VỤ ÁN HỒNG Y PELL – ÁNH SÁNG CÔNG LÝ

Luật Sư Trần Hữu Trung

Vào ngày thứ 4 tuần lễ phục sinh của người Công giáo 08/04/2020, Hồng y George Pell đã được Tối Cao Pháp Viện Úc tuyên bố hủy bỏ việc kết tội ông.

Tòa án công bố bản án lúc 10 giờ sáng. Chỉ hai giờ sau, Hồng y Pell đã được trả tự do, về nghỉ tại một dòng tu kín ở Melbourne. Sau đó, ông cụ đã di chuyển về một chủng viện ở vùng Homebush, Sydney.

Phán quyết của Tòa án cao nhất nước đã gây ra nhiều phản ứng trái ngược.

Phía chính quyền Thủ tướng Scott Morrision tuyên bố: “Tối Cao Pháp Viện là tòa án cao cấp nhất quốc gia. Phán quyết của Tòa phải được mọi người chúng ta tôn trọng”.

Đó là lời nhận định đúng đắn, hợp lý của một nhà lãnh đạo.

Nhưng Thủ hiến Victoria Daniel Andrews thì có một phản ứng khác hẳn. Ông nói ông không có ý kiến gì về phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Ông chỉ muốn nói với các nạn nhân của nạn xâm phạm tình dục rằng:

Chúng tôi gặp các bạn

Chúng tôi nghe các bạn

Và chúng tôi tin các bạn”.

Như vậy ta có thể suy đoán ông Thủ hiến không ủng hộ bản án. Ông chỉ tin vào các nạn nhân.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện là một đòn đánh mạnh vào cơ quan cảnh sát, công tố viên và các tòa án tại Victoria, do ông Andrews lãnh đạo.

Có lẽ vì thế ông không ưa phán quyết của Tối Cao Pháp Viện.

Theo thống kê, trong năm 2018, Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ ít nhất bốn vụ án do Tòa Thượng Thẩm Victoria xét xử.

Theo Luật sư Greg Barns, Hồng y Pell bị báo chí thù ghét (the hostility of the media) (SMH11 – 11/04/2020).

Một Luật sư khác, ông Greg Craven cho rằng cảnh sát Victoria cùng ăn cánh với một số ký giả, phóng viên đài ABC trước kia làm việc cho các tờ báo của công ty Fairfax để đưa những thông tin bất lợi cho cụ Pell.

Nữ ký giả của ABC Louise Milligan xuất bản cuốn sách về Hồng y Pell nhan đề “Bước Thăng Trầm của Hồng y George Pell” (The Rise and Fall of George Pell). Cuốn sách đưa ra những hình ảnh bất lợi cho cụ Pell.

Nhà xuất bản vội vàng cho ra đời cuốn sách này vào tháng 05/2018 trước vụ xử Hồng y Pell.

Còn ký giả David Marr, cũng thuộc ABC, xuất bản cuốn “Ông Hoàng – Lòng Tin – Việc Lạm Dụng Tình Dục và George Pell” (The Prince – Faith – Abuse and George Pell).

Mấy tác giả này và các nhà xuất bản đang như ngồi trên đống lửa, sợ bị kiện sau khi cụ Pell được tha bổng.

Rõ ràng, như nhận xét của ông Craven, đã có một chiến dịch nhằm bôi nhọ thanh danh Hồng y Pell.

Tất nhiên, chiến dịch này ảnh hưởng đến bồi thẩm đoàn, có lẽ làm họ mất đi sự khách quan.

Tại sao Tối Cao Pháp Viện lại tha bổng cụ Pell?

Về hình sự, bị cáo chỉ có thể bị buộc tội nếu bồi thẩm đoàn xem xét rằng không còn nghi ngờ gì nữa, bị cáo đã phạm tội.

Nếu còn điều gì nghi ngờ, bị cáo phải được tha bổng.

Tại miền Nam xưa trước năm 1975, các thẩm phán Việt Nam Cộng Hòa có thể tha bổng bị cáo vì nghi vấn, tức có điều nghi ngờ.

Trong vụ án cụ Pell, Tối Cao Pháp Viện cho rằng bồi thẩm đoàn, rồi Tòa Thượng Thẩm Victoria đã sai lầm khi không xét đến những chứng cứ của các viên chức phụ trách nghi lễ tại nhà thờ Chánh Tòa do cụ Pell làm Tổng Giám Mục.

Những viên chức này cho rằng:

  1. Hồng y Pell thường đứng chào giáo dân trên bậc thềm nhà thờ sau lễ trọng thể ngày Chủ Nhật. Như vậy, ông cụ không thể có mặt trong buồng áo như nguyên cáo đã khai.
  2. Nghi thức của Công giáo đòi hỏi một Tổng Giám Mục luôn luôn có phụ tá đi theo khi mặc áo lễ hoặc cởi bỏ áo lễ tại nhà thờ.

Như thế, Hồng y Pell làm sao có thể tấn công tình dục nguyên cáo.

Sau lễ thường có nhiều người ra vào phòng áo, kéo dài từ 10 đến 15 phút.

Như thế, cụ Pell làm sao có thể dám “kéo dương vật ra và đưa vào miệng” nguyên cáo như hắn ta đã khai.

Ba sự kiện trên do các nhân chứng đưa ra đã không bị Công tố viên hạch hỏi, chất vấn (challenged).

Thế mà bồi thẩm đoàn và Tòa Thượng Thẩm đã bỏ qua, không xét đến.

Cả ba sự kiện trên đã nêu lên nghi vấn quan trọng. Đó là, có thật bị cáo tấn công tình dục không?

Nếu có nghi vấn, Tòa phải tha bổng bị cáo.

Tối Cao Pháp Viện kết luận:

“Rất có thể một người vô tội đã bị kết án oan vì các chứng cứ đưa ra để buộc tội không đạt tiêu chuẩn về bằng cớ”.

(A significant possibility that an innocent person has been convicted because the evidence did not establish guilt to the requisite standard of proof)

Đức Giáo Hoàng, trong thánh lễ sau khi Hồng y Pell được tha bổng đã ví việc Hồng y Pell bị xử oan giống như Chúa Cứu Thế bị kết án oan và phải chịu đóng đinh trên thập giá.

Ngài cũng kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho những người bị kết án oan, mặc dù không nêu đích danh cụ Pell.

Con đường chông gai trước mặt:

Pha tả chưa chịu thua Hồng y Pell.

Thủ Hiến Victoria Andrews vừa yêu cầu Tổng Trưởng Tư Pháp Liên Bang Christian Porter công bố bản phúc trình về cuộc điều tra của ủy ban hoàng gia về nạn xâm phạm tình dục của các giáo sỹ Công giáo.

Phe tả cho rằng họ sẽ nghiên cứu xem Hồng y Pell có che đậy cho các giáo sỹ dưới quyền của ông không.

Thêm nữa, lại có những vụ kiện về dân sự để đòi bồi thường mà Hồng y Pell là bị đơn.

Phe tả sẽ không để cho cụ Pell được yên ổn.

Về pháp lý, giới luật gia cho rằng phán quyết của Tối Cao Pháp Viện là hoàn toàn hợp lý. Rất hiếm khi trong việc phán quyết, tất cả 7 thành viên của Tối Cao Pháp Viện đều nhất quyết tha bổng Hồng y Pell.

Phán quyết nhất quán trên rất đúng về pháp lý, nhưng không được phe tả chấp nhận.

Khi mang hận thù, con người khó nhìn ra sự thật hoặc không muốn chấp nhận sự thật.

                                                          Luật Sư Trần Hữu Trung

                                                          Sydney, tháng 04/2020

Related posts