Bao giờ nước mắt có thể “lay lòng gỗ đá”

Huy Đức

Hai bức ảnh chụp cách nhau 13 năm, đều nói về ngày đoàn tụ của hai người tù, hai người cùng một mẹ Việt Nam, nhưng từng bị đặt ở hai bên chiến tuyến.

Bức ảnh thứ nhất, chụp ở ga Hòa Hưng năm 1988. Người đàn ông râu tóc bạc phơ trong ảnh, được xác định, là Đại tá VNCH Nguyễn Công Vĩnh. Ông từ trại cải tạo theo đường xe lửa trở về, được vợ và con trai, tóc cũng đã điểm bạc, ra sân ga đón [không rõ ai là tác giả bức ảnh tuyệt vời này].

Trong hình ảnh có thể có: 5 người, mọi người đang đứng

Bức ảnh thứ hai được nhà báo Lâm Hồng Long chụp ngày 4-5-1975, người đàn ông trong ảnh là Lê Văn Thức, tử tù Côn Đảo, khóc trên vai mẹ, bà Trần Thị Bính, quê ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông Thức được cài vào Quân lực VNCH, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Thủ Đức, được chính quyền Sài Gòn đưa đi học khóa “tình báo tác chiến” tại Malaysia. Về nước, với lon thiếu úy. Tháng 4-1968, Lê Văn Thức bị Tòa án binh vùng 4 chiến thuật tuyên tử hình vì tội “hoạt động nội tuyến cho Cộng sản”.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, ngoài trời

Đoàn tụ chắc chắn đều là mong ước của mọi gia đình. Nhưng họ khóc. Thật khó để nói, đó là những “giọt nước mắt vui” hay là những giọt nước mắt tức tưởi. Ngày 30-4-1975, gia đình thiếu úy Lê Văn Thức nằm trong số “triệu người vui”; gia đình đại tá Nguyễn Công Vĩnh nằm trong số “triệu người buồn”. Thật trớ trêu, cả hai sau đó đều không có ai được hưởng ân huệ của hòa bình cả. Đại tá Nguyễn Công Vĩnh bị đưa đi cải tạo suốt 13 năm. Chỉ cần nhìn những chiếc răng rụng của người vợ một thời xinh đẹp của ông, nhìn mái tóc muối tiêu của con trai ông, đủ thấy họ đã cơ cực thế nào kể từ khi “miền Nam giải phóng”.

Nhưng, nếu như giọt nước mắt ở ga Hòa Hưng năm 1988 của gia đình đại tá Nguyễn Công Vĩnh đã khép lại một bi kịch kéo dài hơn một thập niên. Thì, giọt nước mắt của mẹ con thiếu úy Lê Văn Thức lại mở ra những ngày buồn trước mắt. Bức ảnh mang lại cho nhà báo Lâm Hồng Long nhiều vinh quang nhưng không thể hóa giải tính khắc nghiệt của chiến tranh hằn lên nhân vật.

“Với lý lịch ‘thiếu úy ngụy’, kể từ ngày hòa bình trở về, Lê Văn Thức không được bố trí công tác mới. Mãi sau này, khi một cán bộ công tác ở UBND huyện Châu Thành, Bến Tre tình cờ đọc được những bài báo viết về nhân vật trong bức ảnh ‘Mẹ con ngày gặp lại’(1991), đã tìm đến nhà anh Thức phỏng vấn và viết bài ‘Viên thiếu úy mang bản án tử hình’ (đăng trên báo Đồng Khởi thứ Bảy). Nhiều người ở địa phương mới biết đến các hoạt động trong quá khứ của anh. Và các cơ quan chức năng mới nhiệt tình vào cuộc để rồi công nhận những đóng góp, hy sinh có thực của Lê Văn Thức” [Theo Hoàng Bình Minh, báo CAND].

Mấy hôm nay, chương trình thời sự của VTV vẫn như 45 năm qua, sắp tới 30-4 là xe tăng, pháo lớn lại nổ đinh tai nhức óc. Hơn 15 năm trước, Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, người mất vợ và 3 người con trong chiến tranh, đã phải đi một vòng các tỉnh miền Tây, gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo, nhà báo địa phương, ông gần như khẩn thiết kêu gọi họ đừng kỷ niệm 30-4 theo cách làm cũ nữa; đừng tiếp tục nã xe tăng đại bác vào quá khứ.

Cuối năm ấy, 2004, ông trả lời tuần báo Quốc Tế, số Xuân: “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”.

Hàng chục nghìn bản số báo Xuân đã in của tuần báo Quốc Tế mà bài phải bóc… Mãi tới 31-3-2005, quan điểm này của ông Võ Văn Kiệt về cuộc chiến trước 30-4-1975 mới được đưa ra công chúng.

Cũng năm ấy, trước 30-4-2005, Thành ủy TP HCM gửi cho ông Võ Văn Kiệt “Dự thảo diễn văn” Bí thư Thành ủy đọc tại Lễ kỷ niệm “30 năm ngày giải phóng miền Nam”. Ông vô cùng thất vọng vì bài diễn văn vẫn lặp lại những ngôn từ sáo mòn, công thức; vẫn xe tăng, vẫn đại bác… tiếp tục nã vào người anh em.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi, mọi người đang ăn, bàn, trong nhà và món ăn

2006

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Đã 15 năm qua, tuy liều lượng có bớt đi nhưng cách tiếp cận của bộ máy tuyên truyền vẫn không thay đổi.

Khi nghĩ về ngày kết thúc chiến tranh, cả Trịnh Công Sơn và Văn Cao đều khá lạc quan. Trịnh Công Sơn tưởng rằng, những “giọt nước mắt vui” có thể “lay lòng gỗ đá”. Văn Cao cũng hy vọng, nước mắt “sưởi ấm đôi vai anh”. Và ông tưởng: “Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người…” Chỗ khác nhau giữa Văn Cao và Trịnh Công Sơn, có lẽ ở chỗ, với một tâm hồn đầy trắc ẩn như Văn Cao, cho dù thốt ra như vậy, nhưng các dự cảm buồn vẫn ám ảnh từng phách, nhịp trong “Mùa Xuân Đầu Tiên” của ông.

Bao giờ, quê hương tôi mới hết những giọt nước mắt tức tưởi; bao giờ mới thực sự có “những giọt nước mắt vui”; bao giờ lòng người Bên Thắng Cuộc mới thôi gỗ đá.

Related posts