những cơ sở kinh doanh nhỏ sẽ được hỗ trợ một lần 500.000 đồng hay từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng (3), song đến giờ, ai thắc mắc, đến đâu để nhận khoản trợ giúp chính thức ấy, câu trả lời phổ biến là: Lên… TV mà… nhận!

***

Video clip vừa kể không chỉ làm công chúng ứa nước mắt. Kèm theo nước mắt là sự căm phẫn. Lửa giận không còn âm ỉ mà có dấu hiệu bùng lên, lan rộng. Cũng vì vậy, tuy là chủ nhật nhưng Thành ủy thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) phải soạn – gửi công văn, yêu cầu Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy trực tiếp đến tư gia của cô gái bán rau xin lỗi về phát ngôn thiếu chuẩn mực của lực lượng thi hành công vụ! Đồng thời yêu cầu Ủy ban Kiểm tra – Thanh tra xử lý vi phạm theo đúng quy định của đảng đối với đảng viên, đề xuất hình thức xử lý đối với cán bộ công chức, viên chức, báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 25 tháng 4.

Công văn vừa kể khiến nhiều người hạ hỏa nhưng ở Việt Nam còn bao nhiêu người đói quá mà phải bò, vừa bò, vừa bị chà đạp do vi phạm lệnh “cách ly toàn xã hội”? Bao giờ thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thôi trưng bày ý thức trách nhiệm trên TV hay qua công văn để có những biện pháp trợ giúp cụ thể, đỡ nâng những người yếu thế như thiên hạ? Thiên đường trên TV và những công văn dập lửa chắc chắn không thể làm khô nước mắt và giữ cho xã hội ổn định. Chắc chắn như thế!

Chú thích

(1) https://www.youtube.com/watch?v=UDGjxG1GMaY

(2) https://tuoitre.vn/thu-tuong-may-thang-qua-nhieu-nguoi-kho-lam-roi-nhat-la-that-nghiep-202003311516103.htm

(3) https://www.thesaigontimes.vn/302244/cac-goi-ho-tro-giam-soc-cho-doanh-nghiep-trong-dich-benh.html

(4) https://nongnghiep.vn/lanh-dao-phuong-bai-chay-phai-den-nha-rieng-xin-loi-nguoi-ban-rong-d262822.html Bình Luận từ Facebook

Phần sau hành xử

Mai Quốc Ấn

19-4-2020

Ảnh: Zing

“Cô ơi tha cho cháu đi, con cháu thì bé, không có tiền nong cô đừng lấy của cháu nữa”- người dân van xin mong cứu lấy gánh rau của mình.

“Con này, mày có bị điên không, thu giữ đưa hết về phường… không nói nhiều nữa”- cán bộ đanh giọng quyết tâm thu bằng được gánh rau.

Xem clip, nghĩ thật lâu, uống thật chậm một cốc nước và thở dài. Những hình ảnh ở Hạ Long, Quảng Ninh ấy đâu phải lần đầu được biết. Có những hình ảnh thậm chí gai góc hơn, nhói lòng hơn được lưu truyền trên Youbtube, Facebook lâu nay.

Nhìn thật sâu vào đấy để thấy rằng một đất nước còn nghèo, người dân còn nghèo sau mấy chục năm thống nhất. Nhìn thật sâu để thấy điều trịch thượng cao trào của kẻ được gọi là “đầy tớ” và sự yếm thế của những thân phận mang danh “người chủ đất nước”. Nhìn đủ rộng để thấy cả nước dư giả tượng đài, thừa mứa các công trình nợ lỗ, đầy ắp đại án trong cách “tham nhũng ổn định”. Nhìn đủ gần để thấy những giọt nước mắt lăn xuống uất ức, những giọt máu đổ xuống giữ đất, những sinh mệnh chết vì ô nhiễm,…

Chỉ là một người viết, tôi buộc phải đưa một góc nhìn “bình tĩnh hơn” (ảnh 2) để nhắc rằng bất cứ cá nhân quyền lực nào hôm nay cũng có thể gặt quả tương xứng sau này theo cách họ đã gieo nhân. Khi không có công cụ quyền lực trong tay, không còn lực lượng hỗ trợ bên mình thì tin chắc rằng, cuộc “chạm mặt” có chủ ý chỉ có một kết cục.

Ảnh: FB tác giả

Có công cụ hỗ trợ, có lực lượng hỗ trợ bên mình khi đương chức thì đã sao? Có một ví dụ về tô phở úp đầu tham quan về hưu tại Gia Lai, có ví dụ về trùm bao bố đập ác bá hết thời ở Đà Lạt. Khi về hưu rồi, cũng hoá dân, thì nghĩ những hành vi tàn ác với dân năm xưa sẽ không ai nhớ hay sao?

Nhắc lại một câu chuyện cũ. Có ngày càng nhiều những người vẫn “chép sử” theo cách của riêng mình trên giấy chứ không phải smartphone hay máy tính. Cách thủ công ấy thì lực lượng an ninh giỏi nhất thế giới cũng bó tay. Có những bữa cơm mà gia chủ trong căn nhà thuê tồi tàn gằn giọng nhắc các con nhìn về phía tờ giấy liệt kê những cái tên cướp đất tổ tiên, đánh đập gia đình đổ máu; rằng: “Mấy đứa nhỏ phải nhớ cho kỹ…”

Tôi chỉ quan sát và ghi chép trung thực lại những gì đã thấy. Có rất nhiều điều như vậy tại quốc gia cười nhiều nhưng ít vui và lắm đỗi đau lòng này.

Nên bất cứ hành xử nào của hôm nay của mỗi người cũng nên nghĩ lại phần sau này. Đi quá tận bao giờ cũng là tự diệt vong!

Cháy lửa công vụ, tắt lửa nhân văn!

Lê Thiếu Nhơn

Ngày 19/4, bà Vũ Thị Mai Anh – Phó Bí thư Thành ủy Hạ Long, Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 1764 để yêu cầu lãnh đạo phường Bãi Cháy “trực tiếp đến nhà riêng gặp gỡ, xin lỗi công dân về phát ngôn thiếu chuẩn mực của đội ngũ thực thi công vụ” liên quan đến việc khống chế một người phụ nữ bán rau trên địa bàn.

Trước đó, một clip xuất hiện trên mạng đã ghi lại hoạt cảnh một đội liên ngành bắt giữ một người phụ nữ bán rau. Giữa đường phố, người phụ nữ bán rau đã van xin và khóc lóc. Nhân vật có vẻ quyền lực cao nhất của đội liên ngành cũng là một phụ nữ, đã đưa bàn tay được sơn phết đẹp đẽ để chỉ trỏ và nạt nộ rất dữ dội. Từ âm thanh rõ ràng của clip, có thể nghe được đoạn đối thoại của hai người phụ nữ.

Người phụ nữ bán rau: “Cô ơi, tha cho cháu đi. Con cháu thì bé, không có tiền nong, cô đừng lấy của cháu nữa”.

Người phụ nữ thị uy: “Con này mày có bị điên không. Thu giữ, đưa hết về phường. Không nói nhiều nữa”.

Người phụ nữ bán rau: “Em không bán nữa, em đi về rồi”.

Người phụ nữ thị uy: “Giữ mồm nó lại”.

Sau tiếng thét hoảng loạn, người phụ nữ bán rau đã cầm lấy con dao vẫn thường dùng để cắt bầu cắt bí của mình, như một cách tự vệ của kẻ yếu đuối lâm vào nghịch cảnh. Lập tức, người phụ nữ thị uy đã tranh thủ ra chiêu “miệng nhà quan có gang có thép” bằng cách vu vạ và hạ lệnh: “Công an khóa tay nó lại. Chống đối người thi hành công vụ!”.

Chưa hết, để giành phần thắng tuyệt đối, người phụ nữ thị uy liên tục nhắc đi nhắc lại bằng ngôn ngữ hùng hồn: “Cố tình cầm dao để chém lại lực lượng”, “Cố tình chống người thi hành công vụ, mang cả dao ra để chém”, “Con dao ấy là tang chứng nhé”.

Người phụ nữ bán rau có sai phạm không? Nếu có, đó là sai phạm về việc bán hàng rong ở khu vực đô thị. Không có điều khoản nào trong Chỉ thị của Chính phủ về phòng chống Covid-19 qui định ngăn chặn những dịch vụ cung cấp lương thực, thực phẩm. Vì vậy, người phụ nữ bán rau để mưu sinh không phải đối tượng phải bị trấn áp hung tợn, đồng thời cũng không đáng để bị gọi kiểu miệt thị như “con này” hoặc “nó”.

Người phụ nữ thị uy có móng tay được sơn phết đẹp đẽ và sở hữu giọng điệu hống hách kia, là ai, mà hành xử bạo liệt và oai phong đến mức ấy? Kỳ lạ thay, bao nhiêu người đàn ông tham gia “lực lượng” cùng người phụ nữ thị uy, cũng không hề can ngăn hay nói một câu tử tế cho đúng phẩm giá hiểu biết và lịch sự của người thi hành công vụ.

Thành ủy Hạ Long giao Ủy ban kiểm tra- Thanh tra thành phố xem xét kiểm điểm các cá nhân liên quan trong vụ cưỡng chế người phụ nữ bán rau, là một quyết định đúng đắn, kịp thời và đáng hoan nghênh. Bởi lẽ, ở phường Bãi Cháy không thể chấp nhận bất kỳ “lực lượng” nào được phép cháy lửa công vụ mà lại dập lửa nhân ái, tắt lửa đạo đức, tàn lửa văn minh.

Related posts