Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu 24/4

Covid-19 đe dọa tham vọng chính trị của tổng thống Putin

Một con siêu vi nhỏ virus corona liệu có thể phá hỏng chiến lược của tổng thống Vladimir Putin  để trị vì ở điện Kremlin cho đến năm 2036 và đưa nước Nga trở lại trung tâm bàn cờ quốc tế ? Trước mắt, dịch Covid-19 làm lộ rõ ba nhược điểm: sự yếu kém về kinh tế và y tế của nước Nga, quyền lực tổng thống bị sói mòn và về địa chính trị, nước Nga cần phải tìm được một chỗ đứng giữa hai trọng tâm quyền lực thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Trên nguyên tắc, ngày 22/04/2020 Nga tổ chức cuộc tham khảo ý kiến toàn dân về bản Hiến Pháp vừa được sửa đổi với nội dung chính là cho phép Vladimir Putin giữ chiếc ghế tổng thống cho đến năm 2036. Kết quả cuộc tham khảo ý kiến toàn dân này đã được biết trước. Chẳng ngờ giờ phút vinh quang đó của chủ nhân điện Kremlin đã bị hoãn lại vô hạn định vì dịch Covid-19.  

Siêu vi corona chủng mới còn làm tiêu tan luôn cả kế hoạch của Moscow tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng Đức Quốc Xã vào ngày  09/05/2020  với nhiều nguyên thủ phương Tây sẽ hiện diện trên khán đài danh dự ở Quảng Trường Đỏ. Đây sẽ là cơ hội hiếm có vào lúc nước Nga vẫn bị quốc tế trừng phạt vì đã thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina từ năm 2014. Virus corona cướp mất cơ hội để tổng thống Putin trong cương vị chủ nhà đón tiếp hàng chục lãnh đạo quốc tế.

Liên Bang Nga phải đối mặt với nhiều thực tế phũ phàng. Dầu hỏa tuột dốc không phanh đe dọa trực tiếp đến thu nhập của Nhà nước Nga, vốn bảo đảm đến hơn một nửa ngân sách và chiếm đến 30% GDP. Gần 150 triệu dân Nga có nguy cơ lại trải qua cơn ác mộng như hồi năm 2014 khi vàng đen mất giá, đồng rúp ‘rơi tự do’ đẩy lạm phát lên cao.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự phóng tổng sản phẩm nội địa Nga giảm 5.5 % trong năm nay, nhưng giới trong ngành bi quan hơn nhiều. Một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga cho hãng tin Reuters biết với kịch bản giá dầu trên thị trường quốc tế rơi xuống dưới ngưỡng 10 đô la một thùng, GDP của Nga bị giảm mất đến 15 %. Phòng Công Nghiệp và Thương Mại Matxcơva báo trước sẽ có khoảng 3 triệu doanh nghiệp bị phá sản trong những tháng tới và sẽ có tới 8 triệu người lao động Nga mất việc vì Covid-19.

Về mặt y tế, tổng thống Putin bị chỉ trích chậm trễ ban hành những biện pháp cần thiết, nhất là ai cũng biết về thực trạng của các bệnh viện công tại Nga.

Theo thăm dò được công bố hôm 14/04/2020 do trung tâm nghiên cứu chính trị Levada trụ sở tại Moscow thực hiện uy tín của ông Putin đã ‘rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013’ (thăm dò được thực hiện trong thời gian từ ngày 19 đến 25/03/2020). Tỷ lệ có quan điểm « tiêu cực » về ông Putin hoặc cho rằng ông chỉ bảo vệ quyền lợi của những thành phần giàu có và thế lực cũng đã tăng lên trong những tuần lễ vừa qua.

Trong điều kiện đó, nhà nghiên cứu về chính trị Nga tại viện IFRI của Pháp, Tatiana Kastoueva Jean cho rằng, sau đại dịch, khi được tham khảo ý kiến, chưa chắc cử tri Nga sẽ ‘ồ ạt’ tán đồng việc để cho Vladimir Putin tiếp tục trị vì đến 2036. Vẫn theo chuyên gia này, virus corona đã « Cướp đi một cơ hội để Vladimir Putin củng cố thêm quyền lực » trong bối cảnh rạn nứt ngày càng lớn giữa ông với công luận kể từ khi Matxcơva thông báo kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng trong mùa Cúp bóng đá Thế Giới 2018.

Về đối ngoại, chuyên gia Kastoueva Jean nhận định, dịch Covid-19 cho thấy điện Kremlin đánh giá đúng tình hình. Đó là phương Tây đang mất đà. Vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ bị thách thức,  có nhiều rạn nứt trong liên minh Âu -Mỹ và bản thân châu Âu không thoát khỏi những cãi vã nội bộ để có được một tiếng nói có trọng lượng trên bàn cờ địa chính trị. Trong khi đó thì không một ai có thể nghi ngờ về sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nga có khuynh hướng « thiên về mô hình của Trung Quốc ».

Trật tự quốc tế mới ngày càng được tập trung vào tay Bắc Kinh và Washington. Điều đó có nghĩa là theo giám đốc IFRI đặc trách khu vực các nước thuộc Liên Xô Cũ và Nga, Moscow phải tìm được một thế cân bằng trong quan hệ cả với Mỹ lẫn Trung Quốc và nhất là sẽ phải tìm ra một hướng đi mới để duy trì ảnh hưởng của Nga trên các hồ sơ lớn của thế giới. 

Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế gần 500 tỷ USD

Hạ viện Mỹ hôm thứ Năm 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật ngân sách 482 tỷ USD chi cho quỹ ứng phó virus corona Vũ Hán và cứu trợ tài chính cho những người đi làm và doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng do đóng cửa đất nước phòng chống đại dịch.

Toà nhà quốc hội Mỹ. Ảnh Shutterstock)

Theo Reuters, dự luật ngân sách nêu trên được Hạ viện thông qua với số phiếu 388-5. Phiên bỏ phiếu này là lần đầu tiên trong nhiều tuần qua Hạ viện mới họp mặt toàn thể vì lo ngại virus corona Vũ Hán lây lan. Nhiều Dân biểu đã đeo khẩu trang và thời gian bỏ phiếu được kéo dài hơn thường lệ nhằm giúp các Dân biểu giữ khoảng cách, phù hợp với khuyến cáo về sức khỏe cộng đồng.

Trước đây hai ngày, Thượng viện đã thông qua dự luật ngân sách 482 tỷ USD này. Tổng thống Donald Trump cũng đã tuyên bố ủng hộ và sẽ ký dự luật thành luật.

Nếu Tổng thống Trump ký thông qua dự luật này, đây sẽ là gói cứu trợ thứ tư mà giới chức Mỹ phê duyệt để ứng phó với đại dịch virus corona.

Gói cứu trợ mới bao gồm 310 tỷ USD chi cho Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP). Chương trình này là một phần của gói cứu trợ thứ hai, nhưng tuần trước chính phủ Trump đã thông báo cạn tiền.

Dân biểu Dân chủ Nydia Velazquez phát biểu tại Hạ viện: “Bằng việc bổ sung 310 tỷ USD cho PPP, dự luật này sẽ cho phép chương trình này mở lại và thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ được đảm bảo nguồn vốn và duy trì được việc trả lương cho người lao động”.

Ngoài ra, gói cứu trợ cũng bao gồm 60 tỷ USD chi cho cấp vốn vay và trợ cấp thảm họa, 75 tỷ USD chi cho các bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác, và 25 tỷ USD cho hoạt động xét nghiệm virus corona.

Trong đó, 25 tỷ USD chi cho xét nghiệm sẽ bao gồm hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, mua bán và quản lý xét nghiệm. Quỹ này sẽ được phân bổ cho các bang, các địa phương, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Viện Sức khỏe Quốc gia và một số đơn vị khác.

Cũng trong phiên họp hôm 23/4, Hạ viện đã phê duyệt thành lập một ủy ban lựa chọn để giám sát chính quyền Trump chi tiêu các gói cứu trợ kinh tế. Ủy ban này sẽ có quyền ban hành trát điều trần để điều tra cách chính phủ ứng phó với đại dịch virus corona.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng Ủy ban giám sát ứng phó virus corona là cần thiết để đảm bảo nguồn tiền được phân bổ đến đúng những nơi cần nó và ngăn chặn lũng đoạn.

Trong khi đó, các Dân biểu của Đảng Cộng hòa cho rằng ủy ban mới là không cần thiết vì Hạ viện hiện đã có các ủy ban giám sát.

Do Đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện nên cuối cùng ủy ban mới vẫn được các Dân biểu thông qua với số phiếu 212-182.

Ngoại trưởng Mỹ: Có thể Mỹ sẽ cắt trợ cấp WHO vĩnh viễn

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa cho biết Tổ chức Y tế Thế giới WHO cần cải tổ từ căn bản sau những sai lầm trong việc xử lý đại dịch virus corona và cảnh báo Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của WHO, có thể sẽ không bao giờ phục hồi ngân sách cho tổ chức này.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải có cái nhìn thật nghiêm túc vào WHO và những gì chúng ta làm sau đại dịch này”, ông Pompeo nói với kênh Fox News tối thứ Tư.

“Chúng ta đã cải tổ WHO vào năm 2007, vì thế đây không phải là lần đầu tiên chúng ta phải đối mặt với các thiếu sót của tổ chức này, vốn nằm bên trong Liên Hiệp Quốc”, ông nói.

“Chúng ta cần sửa chữa. Chúng ta cần sự thay đổi cấu trúc đối với WHO”.

Tuần trước, Tổng thống Trump ra lệnh ngừng trợ cấp cho WHO, cáo buộc tổ chức này quá tôn sùng Trung Quốc và quảng bá thông tin sai lệch của Trung Quốc về bệnh dịch. Quan chức WHO bác bỏ cáo buộc này và Trung Quốc một mực khẳng định họ đã luôn minh bạch và cởi mở.

Hoa Kỳ đóng góp cho WHO hơn 400 triệu USD năm 2019, khoảng 15% tổng ngân sách của tổ chức này. Chính quyền Trump đang cân nhắc việc chuyển các khoản tài trợ này cho các tổ chức y tế khác hoặc phân bổ trực tiếp cho các nước cần thiết nhất.

Trong cuộc họp báo, khi được hỏi về việc ông có đòi hỏi sự thay đổi lãnh đạo của WHO hay không, ông nói: “Thậm chí còn hơn thế. Mỹ có thể không bao giờ quay trở lại việc lãnh trách nhiệm tài chính, gửi tiền của người nộp thuế Mỹ cho WHO. Chúng tôi có thể cần phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn như thế”.

Trước đó, trong một tuyên bố cùng ngày, ông Pompeo nói Mỹ “tin chắc” rằng Bắc Kinh đã không báo cáo về dịch bệnh một cách kịch thời, vi phạm quy định của WHO và không thông báo tính chất lây nhiễm từ người sang người của virus trong một tháng cho đến khi tất cả các tính của Trung Quốc đều có người nhiễm bệnh.

Ông Pompeo nói rằng Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom đã không sử dụng vị trí của mình để cất tiếng nói, khi một nước thành viên không tuân theo luật lệ. Ông Pompeo cho rằng WHO có trách nhiệm đảm bảo giám sát các tiêu chuẩn an toàn trong phòng thí nghiệm virus Vũ Hán và giám đốc Tedros có “thẩm quyền to lớn” đối với những nước không tuân thủ quy định an toàn.

Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế USAID cho hay Mỹ sẽ đánh giá xem liệu WHO có hoạt động hiệu quả hay không để quyết định tìm những đối tác thay thế ngoài cơ quan này.

Tây Ban Nha tiếp tục trả lại Trung Quốc bộ kit xét nghiệm COVID-19 lỗi

Trung Quốc mới đây đã gửi cho Tây Ban Nha lô hàng thay thế số dụng cụ xét nghiệm COVID-19 bị lỗi, nhưng lô hàng này tiếp tục cho kết quả không chính xác. Tây Ban Nha một lần nữa phải trả lại Trung Quốc và đang yêu cầu hoàn tiền cho toàn bộ đơn hàng.

Một sản phẩm của Bioeasy

Tây Ban Nha một lần nữa gửi trả lại bộ dụng cụ xét nghiệm virus corona được đặt hàng từ Trung Quốc, sau khi tuyên bố rằng lô hàng thứ hai này cũng bị lỗi.

Lô hàng mới được công ty Thâm Quyến Bioeasy, Trung Quốc gửi để thay thế lô hàng trước đó gồm 58.000 bộ dụng cụ xét nghiệm virus corona mà Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố “rất thiếu chính xác” để chẩn đoán bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Theo tờ El Pais, các bộ xét nghiệm tiếp tục được phát hiện có vấn đề vì chúng không đủ nhạy để phát hiện được virus.

Hôm 22/4, Bộ Y tế Tây Ban Nha xác nhận đang yêu cầu phía công ty Bioeasy hoàn tiền cho toàn bộ đơn hàng gồm 640.000 bộ xét nghiệm. Hiện chưa rõ trị giá của lô hàng này là bao nhiêu tiền.

Trước đó, vào cuối tháng Ba, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết nước này đã mua 467 triệu USD vật tư y tế từ Trung Quốc, bao gồm 950 máy thở; 5,5 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm; 11 triệu găng tay và hơn nửa tỷ khẩu trang.

Trong khi đó, công ty Thâm Quyến Bioeasy cho rằng các kết quả không chính xác có thể do không lấy mẫu chuẩn hoặc không sử dụng bộ kit một cách chính xác. Công ty này nói rằng họ đã không trao đổi đầy đủ với khách hàng về cách sử dụng bộ dụng cụ.

Tây Ban Nha là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Âu và trên thế giới. Đến nay, nước này ghi nhận hơn 208.000 ca nhiễm và ít nhất 21.700 ca tử vong. 

Mỹ viện trợ lớn cho Greenland

Hoa Kỳ đã công bố gói viện trợ kinh tế trị giá 12,1 triệu đô la cho Greenland vào thứ Năm nhằm tăng cường mối quan hệ với hòn đảo này và thúc đẩy sự hiện diện quân sự lớn hơn của Hoa Kỳ ở Bắc Cực, theo Reuters.

Cùng ngày, chính quyền Greenland đã bày tỏ sự vui mừng đối với quyết định trên của Hoa Kỳ. Hòn đảo của Đan Mạch sẽ tiếp nhận gói viện trợ của Mỹ để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Reuters cho hay, Greenland mặc dù chỉ có 56.000 dân nhưng rất giàu tài nguyên, và đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với quân đội và hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang không ngừng tìm cách gây ảnh hưởng thương mại và quân sự thông qua hòn đảo này tới Bắc Cực.

Châu Phi lo sợ Covid-19 bùng phát

Đặc phái viên của Liên minh châu Phi (AU) Tidjane Thiam hôm thứ Năm đánh giá rằng đại dịch viêm phổi Vũ Hán nếu bùng phát ở châu Phi thì sẽ là một thảm họa cho châu lục này, Reuters đưa tin.

Trong một cuộc hội thảo trực tuyến, ông Thiam cho biết, tính bình quân, châu Phi chỉ có 1,8 giường bệnh/1000 dân, vì thế trong trường hợp bị Covid-19 tấn công mạnh sẽ “không có khả năng” chống đỡ.

Theo cập nhật của Worldometers, tính tới sáng ngày 24/4 (giờ Việt Nam), châu Phi có 2.948 người nhiễm virus Vũ Hán (tăng 1,292), trong đó có 1.290 người tử vong (tăng 46 người), 8.450 người hồi phục, và 173 người ở tình trạng nguy kịch.

Thêm một bang ở Mỹ kiện Bắc Kinh vì Covid-19

Tờ The Hill đưa tin, tiểu bang Mississippi của Mỹ đã thông báo kế hoạch kiện Bắc Kinh vì những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.

Trong một thông cáo phát đi ngày 22/4 để thông báo về kế hoạch kiện Trung Quốc, Tổng chưởng lý tiểu bang Mississippi Lynn Fitch cho biết “quá nhiều người Mississippi đang phải hứng chịu hậu quả do sự che đậy của Trung Quốc”.

“Không thể để họ hành động mà không bị trừng phạt. Người Mississippi xứng đáng được hưởng sự công bằng và tôi sẽ tìm kiếm điều đó tại tòa án”, bà Fitch cho biết.

Mississippi là tiểu bang thứ hai tại Mỹ lên kế hoạch kiện Trung Quốc vì dịch Covid-19. Trước đó, ông Eric Schmitt, Tổng chưởng lý tiểu bang Missouri hôm 21/4 đệ đơn kiện chính phủ và một số cơ quan Trung Quốc vì hành động che giấu thông tin dẫn đến đại dịch Covid-19, khiến thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.

Related posts