Thỉnh thoảng khi đọc những mẫu chuyện đó đây trên FaceBook về những người lính Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam trước 1975, Mỹ Linh (ML) thường thấy thấp thoáng bóng dáng của người lính Việt Nam Cộng Hòa trong mỗi câu chuyện. Tuy nhiên có lẽ một phần vì tiếng Anh mình còn yếu, một phần ML như con chim non, khi Sài Gòn sụp đổ 1975, cho nên khi đọc những câu chuyện kể ở đây, ML có cảm thấy bang khuâng, và không thể nào mường tượng sự đau khổ cùng cực mà các anh chị đi trước phải chịu đựng.
Đầu tháng Giêng năm 2020, ML may mắn đến tham dự buổi ra mắt cuốn sách “Tuyển Tập Miền Nhớ” do chị Phương Hiền và chị Hồng Phước tổ chức tại Melbourne, với tham dự đông đảo của các anh chị trong hội “Đồng Hương Ninh Hòa” đến từ Mỹ, các tiểu bang ở Úc Châu, và các thân hữu của chị Hồng Phước tại thành phố.
“Tuyển Tập Miền Nhớ” (Miền Nhớ) được viết bởi nhiều người và được gom lại do ban biên tập gồm có: bác sĩ Lê Ánh, chị Nguyễn Thị Thanh Trì, chị Nguyễn Thị Phương Hiền, mà tác giả chính là những người lính Việt Nam Cộng Hòa, người vợ, người con, người yêu, người thân hay người bạn, v.v.
Khóc anh, chị khóc đã nhiều
Xác anh tẩm lệ bao nhiêu cho đầy?
Đàn con đôi mắt thơ ngây
Vây quanh linh-cữu một ngày rất…”mưa.” (Ý Nga)
Miền Nhớ gồm 64 câu chuyện được ghi lại qua những câu chuyện trong đời của tác giả trước và sau 1975 ở Ninh Hòa, Dục Mỹ, Khánh Hòa, Nha Trang, Tánh Linh, v.v. Miền Nhớ là lời nói, tiếng thở dài, và tình người trong thời loạn ly về những sự hy sinh quá lớn lao, những bi sử hào hùng của những người lính đã lặng lẽ dâng hiến cả một đời thanh xuân khi họ còn quá trẻ, “chết hay còn sống trở về, cuộc chiến của họ đều có ý nghĩa” (Người Lính Miền Nam – Lương Lệ Huyền Chiêu).
Tuyển tập dày 580 trang giấy này còn ghi lại nhiều đau thương cho người đã nằm xuống, và nỗi đau triền miên cho người còn ở lại.
“Chiến tranh oan nghiệt đã cướp mất người bạn tôi ở tuổi thanh xuân chưa quá 23, cái tuổi mà lẽ ra đầy ắp mộng mơ và vẫn còn cắp sách đến trường…” (Ngàn Giọt Lệ Cho Những Anh Hùng – Nguyễn Triệu Việt).
“Thời gian trôi qua đã vài chục năm, nhưng hình ảnh những bạn bè tôi đã hy sinh trên các chiến trường ngày ấy vẫn còn in đậm trong ký ức…” (Một Thoáng Hoài Niệm – Cao Hoài Trí).
Miền Nhớ còn là nỗi nhớ khôn nguôi những kỷ niệm vui buồn của người lính ở tiền tuyến với em gái hậu phương, hay tình yêu của người lính trẻ chưa kịp ngỏ lời và sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để nói tiếng “yêu em”:
“Em là tất cả bài hát anh tặng, gói sợi thương chưa kịp tỏ bao giờ, lời chưa nói nhưng tình ai đã ngỏ…,” và rồi để bây giờ chỉ là “ngày tháng mênh mông xa vời vợi nhớ, người đi rồi sao ký ức vẫn còn đây… ” (Ký Ức Ơi! Mãi Là Nỗi Nhớ – Hải Lộc).
“Niềm Nhớ” là những hình ảnh đậm nét của bông hồng thời ly loạn, là nỗi nhớ chất ngất của người góa phụ thời chinh chiến: “Anh nằm xuống một mùa mưa, đất đỏ, bỏ em một mình gian khó chông gai, mỗi lần mưa em lại thấy anh về, cùng em bước lòng tái tê thương nhớ…” (Miền Nhớ Trong Tôi – Diệu Hạnh).
Chị Hồng Phước đã “Tìm Về Tánh Linh” để hồi tưởng những kỷ niệm thời thơ ấu với giáo đường năm xưa với người cha kính yêu (Quận Trưởng cuối cùng của Tánh Linh), và để rồi ngậm ngùi thương nhớ: “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ.” (Vũ Đình Liên)
Chị Lượng Lê Thanh Nga không ngăn được cảm xúc nghẹn ngào mỗi khi nhớ lại cảnh ‘Đi Thăm Cha Ngày Tết’: “dù thời gian mấy mươi năm đã trôi qua, nhưng tôi không bao giờ quên được những hình ảnh ngày xưa đó, khi ba còn ở trong trại cải tạo đầy buồn đau và đói khổ.”
Miền Nhớ còn là một vùng trời đầy ắp kỷ niệm tuổi học trò và không khỏi bồi hồi trở về thăm chốn xưa khi mái tóc giờ đã đượm màu phong sương: “Tôi trở lại đoạn đường xưa tới lớp, tuổi sáu mươi năm tháng hững hờ trôi…”; “Tôi run rẩy bước lên cầu thang vắng, hành lang xưa hun hút bóng thân gầy.” (Mùa Hè Thanh Bình – Trần Hà Thanh)
Miền Nhớ là nỗi nhớ quắt quay của người chiến sĩ oai hùng năm xưa, và giờ đây chỉ là ngậm ngùi, tiếc nuối của một thời đã qua: “Rũ cánh phi hào tôi rưng rức khóc, thôi từ đây giã biệt cánh chim bay; mây trắng ơi chao nghiêng cánh chia tay, xin gởi hết từ đây bao kỷ niệm” (Thời Rũ Áo – Hiếu Anh).
Tuyển Tập Miền Nhớ được ấn loát nhưng không để bày bán, mà chỉ dành để tặng với mong ước “những dư âm của những ngày tháng đau thương bi hùng ấy vẫn vang vọng mãi trong tâm tưởng của những người ở lại, và sẽ từ thể hệ nầy cứ truyền tiếp, truyền tiếp cho đến mai sau…” và để những hy sinh mất mát của người lính miền nam Việt Nam và nước mắt đau thương của người thân yêu sẽ không bao giờ đi vào quên lãng…
Trên đường lái xe về nhà, đường phố Melbourne buồn buồn như tình cảm chuyển mùa, các cây gum trees bên vệ đường như than thở bơ vơ, những tia sáng ban mai cũng dịm tắt theo nỗi buồn lâng lâng trong lòng mình. Nhìn lên cao những đám mây bàng bạc lang thang không bến bờ, tự dưng ML thấy lòng mình sao lạc lõng chơ vơ… May thay nỗi trống trải da diết của thiên nhiên và tâm hồn ML đang được “Miền Nhớ” che đầy… Hình như trời sắp mưa thì phải!