Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy 2/5

TQ dọa cắt nguồn cung y tế sau khi Hà Lan đổi tên VPĐD tại Đài Loan

Trước quyết định thay đổi tên của đại sứ quán trên thực tế của Hà Lan tại Đài Loan, Trung Quốc đe dọa sẽ tẩy chay hàng hoá và ngừng cung cấp vật tư y tế cho nước này.

Tên mới của “Văn phòng Hà Lan tại Đài Bắc” (Ảnh: Taiwan News)

Hôm 28/4, “Văn phòng Đầu tư và Thương mại Hà Lan” đã đổi tên thành “Văn phòng Hà Lan tại Đài Bắc.” Trưởng đại diện của văn phòng, ông Guy Wittich cho biết tên mới đơn giản hơn nhưng phản ánh sự mở rộng hợp tác giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực mới, do vậy các từ “thương mại và đầu tư” đã được bỏ đi.

Trong 8 năm qua, các văn phòng đại diện của Úc, Anh, Nhật và Ba Lan cũng đã có động thái tương tự, đơn giản hóa tên của các đại sứ quán trên thực tế của họ tại Đài Loan.

Phản ứng trước vụ việc, đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan đã trao tuyên bố phản đối chính thức, yêu cầu chính phủ Hà Lan giải thích việc đổi tên. Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố động thái đổi tên “liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” và nhắc nhở Hà Lan tuân thủ nghiêm túc “nguyên tắc một Trung Quốc.”

Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận chính của ĐCSTQ, dẫn lời “các nhà phân tích” cho rằng động thái của Hà Lan nhằm “khoe khoang vinh quang quá khứ và sỉ nhục hòn đảo” khi thông báo việc đổi tên được đưa ra đúng vào ngày 27/4 (ngày của Vua Hà Lan – kỷ niệm chế độ thực dân Hà Lan tại Đài Loan thế kỷ 17).

Một bài báo khác của Thời báo Hoàn Cầu phát hành cùng ngày đã dẫn lời nhiều “nhà phân tích” hơn, cho rằng “động thái khiêu khích” này của Hà Lan mang tính “phá hủy sự ổn định của khu vực” “có thể sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội.” 

Bài báo sau đó cho biết cư dân mạng Trung Quốc đang kêu gọi lập tức dừng xuất khẩu vật tư y tế sang Hà Lan, tẩy chay hàng hoá của Hà Lan và hủy các chuyến du lịch tới Hà Lan. Có người còn đăng hình nhà lãnh đạo Trịnh Thành Công (Zheng Chenggong), vị tướng thời Minh từng đánh bại Hà Lan tại Đài Loan, và viết “mặc dù ông từ triều đại nhà Minh, nhưng nhiều hậu duệ của ông vẫn ở đây, ngay bên kia eo biển Đài Loan.”

Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ tiếp tục dẫn lời của ông Lý Hải Đông (Li Haidong), giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, nói rằng các kế hoạch của Hà Lan nhằm tăng cường mối quan hệ với Đài Loan đã “can thiệp mạnh mẽ vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, làm mất ổn định khu vực và gây xáo trộn nghiêm trọng tới các nỗ lực quốc tế chống COVID-19,” đồng thời đề nghị chính phủ Trung Quốc xem xét việc dừng cung cấp vật tư y tế cho Hà Lan. 

Ông Lý Hải Đông cũng cáo buộc Đảng Tiến bộ Dân chủ Đài Loan (DPP) cúi đầu trước thế lực nước ngoài để hiện thực hóa “kế hoạch độc lập cho hòn đảo.” Ông cho rằng động thái này sẽ có thể “phá huỷ xã hội Đài Loan” và dẫn đến “tổn thất lâu dài đối với hòn đảo.”

Việc đe doạ đình chỉ nguồn cung y tế của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Hà Lan đang có hơn 39.000 can nhiễm và hơn 4.700 ca tử vong do Viêm phổi Vũ Hán. 

Tuy nhiên, việc đe dọa này có vẻ sáo rỗng, bởi Hà Lan gần đây đã thu hồi 600.000 khẩu trang y tế không đạt chuẩn nhập từ Trung Quốc. Nhiều nước khác cũng đã báo cáo về chất lượng tồi tệ của các thiết bị y tế do Trung Quốc sản xuất.

Gia Huy (theo Taiwan News)

Bắc Hàn đưa tin ông Kim xuất hiện trước công chúng, nhưng không có hình ảnh

Reuters và AFP dẫn tin tức của Thông tấn xã Bắc Hàn (KCNA) đưa tin vào tối thứ Sáu 1/5 (giờ địa phương) cho biết ông Kim Jong-un đã lần đầu xuất hiện trước công chúng sau nhiều tuần ẩn thân.

Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un. (Ảnh KCNA)

KCNA cho biết ông Kim Jong-un đã tham dự một buổi lễ khánh thành nhà máy phân bón ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 11/4, truyền thông nhà nước Bắc Hàn mới đưa tin về sự hiện diện của ông Kim Jong-un trước công chúng.

Tuy nhiên, KCNA và các hãng tin tức khác đã không đăng tải bất kỳ hình ảnh nào về sự kiện khánh thành nhà máy phân bón có sự tham dự của lãnh đạo tối cao Kim Jong-un.

Truyền thông quốc tế cũng chưa thể kiểm chứng độc lập tính chính xác của thông tin mà KCNA công bố.

Hơn ba tuần qua, cộng đồng quốc tế đã dấy lên nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông Kim Jong-un sau khi ông vắng mặt trong lễ kỷ niệm 108 năm ngày sinh của cố chủ tịch Bắc Hàn Kim Nhật Thành hôm 15/4. Ông Kim không có mặt trong sự kiện trọng đại này là bất thường vì từ khi lên cầm quyền năm 2011, ông chưa bao giờ bỏ qua ngày lễ quan trọng này.

Trong một tuần qua, nhiều tờ báo khắp Châu Á đã dẫn các nguồn tin giấu tên cho rằng ông Kim Jong-un có thể đã chết hoặc đang rơi vào tình trạng thực vật.

Tuy nhiên, các quan chức Hàn Quốc là những người từ đầu đã bác bỏ tin đồn chủ tịch Bắc Hàn gặp vấn đề sức khỏe. Một quan chức cấp cao của chính phủ Hàn Quốc khẳng định ông Kim “vẫn sống và khỏe mạnh” và ông ta vẫn đang kiểm soát toàn diện quốc gia cộng sản Đông Bắc Á này.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington chưa thấy bất kỳ báo cáo nào về nơi lưu trú của ông Kim Jong-un.

Chúng tôi chưa thấy ông ta. Chúng tôi không biết bất cứ tin tức nào để công bố bây giờ, chúng tôi đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ”, ông Pompeo nói trong một buổi họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư (29/4).

Trước đó, trong buổi họp báo tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai (27/4), Tổng thống Donald Trump nói với báo giới rằng ông biết khá rõ về tình hình của ông Kim Jong-un.

Tôi không thể nói với bạn một cách chính xác – vâng, tôi biết khá rõ tình hình, nhưng tôi không thể nói về nó bây giờ. Tôi chỉ cầu chúc ông ấy khỏe”, ông Trump nói.

Xuân Thành

Ngoại trưởng Mỹ lên án Trung Quốc bắt giữ người biểu tình Hồng Kông

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết động thái bắt giữ những người biểu tình gần đây tại Hồng Kông chứng tỏ ĐCSTQ đã không giữ lời hứa về thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ.” Ngoài ra, ông cho biết Hoa Kỳ sẽ điều tra vai trò của Trung Quốc trước mất mát của hàng chục ngàn sinh mạng và của cải ngay sau khi đại dịch chấm dứt.

mike-pompeo


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 29/4 đã lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ trong việc đàn áp người biểu tình Hồng Kông, bày tỏ quan ngại về việc sử dụng các thiết bị viễn thông Huawei tại các cơ sở ngoại giao Mỹ. Ông cũng đề cập đến trách nhiệm của Trung Quốc trong dịch bệnh.

Ông Pompeo cho biết Washington đang quan ngại trước các báo cáo về làn sóng bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ gần đây của chính quyền Hồng Kông. 

Đầu tháng này, cảnh sát đã vây bắt ít nhất 15 nhà hoạt động đối lập, bao gồm ông trùm truyền thông Jimmy Lai Chee-ying và luật sư danh tiếng Martin Lee Chu-ming.

Ngoại trưởng Mỹ nhận định các hành động gần đây tại Hồng Kông cho thấy ĐCSTQ đã không giữ lời hứa về thỏa thuận “Một quốc gia, hai chế độ”.

“Bất cứ nỗ lực nào để áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc lên Hồng Kông sẽ không phù hợp với lời hứa của Bắc Kinh và sẽ ảnh hưởng các lợi ích của Hoa Kỳ ở đó,” ông Pompeo nói.

Những bình luận này của Ngoại trưởng Mỹ theo sau bức thư hôm 28/4 của một nhóm lưỡng đảng các nhà lập pháp Hoa Kỳ thúc giục ông đưa các vụ bắt giữ gần đây vào bản đánh giá hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về quyền tự trị của Hồng Kông.

Kết quả đánh giá sẽ rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế đang trong tình trạng khủng hoảng của Hồng Kông. Việc xác định mức độ “tự trị” của khu vực hành chính đặc biệt sẽ là điều kiện tiên quyết để xác định có tiếp tục hay không các điều khoản đầu tư và thương mại ưu đãi của Hoa Kỳ với hòn đảo.

Ngoài vấn đề Hồng Kông, ông Pompeo cũng đề cập đến vấn đề an ninh khi sử dụng các thiết bị Huawei. Ông cho biết tất cả dữ liệu di động đi vào các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ thông qua mạng 5G của Huawei sẽ bị chặn. Động thái này được thực hiện theo các quy định được nêu trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia 2019.

“Ngay khi chính quyền TT Trump thực hiện những hành động chưa từng có để bảo vệ đường biên giới của chúng ta, chúng ta cũng đang bảo vệ nước Mỹ trên các biên giới mạng,” ông nói.

“Các công ty công nghệ thông tin không đáng tin cậy sẽ không có quyền truy cập vào những hệ thống của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ… Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả mọi thứ để đảm bảo các dữ liệu quan trọng trên mạng an toàn khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông Pompeo cho hay.

Cựu Giám đốc CIA đồng thời kêu gọi Bắc Kinh thực hiện các cam kết trong giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại được ký vào tháng 12, đồng thời đề xuất Trung Quốc hướng đến thỏa thuận giai đoạn 2 một cách “công bằng và có qua có lại.” Ông Pompeo cảnh báo việc xem xét cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tiến hành.

Ngoại trưởng Mỹ cũng tiết lộ Washington đang lên kế hoạch điều tra về vai trò của Trung Quốc trước mất mát to lớn về sinh mạng và của cải của công dân Mỹ.

Thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến ngôn từ về nguồn gốc của virus corona. Trong khi các quan chức chính quyền Mỹ cho rằng virus có thể đã thoát ra từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, các nhà ngoại giao Trung Quốc lại đưa ra giả thuyết quân đội Mỹ đã thả virus này trong thời gian Thế vận hội Quân sự tại Vũ Hán vào tháng 10 năm ngoái.

Ông Pompeo nhấn mạnh thông tin sai lệch tạo ra rủi ro, và một phần chức trách của Bộ Ngoại giao là bảo vệ người Mỹ khỏi các mối đe dọa, bao gồm việc nhận biết virus lây lan từ Vũ Hán như thế nào.

“Đảng Cộng sản Trung quốc nói họ muốn trở thành đối tác của chúng ta, họ muốn minh bạch,” ông nói.

“Nhưng Mỹ cần đối tác tin cậy, trong khi đó các nhà khoa học từ Hoa Kỳ và khắp thế giới vẫn chưa tiếp cận được Viện Virus học Vũ Hán và các phòng thí nghiệm khác nghiên cứu các mầm bệnh truyền nhiễm ở Trung Quốc,” ông Pompeo cho biết.

Trung Quốc đã lên tiếng phản đối những lời kêu gọi về sự minh bạch. Gần đây, nước này đã chỉ trích đề xuất của Úc về một cuộc điều tra quốc tế độc lập về đại dịch. Bắc Kinh đã miêu tả đây là “thủ đoạn chính trị”.

“Tôi đã thấy những bình luận của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đối với Úc, nước đã cả gan yêu cầu một cuộc điều tra,” Pompeo nói một cách mỉa mai. “Có ai trên thế giới này mà không muốn một cuộc điều tra để biết việc này đã xảy ra như thế nào cơ chứ?”

Ông cũng đề cập đến Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan mà chính quyền TT Trump cáo buộc có mối quan hệ quá nồng ấm với Bắc Kinh, “Chúng ta không nên giả vờ rằng bởi vì một tổ chức nào đó có chữ ‘y tế’ trong tên gọi thì nó thực sự có khả năng cung cấp những thông tin mà chúng ta cần.”

Gia Huy (theo SCMP)

Thân nhân của chính trị gia người Séc đã chết cho biết Trung Quốc đã khiến ông đột ngột qua đời

Taiwan News hôm 1/5 đưa tin, vợ và con gái ông Jaroslav Kubera, chủ tịch Thượng viện Séc đã lên tiếng cáo buộc đại sứ quán Trung Quốc tại Prague là nguyên nhân gây ra cái chết của chồng và cha họ.

Chủ tịch Thượng viện Séc Jaroslav Kubera từ trần đột ngột, thọ 72 tuổi (ảnh chụp từ video https://www.youtube.com/watch?v=qQ8lS1mGoSU).

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Séc vào ngày 26/4, vợ và con gái của ông Jaroslav Kubera cho biết, ông Kubera đã nhận được hai bức thư đe dọa từ đại sứ quán Trung Quốc và từ văn phòng tổng thống Séc cảnh báo ông không được đến thăm Đài Loan.

Cụ thể, vợ ông Kubera cho biết, lá thư của đại sứ quán Trung Quốc đã yêu cầu chồng bà hủy chuyến đi đến Đài Loan và đe dọa sẽ để các tập đoàn lớn của Séc trả giá đắt nếu ông quyết định vẫn làm như vậy. Đồng thời, vào ngày 17/1, chồng bà đã được mời đến một bữa tiệc mừng Tết Nguyên đán do Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức. Nhân dịp đó, Đại sứ Trung Quốc Chien-Hung Zhang đã đe dọa chồng bà không được thực hiện chuyến đi tới Đài Loan.

Ba ngày sau cuộc gặp gỡ đó, tức là vào ngày 20/1, ông Kubera đã chết trong văn phòng của mình, thọ 72 tuổi.

Kim Jong Un xuất hiện công khai

Reuters dẫn tin từ hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm thứ Bảy (2/5) cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tham dự khánh thành một nhà máy phân bón ở khu vực phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Đây được cho là báo cáo đầu tiên về hoạt động công khai của Kim Jong Un kể từ ngày 11/4.

Theo KCNA, Kim đã cắt băng khánh thành tại buổi lễ hôm 1/5 trong khi những người tham dự sự kiện đã “vỡ òa trong tiếng reo hò ầm ầm”.

Kim đã đi cùng với một số quan chức cấp cao của Triều Tiên bao gồm em gái của ông là bà Kim Yo Jong, theo KCNA.

Sau báo cáo của KCNA, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông sẽ có điều gì đó để nói về Kim vào thời điểm thích hợp.

Tỉnh Alberta của Canada ra mắt ứng dụng theo dõi người từng tiếp xúc với người nhiễm Covid-19

Theo Reuters, tỉnh Alberta của Canada hôm thứ Sáu (1/5) cho biết, tỉnh này sẽ sớm ra mắt ứng dụng điện thoại đầu tiên của đất nước để theo dõi những người từng tiếp xúc với người nhiễm virus Vũ Hán, trong bối cảnh nước này đang dần khởi động lại nền kinh tế.

Ontario, tỉnh đông dân nhất của Canada cho biết tỉnh này cũng đang xem xét việc sử dụng ứng dụng này.

Thủ tướng Justin Trudeau hôm 29/4 cho biết, điều quan trọng là phải đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu hài hòa với nhu cầu thu thập thông tin về sự lây lan của virus.

Ngân hàng Đầu tư Châu Âu tăng cường hợp tác với WHO trong đại dịch

Theo Reuters, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) hôm 1/5 cho biết, ngân hàng sẽ tăng cường hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc chống lại đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Phi dễ bị tổn thương.

Trong khi EIB cho biết ngân hàng đang lên kế hoạch hỗ trợ 1,4 tỷ euro để giải quyết các tác động về sức khỏe, xã hội và kinh tế do virus Vũ Hán gây ra ở Châu Phi, thì ngân hàng này không đưa ra thông tin chi tiết về việc sẽ viện trợ bao nhiêu cho WHO.

Thủ tướng Ý xin lỗi vì chậm trễ trong thanh toán phúc lợi xã hội

Reuters đưa tin, Thủ tướng Giuseppe Conte hôm 1/5 đã gửi lời xin lỗi tới hàng triệu người dân Ý vẫn chưa nhận được hỗ trợ tài chính do đại dịch Covid-19 mà chính phủ đã hứa từ lâu.

“Đã có, và vẫn còn, một số chậm trễ trong các khoản tiền được giải ngân”, ông Conte viết trên Facebook. “Tôi thay mặt chính phủ gửi lời xin lỗi và tôi đảm bảo với mọi người rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục đốc thúc việc thanh toán và sự tài trợ sẽ được hoàn thành sớm nhất có thể”.

Related posts