Nguyễn Tường Thiết
Tình cờ trên một số báo Văn cũ, số Xuân Quý Mùi 2003, tôi được đọc một truyện ngắn của nhà văn Mai Ninh. Đoạn văn sau đây trong truyện “Mưa mùa xa” khơi dậy trong tôi nhiều kỷ niệm xưa, về một thời tuổi trẻ sôi động năm 1963.
“Rồi tôi, cô bé mười ba bấy giờ biết những chấn động đầu tiên trong đời qua màn sương phả suốt đêm giới nghiêm, ngập ngụa những tờ truyền đơn ướt nát, những mảng biểu ngữ rách bươm và gậy gộc lẫn nhang đèn vung vãi trên vỉa hè sau cuộc biểu tình tuyệt thực rầm rộ trước nhà, loa phóng thanh rền rĩ niệm kinh suốt buổi chiều. Lẫn trong tiếng nước dập rồn rã vào cửa liếp và những chậu kiểng mẹ trồng thay hàng dâm bụt với gốc tầm ruột xanh từng chùm đã đốn đi, thỉnh thoảng rú lên hụ còi xe quân cảnh tuần tiễu chạy rút giữa lòng đường…”
Những tờ truyền đơn ướt nát hồi đó mà cô bé Mai Ninh trông thấy không thể nào tồn tại trên đường phố lâu quá 24 tiếng đồng hồ. Số phận của chúng là được rải đi để rồi tan biến trong lòng các ống cống vỉa hè Sài Gòn.
Thế nhưng…
Do một sự hết sức tình cờ một tờ truyền đơn của thời ấy được tìm thấy trên đất Mỹ 40 năm sau. Tờ giấy tầm thường ấy bây giờ nằm trong tay tôi không còn mang bất cứ một ý nghĩa nào cả ngoại trừ nó là chứng tích của một thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ tôi, tuổi trẻ thế hệ chúng tôi, những người mà giờ đây nếu còn sống hẳn đã hai màu tóc hoặc một màu tóc bạc trên đầu.
*
Tháng 8 năm 2003 tôi nhận được điện thư của một người quen cũ, anh Nguyễn Trọng Nho. Năm ấy anh Nho dự định tổ chức một buổi họp mặt tại nam Cali gồm những người đã một thời từng là sinh viên và quen nhau tại khuôn viên các trường đại học Sài Gòn trong bàu khí sôi sục của năm 1963. Anh Nho đặt tên cho cuộc họp mặt ấy là “bốn mươi năm nhìn lại”.
Gặp nhau để làm gì? Tôi tự hỏi.
Như thể đọc đươc ý nghĩ của tôi, anh viết tiếp: “Gặp nhau không để làm gì cả, ngoài nhìn lại tuổi trẻ của mình”.
Tôi viết thư tính từ chối lấy lý do ở xa. Nhưng nghĩ thế nào tôi lại lấy vé bay xuống Cali. Chính dòng chữ sau đây của anh Nho đã khiến tôi đổi ý: “Gặp nhau là quý. Gặp nhau khi còn có thể. Cuộc đời của chúng ta rồi cũng sẽ qua đi… ”. Anh Nho không phải là nhà văn nhưng những dòng chữ ấy khiến lòng tôi se lại.
Trước khi đi tôi gấp làm tám một tờ giấy đã nhầu nát bỏ trong ví. Đó là một tờ truyền đơn quay ronéo có tiêu đề: “Lời kêu gọi của Ủy-ban chỉ-đạo sinh-viên liên khoa gởi toàn thể anh chị em sinh-viên học-sinh thủ-đô và toàn quốc” ký tên 5 sinh viên: Nguyễn Hữu Đống, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Trọng Cảnh, Nguyễn Tường Thiết, Dương Kiền. Ủy ban được thành lập trong Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào đêm ngày 1-11-1963, cái đêm chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng hòa của miền Nam Việt Nam.
Tôi hy vọng trong cuộc họp mặt tại nhà anh Nho tôi sẽ được gặp lại mấy anh đã cùng tôi ký tên trên tờ truyền đơn. Tôi hình dung trước nét mặt ngạc nhiên của các anh ấy khi tôi đưa ra tờ giấy. Chính tôi, tôi cũng ngạc nhiên gần như sửng sốt khi tình cờ tìm thấy nó. Điều trớ trêu là trong suốt 40 năm tờ truyền đơn nằm ở ngay sát cạnh tôi mà tôi không hay biết.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi rời khỏi Việt Nam tôi đã may mắn mang theo được hai tập bản thảo hai tác phẩm sau cùng của thân phụ tôi, nhà văn Nhất Linh. Hai tập bản thảo đó tôi cất giữ bên mình suốt 40 năm trời ở Mỹ nhưng không một lần nào tôi mở ra xem kỹ từng trang. Cho mãi đến năm 2003 khi tôi cho tái bản cuốn Giòng Sông Thanh Thủy, tôi giở từng trang một để đánh máy và lặng người tìm thấy một tờ truyền đơn nằm kẹp giữa tập bản thảo.
Đúng như tôi đoán trước tờ truyền đơn trở nên trọng tâm sự chú ý của mọi người. Tất cả truyền tay nhau. Không phải để đọc tờ truyền đơn quay ronéo ấy, vì nội dung của nó nay đã trở thành vô nghĩa, mà chỉ cốt sờ vào cái tờ giấy nhầu cũ vàng úa để có cảm tưởng mình sờ vào chính tuổi trẻ thời sinh viên của mình. Ở nhà anh Nho hôm đó chỉ có hai người ký tên trên tờ truyền đơn có mặt là anh Nguyễn Trọng Cảnh (1) và tôi. Chúng tôi kéo nhau ra phố làm photocopy tờ tuyền đơn. Trở về nhà anh Nho anh Cảnh và tôi trao đổi nhau hai tờ phóng ảnh để lưu niệm. Trên tờ anh Cảnh giao tôi, cạnh chữ ký của chính anh 40 năm trước, anh Cảnh ký tên anh với lời chú thích trong dấu ngoặc (40 năm sau). Anh Cảnh là người thứ ba ký trên tờ truyền đơn. Lúc ấy anh là sinh viên năm thứ tư kỹ sư Điện. Chữ ký của anh 40 năm sau vẫn y như vậy. Tôi cũng ký tên như thế trên một tờ phóng ảnh khác và tặng lại anh. Năm đó tôi 23 tuổi và là sinh viên năm thứ ba của đại học khoa học Sài Gòn.
Buổi chiều hôm đó trời Cali có nắng nhưng không nóng. Bên chiếc bàn dài đặt ở sau vườn nhà anh Nho chúng tôi, khoảng hơn 10 người, ngồi ôn chuyện cũ (2). Câu chuyện đến một lúc trở về với biến cố ngày 1 tháng 11 năm 1963, tôi nhắc lại về trường hợp hình thành của tờ truyền đơn và những gì năm sinh viên chúng tôi chứng kiến vào cái đêm không ngủ, cái đêm “lạc đường” vào trong Bộ Tổng tham mưu QLVNCH. Không muốn làm mất thì giờ của các anh, vả lại chuyện xẩy ra đã quá lâu tôi hầu như đã quên hết, nên hôm đó tôi không kể chi tiết. Tôi chỉ hứa là trong tương lai nếu có dịp tôi sẽ viết lại. Hôm đó tôi không nói ra nhưng trong bụng tôi nghĩ lý do tôi muốn viết lại bởi vì trong số năm sinh viên ấy tôi tin rằng mình là người duy nhất lại “lạc đường” vào trong Bộ Tổng tham mưu QLVNCH một lần thứ hai, đúng vào cái đêm cáo chung nền Đệ Nhị Cộng hòa của miền Nam Việt Nam, đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Hai đêm lịch sử ấy, hai đêm cáo chung của hai nền cộng hòa miền Nam, cách nhau 12 năm. Trong hai “đêm trắng” ấy mặc dù tôi tình cờ có mặt trong cơ quan đầu não của quân lực miền Nam vào những giờ phút nghiêm trọng nhất của đất nước, nhưng vì ở một cương vị rất khiêm tốn (là một sinh viên trong đêm thứ nhất và là sĩ quan cấp nhỏ trong đêm thứ hai) tôi hoàn toàn không được chứng kiến, không được biết đến, những gì đã thực sự xẩy ra trong Bộ Tổng tham mưu ở trên cấp bực cao. Chính vì vậy tôi chỉ nói là hai đêm đó tôi đã “lạc đường” vào trong Bộ Tổng tham mưu mà không dám bảo là mình đã “lạc đường vào lịch sử”, như lối nói của tác gỉa Nguyễn Mạnh Côn.
*
Chị Nho là người đàn bà duy nhất trong buổi họp mặt hôm ấy. Trong cương vị chủ nhà chị tiếp những người bạn của chồng mình rất niềm nở. Chị tươi cười nhanh nhẹn mang thức ăn từ trong bếp ra bầy trên chiếc bàn dài sau vườn nhà. Thấy chị một mình vất vả chúng tôi cũng đứng lên phụ chị mỗi người một tay. Người xách ghế, kẻ bầy bàn… Biệt thự của anh chị Nho nằm trên một quả đồi trong một khu sang trọng và biệt lập. Xe chúng tôi lên dốc dừng trước cổng sắt. Tài xế bấm vào intercom liên lạc với chủ nhà để mở cánh cổng vào trong khu vực.
Ăn cơm xong, trời ngả chiều. Sau mấy tiếng đồng hồ tranh luận sôi nổi chuyện cũ chuyện mới, mọi người bây giờ lắng xuống. Tay cầm cốc cà-phê, tay kia điếu thuốc lá, hai ba người ngả lưng sau ghế, trầm ngâm. Riêng tôi, tôi cố gắng nhớ lại hai đêm ấy. Tôi tưởng tượng sau này nếu tôi viết, tôi sẽ viết như thế nào.
Điều tôi chắc chắn là tôi không thể viết theo trình tự thời gian, bởi vì khi tôi tập trung để nhớ lại thì hai đêm đó hòa chập vào nhau làm một, xuất hiện hầu như cùng một lúc. Ở một thời điểm này những hình ảnh của một mảnh đời vụt lóe. Rồi nhòe đi chồng lên mảnh khác, thời điểm khác. Rồi lại vụt tắt. Cứ thế chúng giao thoa chồng chéo đè giẫm lên nhau. Tôi ước ao có một thứ dụng cụ nào tựa như máy chụp hình hay máy quay phim có thể ghi nhận, chụp bắt những mảnh thoáng hiện đó trong trí nhớ tôi. Nhưng cố nhiên không thể được. Tôi đành phải viết ra vậy.
***
Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tổng Cục quân huấn, Bộ Tổng tham mưu QLVNCH.
Tôi ngồi im trong bóng tối một gian phòng rộng. Tôi ngồi im như thế lâu lắm. Lúc ấy tôi không có ý niệm về thời gian nhưng chắc là vào khoảng nửa khuya. Các ngọn đèn trong phòng đều tắt. Ánh sáng từ một ngọn đèn ở hành lang chiếu qua những khung cửa sổ chiếu mờ mờ gian phòng với dẫy bàn ghế trống vắng. Vài chiếc mũ sĩ quan đặt trên mặt bàn. Mỏi mệt, tôi chuyển thế ngồi. Lúc đó tôi mới để ý chiếc giầy trận và bộ quân phục tôi mặc vội chiều nay rộng quá khổ. Tôi là sĩ quan, cấp bực trung úy, thuộc Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị. Nhưng vì trước đó không lâu tôi đã được biệt phái giáo chức nên rất ít khi tôi mặc đồ nhà binh. Chiều nay tôi vội sỏ bộ đồ này của người khác, vì nhu cầu khẩn cấp theo chân đại tá Nguyễn Tiến Lộc vào trong bộ Tổng tham mưu.
Tôi lắng nghe. Từ xa rất xa cứ cách vài phút lại “ục” một cái, vọng về một tiếng nổ trầm. Qua cửa sổ trong màn đen ở chân trời lâu lâu lóe lên một ánh hỏa châu. Ánh vàng tỏa ra rồi lặng lẽ lụi trong bóng đêm.
Trong yên tĩnh tôi nghe có tiếng lầm rầm rất nhỏ ở góc phòng. Đúng hơn là một tiếng gì nghe như tiếng rên rỉ. Tôi nhìn về phía đó. Chỗ ấy tối quá tôi không trông rõ người, chỉ thấy được lờ mờ cái lưng của một vị sĩ quan. Ngồi cúi đầu trong bóng tối, ông ta đang rên rỉ hay đang khóc thầm? Tôi không rõ. Lát sau tôi nhận ra không phải là tiếng rên rỉ mà chính là tiếng nói của ông ta, nói gằn nhưng cố ghìm giọng xuống cho thật nhỏ. Đột nhiên tiếng nói cất cao hơn khiến tôi nhận ra là từ nẫy ông ta đang nói trên điện thoại. Giọng ông ta có tiếng gắt: “Anh đã bảo rồi mà! Anh không thể nào về được! Cắm trại một trăm phần trăm! Anh không về được!”. Rồi tiếng ông ta lại nhỏ xuống, rền rĩ: “Em đi ngay đi! Ra ngay bến tàu. Còn kịp mà! Mang con đi ngay! Đừng đợi anh… Nghe anh đi! Anh van em… Anh lạy em…”.
Một tiếng “kịch”sau đó. Ông ta gác máy, đầu gục xuống bàn. Cái lưng ông ta bắt đầu rung rung. Rồi tiếng khóc bật lên, không kìm hãm, nức nở trong gian phòng vắng. Hồi lâu sau, ông ta đứng dậy, chụp chiếc mũ lên đầu, mở cửa đứng tần ngần nhìn trời một lát rồi bước hẳn ra ngoài. Đèn ở hành lang chiếu rõ nét mặt. Những thớ thịt trên mặt ông căng lại. Nhưng hai làn môi mím chặt thì lại run lên bần bật. Tôi thoáng thấy hai bông mai bạc lóe trên chiếc mũ ông ta trước khi ông biến mất vào bóng đêm.*
Mười hai năm trước. Đêm 1 rạng ngày 2 tháng 11 năm 1963. Bộ chỉ huy, Bộ Tổng tham mưu QLVNCH.
Tôi bước lên những bực thang cao dẫn lên Bộ Chỉ Huy. Lúc ấy trời tối đen. Trong đại sảnh to lớn những sĩ quan trong bộ quân phục vàng đi lại vội vã. Không khí nghiêm trọng. Tôi đứng trân ở đó, ngỡ ngàng. Tại sao tôi lại có mặt ở đây? Trong bộ đồ dân sự lạc lõng ở nơi này?
Lát sau một quân nhân cấp bậc đại úy lại gần. Một người mặc thường phục đi cạnh viên sĩ quan. Anh ta dáng người khá cao, to ngang, mặt tròn, đầu hói, giơ bắt tay tôi, rồi tự giới thiệu bằng giọng Huế: “Nguyễn Hữu Đống, sinh viên kiến trúc”. Sau khi viên sĩ quan đi khỏi anh Đống dẫn tôi đến góc phòng, nơi đã có ba người mặc thường phục, ba sinh viên như chúng tôi, chờ ở đấy. Chúng tôi bắt tay nhau và tự giới thiệu. Trong số bốn sinh viên có mặt đêm hôm đó tôi chỉ biết mỗi Dương Kiền, vì anh Kiền năm ấy là luật sư tập sự, phụ tá cho luật sư Đinh Trịnh Chính, người mà bốn tháng trước đã thụ lý hồ sơ biện hộ cho cha tôi trong phiên tòa xử ngày 8 tháng 7 (nhưng cha tôi đã tự vẫn vào ngày hôm trước).
Vào khoảng nửa đêm, cửa mở. Trung tướng Dương Văn Minh từ trong phòng họp bên cạnh bước ra đại sảnh. Oai vệ, cao lớn trong bộ quân phục vàng thẳng nếp, ba ngôi sao bạc lấp lánh trên cầu vai, tướng Minh tiến lại phía chúng tôi. Ông bắt tay từng người một và ngỏ ý cảm ơn các anh em sinh viên đã có mặt ở đây trong đêm lịch sử này để làm hậu thuẫn cho cuộc cách mạng.
Tôi là người cuối cùng được tướng Minh bắt tay. Khi ông cúi xuống tôi trông thấy nét mỏi mệt trĩu nặng trên gương mặt đăm chiêu. Ngay khi ấy, anh Đống đứng cạnh tôi giới thiệu tôi với tướng Minh: “Thưa Trung tướng, anh Thiết đây là con của nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam”.
Nghe thế, tướng Minh nhìn sâu vào mắt tôi, môi ông mím lại. Ông đưa cao cánh tay trái đặt lên vai tôi trong khi tay kia vẫn cầm tay tôi, nắm chặt. Tôi cảm thấy trên bả vai mình bàn tay to lớn của ông vừa ấn xuống vừa bóp khẽ nhè nhẹ. Tôi nói vài câu vắn tắt với tướng Minh, trong đó tôi nhắc một kỷ niệm năm năm về trước, năm 1958, tướng Minh đã có lần ghé thăm vườn lan của cha tôi ở Đà Lạt (Tướng Minh và cha tôi có chung một cái thú đam mê: hoa phong lan), nhưng tôi không biết những lời tôi nói lúc ấy có lọt vào tai ông không, vì hình như tâm trí tướng Minh còn đang rối bời về cuộc đảo chánh mà ông cầm đầu đang diễn tiến chưa ngã ngũ; tôi chỉ biết là môi ông ta mím chặt lại như muốn ngăn một sự xúc động. Ông cứ đặt tay lên vai tôi như thế, khá lâu, không nói với tôi một lời.
Lát sau như chợt tỉnh, tướng Minh đứng thẳng người lại. Ông bóp mạnh một cái vào bả vai tôi, rồi buông tay. Day qua bên cạnh, tướng Minh trả lời anh Đống câu nói lúc nẫy của anh khuyên tướng Minh nên đi nghỉ vì trông vị tướng này đã quá mỏi mệt:
“Qua phải chờ một cú điện thoại nữa mới yên tâm mà đi nghỉ được. Một cú điện thoại nữa…”
Nói xong tướng Minh quay người trở lại phòng họp. Lúc ấy khoảng nửa đêm rạng sáng ngày mồng 2 tháng 11 năm 1963. Nội dung của cú điện thoại đó đến nay với tôi vẫn còn mãi là một dấu hỏi bí ẩn.*
“Cắm trại một trăm phần trăm. Anh không thể nào về được”. Câu nói của vị trung tá trên điện thoại với vợ khiến tôi nghĩ ngay đến hoàn cảnh mình. Tôi cũng đang bị kẹt trong Bộ Tổng tham mưu QLVNCH, cũng trong tình trạng cắm trại 100%, giống hệt như ông ta. Chỉ khác một điều là trong khi vợ con của vị trung tá kia còn đang ở Sài Gòn thì vợ con tôi đã rời Sài Gòn chiều hôm trước trên chiếc máy bay C-130 của không lực Mỹ và giờ này chắc đang có mặt tại đảo Guam.
Chúng tôi bốn người. Bốn sĩ quan của quân lực VNCH. Hai trung úy là Nguyễn Đình Hùng và tôi. Hai người kia là hai anh em ruột, đều là anh rể của Hùng, đại tá Nguyễn Tiến Lộc và trung tá Nguyễn Văn Lạc. Đại tá Lộc là thành viên của Ủy ban Liên hợp Quân sự Bốn bên. Vào những ngày chót của cuộc chiến một chương trình di tản bằng phương tiện máy bay của không lực Mỹ được thiết lập dành cho vợ con và thân nhân của những thành viên Ủy ban Quân sự.
Một ngày sau khi vợ con của bốn chúng tôi đã rời khỏi Việt Nam, tình hình chiến sự hết sức nguy ngập. Cộng quân đã tiến sát vào thủ đô. Bốn chúng tôi dính chùm nhau ngồi đợi tại tư gia của đại tá Lộc, số 27 đường Trương Quốc Dung, Phú Nhuận. Tất cả các radio, transistor trong nhà được bật lên nghe ngóng tin tức chiến sự. Đại tá Lộc theo dõi đài phát thanh Hoa Kỳ trên làn sóng FM. Ba chúng tôi hoàn toàn phó thác số mệnh cho con chim đầu đàn là đại tá Lộc, lúc này đang nghĩ rất lung tìm cách vượt thoát khỏi Việt Nam, vì tình hình đã tuyệt vọng và vì vợ con của bốn người đã rời khỏi nước.
Giữa nhà có một cái bàn mạt chược vuông vức trải vải nhung màu xanh lá cây đậm, bốn chiếc ghế ở bốn cạnh bàn. Chúng tôi bốn người. Ngồi nghe ngóng tin tức trong mấy tiếng đồng hồ tinh thần căng thẳng quá, đại tá Lộc đề nghị chúng tôi chơi mạt chược để giải trí. Tất cả đều là dân mê mạt chược, trừ tôi. Tôi không biết đánh. Đại tá thất vọng, nhìn tôi nói: “Tao chán mày quá!”. Bây giờ nghĩ lại cũng may mà tôi không biết đánh mạt chược. Nếu tôi biết đánh và nếu bốn chúng tôi mê mải trong bàn mạt chược không theo dõi sát tình hình, thì cuộc diện có thể thay đổi hẳn, chúng tôi có thể bị kẹt lại ở Việt Nam và cuộc đời của chúng tôi rẽ hẳn sang một hướng khác.
Đêm hôm đó, đêm 29 tháng Tư, không hiểu nghĩ thế nào – có thể là ông nghĩ Mỹ sẽ bốc những sỹ quan cao cấp trong đó vào giờ phút chót – đại tá Lộc bất thần ra lệnh Hùng và tôi mặc quân phục, lên xe jeep, lái vào trong Bộ Tổng tham mưu QLVNCH. Đây là một tính toán sai lầm. Ông không hay biết rằng vào đó tức là đâm đầu “vào rọ”. Những quân nhân trong đó đêm hôm ấy bị cắm trại 100%. Trong khi nhiều quân nhân khác trong đó có thể đang tìm mọi cách để ra khỏi rọ mà không được thì bốn chúng tôi lại đâm đầu vào. Trong Bộ Tổng tham mưu, đại tá Lộc lái đến Tổng Cục quân huấn, nơi trung tá Lạc làm việc, bỏ ba chúng tôi tại đó, một mình ông lái xe đến Bộ Chỉ huy, trình diện vị Tổng tham mưu trưởng sau cùng của quân lực miền Nam, trung tướng Vĩnh Lộc. Vị tướng này hẳn là rất ngạc nhiên trước sự hiện diện bất ngờ của đại tá Lộc vào cái thời điểm này.
Suốt tối hôm đó cho đến nửa đêm, ngồi trong căn phòng tối của Tổng Cục quân huấn, chúng tôi nghe thấy lẫn trong tiếng pháo kích, tiếng đại bác ỳ ầm vọng tới từ miền ngoại ô, có lẫn tiếng máy bay rầm rộ từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất sát bên Bộ Tổng tham mưu lướt qua đầu chúng tôi. Đó là hàng đoàn những chiếc C-130 của không lực Hoa Kỳ cất cánh trong nỗ lực tuyệt vọng mang những đợt người di tản sau cùng rời khỏi Việt Nam.
Khoảng ba bốn giờ sáng ngày 2 tháng 11 năm 1963 đèn bật sáng choang trong đại sảnh Bộ Chỉ huy Bộ tổng tham mưu. Tướng Dương Văn Minh tái xuất hiện. Ông chỉ thị cho viên sĩ quan tùy tùng làm sự vụ lệnh cấp năm chiếc xe Dodge 4 đưa năm chúng tôi sang bên Nha Chiến tranh Tâm lý. Tôi ngồi một mình một xe, cạnh tài xế. Chiếc xe lướt đi trong bóng đêm trên những con đường vắng tiến về phía trung tâm của thành phố Sài Gòn. Qua sở thú, đến đường Hồng Thập Tự gần cầu Thị Nghè, xe rẽ vào trong Nha Chiến tranh Tâm lý.
Tại Nha chúng tôi thảo truyền đơn. Sau đó bản thảo được đưa cho một hạ sĩ quan đánh máy trên giấy stencil để quay ronéo. Ở cuối tờ truyền đơn đề tên năm sinh viên. Khi được hỏi về phân khoa nào và học năm thứ mấy, tôi phân vân. Các ngành luật, kiến trúc, kỹ sư… có chia rõ sinh viên năm thứ mấy, còn các ngành khác như đại học khoa học, văn khoa… người ta chỉ nói sinh viên chứng chỉ này, chứng chỉ nọ. Cuối cùng tôi cũng cứ đề đại sinh viên năm thứ ba, tính từ năm tôi đậu Tú Tài II.
Khi mấy ngàn tờ truyền đơn được in xong thì trời đã sáng hẳn. Chúng tôi ngồi trên năm chiếc Dodge 4 rời Nha Chiến tranh Tâm lý đi về năm hướng khác nhau của thành phố Sài Gòn. Mỗi người được trang bị một thùng truyền đơn và một cái haut parleur cầm tay.
Chiếc Dodge 4 chạy về hướng trung tâm thành phố. *
Từ nửa khuya cho đến rạng sáng, cứ cách một tiếng đồng hồ lại có tiếng xe jeep đậu trước Tổng Cục quân huấn. Đại tá Lộc bước vào phòng. Trong bóng tối tôi thấy ông rầm rì nói chuyện với người em trai. Ông nói vắn tắt rồi vội vã đi ngay. Lúc này không còn tiếng C130 rầm rộ bay qua đầu. Tôi nghe rõ hơn tiếng súng. Xen lẫn những tiếng đại bác nổ còn lẫn tiếng súng nhỏ từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất.
Khoảng tờ mờ sáng đại tá Lộc bảo ba chúng tôi lên xe, lái thẳng ra cổng Trại.
Đêm trước sau khi trình diện vị Tổng tham mưu trưởng, đại tá Lộc được tướng Vĩnh Lộc giao phó trách nhiệm kiểm soát hệ thống phòng thủ toàn thể khu vực Bộ Tổng tham mưu. Với chức vụ mới này đại tá Lộc suốt đêm hôm đó đã lái xe đi kiểm soát tất cả các trạm gác, các cửa ngõ ra vô trại, và mỗi lần đi thanh tra một vòng như thế đại tá lại ghé qua Tổng Cục quân huấn trao đổi vài câu ngắn ngủi với trung tá Lạc. Gần sáng đại tá xin tướng Vĩnh Lộc về nhà để lấy một số vật dụng tùy thân. Tuy được phép ra khỏi trại nhưng chúng tôi cũng rất lo, bởi vì vòng đai phòng thủ bên ngoài của trại thuộc lực lượng Dù, và lính dù Dù có thể bắn vào tất cả những quân nhân nào toan tính vượt thoát ra khỏi doanh trại Bộ Tổng tham mưu.
Chiếc jeep ngừng lại trước cổng. Đại tá Lộc xuống xe, tiến về phía trạm gác. Thiếu tá trưởng trạm nhấc điện thoại gọi vào trong Bộ chỉ huy xin xác nhận. Rồi cổng mở. Chiếc xe mang bốn chúng tôi vọt ra.
Như một khúc phim câm đen trắng được quay lại rất chậm chiếc xe jeep lặng êm chạy qua cổng trại của Bộ Tổng tham mưu. Lúc đó khoảng năm giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lúc xe vượt qua cổng ấy tôi có cảm giác như có nhiều mũi súng đang hướng từ phía sau. Bên ngoài vắng hoe. Lực lượng dù đông đảo trấn giữ ở đây đêm trước đã bất ngờ rút. Chiếc jeep lăn trên đường Công Lý. Trời còn mờ tối. Phố xá vắng. Chốc chốc vọng tiếng nổ ỳ ầm ở xa. Có xen lẫn những tiếng súng nhỏ. Chân trời lóe sáng từng chập.
Chiếc jeep chạy về hướng trung tâm thành phố.
*
Trung tâm thành phố Sài Gòn bừng bừng khí thế cách mạng buổi sáng ngày 2 tháng 11 năm 1963. Đại lộ Thống Nhất dẫn đến Dinh Độc Lập đông nghẹt người xuống đường. Chiếc Dodge 4 khó khăn lách qua đoàn người biểu tình đi nghênh ngang giữa lộ.
Phía trước Dinh Độc Lập đối diện Vương Cung Thánh Đường rừng người và biểu ngử tràn ngập đường phố; đám đông trèo lên những chiếc xe thiết giáp đậu dọc con đường Công Lý. Trong công viên dưới hàng cây sao những người lính dù trong bộ quân phục rằn ri ngồi dựa gốc cây nghỉ, nón sắt bỏ bên cạnh, yên lặng hút thuốc. Chung quanh họ dân chúng bu quanh hỏi chuyện. Nhiều người đem bánh mì và nước uống cung cấp cho binh sĩ.
Tiếng hoan hô, đả đảo vang động trong đám đông. Khích động bởi không khí cuồng nhiệt tôi như người sôi máu. Tôi mở cửa hông xe, đứng hẳn dậy, thò đầu ra ngoài xe, tay tôi vung lên cao tung từng xấp truyền đơn bay lả tả trên đầu trên vai đám người dưới đường tranh nhau bắt lấy. Đưa chiếc máy phóng thanh cầm tay lên miệng tôi đọc lớn lời kêu gọi của Ủy-ban chỉ-đạo sinh-viên liên khoa gửi toàn thể anh chị em sinh-viên học-sinh thủ đô và toàn quốc: “Quân đội đã đứng lên lật đổ chế độ độc tài thối nát vào 2 giờ chiều ngày hôm nay 1-11-1963 để làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc… bổn phận của chúng ta là phải làm hậu thuẫn cho cuộc cách mạng…” Ngay khi tờ truyền đơn vừa được đọc xong một thanh niên trong đám đông đu người lên xe đứng nghiêng người cạnh tôi. Anh ta dằng lấy máy phóng thanh trong tay tôi, hô lớn: “ Đả đảo độc tài gia đình trị!”. Lập tức cả trăm tiếng hô vang dậy: “Đả đảo! Đả đảo!”. “Hoan hô cách mạng thành công!”… “Hoan hô!”…
*
Trời đã tỏ rạng hơn sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đường phố im vắng. Không một bóng xe. Sài Gòn như ngưng tiếng thở. Hai bên đường đám đông người đi bộ gương mặt thất thần. Họ đi… đi thất thểu đi xuôi đi ngược đi vất vưởng đi không định hướng như những thân xác không hồn.
Ngồi sau chiếc xe jeep cảm giác của tôi lúc đó thật lạ. Không lo âu. Không sợ hãi. Không kinh hoảng. Chỉ thuần một sự mê lịm.
Xe đi qua đường Trần Quốc Toản rẽ vào trong sân rất rộng của trụ sở Ủy ban Liên hợp Quân sự. Trong sân một đám đông người đã tụ ở đó. Ai nấy đứng ngửa cổ ngóng lên trời cao nhìn vài chiếc phi cơ cuối cùng rời khỏi thành phố bay về hướng biển. Trong đám đông có vài ánh lóe nhấp nháy tuyệt vọng của những chiếc gương làm hiệu lên bàu trời. Sau khoảng 15 phút đứng chờ ở đó tôi nghe tiếng đại tá Lộc nói: “Không xong rồi!”. Đại tá ra lệnh chúng tôi thay lại đồ dân sự. Chúng tôi vứt bỏ đồ trận và súng ống ở trong sân của trụ sở rồi nhẩy lên jeep. Phía trước tôi nghe mẩu đối thoại khẽ, ngắn. Trung tá Lạc: “Mình đi đâu?”. Đại tá Lộc: “Tôi tìm đường xuống Gò Công”. Trung tá Lạc: “Không nên. Không kịp. Tụi nó đã vào sát Sài Gòn. Đi Nhà Bè. Gần nhất”.
Xe chạy qua đường Thống Nhất. Tôi nhìn lại lần cuối Tổng Cục CTCT, đơn vị cuối cùng tôi phục vụ. Bên cạnh Tổng Cục tôi chứng kiến cảnh dân chúng trèo tường vào trong Tòa Đại Sứ Mỹ. Trên hè rộng trước Tòa Đại Sứ la liệt đồ đạc do dân chúng tràn vào hôi của bỏ lại. Xe qua Khánh Hội. Một cảnh tương tự xẩy ra ở Kho 5. Dân chúng tràn vào kho hôi của hoặc tìm đường ra tàu thoát thân. Đu trên hàng rào mắt cáo của Kho 5 bầy người đông nghẹt chen nhau hỗn loạn. Trên đường Trịnh Minh Thế dẫn đến Nhà Bè có rất nhiều vòng kẽm gai chắn ngang đường. Trung Tá Lạc chốc chốc lại xuống xe kéo vòng gai để chiếc jeep lách qua chạy tiếp. Gần đến Nhà Bè một cảnh tượng tôi không bao giờ quên được. Một toán lính Địa Phương Quân khoảng vài chục người đi nghêng ngang giữa lộ. Đám lính không súng ống, không giầy trận tơi tả đi về hướng Sài Gòn. Vừa đi vừa lột vứt áo trận xuống đường.
Đến Nhà Bè ngang một bến tàu là kịch đường. Tuyệt lộ. Chiếc jeep đỗ khựng. Chúng tôi nhìn quanh. Bến tàu vắng hoe. Giữa lòng sông Sài Gòn những chiếc tàu đủ loại lướt qua mang theo những đợt người di tản sau cùng của thành phố.
Bốn chúng tôi nhìn đoàn tàu hối hả đi ngang trên lòng sông rộng, nghĩ tới vợ con tất cả đã rời khỏi nước bằng máy bay của cơ quan DAO từ hôm trước mà lòng não nùng tuyệt vọng. Đúng vào lúc ấy một người đàn ông không biết từ đâu chạy tới nói nhỏ: “Các ông di tản?”. Chúng tôi gật đầu. Ông ta bèn “mách nước”: “Ở mé kia có một cái xuồng máy vừa cập bến. Họ đang lấy xăng. Các ông có thể xin quá giang qua tàu lớn đậu ở ngoài sông”. Mách xong ông ta ngửa tay xin Đại tá Lộc cái chìa khóa xe jeep. Cầm chìa khóa trong tay ông ta lại xin thêm thẻ chủ quyền xe rồi ông ta biến mất. Trong cơn mê hoảng và nỗi tuyệt vọng chúng tôi lúc ấy không ai nghĩ đến việc ông ta có thể lừa chúng tôi để lấy xe. Chúng tôi chạy vội đến chỗ ông ta chỉ thì quả nhiên có chiếc xuồng máy đậu. Trên xuồng có dăm ba người lính. May mắn tột cùng làm sao một người lính trên xuồng vừa mới vượt thoát từ Đà Nẵng về nhận ra ngay đại tá Lộc khi ông còn phục vụ ngoài Quân đoàn I mấy năm trước và cho chúng tôi xuống xuồng. Bốn chúng tôi sau đó được chuyển qua một con tàu lớn đi ra cửa biển. Con tàu này mang tên Tourane 3.
Cùng thời gian ấy cách 10 cây số về hướng tây nơi trung tâm thành phố bây giờ mang tên Hồ Chí Minh chiếc xe tăng đầu tiên của phía bên kia từ hướng Thị Nghè đang tiến trên đường Thống Nhất hướng về Dinh Độc Lập.
Tàu Tourane 3 đi ngang khúc sông Lòng Tảo. Có tiếng súng lớn nổ từ hai bên bờ sông nhắm vào đoàn tàu chạy ở giữa dòng. Trong số người di tản có một người chết: nhà văn Chu Tử.
Trong lúc tàu tiến về phía cửa biển tôi nghe từ một chiếc radio của đám người tị nạn giọng nói của Tổng thống Dương Văn Minh, vị Tổng thống sau cùng của VNCH, tuyên bố đầu hàng.
Trí tôi thoáng hiện hình ảnh mười hai năm trước trong đêm cáo chung của nền Đệ nhất Cộng hòa. Đó là hình ảnh của tướng Dương Văn Minh ngay sau khi ông được giới thiệu tôi là con của cha tôi, đôi môi ông mím chặt lại như muốn ngăn chặn một sự xúc động, bàn tay to lớn của ông đặt lên bả vai tôi vừa ấn xuống vừa bóp khẽ nhè nhẹ.
Rồi tôi nghe bài Nối Vòng Tay Lớn trôi đi trên cùng làn sóng của chiếc radio ấy, giọng hát thiếu tiếng đàn đệm của người nhạc sĩ họ Trịnh …
*
Phía trước tôi con sông mở rộng. Đoàn tàu di tản mấy chục chiếc nối nhau tiến về cửa biển Cần Giờ. Cách sáu dặm về hướng đông những chiếc chiến hạm Hoa Kỳ thuộc Đệ thất hạm đội nằm chờ sẵn ở ngoài khơi.
Đoàn người di tản trên chiếc Tourane 3 được chuyển qua một chiến hạm của hải quân Việt Nam, chiếc HQ16, trực chỉ hướng đông đến Phi Luật Tân. Nơi đây, trước khi trao trả chiếc chiến hạm này cho hải quân Mỹ, một buổi lễ hạ kỳ được tổ chức đơn giản trên boong chiếc HQ16.
Mấy trăm người di tản gồm cả quân nhân lẫn dân chúng, cả nam lẫn nữ thuộc đủ mọi lứa tuổi nhìn chiếc cờ ba sọc đỏ như ba dòng máu tươi từ từ hạ xuống trong buổi chiều vàng của vịnh Subic Bay. Buổi hạ cờ chấm dứt chóng vánh và trong sự lặng lẽ. Không tiếng kèn. Không quốc ca. Chỉ có những tiếng nức nở.
Tôi nhìn mặt biển phẳng lỳ trải mênh mông trước mặt nghĩ đến tương lai vô định của mình và có cảm tưởng như tất cả tuổi trẻ của tôi vừa mới khép lại phía sau lưng mình. Tuổi trẻ ấy đã mở ra cùng với tờ truyền đơn của một đêm nào. Một tuổi trẻ quá ngắn. Mới mười hai năm.
Nguyễn Tường Thiết
(1) Chú thích của người viết: Bài này viết lần đầu năm 2003 dưới tựa đề TỜ TRUYỀN ĐƠN, được chỉnh sửa và đổi tựa vào tháng Tư năm 2020. Giữa thời gian hai lần viết, ba trong số năm người ký tên trong Tờ Truyển Đơn đã qua đời: Nguyễn Trọng Cảnh, Nguyễn Thanh Hùng, Dương Kiền.
(2) Trong số những người có mặt tại nhà anh Nho hôm ấy có anh họ tôi, luật sư Nguyễn Tường Bá. Không lâu trước khi tôi viết những dòng chữ này anh Bá đã mất vào ngày 19 tháng 4 năm 2020 tại San José, California, Hoa Kỳ.