Hình minh hoạ. Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên tòa án ở Nghệ An hôm 15/11/2019. Báo Nghệ An
Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An sáng 20-4-2020 đã tiến hành xét xử phúc thẩm giảng viên âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh mặc dù Việt Nam vẫn đang thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt nhằm phòng ngừa đại dịch COVID-19.
Sau hơn hai tiếng xét xử, Hội đồng xét xử đã tuyên y án sơ thẩm 11 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh với cáo buộc tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An xác định thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh đã chia sẻ các bài viết chỉ trích đảng và chính phủ trên trang Facebook cá nhân từ năm 2011 đến ngày 17/6/2018.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Tĩnh nói với phóng viên sau khi kết thúc phiên tòa như sau:
“Anh không phủ nhận các tài khoản Facebook của anh đâu nhưng mà anh cho rằng cái tài khoản Facebook của anh nó không mang những cái nội dung mà cho rằng chống lại chính quyền Nhà nước. Tôi cho rằng đây là bản án bất công đối với anh Tĩnh vì đối chiếu với lại Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị thì Công ước đó Việt Nam cũng là một thành viên ký kết.
Đồng thời cũng căn cứ theo Hiến pháp của Việt Nam thì những quyền biểu lộ, biểu thị những ý kiến của mình là quyền tự do ngôn luận và đồng thời cũng có quyền góp ý xây dựng về về các chính sách của nhà nước.”
Cũng theo luật sư Mạnh, ông Tĩnh cho biết mình đã tuyệt thực trong trại giam từ ngày 13-3 đến ngày 17-4 để đòi quyền thực hành các nghi thức của người Công giáo trong tù như cầu nguyện, đọc sách tôn giáo và được gặp các linh mục trong các lễ trọng nhưng không được đáp ứng.
Cựu giảng viên âm nhạc của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An chỉ được biết đến phiên tòa phúc thẩm vài ngày trước phiên xử và đã quyết định dừng tuyệt thực để đảm bảo sức khỏe.
Ông cũng tuyên bố sau khi trở lại trại giam sẽ tiếp tục cuộc tuyệt thực nhằm tiếp tục đòi quyền được thực hành tôn giáo.
Theo mạng báo Nghệ An, Hội đồng xét xử ở phiên phúc thẩm nhận định việc tòa án sơ thẩm tuyên phạt ông Nguyễn Năng Tĩnh về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Theo Hội đồng xét xử, ông Tĩnh là người có nhận thức, có hiểu biết, nhưng thể hiện coi thường pháp luật, chống đối Nhà nước, do đó việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với ông là rất cần thiết.
Chủ tọa phiên tòa cho biết, bản án là lời cảnh báo với những người mà nhà nước Việt Nam cho là “các phần tử muốn lợi dụng quyền tự do dân chủ để hoạt động chống phá Nhà nước, phủ nhận những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.”
Việc phiên tòa mở ra giữa đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho những người tham dự. Bà Nguyễn Thị Tình, vợ ông Tĩnh và là giảng viên đại học ở Đồng Tháp đã không thể ra Nghệ An tham dự phiên tòa do phương tiện di chuyển khó khăn.
Hai luật sư bào chữa cho bị cáo là Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng phải đi xe ô tô riêng từ thành phố Hồ Chí Minh và mất 2 ngày mới đến được địa điểm xét xử.
Ông Nguyễn Năng Tĩnh sinh năm 1976 là giảng viên âm nhạc ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An.
Ông thường xuyên lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị và đăng tải lên Facebook cá nhân hình ảnh các cuộc biểu tình phản đối dự thảo luật về đặc khu kinh tế và biểu tình phản đối công ty Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Các đoạn video trên trang YouTube cho thấy hình ảnh ông dạy trẻ em một bài hát về nhân quyền do cựu tù nhân chính trị Võ Minh Trí (bút danh Việt Khang) sáng tác.
Ông hỗ trợ Quỹ Phát triển Con người Vinh, một tổ chức từ thiện Công giáo, và gây quỹ giúp người nghèo.
Ông Nguyễn Năng Tĩnh bị công an Nghệ An bắt giữ cuối tháng 5 năm 2019. Vào ngày 5 tháng 11 năm ngoái, Tòa án tỉnh Nghệ An tiến hành phiên sơ thẩm và tuyên án 11 năm tù và 5 năm quản chế đối với thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh theo các điểm a,b,c Khoản 1, Điều 117, Điều 44, Điều 112 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Trước phiên sơ thẩm ngày 15-11 năm ngoái, các luật sư của ông Nguyễn Năng Tĩnh không được sao chụp hồ sơ vụ án để làm căn cứ bào chữa, chỉ được đọc hồ sơ và ghi chép lại trong thời gian ngắn.