Tổng thống Trump hôm 29/4 nói rằng ông tin rằng cách Trung Quốc xử lý dịch Covid-19 là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sẽ làm bất cứ điều gì có thể để khiến ông thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
“Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì họ có thể để tôi thua cuộc”, ông Trump phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng hôm 29/4. Ông nói rằng Trung Quốc muốn ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, đối thủ của ông, chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng cuối năm nay nhằm giảm sức ép mà ông đặt ra cho Bắc Kinh về thương mại và các vấn đề khác.
“Họ liên tục sử dụng ngoại giao công chúng để khiến sự việc như thể họ vô tội”, Tổng thống Trump đề cập đến các quan chức Trung Quốc.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Tổng thống Trump cho biết ông đang cân nhắc các phương án khác nhau để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh. “Tôi có thể làm nhiều thứ”, ông nói.
Tổng thống Trump gần đây đã liên tục chỉ trích Trung Quốc về cách xử lý nCov, khiến dịch bệnh lan rộng ra thế giới. Đến nay, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 60.000 người ở Mỹ, và khiến kinh tế nước này rơi vào suy thoái nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến khả năng tái đắc cửa của ông Trump. Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc lẽ ra cần chủ động hơn trong việc sớm chia sẻ thông tin về nCov cho các nước trên thế giới.
Khi được hỏi liệu ông có cân nhắc dùng các đòn thuế quan với Bắc Kinh hay không, ông Trump từ chối trả lời cụ thể nhưng khẳng định: “Có nhiều điều tôi có thể làm. Chúng tôi đang tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra”.
Tổng thống Trump cũng cho biết thỏa thuận thương mại đạt được với ông Tập Cận Bình, được kỳ vọng giảm thâm hụt thương mại lâu nay giữa hai nước, “đã bị xáo trộn rất nghiêm trọng” vì tổn thất kinh tế nặng nề trong Covid-19.
Nigeria đòi Trung Quốc bồi thường 200 tỷ USD
Một nhóm luật sư Nigeria hôm 26/4 đã thông báo kế hoạch đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc, đòi bồi thường 200 tỷ USD vì những thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho quốc gia châu Phi này.
Theo Breitbart, các luật sư đã tiến hành vụ kiện tập thể, yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường cho những “tổn thất sinh mạng, bóp nghẹt về kinh tế, chấn thương, khó khăn, mất phương hướng xã hội, khủng hoảng tinh thần và cuộc sống bình thường của dân chúng bị phá hoại” do Covid-19 gây ra cho Nigeria.
Công ty luật Azinge & Azinge đã khởi xướng hành động pháp lý này và nhấn mạnh rằng họ đã hoàn thành thủ tục tố tụng tập thể chống lại chính phủ Trung Quốc.
“Nhóm chuyên gia pháp lý đã lên một kế hoạch gồm hai giai đoạn: đầu tiên là khởi kiện tại Tòa án cấp cao liên bang Nigeria; sau đó là thuyết phục chính phủ Cộng hòa liên bang Nigeria nộp đơn khởi tố quốc gia đối với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lên Tòa án công lý quốc tế ở Hague”, ông Epiphany Azinge, một trong những luật sư tổ chức khởi xướng vụ kiện nói với các phóng viên hôm 26/4.
“Các chuyên gia pháp lý này sẽ yêu cầu Trung Quốc bồi thường 200 tỷ USD và chính phủ Trung Quốc sẽ nhận được văn bản khởi tố thông qua đại sứ quán của họ ở Nigeria”, ông Azinge cho biết thêm.
Nigeria là nước xuất khẩu dầu lớn nhất của châu Phi. Dịch Covid-19 đã khiến giá dầu giảm nên Nigeria bị tổn thất nặng nề về kinh tế. Tính đến hết ngày 29/4, Nigeria đã ghi nhận 1.532 ca nhiễm Covid-19, trong đó 44 người đã tử vong. Tuy nhiên, theo Breitbart, các con số trên sẽ tăng lên đáng kể vì quốc gia châu Phi này có hệ thống y tế yếu kém. Ngoài ra, những ca bệnh và tử vong ở Nigeria đã được xác nhận không bao gồm hàng chục người dân đã chết ở các vùng nông thôn bởi “một căn bệnh lạ” nhưng không có cơ hội xét nghiệm nCov.
Ngoài việc phải gánh chịu thiệt hại từ virus Vũ Hán, người dân Nigeria tại Trung Quốc còn bị phân biệt đối xử. Ở thành phố Quảng Châu, nhiều người Nigeria và những công dân châu Phi khác bị đuổi khỏi nhà dù đã trả tiền thuê, bị bắt phải ngủ ngoài đường phố, phải xét nghiệm virus Vũ Hán nhiều lần mà không được thông báo kết quả.
Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng vì cách ứng phó với Covid-19. Ngoài Nigeria, nhiều tổ chức và khu vực trên thế giới đã đệ đơn kiện Bắc Kinh. Tại Mỹ, bang Missouri hôm 21/4 đệ đơn kiện chính phủ và một số cơ quan Trung Quốc vì hành động che giấu thông tin dẫn đến đại dịch Covid-19. Một ngày sau đó, bang Mississippi phát đi thông báo về một kế hoạch tương tự. Tập đoàn Luật Berman có trụ sở tại thành phố Miami, bang Florida của Mỹ hôm 20/4 cho biết hàng ngàn người Mỹ đã ký tên vào đơn khởi kiện tập thể yêu cầu chính quyền Trung Quốc bồi thường hàng tỷ USD.
Ngày 7/4, báo Arab News đưa tin, ông Mohamed Talaat sống tại tỉnh Gharbia, Nile Delta, phía Nam Cairo, đã đệ đơn kiện Tập Cận Bình, yêu cầu chính quyền Trung Quốc bồi thường cho Ai Cập 10.000 tỷ USD.
Trang Apple Daily vào ngày 5/4 cho biết, Hiệp hội Luật sư Ấn Độ đã đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, yêu cầu chính phủ Trung Quốc bồi thường vì đã khiến virus Vũ Hán lây lan khắp toàn cầu gây tổn thất to lớn.
Mỹ hối thúc Trung Quốc cho tiếp cận phòng thí nghiệm virus
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, hôm thứ Tư, một lần nữa lên tiếng đề nghị chính quyền Trung Quốc tạo điều kiện cho quốc tế tiếp cận phòng thí nghiệm về virus học của họ ở Vũ Hán, nói rằng thế giới cần phải hiểu đại dịch Covid-19 bắt nguồn như thế nào và Bắc Kinh có nghĩa vụ phải minh bạch, theo Reuters.
“Chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được, thế giới vẫn chưa tiếp cận được WIV (Viện Virus học Vũ Hán) ở đó. Chúng tôi không biết một cách chính xác virus này có nguồn gốc ở đâu”, ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hôm 15/4, Tổng thống Trump nói rằng chính phủ Mỹ đang điều tra nghi vấn nCoV xuất phát từ phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán. Người đứng đầu phòng thí nghiệm này nói với Reuters rằng những nghi ngờ đó là không có cơ sở thực tế.
Hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có người nhiễm nCoV
Tính tới thứ Năm, mặc dù đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã lây nhiễm cho hơn ba triệu người trên khắp thế giới, nhưng vẫn còn 34 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo rằng họ chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với nCoV, theo SBS News.
Trong số đó có nước Comoros và Lesoto ở Châu Phi, Tajikistan và Turkmenistan ở Trung Á, và các quốc đảo nhỏ xa xôi ở Thái Bình Dương như Nauru, Kiribati và Quần đảo Solomon.
Kể từ ngày 20/4 cho tới hôm nay, virus Vũ Hán đã xâm nhập 213/247 quốc gia và vùng lãnh thổ được Liên Hợp Quốc công nhận. Tuy nhiên có những quốc gia rất khó kiểm chứng được thông tin rằng họ có người nhiễm bệnh hay không, trong đó Triều Tiên là một ví dụ.
Coronavirus: Số ca tử vong tại Anh cao thứ hai ở châu Âu
Theo cập nhật của Worldometers lúc 9h ngày 30/4 (giờ Sydney), dịch Covid-19 xuất hiện tại 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 3.216.353 ca nhiễm, trong đó 227.894 người đã tử vong và 999.217 người khỏi bệnh.
Dưới đây là một số tin vắn nổi bật:
Khu vực châu Âu
Theo Reuters, cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) hôm 29/4 thông báo, tính đến ngày 28/4, Anh ghi nhận hơn 26,000 ca tử vong, sau khi đưa số người chết trong viện dưỡng lão và những nơi khác vào thống kê. Nước này trước đây chỉ thống kê ca tử vong trong bệnh viện. Với con số này, Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ hai tại châu Âu, sau Ý.
Giới chức Tây Ban Nha hôm 29/4 cho biết, nước này sẽ nới lệnh phong tỏa trong tuần tới và kêu gọi người dân kỷ luật hơn. Các quy tắc về việc đi thăm họ hàng, bạn bè sẽ được đưa ra trong những ngày tới. Hiện Tây Ban Nha chưa quyết định khi nào sẽ mở cửa lại ngành du lịch, ngành chiếm 12% tổng GDP của nước này.
Thủ tướng Janez Jansa hôm 29/4 thông báo, bắt đầu từ 30/4, Slovenia sẽ dỡ bỏ một hạn chế áp đặt vào cuối tháng 3, cho phép công dân đi ra ngoài thành phố của họ. Bộ trưởng Giáo dục nước này cho biết các trường học và nhà trẻ sẽ mở lại từ ngày 18/5.
Phần Lan hôm 29/4 thông báo sẽ dần mở lại các trường học và nhà trẻ từ ngày 14/5. Học sinh các trường trung học phổ thông và dạy nghề sẽ tiếp tục học từ xa.
Khu vực châu Mỹ
Theo New York Times, cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có kế hoạch sớm cho phép sử dụng thuốc chống virus Remdesivir trong điều trị Covid-19 sau những tín hiệu khả quan. Tiến sĩ Anthony S.Fauci, nhà khoa học hàng đầu về truyền nhiễm của chính phủ, ca ngợi kết quả thử nghiệm của loại thuốc này hôm 29/4, với hy vọng rằng thuốc có thể giúp ngăn chặn số người chết đang tăng cao.
Reuters cho biết, chính phủ Bolivia hôm 29/4 thông báo gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 10/5. Từ 11/5, Bolivia sẽ nới lỏng lệnh hạn chế, cho phép một số nhóm người quay trở lại làm việc. Tổng thống Jeanine Anez cho biết Bộ Y tế sẽ đánh giá tình hình dịch bệnh ở các khu vực 1 tuần 1 lần, từ đó quyết định nới lỏng hay thắt chặt hạn chế.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Ấn Độ ghi nhận thêm 73 ca tử vong, mức tăng cao nhất từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số người chết lên 1.007, trong số 31.331 ca nhiễm bệnh. Theo AFP, giới chuyên gia nghi ngờ số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều thống kê chính thức.
Khu vực Đông Nam Á ghi nhận hơn 43.239, trong đó hơn 1.500 người đã tử vong. Đông Timor và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất từ Covid-19, với lần lượt 24 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Khu vực Trung Đông và châu Phi
Reuters đưa tin, Yemen hôm 29/4 lần đầu tiên báo cáo có thêm nhiều ca nhiễm trong ngày. Năm trường hợp mới được phát hiện tại Aden, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên thành 6, trong khi Liên Hợp Quốc lo ngại dịch Covid-19 có thể lây lan rộng rãi ở quốc gia này mà không được phát hiện. Yemen có khoảng 24 triệu người, trong đó 80% dân số sống dựa vào viện trợ, 10 triệu người có nguy cơ phải đối mặt với nạn đói và hệ thống y tế của nước này yếu kém.
Chính phủ Jordan hôm 27/4 thông báo dỡ bỏ lệnh cấm lái xe được áp đặt vào giữa tháng trước nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan. Xe buýt và taxi cũng đã được phép hoạt động trở lại vào ngày 29/4. Hiện tại, các tiệm làm đẹp, nha khoa thẩm mỹ, hàng may mặc và trung tâm thương mại được phép mở lại sau khi hàng ngàn doanh nghiệp nối lại hoạt động vào tuần trước.
Nigeria sẽ dần nới lỏng các hạn chế tại bang Lagos, Abuja và Ogun từ 4/5 theo các giai đoạn. Người dân có thể đi làm, mua thực phẩm, tập thể dục và đi khám bệnh. Các ngân hàng sẽ được phép mở cửa từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Chính quyền cũng cho phép tụ họp tối đa 20 người. Tuy nhiên, các trường học chưa được mở lại, các chuyến bay chở khách vẫn bị cấm, các nhà hàng chỉ bán đồ mang đi trong khi tất cả các sự kiện văn hóa đều bị hủy bỏ.
Có thể Kim Jong Un đang sống khỏe tại biệt thự ven biển
Những bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể đang nghỉ ngơi tại một khu nghỉ mát ven biển sang trọng nằm trên bờ biển phía đông bắc của Bắc Hàn, bất chấp các tin đồn rằng ông đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, theo Fox News.
Hôm thứ Ba, NK Pro, trang web chuyên theo dõi Triều Tiên, thông tin rằng hình ảnh vệ tinh thương mại gần đây cho thấy những chiếc du thuyền xa xỉ thường được Kim Jong Un sử dụng đang đậu gần biệt thự của ông ở Wonsan.
“Ông ấy đã nghỉ dưỡng tại khu vực Wonsan kể từ ngày 13/4”, Chung-in Moon, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nói với Fox News. “Không có chuyển động đáng ngờ nào được phát hiện [ở Triều Tiên] cho đến nay”.
Yonhap đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, hôm thứ Tư, nói rằng Hoa Kỳ vẫn chưa nhìn thấy Kim Jong Un xuất hiện và đang tiếp tục theo dõi sát những vấn đề ở Triều Tiên, không chỉ xung quanh chuyện sức khỏe của lãnh đạo Bắc Hàn.
Xuất hiện bệnh lạ ở trẻ em, nghi liên quan tới Covid-19
Các bác sĩ ở nhiều nơi trên thế giới đều đang báo cáo về việc có nhiều trẻ em mắc một loại bệnh lạ hiếm gặp và có khả năng gây tử vong, họ nghi ngờ rằng bệnh lạ này có liên quan tới virus Vũ Hán, theo bản tin hôm thứ Tư của The Guardian.
Bệnh lạ được phát hiện ở hơn 100 trường hợp thuộc 6 quốc gia hiện đang là điểm nóng của Covid-19, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.
Các ca bệnh đầu tiên được phát hiện trong tuần này, bắt đầu từ một số trẻ em có biểu hiện sốc độc cùng với triệu trứng của bệnh Kawasaki, một loại rối loạn viêm ảnh hưởng đến mạch máu, tim và các cơ quan khác trong cơ thể.
Cho đến nay có 19 trẻ em ở Anh mắc bệnh lạ và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Bộ trưởng Y tế Pháp, Olivier Veran, hôm thứ Tư, nói rằng nước ông cũng phát hiện hàng chục trẻ em mắc bệnh lạ.
Hàn Quốc: Hỏa hoạn khiến gần 40 người thiệt mạng
Ít nhất 38 công nhân đã thiệt mạng và 10 người khác bị thương hôm thứ Tư trong vụ một vụ hỏa hoạn xảy ra tại một công trường xây dựng nhà kho nằm ở vùng lân cận thủ đô Seoul của Hàn Quốc, Yonhap đưa tin.
Nhân viên cứu hỏa cho biết vụ hỏa hoạn xảy ra lúc hơn 1h chiều tại một tòa nhà bốn tầng ở thành phố Icheon, cách Seoul 80 km về phía đông nam. Lực lượng cứu hỏa đã khống chế được đám cháy vào lúc 6:42 tối.
Trong số những người bị thương có 8 trường hợp đang ở tình trạng nguy kịch, các quan chức địa phương thông tin.